Một số nội dung cơ bản về xây dựng văn hóa chính trị
TCCS - Nhìn vào thành quả lãnh đạo cách mạng nước ta gần một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện như là một lực lượng tiên phong, sáng suốt, một tập hợp của những chiến sĩ giương cao ngọn cờ đấu tranh cho những giá trị chân chính của con người. Đảng đã chiếm được trái tim và khối óc của gần một trăm triệu người Việt Nam. Có được như vậy là do Đảng ta luôn cầu thị vì một nền văn hóa chính trị.
Văn hóa được hiểu như là cái cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc và những truyền thống tốt đẹp, là tinh hoa, là yếu tố xuyên suốt toàn bộ lịch sử, tạo nên sức trường tồn của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa còn được hiểu là một tập hợp bao gồm hệ thống các giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và trí tuệ, phẩm chất và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thu cái mới từ bên ngoài, bản lĩnh và ý thức bảo vệ bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình, để không ngừng lớn mạnh.
Văn hóa chính trị là một hệ giá trị văn hóa được con người lựa chọn tiếp nhận và biểu hiện ra trong quá trình hoạt động chính trị. Trước hết, đó là trình độ giác ngộ khoa học về chính trị, tức là sự nắm vững các tri thức, giúp con người nhận thức đúng bản chất của lợi ích và quyền lực chính trị, biết phân biệt sự khác nhau, động cơ, thái độ và hành vi trong hoạt động chính trị. Sự giác ngộ về văn hóa chính trị được hình thành từ hai nguồn tri thức khoa học lý luận và từ kinh nghiệm thực tiễn. Cần hiểu văn hóa chính trị là chất lượng tổng hợp của tri thức và kinh nghiệm hoạt động chính trị, là tình cảm và niềm tin chính trị của mỗi cá nhân tạo thành ý thức chính trị, động cơ thúc đẩy họ vươn tới những hành động chính trị một cách tự giác phù hợp với lý tưởng chính trị của xã hội.
Văn hóa của cả loài người nói chung mang tính năng động và sáng tạo, nghĩa là đổi mới không ngừng. Tuy có sự khác nhau trên con đường phát triển của các nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới, thậm chí có nền văn hóa trong một thời gian nhất định bị ngừng trệ, thoái lui, nhưng ở tầm lịch sử và mang tính thời đại thì văn hóa của các dân tộc và của loài người luôn trong xu thế vươn lên từ thấp đến cao, từ lạc hậu tới văn minh, hiện đại. Chính vì vậy, văn hóa là đổi mới và văn hóa chính trị đổi mới cũng là tất yếu và sự đổi mới ấy luôn gắn với đặc điểm, yêu cầu của từng thời kỳ.
Văn hóa chính trị có thể được nhận dạng qua: Thứ nhất, là nhu cầu và thói quen, qua hành động tích cực tham gia của cá nhân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội theo những chuẩn mực nhất định vì lợi ích của cộng đồng, bảo vệ, tán thành, ủng hộ hoặc phê phán, phản đối những hiện tượng, những sự việc ở các lĩnh vực trong đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật...) theo những chuẩn mực văn hóa và quan điểm, lập trường chính trị nhất định. Thứ hai, là qua giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ (cá nhân với cá nhân, đồng nghiệp, đồng cấp, cấp trên với cấp dưới; cá nhân với tổ chức; cá nhân với xã hội trên các vấn đề thuộc về lợi ích). Một trong những biểu hiện của hình thức này là văn hóa tranh luận, văn hóa đối thoại. Văn hóa chính trị của từng cá nhân bộc lộ qua quan điểm giai cấp, lập trường chính trị, khí chất, năng lực trí tuệ, trình độ tư duy, dấu ấn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, tác phong, nhân cách... của mỗi người, từ mỗi công dân bình thường đến các chính khách, các nhà lãnh đạo, quản lý nắm trong tay quyền lực chính trị. Thông qua quan hệ giao tiếp, ứng xử có thể đánh giá trình độ văn hóa chính trị của mỗi người ở các mức độ: Mức độ tự biết mình; mức độ biết lắng nghe tiếp nhận, chọn lọc và xử lý thông tin; mức độ biết thích ứng và đáp ứng để thỏa mãn nhu cầu của người khác vì mục tiêu chính trị; trung thành với lý tưởng chính trị, tính trung thực và khiêm nhường, sự kiên quyết, khéo léo, mưu lược, lòng nhân ái, hướng về nhân dân, dân tộc và tận tụy phục vụ nhân dân một cách có hiệu quả.
Xây dựng văn hóa chính trị trên tinh thần “tự chỉ trích”
Sự vĩ đại của một Đảng, một dân tộc không thể chỉ nhìn vào một số hiện tượng nhất thời, những khúc quanh co và thụt lùi, không thể thiển cận chỉ thấy “cây” không thấy “rừng”, chỉ thấy những “bóng mây” đen tối tạm thời che mờ bản chất sáng ngời của chân lý. Lịch sử là khách quan, hiện thực thì cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, nhưng để đánh giá bản chất thì phải dưới ánh sáng của những giá trị văn hóa, văn minh. Bình tĩnh và khách quan nhìn ngược lại một chặng đường dài và cùng nhìn thẳng vào những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải, như thế không những sẽ cho ta nhìn rõ những giá trị đích thực, mà còn thấy được cái giá phải trả, cái nghị lực phi thường của một đảng cách mạng chân chính.
Nhìn vào sự vĩ đại của một đảng chính trị, trước hết, phải thấy ở chỗ đảng đó đã biết vượt qua những trở lực khó khăn, thậm chí cả những sai lầm để đề ra được đường lối và quyết sách chiến lược đúng trong những thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt. V.I. Lê-nin đã từng nói, cái gì có thể áp dụng đối với cá nhân con người, thì tuy mức độ có khác nhau, cũng có thể áp dụng vào chính trị và các chính đảng được. Người thông minh không phải là người không phạm sai lầm. Không có và không thể có những người không sai lầm. Người nào phạm sai lầm, biết nhanh chóng nhận ra sai lầm, tìm nguyên nhân và đề ra chủ trương, biện pháp khắc phục có hiệu quả, người đó là người thông minh, một người đã đạt tới một đẳng cấp văn hóa cao.
Suốt chín thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không phải không có những sai lầm. Đảng từng phạm sai lầm trong những năm mới ra đời, những năm chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong lãnh đạo kháng chiến, trong cải cách ruộng đất và cả trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng sự vĩ đại của Đảng chính là ở sự tự chỉ trích, tự phê bình, dũng cảm nhận ra và sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện với tư cách một đảng có đạo đức, có văn hóa, một đảng văn minh.
Trong nhiều thời kỳ, Đảng luôn phải đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu tư tưởng sai lầm, biểu hiện của tệ bè phái, cục bộ, khuynh hướng giáo điều, cơ hội hữu khuynh và ấu trĩ tả khuynh. Đảng đã nhiều lần chỉnh đốn tổ chức của mình, thẳng thắn nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm, mạnh dạn cắt bỏ khỏi “cơ thể” những “khối u” gây hại cho phong trào cách mạng của nhân dân. Đảng đã kiên trì làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu.
Sự vĩ đại của Đảng chính là ở chỗ hơn 90 năm qua (1930 - 2020) không bao giờ tự mãn, tự thấy tổ chức của mình đã hoàn thiện, hoàn mỹ, mà luôn tự phê bình, tiếp nhận phê bình của nhân dân, gắng sửa chữa để đổi mới Đảng. Chỉnh đốn Đảng luôn được coi như là điều kiện tồn tại và phát triển mà lãnh tụ của Đảng - Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã suốt đời quan tâm, nhắc nhở.
Nhìn từ thái độ đối với sai lầm, khuyết điểm, người ta thấy được sức mạnh của đảng chân chính. Chỉnh đốn Đảng, đổi mới Đảng, kết nạp những người ưu tú nhất vào Đảng, đưa ra khỏi Đảng những kẻ thoái hóa, biến chất, trừng trị những kẻ lợi dụng danh nghĩa Đảng để trục lợi; công khai, công bằng; không dung túng, bao che, “nhẹ trên, nặng dưới”... là thể hiện ý chí và quyết tâm của Đảng. Hiếm có một lãnh tụ vừa nhân từ, khoan dung đối với mọi người, vừa nghiêm khắc, phục tùng kỷ luật Đảng và phép nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù đau xót, Người vẫn phải dằn lòng ký lệnh tử hình đảng viên là cán bộ cấp cao đã phạm tội trước nhân dân. Nỗi đau đó của lãnh tụ đã góp phần làm nên sự vĩ đại của Đảng. Nhân dân tin tưởng vào hành động quang minh chính đại của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên lấy đó mà răn mình để ngày càng xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Xây dựng văn hóa của nhà lãnh đạo chính trị
Văn hóa chính trị không có mục đích tự thân trong đời sống chính trị, không tự nhiên hình thành ở mỗi cá nhân cũng như ở các nhà chính trị, ở đảng chính trị, nhưng cần xây dựng, bồi dưỡng để trở thành nhu cầu nội sinh trong từng cá nhân, tổ chức. Từ đó, mới tạo được nền tảng để tập hợp, giáo dục quần chúng, tìm ra được các hình thức tổ chức phù hợp để quy tụ mọi tầng lớp, giai cấp xã hội phấn đấu theo định hướng của đảng chính trị.
Con đường hình thành văn hóa chính trị ở mỗi con người khác nhau nhưng nhìn tổng quát có thể thấy một số điểm chung: Thông qua một quá trình giáo dục và giáo dưỡng của hệ thống giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội và từ sự tự nỗ lực tìm kiếm, học hỏi của mỗi người; hình thành từ hoạt động thực tiễn, từ sự trải nghiệm của mỗi người trong đời sống chính trị, trong lao động sản xuất và giao tiếp với cộng đồng.
Ngày nay, một đảng chính trị, một cá nhân có văn hóa chính trị chỉ khi hiểu được định hướng của sự phát triển, chủ động tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới để đạt được những mục tiêu tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, cụ thể đó là sự giàu có về đời sống vật chất và tinh thần của người dân; sự hùng cường, tự chủ, văn minh của đất nước.
Để trở thành nhà lãnh đạo chính trị, phải có động cơ hành động đúng đắn. Động cơ hành động là thước đo trình độ văn hóa chính trị của mỗi cá nhân, là văn hóa chính trị được vật chất hóa thông qua sự hiện hữu của mỗi con người.
Động cơ là nội lực của mỗi con người, không thể chỉ bằng giáo dục mà có. Nó còn đòi hỏi sự tự tu dưỡng, rèn luyện lâu dài. Động cơ chi phối suy nghĩ và hành động của con người, làm cho con người vượt qua khó khăn, trở ngại để đạt mục đích cao đẹp và những thành tựu có khi rất vĩ đại. Chính động cơ “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn Người tới đỉnh cao của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Một người có văn hóa chính trị cao là người có đạo đức cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng vì độc lập, chủ quyền quốc gia, danh dự và lợi ích dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, là “trung với nước,hiếu với dân”. Lòng trung thành của nhà hoạt động chính trị thể hiện ở niềm tin và hành động cụ thể đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đối với Hiến pháp và pháp luật. Trong tình hình hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập toàn cầu thì vấn đề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân càng phải được coi trọng. Đây là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”.
Phải ham học hỏi, biết luôn tự vượt cao hơn chính mình, phải có sự hiểu biết nhiều mặt, nhất là khoa học và công nghệ, tổ chức và quản lý điều hành, phải “ham học”, “say hỏi”, “say nghiên cứu xem xét”, phải “gắn lý luận với thực tế” để hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể. Làm việc là sự thể hiện năng lực, nhưng xét sâu xa, lại đồng thời là đạo đức, là biểu hiện về văn hóa chính trị của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trước hết là phải“học để làm việc”, “học để làm người”, “học để làm cán bộ”, nhà hoạt động chính trị có vai trò, trách nhiệm hướng dẫn cho người khác, cho nhân dân, vì vậy, sự gương mẫu là đòi hỏi và yêu cầu bắt buộc đối với nhà hoạt động chính trị và phải học để biết làm việc và biết làm người, biết làm tròn chức trách của mình. Chỉ có vậy mới “phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Đối với bản thân, phải biết tự rèn luyện, tự nghiêm khắc, tự mình phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không hiếu danh, không si mê quyền lực, không kiêu ngạo, không tự huyễn hoặc; phải biết tự kiềm chế, “ít lòng ham muốn vật chất”, “cả quyết sửa lỗi mình”. Tự biết mình, đánh giá đúng bản thân để biết phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nỗ lực vươn lên, đó là một người lãnh đạo chính trị tự trọng và có nhân cách.
Đối với người, phải trung thực, khoan dung, thẳng thắn, không dối trên lừa dưới, không dùng mánh lới, thủ đoạn đối với đồng chí, đồng nghiệp, không nói một đằng làm một nẻo, không giấu khuyết điểm, phải “quang minh chính đại”. Nhà hoạt động chính trị, nhất là người lãnh đạo chính trị, phải phấn đấu để có được lòng tin yêu, kính trọng của đồng sự và cấp dưới bằng sự ngay thẳng và lòng trung thực. Từ trái tim mình đến trái tim đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào chỉ có thể đi bằng một con đường được xây nên bởi sự chân thành, tình yêu thương, lòng nhân ái, vị tha. Tính nguyên tắc, ý thức kỷ luật và tình cảm cách mạng; tình dân tộc, nghĩa đồng bào phải thống nhất với nhau trong hoạt động, thi hành chức phận của nhà chính trị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau cho có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người còn nói, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải vì nhân dân với tất cả tình cảm trong sáng của mình, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Đó là những yêu cầu bắt buộc của văn hóa chính trị, mà nhà hoạt động chính trị phải đạt tới nếu họ muốn trở thành một nhà chính trị chân chính.
Nhà hoạt động chính trị, một khi có chức, quyền trong tay cần phải đề phòng một số “bệnh” rất dễ đi liền với quyền lực. Ngay từ buổi đầu dựng nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở phải ngăn ngừa một số bệnh có nguy cơ dẫn đến sự tha hóa biến chất. Đó là trái phép nước, cậy thế, kéo bè, kéo cánh, chia rẽ, bè phái, “cánh hẩu”, kiêu ngạo, địa phương chủ nghĩa, óc quân phiệt, quan liêu, tham nhũng, vô kỷ luật, óc địa vị tranh giành quyền lực…
Để trở thành nhà hoạt động chính trị không thể không được giáo dục, hơn thế phải tự biết giáo dục về văn hóa chính trị. Trình độ văn hóa chính trị luôn luôn tỷ lệ thuận với uy tín chính trị, với sự thành đạt của nhà hoạt động chính trị và các tổ chức chính trị. Rõ ràng, sự vĩ đại của Đảng gắn liền với quá trình phấn đấu, được giáo dục và tự giáo dục bản thân để trưởng thành trên một nền tảng văn hóa chính trị vững chắc.
Tóm lại, văn hóa chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để cho mỗi người hướng tới để rèn luyện, học tập và tu dưỡng bản thân, xứng đáng là một công dân trong một đất nước và xã hội tiến bộ, văn minh.
Chăm lo đến việc giáo dục văn hóa chính trị là chăm lo đến sự nghiệp trồng người, chăm lo đến sự nghiệp xây dựng đất nước “vì lợi ích trăm năm” và “muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nhà hoạt động chính trị vừa phải tự rèn luyện, tự hoàn thiện trình độ văn hóa chính trị của mình, đồng thời, phải là người nêu gương sáng cho những người khác. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, văn hóa chính trị càng cần được đề cao, nhất là đối với những nhà hoạt động chính trị, bởi vì họ chính là tấm gương học tập, là biểu tượng của một nền văn hóa chính trị hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hiện nay./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, Hà Nội, t. 4, tr.187
Một số yếu tố tác động đến văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay  (14/04/2020)
Công tác đảng, công tác chính trị trong nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam  (18/12/2019)
Chuyện về xây dựng một ê-kíp  (15/12/2019)
Cấp ủy trong cơ quan báo chí phải thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo  (07/12/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển