Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Tăng Quốc Lập Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai
23:07, ngày 29-11-2018

TCCS - Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Đồng Nai đã thu hút hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận về làm việc tại các doanh nghiệp. Nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán vùng miền khác nhau cũng phát triển rất đa dạng. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho công nhân lao động (CNLĐ), việc chăm lo nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân đang là vấn đề rất được quan tâm.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN), thu hút 1.174 dự án đầu tư nước ngoài của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đầu tư 23,5 tỷ USD, với gần 1 triệu lao động làm việc. Tổng số doanh nghiệp vốn nhà nước là 79, đầu tư nước ngoài là 1.296, và trên 24.500 doanh nghiệp dân doanh(1). Tổng số lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp là gần 1 triệu người; trong đó, doanh nghiệp vốn nhà nước là 46.679 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 536.047 người, còn lại thuộc các doanh nghiệp dân doanh; có khoảng 58% lao động nữ, 62% lao động nhập cư. Tính đến tháng 6-2017, tổng số công đoàn cơ sở toàn tỉnh là 2.735 đơn vị, với 591.662 đoàn viên.

Trong những năm qua, Công đoàn các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền, các ngành, giới chủ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông CNLĐ xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho công nhân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch được tổ chức thường xuyên. Chủ trương xây dựng khu vui chơi giải trí, thư viện sách công nhân, tủ sách pháp luật được đa số các doanh nghiệp ủng hộ. Bên cạnh đó, các điều kiện cho công nhân về phương tiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, hỗ trợ học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ công nhân lao động lúc khó khăn, hoạn nạn cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Xác định lực lượng lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho người lao động khá quy mô, như ký túc xá, nhà trẻ, siêu thị, khu sinh hoạt văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao..., đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, điển hình như Công ty Pousung, Taekwang, Changshin, Pouchen, tập đoàn Phong Thái... Tuy nhiên, số lượng này chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với nhu cầu của CNLĐ hiện nay. Lực lượng CNLĐ tỉnh Đồng Nai khá phức tạp do cơ cấu ngành nghề đa dạng, đặc biệt là sự dịch chuyển lao động từ các địa phương khác mang đến nhiều bản sắc văn hóa vùng, miền khác nhau. Nhiều phong tục lạc hậu, tệ nạn mê tín, dị đoan vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia cũng mang đến những nền văn hóa khác nhau, tác động không nhỏ đến người lao động làm việc tại các doanh nghiệp này. Các thế lực chống phá luôn tìm mọi thủ đoạn, thông qua các kênh thông tin không chính thống tác động đến lực lượng CNLĐ để truyền bá tư tưởng dao động, hoài nghi, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực tế cho thấy, đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hóa của CNLĐ luôn ở mức thấp. Phần lớn CNLĐ chưa được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ về thông tin chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến bản thân họ. Trong điều kiện hiện nay cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa chưa hình thành trong các KCN, như chưa có trạm xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, câu lạc bộ... Các trung tâm văn hóa do ngành văn hóa quản lý ở các địa phương đa phần đều ở xa các khu công nghiệp và nơi CNLĐ sinh sống. Do đó, điều kiện sống của người lao động chưa được cải thiện đáng kể, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí dành cho CNLĐ chưa tương xứng với sự phát triển của các KCN.

Mọi sinh hoạt tinh thần của CNLĐ đa phần diễn ra trong các khu nhà trọ và mang tính tự phát (người lao động phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào các hình thức giải trí được cung cấp sẵn, rẻ tiền hoặc miễn phí, như giải trí bằng ti-vi, nghe đài; đọc báo, sử dụng in-tơ-nét), công tác quản lý nhà nước về giá điện, nước vẫn còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất không bảo đảm an ninh trật tự... Qua khảo sát cho thấy, nhà trọ dành cho người lao động nhập cư thuê đa số là tạm bợ, phần lớn không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Các yếu tố thiết yếu cho cuộc sống như diện tích, vệ sinh, môi trường, điện, nước đều thiếu thốn hoặc dưới mức tối thiểu. Đa số phòng trọ chỉ rộng 10 - 12m2, thậm chí có phòng chỉ 7 - 8m2, nhưng để tiết kiệm có phòng đến 3 - 5 người chung nhau thuê để ở.

Trong bối cảnh đó, người lao động dễ bị lôi kéo vào các hoạt động thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội luôn rình rập. Bên cạnh đó, Công đoàn chưa có bộ phận chuyên trách để xây dựng và trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong CNLĐ, nên kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Các hoạt động mang tính phong trào, theo thời điểm, có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên, thiếu tính hệ thống, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN, bộc lộ một số bất cập mà chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Vì vậy, đã xuất hiện một bộ phận công nhân sống buông thả, sa vào tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tình hình trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, cờ bạc, mê tín dị đoan, ma túy, mại dâm đã xuất hiện ở nhiều khu công nhân. Đặc biệt là tình trạng CNLĐ bị lôi kéo, kích động, tham gia vào các hoạt động gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương diễn ra ngày càng phức tạp.

Nguyên nhân của tình hình trên là do nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất - kinh doanh với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận, chưa thật sự quan tâm vào đầu tư hệ thống thiết chế và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, cải thiện sức khỏe dành cho CNLĐ. Tại các địa phương, chính quyền sở tại nhiều nơi cũng chưa có sự quan tâm đúng mức để chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động. Ngoài ra, bản thân CNLĐ cũng không có đủ thời gian dành cho việc học hành, đọc sách, báo, vui chơi, giải trí vì phải làm thêm ca, thêm giờ, thời gian nghỉ còn phải lo chăm sóc gia đình hoặc một số trường hợp còn tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa doanh nghiệp ở nhiều nơi khác biệt, cũng ảnh hưởng đến nếp sống, sinh hoạt của CNLĐ, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và CNLĐ chưa thật hài hòa.

Trước thực trạng đó, với vai trò là chủ nhiệm Chương trình Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “Đạt chuẩn văn hóa”, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp chủ động triển khai theo các nội dung, tiêu chí phù hợp với từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, công đoàn cơ sở giữ vai trò tham mưu trong việc phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã đề ra. Đặc biệt là trong các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế phối hợp giữa Công đoàn và Ban Giám đốc công ty, các hoạt động giao lưu trong CNLĐ về văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước có doanh nghiệp đầu tư..., đã đem lại những kết quả đáng kể trong việc giữ vững tinh thần làm việc và mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ như các chương trình văn hóa, văn nghệ, các giải thi đấu, giao lưu thể thao...

Tuy nhiên, trong các doanh nghiệp do điều kiện công nhân làm ca và do áp lực của công việc, nên thời gian để CNLĐ nghiên cứu, học tập các quan điểm chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết Công đoàn các cấp còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người lao động chưa thật sự quan tâm đến việc nghiên cứu, nhận thức chính trị, học tập nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động văn hóa, mà chủ yếu chỉ nghĩ đến việc làm và thu nhập.

Để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động

Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai luôn xác định mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Đồng Nai lớn mạnh toàn diện, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; nâng cao đời sống công nhân, bảo đảm việc làm ổn định, tạo động lực mạnh mẽ phát triển bền vững sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên cơ sở chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, nghiên cứu và hoàn thiện những đặc trưng, đặc sắc văn hóa và con người Đồng Nai; tạo môi trường và điều kiện nhằm phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào truyền thống quê hương, truyền thống dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi CNLĐ đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, quê hương và đất nước.

Tăng cường đầu tư các hoạt động văn hóa phục vụ CNLĐ, huy động mọi nguồn lực từ phía Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, coi đầu tư nâng cao đời sống văn hóa tinh thần là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động văn hóa, thể thao trong CNLĐ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Xây dựng đội ngũ CNLĐ có đời sống văn hóa phong phú, có sức khỏe tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo trong mỗi CNLĐ; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để CNLĐ có điều kiện thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, là cơ sở để tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất trong lao động, sản xuất. Để thực hiện các mục tiêu đó, cần triển khai có hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa.

Bằng các hình thức phù hợp, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho CNLĐ về chính sách, pháp luật, nếp sống văn hóa, tại doanh nghiệp và nơi ở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn và đoàn viên, công nhân nòng cốt về xây dựng nếp sống văn hóa, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phong trào người tốt, việc tốt, tổ chức các hình thức tìm hiểu pháp luật, văn hóa, kiến thức xã hội cho CNLĐ.

Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng công nhân có lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp; tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, không mắc các tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú; tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của báo Lao động Đồng Nai và duy trì trang bị báo cho 100% công đoàn cơ sở, các tổ công đoàn có từ 100 CNLĐ trở lên và các khu nhà trọ công nhân có từ 20 phòng trở lên. Duy trì hoạt động kết nối của Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp công đoàn qua kên mạng xã hội và tổng đài tư vấn pháp luật.

Hai là, tăng cường phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong công nhân lao động.

Tổ chức hoạt động và hướng dẫn cơ sở tổ chức hoạt động “Câu lạc bộ công nhân”, “Đội văn nghệ công nhân”; phát động phong trào “Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường các hoạt động liên hoan, hội thi, hội thao, gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở và CNLĐ tiêu biểu. Tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” do Nhà nước tổ chức hằng năm.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, khai thác các nguồn lực xã hội.

Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN tổ chức tuyên truyền cho CNLĐ và người sử dụng lao động về chính sách, pháp luật, nếp sống văn hóa tại doanh nghiệp và nơi ở; tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp và CNLĐ về xây dựng nếp sống văn hóa, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, thành lập các điểm hỗ trợ công nhân gắn với hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa của khu phố, ấp nơi công nhân ở trọ, đào tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện chuyên mục “Công nhân lao động” trên sóng phát thanh và truyền hình Đồng Nai. Vận động các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bố trí thời gian, kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân khu công nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn có năng lực, tổ chức các phong trào thi đua, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp...

Bốn là, quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống các công trình văn hóa ở cấp tỉnh và các khu vực tập trung nhiều KCN.

Bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chú ý đúng mức đến chất lượng hoạt động của hệ thống các thiết chế bằng việc đầu tư về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tổ chức các hoạt động văn hóa, huy động sự sáng tạo của các doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội tham gia, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011, tạo tiền đề cho việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ ở KCN. Đề nghị sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn ở phần trách nhiệm của doanh nghiệp tạo điều kiện chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động. Cụ thể, trong Luật hiện nay nêu rõ doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ của mình, tuy nhiên, không thể hiện rõ, nên việc tạo điều kiện về thời gian để công đoàn cơ sở tập hợp sinh hoạt, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật cho CNLĐ còn nhiều bất cập ./.