Hội Nông dân Việt Nam vận động hội viên, nông dân tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
TCCS - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vận động, hướng dẫn, giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam các cấp, hội viên, nông dân Việt Nam đang từng bước thay đổi tư duy và ngày càng phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Những điều đó đã góp phần xây dựng hình mẫu người nông dân Việt Nam mới, với khát vọng phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Những thành tựu xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp hàng hóa
Trong hơn 10 năm qua, thực hiện các Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng, đặc biệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10-5-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”; nông dân Việt Nam đã và đang phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với những thành tựu rất to lớn. Cả nước đã đầu tư hơn 2,4 triệu tỷ đồng trong 10 năm qua cho xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế nông thôn.
Hội Nông dân Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Hình mẫu người nông dân mới có trí lực, thể lực, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trọng nghĩa tình, quyết tâm sản xuất, kinh doanh giỏi vì khát vọng phát triển nông nghiệp thịnh vượng và nông dân giàu có được Hội Nông dân Việt Nam các cấp triển khai xây dựng, thực hiện một cách sinh động trong quá trình xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thực sự là sự nghiệp đổi mới của nông dân, do nông dân, vì nông dân với 63% tổng số xã của cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các công trình điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ và nhân dân làm là chính”, đã tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn, từ các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở khu vực nông thôn, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp từ 53,9% năm 2009 xuống còn 35,3% năm 2019 và giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 3% năm 2020. Đặc biệt, các di sản văn hóa và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được các hộ nông dân cùng cộng đồng thôn, bản bảo tồn và phát huy. Các hộ nông dân vẫn luôn là một cộng đồng cố kết chặt chẽ bằng quan hệ luật tục theo dòng họ, dòng tộc, huyết thống, quê quán, dân tộc trong nông thôn Việt Nam. Các mô hình và điển hình về định canh, định cư bền vững theo khát vọng “ly nông không ly hương”, được sống thanh bình và được học nghề sản xuất, kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều, với 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp mỗi năm và hình thành một bộ phận nhà nông trí thức hay công nhân nông nghiệp, đóng vai trò dẫn dắt trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, các cấp hội đã làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, cung cấp thông tin thị trường, dịch vụ vật tư để hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả mối quan hệ liên kết, hợp tác sáu nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối), đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền trong hoạch định các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo chuỗi giá trị mà nông dân là nhân vật trung tâm thực hiện sự liên kết theo chuỗi đó.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và để nâng cao chất lượng hội viên, cán bộ hội, Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 6-8-2019, “Về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, với 2.101 chi hội và 24.432 tổ hội được thành lập (tính đến ngày 31-12-2020). Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Hướng dẫn số 205-HD/HNDTW, ngày 10-7-2020, về “Quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp” theo phương thức “năm tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “năm cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Chi hội nông dân nghề nghiệp đã khắc phục được một số nhược điểm của chi hội nông dân truyền thống, duy trì ý thức tổ chức, đạt được “ba cao” trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao), hình thành một bộ phận cán bộ hội hội đủ đức và tài; đặc biệt, một bộ phận hội viên có trình độ kiến thức và năng lực đóng vai trò dẫn dắt ở nông thôn.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc của nông thôn đã và đang được xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù năm 2020 bị đại dịch COVID-19; đồng thời, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ nghiêm trọng đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt 6%/năm, riêng năm 2020 vẫn đạt 2,91%; nông nghiệp tiếp tục chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có quy mô ngày càng lớn, với sự chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao ngày càng được các hộ nông dân chú trọng; coi trọng gắn kết sản xuất với thị trường và gắn kết hữu cơ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực sự đóng vai trò kiến tạo trong quá trình chuyển đổi sâu rộng của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp liên tục tăng từ 2,8% - 3%, là tốc độ cao của thế giới, với lượng sản xuất hằng năm là 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8 triệu tấn thủy sản cả khai thác tự nhiên và nuôi trồng, gần 20 triệu m3 gỗ rừng trồng. Sản lượng hạt tiêu Việt Nam đứng đầu thế giới, sản lượng cà-phê thô đứng thứ hai trên thế giới, sản lượng cao-su đứng thứ sáu trên thế giới. Thành tựu đó đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu dân Việt Nam, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và xuất khẩu đạt trên 41 tỷ USD đến các thị trường trên thế giới, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam
Thực tế hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún, chưa được liên kết, hỗ trợ từ các hợp tác xã và doanh nghiệp. Chỉ mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khoảng 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nên đang gặp khó khăn trong chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và khó cạnh tranh. Các loại hình thiên tai, như bão trên Biển Đông; dông, lốc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng; hạn hán, xâm nhập mặn... đã và đang diễn ra gây thiệt hại rất nghiêm trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Các vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong khi Chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) của Việt Nam đứng thứ 141/180 trên thế giới và chỉ xếp trên duy nhất Mi-an-ma trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điều lo ngại thật sự nếu không chuyển đổi mạnh mẽ tư duy.
Việt Nam đang hội nhập theo 14 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có mặt tích cực là được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi từ cách quản trị cho đến tổ chức theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước có tiềm lực (về kinh tế, khoa học - công nghệ, tài nguyên, thu nhập quốc dân) khác nhau. Các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như giống cây, giống con, vật tư, phân bón và đầu ra tiêu thụ nông sản vẫn còn lệ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ bên ngoài. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng. Các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường vẫn còn có những điểm vướng mắc gây mất nhiều thời gian và cơ hội phát triển nông nghiệp. Các chính sách đất đai và phát huy vai trò của kinh tế nông hộ đã đem lại nhiều thành công, nhưng đến nay đang mất dần động lực khi nông hộ và nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún đang đứng trước thực tế thiếu kết nối sản xuất với thị trường, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của hàng nông sản.
Trước những khó khăn, thách thức và hạn chế nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định sẽ đồng hành cùng với hội viên, nông dân Việt Nam quyết tâm vượt qua; bởi lẽ, nước ta có những tiềm năng, lợi thế và cơ hội rất lớn. Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng lớn là dân số gần 100 triệu người, dồi dào nhân lực trẻ, được giáo dục phổ thông tốt, đang hình thành một bộ phận nông dân được trí thức hóa, cần cù và chịu khó, đoàn kết và yêu nước, tự lực, tự cường, sáng tạo và có khát vọng phát triển một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Việt Nam có sự đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng và sinh học, cho phép sản xuất được cả ba nhóm nông sản nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới, với hàng nghìn giống cây, con, thổ sản quý hiếm. Thế giới ngày càng có nhu cầu được cung ứng lương thực, thực phẩm và đây sẽ là cơ hội, là “cái duyên” của nông dân Việt Nam trong những năm tới, với sự hợp tác quốc tế giữa nước ta và các nước đã cùng ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, với mối quan hệ hợp tác liên kết “sáu nhà” mà doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” và Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò trung tâm, nòng cốt nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 3% - 3,5%; đến năm 2025, nông dân Việt Nam sẽ có giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 50 tỷ USD nhờ có khoảng 80% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có khoảng 25.000/50.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, có khoảng 40.000 trang trại và khoảng 8 triệu hộ nông dân tham gia xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh, gắn với hình thức tổ chức chi hội nông dân nghề nghiệp và hợp tác xã kiểu mới.
Trước những khó khăn, thử thách và cơ hội mới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần vận động nông dân chuyển đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững bằng những nhiệm vụ và giải pháp thiết thực.
Thứ nhất, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, thấm nhuần năm quan điểm chỉ đạo của Đảng, mục tiêu phát triển đất nước, định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Đại hội XIII của Đảng quyết định, tạo nhận thức thống nhất và ý chí phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân. Các chỉ tiêu đến năm 2025 là: Có tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu là 80%, trong đó có ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn kiểu mới; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn là 93% - 95%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 42%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25% và kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%, để có GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD - 5.000 USD và tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1% - 1,5% hằng năm sẽ được Hội Nông dân Việt Nam các cấp tuyên truyền sâu rộng, nhằm chuyển đổi tư duy trong hội viên, nông dân.
Thứ hai, từ định hướng của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp hội sẽ vận động hội viên, nông dân thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng Hội Nông dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và chính quyền các cấp để xây dựng bổ sung và đồng bộ các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; về thể chế liên kết vùng giữa các địa phương và phát huy vai trò của vùng động lực với vùng còn khó khăn, nhằm phát triển các sản phẩm tiềm năng, lợi thế, nhiều hàm lượng công nghệ, chất lượng và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; tham gia có hiệu quả vào mảng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần thu hẹp sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và dân tộc ở nước ta. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần chuyển dần từ vai trò “giúp nông dân” sang vai trò là đối tác tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, kiến thức kinh doanh và tham gia thị trường; chỉ có như vậy, mới thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp và tạo ra sự chuyển đổi lớn mang tính cách mạng sâu sắc, từ tích tụ ruộng đất đến đầu tư khoa học - công nghệ, nông dân được đào tạo nghề, được gia tăng kiến thức từ sản xuất sang kiến thức kinh doanh nông nghiệp, vì mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực và phát triển sâu rộng các ngành, nghề phi nông nghiệp; xây dựng “xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc” theo chủ trương đổi mới của Đảng ta.
Thứ ba, các cấp hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại... Thực tế, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã và đang tích cực phát huy các giá trị tinh thần và chuẩn mực đạo đức truyền thống trước nhiều xu hướng tích cực và tiêu cực ngoại lai thâm nhập vào xã hội Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, đạo đức xã hội đang biến động mạnh mẽ, trong đó có yếu tố bị xuống cấp, nhiều mối quan hệ đạo đức truyền thống tốt đẹp không được tôn trọng và chủ nghĩa cơ hội và thực dụng phát triển, coi trọng kinh tế và coi nhẹ văn hóa, lối sống thực dụng, bè phái và “lợi ích nhóm” đang làm lung lay nền tảng đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, nông thôn Việt Nam đang có biến động mạnh mẽ về quan hệ xã hội và đang phải gánh chịu tác động ngày càng mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, xảy ra trên tất cả các vùng kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng và đòi hỏi bức thiết của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn ổn định, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, mà trọng tâm là xây dựng người nông dân mới, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trọng nghĩa tình, sống hòa thuận, dân chủ, nêu cao ý chí và quyết tâm phát triển nông nghiệp thịnh vượng và nông dân giàu có, luôn cầu thị học tập kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh để thực sự là chủ nhân của đất nước với nhân cách, lối sống tốt đẹp hướng tới chân - thiện - mỹ. Các cấp hội sẽ thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, từng bước khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam, bằng cách xác định và xây dựng hình mẫu người nông dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh thật sự là những người có trình độ kiến thức và năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Trên nền tảng xây dựng nông thôn mới, với trọng tâm là đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững, các cấp hội sẽ cùng hội viên, nông dân xây dựng nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, bình đẳng, đoàn kết, trật tự, an toàn, thật sự nhân ái; thanh bình, sáng, xanh, sạch, đẹp, “làng trong phố, phố trong làng”, “ly nông không ly hương”, luôn là miền quê đáng sống; ấm no, hạnh phúc.
Các cấp hội sẽ cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, như tập trung đổi mới, đẩy mạnh giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng, vun đắp, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Xây dựng xã hội học tập, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh có năng suất, chất lượng, giá trị cao; nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong cải tạo môi trường cảnh quan nông thôn, tập trung sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh, trật tự ở nông thôn. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, nhất là phòng, chống đại dịch COVID-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, chăm sóc tốt sức khỏe của nhân dân; tăng cường liên kết “sáu nhà” nhằm thay đổi dần tư duy trong sản xuất, kinh doanh để góp phần cùng Chính phủ và chính quyền các cấp xây dựng thành công chiến lược thương hiệu quốc gia. Xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, mà trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội hội đủ đức, tài để Hội Nông dân Việt Nam giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu trong công cuộc chuyển đổi tư duy mang tính cách mạng rất sâu sắc này./.
Những điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020  (20/01/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp  (01/12/2020)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (19/11/2020)
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta  (19/10/2020)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay