Việt Nam - APEC: 20 năm hợp tác và phát triển
TCCSĐT - Nhìn lại quá trình 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), có thể thấy, việc gia nhập APEC là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Diễn đàn là động lực góp phần đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày 18-11-1996, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 01-NQ/TW về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại 5 năm (1996 - 2000), nhấn mạnh nhiệm vụ tham gia đầy đủ vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 12-1997) xác định: “Tích cực và chủ động xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế”, qua đó thể hiện sự chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương của Đảng đối với việc Việt Nam gia nhập APEC. Ngày 15-6-1996, Việt Nam nộp đơn gia nhập APEC. Theo yêu cầu của APEC, tháng 8-1996, Việt Nam gửi “Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam”. Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp, Việt Nam tham gia 03 nhóm công tác để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Ngày 25-4-1997, Việt Nam gửi đơn tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về xúc tiến thương mại; Nhóm Công tác về khoa học và công nghệ công nghiệp và Nhóm Chuyên gia về hợp tác kỹ thuật nông nghiệp của APEC. Đây là những nhóm mà ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho Việt Nam.
APEC được thành lập tại Canberra (Australia) tháng 11-1989, theo sáng kiến của Australia, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Ngày 14-11-1998, tại Kuala Lumpur, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 kết nạp Việt Nam trở thành nền kinh tế thành viên chính thức của APEC. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC là một bước đi sâu hơn vào con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện điện hóa đất nước. Ðây là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Ðảng và Nhà nước.
Việt Nam tham gia APEC theo phương châm giữ vững độc lập, tự chủ, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của APEC; giữa lợi ích của Việt Nam trong APEC với lợi ích trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, với tinh thần chủ động hội nhập, sự tham gia của Việt Nam vào APEC là sự tham gia có chọn lọc, trên cơ sở cân đối các nghĩa vụ quốc tế, lợi ích quốc gia và khả năng, trình độ phát triển của nền kinh tế.
Việt Nam là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp, đề xuất cụ thể, thiết thực. Trong 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC. Với vai trò chủ nhà APEC năm 2006 và năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC và các hoạt động liên quan. Tháng 9-2014, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực được tổ chức tại Hà Nội, thông qua Kế hoạch hành động APEC giai đoạn 2015 - 2018 nhằm đẩy mạnh hợp tác về tạo việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Các bộ, ngành của Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực như: Tự chứng nhận xuất xứ (năm 2012), An ninh vận tải hàng không (năm 2012), Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới (năm 2014), Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (năm 2015), Tạo thuận lợi chuỗi giá trị toàn cầu về dệt may (năm 2015), Thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực (năm 2016)… Việt Nam cũng đảm nhận vai trò điều phối hợp tác, hoạt động của các nhóm công tác quan trọng như vai trò đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Nhóm công tác y tế (2009 - 2010), Nhóm công tác về đối phó tình trạng khẩn cấp (2012 - 2013)…
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp vào quan tâm chung, cụ thể: Năm 2003, Việt Nam chủ động đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và xúc tiến đầu tư trong APEC. Năm 2005, Việt Nam đóng góp sáng kiến Thúc đẩy hành động APEC sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm. Năm 2015, Việt Nam cùng Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc đề xuất sáng kiến thành lập Nhóm chỉ đạo SOM để tiến hành kiểm điểm giữa nhiệm kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor; đề xuất và triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về dịch cúm gia cầm, thông qua Kế hoạch hành động APEC về phòng, chống và ứng phó với dịch cúm gia cầm và các đại dịch cúm. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến ứng phó rủi ro thiên tai - là một trong những ưu tiên của hợp tác APEC. Các bộ, ngành đã chủ trì tổ chức Hội thảo APEC đầu tiên về ứng phó với thiên tai lũ lụt bất thường năm 2011. Hội thảo về quản lý rủi ro thiên tai đưa vào cộng đồng nhằm triển khai Khuôn khổ Sendai của Liên hợp quốc và giảm thiểu rủi ro thiên tai năm 2015… Năm APEC 2017, Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên: (i) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (ii) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; (iii) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã nhấn mạnh nhu cầu chung cần tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực trong giai đoạn đầy biến động và đề cao lợi ích chung làm cơ sở cho đồng thuận đó là hòa bình, ổn định, tăng trưởng, liên kết và duy trì vai trò châu Á - Thái Bình Dương.
20 năm tham gia APEC đem lại những lợi ích thiết thực và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Một là, APEC góp phần thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt là 2 hội nghị cấp cao được tổ chức tại Việt Nam (năm 2006 và 2017); duy trì môi trường hòa bình, ổn định. Thông qua APEC, Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn đã được thiết lập với nhiều đối tác trong khu vực. Đó là các khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 13/21 nền kinh tế thành viên APEC, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Australia. New Zealand và Chile. Cơ chế hợp tác tự nguyện trong APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia WTO. Hiện nay, Việt Nam hình thành mạng lưới FTA song phương và đa phương với các thành viên APEC.
Hai là, thông qua đóng góp, tham gia giải quyết các vấn đề chung của APEC, Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba là, tham gia APEC góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. Do đó, tham gia hợp tác APEC, Việt Nam có điều kiện học tập kinh nghiệm, tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu…, góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, làm tốt hơn quá trình chuẩn bị trong nước để tận dụng cơ hội của các liên kết kinh tế quốc tế thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Bốn là, Kế hoạch thống nhất của APEC (SPAN) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện sự quan tâm của APEC tới cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được thể hiện trong các tuyên bố Hội nghị cấp cao APEC. Vì vậy, tham gia APEC mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới… Ngoài ra, các thành viên của APEC có môi trường giáo dục, đào tạo chất lượng cao, tạo cơ hội thuận lợi cho du học sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu. Đến nay, phần lớn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. Các chương trình giao lưu nhân dân, văn hóa, giao lưu sinh viên được APEC triển khai, tạo nhiều cơ hội cho người dân Việt Nam.
Một số định hướng ưu tiên
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 6 hiệp định thương mại tự do với tư cách cùng thành viên trong ASEAN (ASEAN - AEC, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia/New Zealand, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc), 4 hiệp định với tư cách là một bên độc lập (Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu). Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3-2018 giữa đại diện 11 quốc gia, trong đó có nhiều thành viên của APEC một lần nữa cho thấy, Việt Nam nhận thức được những lợi ích hội nhập quốc tế. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ (cũng là những đối tác), Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mà trước hết là hội nhập về kinh tế.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) xác định, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, trên tinh thần đó, Việt Nam quan tâm, ưu tiên hợp tác APEC tập trung vào các hướng sau:
Một là, Việt Nam tham gia hợp tác APEC với tinh thần chủ động, tích cực đóng góp giải quyết các vấn đề chung; khởi xướng, đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới về hợp tác APEC nhằm nâng cao vai trò của Diễn đàn.
Hai là, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả hoạt động đa phương, song phương, tận dụng sự hợp tác đa phương trong APEC để thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các nền kinh tế trong và ngoài APEC.
Ba là, là thành viên tích cực, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp đẩy mạnh liên kết APEC, thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor, đồng bộ hóa chính sách hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Có thể thấy, việc Việt Nam gia nhập APEC là quyết định có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Cùng với việc gia nhập ASEAN, tham gia sáng lập ASEM và khởi động đàm phán gia nhập WTO, gần đây nhất là việc tham gia Hiệp định CPTPP, gia nhập APEC thể hiện hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Đây là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, khẳng định quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng./.
Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khoá XIX  (29/11/2018)
Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khoá XIX  (29/11/2018)
Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái  (29/11/2018)
Kiểm tra việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh  (28/11/2018)
Quan hệ Việt Nam - Canada phát triển tích cực, toàn diện và hiệu quả  (28/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển