Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến bảo đảm quyền con người
TCCS - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có quyền con người. Để phát huy được cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực, các quốc gia cần đánh giá tác động của cuộc cách mạng này một cách toàn diện, trong đó có tác động đến quyền con người.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động đến quyền con người
Quyền con người là những phẩm giá vốn có thuộc về tất cả mọi người. Giá trị phổ quát mà các quốc gia trên thế giới hiện nay đều ghi nhận là mọi cá nhân đều có quyền con người, cần được tôn trọng và được đối xử bình đẳng mà không có sự phân biệt đối xử nào về giới tính, ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, quốc tịch, tôn giáo, nơi cư trú, nghề nghiệp, tình trạng khuyết tật, địa vị xã hội hay bất cứ tình trạng nào khác. Các quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thông qua các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các văn bản trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia. Khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người đã được hình thành, được các quốc gia thừa nhận, theo đó đòi hỏi mọi thiết chế, tổ chức trong xã hội phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện, kể cả trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền con người ở các quốc gia. Một mặt, những ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp này là các công cụ giúp cho việc mở rộng ghi nhận, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Chẳng hạn, quyền tiếp cận thông tin được thực hiện một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn với sự hỗ trợ của in-tơ-nét, dữ liệu lớn (big data), sự phát triển của hệ thống thông tin trực tuyến, mạng xã hội... Dữ liệu lớn giúp cho việc thu thập và phân tách dữ liệu dễ dàng hơn, thông qua đó có thể hỗ trợ và giám sát tình trạng phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương. Thông tin về các vi phạm quyền con người cũng được chia sẻ nhanh chóng hơn, nhờ đó các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các bên chịu trách nhiệm về quyền con người có thể tiếp nhận và đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ liên quan đến y tế, giáo dục có thể giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và cải thiện các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, thông qua đó nâng cao khả năng hưởng thụ quyền sức khỏe, giáo dục, quyền về lương thực, quyền vui chơi giải trí, quyền được hưởng lợi từ sự phát triển của khoa học - công nghệ. Công nghệ số cũng giúp cho việc thực hiện quyền tự do biểu đạt được hiệu quả hơn. Truyền thông và mạng xã hội ngày càng trở thành một kênh quan trọng thể hiện quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân trên thế giới. Các ứng dụng công nghệ mới cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, công nghệ góp phần làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí hỗ trợ cho người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ có cơ hội được sử dụng nhiều hơn các thiết bị hiện đại hỗ trợ cho tình trạng khuyết tật. Sự phát triển của công nghệ gen cũng giúp cho việc điều tra tội phạm dễ dàng hơn, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em...
Mặt khác, những ứng dụng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra hàng loạt thách thức mới đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển và phổ biến của in-tơ-nét cũng như các nền tảng truyền thông xã hội là kênh quan trọng thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, thúc đẩy giáo dục quyền con người, thực hiện tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, nhưng cũng đặt ra thách thức mới về tình trạng bạo lực trực tuyến, kích động mang tính gây hấn, kỳ thị và bạo lực, tin tức giả. Sự dễ dàng tiếp cận thông tin, dữ liệu cá nhân thậm chí đã dẫn tới sự xâm phạm các quyền dân chủ trong hệ thống chính trị, như việc dùng các ứng dụng công nghệ để can thiệp vào cuộc bầu cử ở một số quốc gia thời gian qua.
Sự phát triển của thuật toán và trí tuệ nhân tạo trong nhiều trường hợp đã vượt khỏi năng lực bảo vệ quyền của hệ thống pháp luật, như quyền riêng tư trên mạng, quyền bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân. Chẳng hạn, việc phổ biến và lan tỏa thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội có thể dẫn đến sự xâm hại quyền tự do thông tin riêng tư bởi khi đã được chia sẻ thì rất khó đính chính hoặc xóa bỏ khi cần thiết. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải thông qua luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh phát triển của công nghệ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp về bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân(1). Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng như là công cụ để điều trị bệnh tật, nhưng cũng làm gia tăng sự cách biệt và bất bình đẳng trong xã hội. Công nghệ máy bay tự lái có thể giúp ích cho việc thực hiện cứu trợ khẩn cấp (như vận chuyển máu) một cách nhanh chóng hơn, nhưng cũng có thể được sử dụng là vũ khí chiến đấu chống lại loài người.
Sự phát triển của công nghệ tự động, một mặt, giúp giải phóng sức lao động cho con người, tăng năng suất lao động; mặt khác, cũng đẩy hàng triệu người phải đối diện với nguy cơ mất việc làm. Nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh truyền thống cũng sẽ biến mất nhanh chóng. Chẳng hạn, nếu như năm 1998, hãng máy ảnh Kodac tuyển dụng 170.000 người lao động, chiếm 85% thị trường giấy ảnh trên thế giới thì gần đây, lĩnh vực kinh doanh này đã không còn hoạt động. Các lĩnh vực nghề nghiệp thủ công cũng sẽ biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện ngành, nghề mới đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Theo nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 - 800 triệu việc làm trên thế giới được thay thế bằng công nghệ tự động hóa(2). Sự ra đời của các “nhà máy thông minh”, trong đó máy móc được kết nối in-tơ-nét và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất, đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ dẫn tới xu hướng các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào quốc gia của mình trên cơ sở áp dụng công nghệ “nhà máy thông minh”, chứ không đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt là với các quốc gia có lực lượng lớn lao động tay nghề thấp, đòi hỏi quốc gia đó phải có tầm nhìn chiến lược để thực hiện việc chuyển đổi tư duy về nghề nghiệp, quan hệ hợp đồng, quan hệ lao động cho người lao động.
Cùng với sự phát triển của công nghệ là sự hình thành nền kinh tế việc làm tự do (gig economy) và các mô hình kinh doanh mới dưới hình thức tự tuyển dụng, lao động tự do. Nền kinh tế việc làm tự do hiện nay sẽ giúp cho người lao động có nhiều cơ hội kiếm việc làm, tăng thu nhập một cách linh hoạt hơn, như thông qua các dịch vụ chia sẻ khi sử dụng taxi Uber, Grab, hay dịch vụ việc làm tự do trên các nền tảng công nghệ như Taskrabbit. Tuy nhiên, tình trạng “lao động tạm thời”, “lao động tự do” không thông qua hợp đồng lao động cũng đặt ra những thách thức lớn đối với việc bảo đảm quyền của người lao động, bao gồm quyền được có điều kiện làm việc thỏa đáng, quyền thương lượng tập thể và quyền tự do hiệp hội...
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặc biệt tác động đến các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi. Đây là các nhóm cần sự hỗ trợ đặc biệt trong việc tiếp cận và thực hiện quyền con người. Sự ra đời của công nghệ số với các nền tảng trực tuyến có thể góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin, giáo dục và kết nối với các cơ hội phát triển, nhưng cũng làm tăng nguy cơ bị tấn công, quấy rối, bạo lực tình dục qua mạng. Công nghệ mới có thể cung cấp cơ hội học tập và thông tin cho trẻ em, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều rủi ro mới cho quyền trẻ em, bao gồm sự gia tăng tình trạng nô lệ hiện đại, bóc lột lao động trẻ em, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em qua mạng, buôn bán trẻ em và nhiều vi phạm khác về quyền riêng tư của trẻ em.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia hiện nay là phải có tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức. Khi xem xét tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia cần lưu ý đến tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế, công nghệ sản xuất, mô hình quản lý mà còn cả các tác động về xã hội, pháp lý và quyền con người. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các quốc gia có cơ hội phát triển thịnh vượng hơn, kết nối và hội nhập nhanh chóng, dễ dàng hơn, bảo đảm tốt hơn các quyền con người, đồng thời cũng phải đối diện với những thách thức về quyền lao động việc làm, bất bình đẳng, sự gia tăng tính dễ bị tổn thương cho các nhóm đối tượng trong xã hội.
Hiện nay, khi xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách và chương trình phát triển trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đều nhấn mạnh đến các tác động về quyền con người. Chính phủ các nước đang hết sức quan tâm và chủ động ban hành các chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 cho riêng mình. Chẳng hạn, với mục tiêu chung là an ninh, thịnh vượng và bền vững, ngày 12-2-2018, Thái Lan đã thông qua cương lĩnh và chương trình về quyền con người để đưa vào Chiến lược Thái Lan 4.0. Cương lĩnh này bao gồm các nội dung cụ thể: Nâng cao nhận thức về tôn trọng quyền con người; xây dựng hệ thống theo dõi vi phạm quyền con người; xây dựng nền văn hóa dựa trên quyền; xây dựng mạng lưới theo dõi thực hiện quyền; cải thiện dữ liệu về các vụ, việc vi phạm quyền; sửa đổi pháp luật để đáp ứng với sự thay đổi; nâng cao nhận thức cho cán bộ nhà nước về quyền con người; giảm vi phạm, lạm dụng quyền con người; xây dựng các mô hình điển hình về quyền con người; có biện pháp thực hiện các đề xuất về quyền con người(3). Chính phủ Ô-xtrây-lia đã có nhiều sáng kiến để thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2016, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a đã thành lập nhóm đặc trách của Chính phủ về Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm hợp tác với Chính phủ Đức để thực hiện nền tảng công nghiệp 4.0 trên các lĩnh vực, như kiến trúc, xây dựng chuẩn mực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trạm thử nghiệm công nghiệp 4.0, hệ thống an ninh mạng, việc làm, giáo dục và đào tạo(4). Ủy ban quốc gia về quyền con người của Ô-xtrây-li-a đã triển khai dự án nghiên cứu lớn về công nghệ và quyền con người với nhiều hoạt động tham vấn, hội thảo nhằm nhận diện các vấn đề thực tiễn đặt ra; tiến hành nghiên cứu và tổ chức tham vấn lấy ý kiến công chúng về cách thức tốt nhất để giải quyết nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức về quyền con người trong bối cảnh công nghệ mới, xây dựng lộ trình cải cách phù hợp(5).
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Nghị quyết Bộ Chính trị khóa XII đã nêu rõ nhiệm vụ: “Phải sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Để triển khai thực hiện chủ trương này, tháng 3-2017, nội dung về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 CT-TTg, về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Chỉ thị này đã nhận diện các thách thức, cơ hội và đưa ra giải pháp, nhiệm vụ để Việt Nam có thể chủ động “đi tắt, đón đầu” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam thuộc nhóm nước đang trong giai đoạn quá độ của quá trình chuyển đổi của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 với nhiều cơ hội về phát triển trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, ngân hàng, tài chính... Sự phát triển và áp dụng các thành tựu mới về công nghệ sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, góp phần trực tiếp cải thiện việc hưởng thụ quyền con người của người dân trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ số đã và đang giúp tạo công ăn, việc làm cho một số lĩnh vực ngành, nghề mới ở Việt Nam, như lái xe công nghệ, dịch vụ nhà cho thuê Airbnb, kinh doanh trực tuyến..., nhờ đó góp phần tích cực vào việc bảo đảm quyền về việc làm, quyền được có mức sống thỏa đáng cho người dân. Các đột phá về công nghệ cũng sẽ giúp tạo ra các ứng dụng trong y học nhằm hỗ trợ tích cực cho việc mở rộng tiếp cận dịch vụ y tế và bảo đảm quyền về sức khoẻ. Sự phát triển nhanh chóng của in-tơ-nét và các dịch vụ trực tuyến là cơ hội lớn để thúc đẩy và thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận của Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở mức trung bình thấp. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tháng 4-2017, mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ đạt 4,9/10 điểm. Do vậy, Việt Nam cần có các chủ trương, chính sách, chương trình tiếp cận cuộc Cách mạng này với tầm nhìn dài hạn, có tính đến các tác động, rủi ro trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật và quyền con người.
Cũng giống các quốc gia khác, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến các quyền con người là khá rõ ràng cả về mặt xây dựng pháp luật về quyền con người lẫn việc bảo đảm thực thi quyền trong thực tiễn. Có thể kể đến một số thách thức về quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như sau:
Sự phát triển của in-tơ-nét và các nền tảng xã hội đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý đối với việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Liên quan đến quyền riêng tư, một số vấn đề mới đòi hỏi cần được pháp điển hóa bằng quy định pháp luật liên quan đến việc quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền được lãng quên trên in-tơ-nét... Mặc dù đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa thông qua được một luật riêng về quyền riêng tư để điều chỉnh các vấn đề pháp lý mới này.
Trong lĩnh vực lao động, sự xuất hiện của nền kinh tế tự do với các mô hình kinh doanh và hình thức quan hệ lao động mới đã hình thành nên một lực lượng lao động mới nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam. Pháp luật lao động Việt Nam hiện nay cũng chưa ghi nhận một số quyền mới hình thành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chẳng hạn như quyền được ngắt kết nối(6).
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền việc làm ở Việt Nam. Trong thời gian tới, việc làm trong các ngành sản xuất, như may mặc, giày da, điện tử - vốn là ngành xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu của Việt Nam - sẽ chịu ảnh hưởng lớn của công nghệ tự động hóa, nhà máy thông minh. Mất việc làm là một nguy cơ mà người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp khi 17% số lượng lực lượng lao động hoạt động trong các ngành sản xuất. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động này là một yêu cầu thiết yếu.
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước Việt Nam cần có chủ trương, chính sách mang tính tổng thể, mạnh mẽ và tạo đột phá hơn nữa để Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, chủ động tham gia hiệu quả vào cuộc cách mạng này. Cụ thể hơn, khi xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình về Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tính đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, thông qua việc hạn chế rủi ro vi phạm quyền con người do hậu quả tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền khi triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội./.
------------------------------
(1) Xem: Open Global Rights: “Giải quyết những rủi ro tiềm ẩn về quyền con người của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, https://www.openglobalrights.org/addressing-the-potential-human-rights-risks-of-the-fourth-industrial-revolution/
(2) Xem: McKiney& Company: “Jobs lost, jobs gained: What the future of work will mean for jobs, skills, and wages”, 2017, https://www.mckinsey.com/featured-insights/future-of-work/jobs-lost-jobs-gained-what-the-future-of-work-will-mean-for-jobs-skills-and-wages#part%203
(3) Bộ Ngoại giao Thái Lan: Thông báo về chương trình quốc gia “Quyền con người là yếu tố cơ bản của Thái Lan 4.0, hướng tới phát triển bền vững, http://www.mfa.go.th/main/en/news3/6885/86767-Announcement-of-the-National-Agenda-“Human-Rights.html
(4) Bộ Công nghiệp, Sáng tạo và khoa học, Nhóm đặc trách về công nghiệp 4.0, https://archive.industry.gov.au/ industry/Industry-4-0/Pages/PMs-Industry-4-0-Taskforce.aspx
(5) Ủy ban Quyền con người Ô-xtrây-li-a, https://www.humanrights.gov.au/sites/default/files/document/ publication/AHRC-Human-Rights-Tech-IP.pdf
(6) Gần đây, một số quốc gia, như Pháp, Phi-líp-pin đã sửa đổi luật lao động để ghi nhận quyền được ngắt kết nối như là một quyền của người lao động
Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong điều kiện phát triển xã hội thông tin và thương mại điện tử  (18/12/2019)
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán và điều trị đột quỵ  (09/08/2019)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay