TCCSĐT - Một đất nước phát triển thịnh vượng là đất nước mà ở đó mọi tiềm năng đều có cơ hội bình đẳng, phát huy. Tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai thác còn rất lớn, họ luôn có hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, họ cần được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ hội phát triển, cơ hội thành lập, quản lý doanh nghiệp, để tự tin góp sức vào sự nghiệp chung.

Những tấm gương vượt qua khuyết tật

Trong chương trình "Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật" do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức, 48 đại biểu người khuyết tật là 48 câu chuyện kể về quá trình vượt dốc đi lên, thành lập, phát triển doanh nghiệp, cơ sở. Họ đến từ mọi miền đất nước, hoàn cảnh, điều kiện, môi trường, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong đó có những người không một ngày đến trường nhưng ở họ đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khuyết tật, luôn tiến lên phía trước.

Anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ), liệt toàn thân chỉ có hai ngón tay còn cử động, đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay Công ty đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng.

Hay như chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam) cùng chồng thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Toàn, chuyên mua bán, sửa chữa các loại mô tô, gia công cơ khí. Hàng năm, Công ty nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Vốn yêu cái đẹp, chị còn mở Thẩm mỹ viện Tuyết Mai. Niềm vui của chị là đông đảo khách hàng hài lòng với dịch vụ mà không bận tâm đến dáng đi nghiêng của bà chủ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa), với chiều cao 0,8m, với chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống "có những nỗi đau phải tự mình chấm dứt, có những nước mắt phải tự mình lau khô, có những nụ cười phải tự mình mang đến, có những hạnh phúc phải tự mình tạo nên", chị ngẩng cao đầu bằng chiều cao của ý chí và nghị lực. Chị đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri, chuyên sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá granite, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, cho thuê kho bãi. Chẳng ai có thể hình dung được rằng, một lĩnh vực kinh doanh như thế, lại do một phụ nữ khuyết tật làm lãnh đạo, còn chị Hiền lại thấy thú vị khi làm được những ngành nghề mà nhiều người cho rằng người khuyết tật không thể làm được.

Người khuyết tật vận động làm quản lý đã khó, người khiếm thị vươn lên làm chủ còn khó khăn gấp nhiều lần. Xuất thân từ gia đình bần nông, lại bị khiếm thị, anh Điêu Chính Quốc Tuấn (Bình Phước) luôn xác định phải làm gì đó để không sống phụ thuộc. Không chấp nhận các nghề làm chỉ đủ sống, như xay đậu hũ, bán tạp hóa nhỏ, anh nảy ra ý tưởng làm dịch vụ nấu ăn. Qua 10 năm hoạt động, năm 2008, anh thành lập Hoa Viên Thanh Yến chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống được nhiều người biết đến. Cơ sở đã tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên.

Sẵn có sự ham học hỏi, sẵn có niềm khát khao vươn lên làm chủ, với kinh nghiệm đối đầu với khó khăn, khi đã thành công, các giám đốc người khuyết tật đều nhiệt tâm truyền, dạy nghề cho người khác, đặc biệt là người đồng cảnh, với mong muốn con đường các em đi sẽ ngắn hơn, bớt chông gai hơn con đường mình đã đi. Chị Hoàng Thị Khương (Hà Nội), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, đã dạy nghề cho 50 người khuyết tật. Ông Nguyễn Văn Trung (Hà Nội), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ nghệ Hoa Sơn, 13 năm qua, từ khi thành lập doanh nghiệp đến nay, đã đào tạo nghề mây tre đan cho hơn 800 người...

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Lương Phan Cừ nêu rõ: Mỗi người khuyết tật là một chủ thể thụ hưởng các quyền con người và cũng là chủ thể thực hiện các quyền đó. Tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai thác còn rất lớn, họ luôn có hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, họ cần được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ hội phát triển, cơ hội thành lập, quản lý doanh nghiệp, để tự tin góp sức vào sự nghiệp chung. Một đất nước phát triển thịnh vượng là đất nước mà ở đó mọi tiềm năng đều có cơ hội bình đẳng, phát huy.

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Những phân tích về xu hướng du lịch và khuynh hướng của nhu cầu thị trường cho thấy, du lịch hiện nay có thể tạo ra thị trường tiêu thụ tốt cho sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Bản thân việc tham quan, tìm hiểu cơ sở sản xuất, giao lưu với người khuyết tật cũng có thể là đối tượng của hoạt động du lịch. Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định: Người khuyết tật trong xã hội hiện đại là những người có nhiều nghị lực, khả năng học hỏi để sản xuất ra nhiều sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thực tế hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất của người khuyết tật, hoặc thu hút sự tham gia của người khuyết tật. Sức khỏe của người khuyết tật thường yếu nên việc sản xuất có thể kéo dài hơn người bình thường, nhưng họ lại kỹ lưỡng hơn trong công việc, chăm chút từng chi tiết để tạo ra sản phẩm. Người khuyết tật có những những khiếm khuyết, nhưng họ lại tự bù đắp được tính kiên nhẫn và sự tập trung cao. Chính điều này đã làm nên khả năng sáng tạo và tham gia sản xuất những mặt hàng thủ công truyền thống cần đến sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn của người khuyết tật.

Hiện các cơ sở sản xuất hay các trung tâm xã hội đã định hướng cho lao động người khuyết tật, cung cấp các khóa đào tạo về mỹ thuật để họ có thể sản xuất ra những mặt hàng ngày càng có giá trị tiêu dùng và giá trị thẩm mỹ cao hơn. Sản phẩm của người khuyết tật cũng đa dạng, từ tranh sơn dầu, tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông, móc khóa, thú giấy, hoa giấy... đến những mặt hàng cao cấp như tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu, tranh ghép đá quý... Cũng có nhiều nơi tìm kiếm những hình thức sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, phù hợp với khả năng sản xuất của người khuyết tật, như gấp giấy Origami, làm búp bê gỗ Matryoshka, búp bê Yoyo, hoa đất sét..., đồng thời hướng dẫn đào tạo người khuyết tật làm ra những sản phẩm có thiết kế công phu.

Một điển hình trong thu hút khách du lịch tiêu dùng sản phẩm của người khuyết tật hiện nay là những điểm dừng nghỉ giữa Hà Nội - Hạ Long, với lưu lượng khách du lịch qua lại khá lớn, các cửa hàng rộng lớn bán hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, trong đó có gian bán sản phẩm thêu thủ công của người khuyết tật với thực tế tham gia xưởng thêu của họ. Không chỉ về hình thức tiêu thụ và bán sản phẩm, đây cũng là điển hình của việc tìm kiếm ngành nghề truyền thống phù hợp khả năng của người khuyết tật, đào tạo việc làm để có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít những cơ sở, trung tâm hình hành được loại mặt hàng có giá trị thẩm mỹ cao, còn lại đa phần là các loại hàng hóa tiêu dùng và lưu niệm không có giá trị cao, khó có khả năng tiêu thụ. Đây cũng là thực trạng lớn hiện nay. Theo một số đánh giá, đa số hàng hóa, sản phẩm do người khuyết tật sản xuất thực tế không thể thu hút người mua so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường; trong khi các đồ thủ công mỹ nghệ cũng khó tiêu thụ được và chủ yếu do lòng hảo tâm của người mua. Các kênh phân phối tiêu thụ và thị trường hàng hóa, sản phẩm của người khuyết tật chủ yếu tại các chợ, chợ đêm, trung tâm thương mại. Một số nơi thu hút được thành phần tiêu dùng là khách du lịch.

Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm người khuyết tật thời gian qua, một số đơn vị, cơ sở sản xuất đã liên kết với các khách sạn, đơn vị kinh doanh du lịch để bày bán sản phẩm cho du khách hoặc mang sản phẩm đi giao lưu, giới thiệu với những nơi khác. Nhưng do tổ chức chưa thường xuyên nên việc tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả.

Nhằm thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật thông qua hoạt động du lịch, bà Đỗ Cẩm Thơ cho rằng có thể tập trung vào một số điểm có khả năng trở thành yếu tố đầu vào của sản phẩm du lịch, đó là hoạt động tham quan xưởng sản xuất, giao lưu, tìm hiểu nghề của những lao động là người khuyết tật; mua sắm hàng hóa, sản phẩm do người khuyết tật làm ra.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường khách du lịch và loại sản phẩm, hàng hóa khách du lịch cần, ưa thích. Các đơn vị muốn có các sản phẩm bán được cho khách du lịch cần tập trung rà soát lại các sản phẩm để hướng dẫn lại loại mặt hàng, chú trọng vào thiết kế, tính thẩm mỹ, chú trọng yếu tố chất lượng, màu sắc thẩm mỹ, kể cả bao bì, đóng gói. Những cơ sở, xưởng sản xuất có khả năng đón tiếp các đoàn khách du lịch cần chỉnh trang lại để bảo đảm ngăn nắp, sạch đẹp, thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu, giao lưu với lao động là người khuyết tật. Ngoài ra, cũng cần có sự hỗ trợ phối hợp của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch trong việc tiêu thụ sản phẩm của người khuyết tật làm ra.

Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm của người khuyết tật sẽ là giải pháp thiết thực góp phần tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho họ./.