Yêu cầu của giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập

Bùi Thị Như Ngọc TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
21:41, ngày 14-06-2018

TCCSĐT - Sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc nhiều vào các yếu tố con người, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, mà ở đó một trong những cốt lõi là dấu ấn của sự sáng tạo và xây dựng, gìn giữ và trao truyền các giá trị để góp phần tạo nên các yếu tố vật chất và tinh thần, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống quốc gia, dân tộc.

Giáo dục giá trị - yêu cầu và nhu cầu cấp bách về cả lý luận lẫn thực tiễn trong bối cảnh hội nhập

Giá trị (value) là khái niệm được sử dụng trong nhiều môn khoa học khác nhau, mỗi môn khoa học lại có thể có những quan niệm, cách tiếp cận khác nhau. Tùy theo thời gian và sự phát triển của lịch sử, quan niệm về giá trị cũng có thể có những thay đổi, tựu chung, có thể hiểu giá trị theo nghĩa:

- Là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, được con người sáng tạo ra và hình thành thông qua quá trình sống, tồn tại và phát triển trải qua các thế hệ, các thời kỳ lịch sử;

- Là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp. Nói cách khác, là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất con người;

- Được thẩm thấu vào trong cả đời sống vật chất và tinh thần của con người cũng như đời sống xã hội, là phản ánh và kết tinh đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của con người, có tác động, ảnh hưởng nhất định đến sự tồn tại, phát triển của mỗi xã hội.

Sự hình thành, phát triển giá trị chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố con người, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, lịch sử, văn hóa…, nên ở mỗi dân tộc, quốc gia khác nhau, có thể có những giá trị đặc trưng khác nhau và quan niệm về giáo dục giá trị cũng có những khác biệt. Có một số giá trị cốt lõi mang tính chung có thể thấy ở nhiều quốc gia, ví dụ: tinh thần yêu nước, nhưng mỗi nước, mỗi thời kỳ lịch sử lại có quan niệm không giống nhau, hoặc có sự biến đổi về nhận thức và hình thức thể hiện. Trong giáo dục giá trị, có quan niệm cho rằng, cần giáo dục giá trị cho con người, đặc biệt là những người trẻ, một cách thường xuyên, liên tục; có quan niệm nhận định, việc đánh giá, vận dụng giá trị là do nhận thức và nhu cầu tự thân của mỗi người, nên không cần quá chú trọng việc giáo dục mà hãy để con người tự tìm hiểu và rút ra thông qua quá trình sống, hoạt động thực tiễn. Có người cho rằng, cần giáo dục giá trị cho con người ngay từ khi còn bé; nhưng lại có ý kiến đồng tình với quan điểm việc giáo dục giá trị chỉ nên được tiến hành khi con người đã được đào tạo ở một trình độ nhất định, có những nền tảng nhận thức nhất định…

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, tất yếu sẽ có thêm nhiều quan điểm, nhận thức đa dạng về giá trị và giáo dục giá trị. Nếu như trước kia, việc giáo dục giá trị thường được tiến hành trước hết trong các môi trường gia đình, nhà trường, thông qua hình thức dạy dỗ, chỉ bảo, khuyên răn,…, thì nay việc giáo dục giá trị được tiến hành với các hình thức, biểu hiện vô cùng đa dạng. Sự tương tác giữa chủ thể giáo dục giá trị và đối tượng nhận sự giáo dục giá trị cũng cập nhật, phong phú hơn nhờ sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần xã hội, đặc biệt với sự xuất hiện của mạng Internet. Trong bối cảnh mạng Internet phát triển như vũ bão, cùng với đó là sự xuất hiện của các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter…, nếu không có những định hướng, giáo dục giá trị kịp thời cho con người, rất dễ khiến việc định hình, hiểu và vận dụng giá trị trên mạng sai lệch, từ đó thẩm thấu vào đời thực và có thể gây những hậu quả khôn lường.

Cũng trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh hoạt động hợp tác để cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc, nguy cơ phai nhạt, lu mờ các giá trị truyền thống, biến đổi giá trị theo hướng tiêu cực, vận dụng hoặc hiểu sai giá trị… đang đe dọa đến sự bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Thậm chí, có thể trở thành lực cản đối với tiến trình phát triển của không chỉ một đất nước mà có thể của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, và có thể gây nên những hệ lụy không chỉ đối với một thế hệ mà nhiều thế hệ, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.

Do đó, giáo dục giá trị đang trở thành nhu cầu và yêu cầu không thể thiếu, đồng thời là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc trong bối cảnh hội nhập ngày nay.

Yêu cầu của giáo dục giá trị hiện nay

Bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… khiến thế giới dần trở thành “phẳng”, thành “ngôi làng chung toàn cầu” (global village). Nguy cơ phai nhạt hay đánh mất bản sắc văn hóa, lu mờ các giá trị truyền thống, khó phân định rạch ròi hay xác định rõ được các giá trị hiện đại đích thực và sử dụng hiệu quả giá trị phục vụ sự phát triển toàn diện đất nước và con người… của mỗi quốc gia, dân tộc đang là vấn đề nhận được nhiều chú ý, quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học và người dân nhiều nước. Xác định rõ được các giá trị, đặc biệt là giá trị cốt lõi của quốc gia, phổ biến giá trị trong đời sống xã hội để biến chúng thành lợi thế, thành công cụ hữu hiệu phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và con người ở thời kỳ hội nhập đang là mối quan tâm của nhiều người, nhiều nước trên thế giới. Những yêu cầu của giáo dục giá trị cũng vì thế càng trở thành vấn đề thời sự, đòi hỏi phải có cái nhìn khách quan trong sự đa dạng và thống nhất.

Có thể khái quát một số yêu cầu cơ bản của giáo dục giá trị trong giai đoạn hiện nay là:

Thứ nhất, giáo dục giá trị phải có sự kế thừa, sáng tạo và phát triển cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn cũng như nhu cầu, yêu cầu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, trong việc giáo dục giá trị, cần nhất quán quan điểm: giáo dục giá trị của từng dân tộc, cộng đồng không được đi ngược lại hay mâu thuẫn với giá trị chung, cái đích chung mà mỗi quốc gia cũng như nhân loại tiến bộ đều mong muốn vươn tới và đạt được, đó chính là chân, thiện, mỹ.

Thứ ba, giáo dục giá trị phải được dựa trên tinh thần nhân văn và khoan dung (bao dung) văn hóa nhằm tránh sa vào tuyệt đối hóa những giá trị của cộng đồng, dân tộc, quốc gia mình hoặc phủ nhận, hạ thấp giá trị của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia khác, bởi điều này rất dễ dẫn đến những xung đột về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội,… Tùy theo mức độ xung đột, có thể dẫn đến các nguy cơ phong tỏa kinh tế, ngừng quan hệ ngoại giao, thậm chí chiến tranh… không chỉ ở phạm vi giữa hai cộng đồng, dân tộc, quốc gia, mà có thể lan ra khu vực và hơn thế nữa.

Thứ tư, giáo dục giá trị phải bảo đảm không đi ngược lại các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, không gây nguy hại đến an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội của đất nước; không tổn hại hay đem đến những nguy cơ mất ổn định nền hòa bình khu vực và thế giới.

Thứ năm, trong giáo dục giá trị cần có sự đồng thuận, nhất trí của đông đảo người dân và cả hệ thống chính trị. Muốn làm được điều này, trước hết cần có sự lựa chọn giá trị hợp lý, hợp tình, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và con người, gìn giữ và trao truyền văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Thứ sáu, giáo dục giá trị phải được thực hiện trên cơ sở thái độ, mục đích hòa bình; đồng thời phải tỉnh táo để tránh sa vào những “cái bẫy” phản phát triển, những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thứ bảy, giáo dục giá trị, gắn với đó là các phương pháp và biện pháp giáo dục giá trị cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ ở các cơ sở đào tạo, hay từ phía đội ngũ giáo viên, mà còn cần có sự chủ động tham gia và nhập cuộc, rèn luyện gắn với phê bình, tự phê bình của bản thân mỗi người trong từng ngày, từng giờ, trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Thứ tám, giáo dục giá trị cần được gắn với hoạt động thi đua, khen thưởng, giám sát, kỷ luật hợp lý, hợp tình nhằm một mặt, tạo sự công bằng, nghiêm túc trong hoạt động giáo dục, mặt khác tạo động lực thúc đẩy những tấm gương thực hiện, phổ biến giá trị tích cực trong xã hội.

Thứ chín, trong giáo dục giá trị cần tận dụng và phát huy được ưu thế của Internet như một công cụ hữu hiệu giáo dục giá trị, lan tỏa các giá trị và tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi từ việc giáo dục giá trị, để giáo dục giá trị thực sự thấm sâu và có tác động, ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội về cả bề rộng và chiều sâu.

Giáo dục giá trị trong giai đoạn hiện nay - cần sự đồng thuận và sáng tạo

Trong giáo dục giá trị, nếu có sự đồng thuận và sáng tạo, chất lượng, hiệu quả giáo dục sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, từ đó góp phần tích cực vào quá trình rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng con người phát triển về cả đức và tài, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Muốn vậy, trước hết cần xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi là đầu tư nâng cao chất lượng con người, đặc biệt là về mặt nhận thức, tri thức, bởi con người chính là nhân tố đầu tiên và vô cùng quan trọng sáng tạo, định hình, thúc đẩy sự phát triển cũng như lan tỏa ảnh hưởng của giá trị vào đời sống xã hội. Mỗi cá nhân cần có ý thức học hỏi, chủ động tiếp nhận, tìm hiểu và khám phá tri thức để không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những giá trị mới có ảnh hưởng, tác động tích cực đến tiến trình phát triển con người và đất nước mình; đồng thời, chủ động gìn giữ, trao truyền các giá trị truyền thống của quốc gia, dân tộc mình không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.

Bên cạnh yếu tố con người giáo dục và tự giáo dục thông qua chính quá trình tiếp nhận, thích ứng, vận dụng, tự sàng lọc, hoặc tự đào thải những giá trị phù hợp hay không phù hợp, cần có sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của chính quyền mỗi quốc gia nhằm bảo đảm giáo dục giá trị có sự thống nhất nhưng vẫn tôn trọng bản sắc văn hóa, và không đi ngược lại lợi ích chung của quốc gia, không gây mâu thuẫn với hòa bình nội bộ và hòa bình quốc tế.

Tất nhiên, bên cạnh yêu cầu về sự đồng thuận và sáng tạo từ bản thân những chủ thể sáng tạo giá trị (con người), từ những người thực hiện công tác giáo dục giá trị, đến những đối tượng và lĩnh vực chịu ảnh hưởng, tác động từ việc giáo dục giá trị, cũng cần chú ý đến việc tăng cường và nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Việc này nhằm tạo cơ chế ngăn ngừa việc hình thành những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và vận dụng giá trị, khiến giá trị trở thành phản giá trị, phương hại đến sự phát triển con người và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần tăng cường mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế nhằm tiếp thu những tinh hoa giá trị của các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước mình. Từ đó, góp phần tạo ra và xây dựng những hệ giá trị mới có tác dụng tích cực đối với tiến trình phát triển của nhân loại nói chung, của từng đất nước nói riêng. Tất nhiên, trong quá trình tiếp thu, vận dụng, cần bảo đảm giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như không để quá trình tiếp thu này ảnh hưởng đến lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.

Một yếu tố nền tảng không thể không nhắc tới, có vai trò quan trọng thúc đẩy việc giáo dục giá trị thành công, hiệu quả chính là sự “công minh lịch sử, công bằng xã hội”. Việc nhìn nhận, đánh giá giá trị chỉ là tương đối, vì có thể nó là cần thiết, là đúng ở thời điểm lịch sử nhất định, trong bối cảnh xã hội nhất định, nhưng chưa chắc giá trị đó đã cần thiết và được tiếp nối, phổ biến sâu rộng trong bối cảnh lịch sử, xã hội khác. Do đó, cần sự công minh lịch sử để nhìn nhận, đánh giá và giáo dục giá trị trong cái nhìn khách quan, không thiên lệch để tránh sa vào tuyệt đối hóa hay phủ nhận giá trị, vô hình chung có thể dẫn tới việc đánh giá, nhìn nhận cả một thời kỳ lịch sử theo hướng sai lầm, cũng có thể hiểu tức là phủ nhận những thành tựu của các thế hệ cha ông. Từ đó, dẫn tới lệch lạc trong vận dụng và phát huy giá trị trong bối cảnh hiện tại. Cũng cần thúc đẩy hơn nữa công bằng xã hội nhằm tạo cơ hội và điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho tất cả mọi người được tiếp cận và tiếp nhận giá trị, đều được thụ hưởng sự giáo dục giá trị một cách hiệu quả. Đây chính là động lực quan trọng thúc đẩy giáo dục giá trị đạt yêu cầu đề ra, từ đó góp phần không ngừng xây dựng và hoàn thiện nhận thức, đạo đức của con người, biến những nhận thức ấy thành hành động tích cực để xây dựng nền hòa bình nhân loại, và xây dựng từng quốc gia phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập./.