Cuba khẳng định độc lập chủ quyền trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ
TCCSĐT - Ngày 16-6, sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump công bố những thay đổi chính sách đối với Cuba, theo xu hướng đảo ngược tiến trình bình thường hóa quan hệ mà 2 nước bắt đầu từ 2 năm qua, Chính phủ Cuba đã ra thông cáo chính thức lên án quyết định này và khẳng định quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền.
Khẳng định độc lập chủ quyền
Sau khi điểm lại những thay đổi mà ông D. Trump tuyên bố, Chính phủ Cuba khẳng định, Washington một lần nữa lại quay lại với những biện pháp ngăn cấm trong quá khứ, chính sách không chỉ gây ra thương tổn và tước đoạt nhiều quyền lợi của nhân dân Cuba và cản trở nền kinh tế của đảo quốc này phát triển bình thường, mà còn ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của nhiều nước khác, và do đó từng bị quốc tế lên án.
La Habana nhấn mạnh những biện pháp mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa nêu cũng đặt ra những rào cản mới cho những cơ hội vốn đã rất hạn chế của giới doanh nghiệp Mỹ muốn có quan hệ thương mại với Cuba, cản trở quyền đi lại của công dân Mỹ tới Cuba và đi ngược lại sự ủng hộ của đại đa số dư luận Mỹ, kể cả cộng đồng kiều dân Cuba tại Mỹ, đối với việc dỡ bỏ cấm vận chống “hòn đảo tự do”.
Chính phủ Cuba lên án những biện pháp mới nhằm thắt chặt hơn nữa cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba và khẳng định những biện pháp này sẽ thất bại như đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ và không thể đạt được mục tiêu là làm suy yếu Cách mạng Cuba hay khuất phục nhân dân của đảo quốc Caribe này.
La Habana phản đối việc áp dụng tiêu chuẩn kép và lạm dụng đề tài nhân quyền cho mục đích chính trị và khẳng định nhân dân Cuba hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản, đồng thời có những thành tựu đáng tự hào về y tế, giáo dục, an ninh xã hội, bình đẳng lao động và quyền trẻ em.
Thông cáo cũng nhắc lại rằng Cuba là nước thành viên của 44 công ước quốc tế về nhân quyền, trong khi Mỹ chỉ là thành viên của 18 công ước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Cuba tái khẳng định giữ nguyên quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và phát triển mối quan hệ tôn trọng và hợp tác giữa 2 nước, trên cơ sở những nguyên tắc và mục tiêu đã nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; cũng như thiện chí tiếp tục đối thoại về những đề tài cùng quan tâm và đàm phán về các vấn đề tồn đọng giữa 2 nước, nhưng sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền, độc lập hay chấp nhận những điều kiện ràng buộc theo hướng này.
Thông cáo của Chính phủ Cuba nêu rõ mọi chiến lược hướng tới việc thay đổi hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội tại Cuba, dù cho là qua con đường sức ép, áp đặt hay những phương pháp tế nhị hơn, đều sẽ dẫn tới thất bại, đồng thời tái khẳng định những thay đổi cần thiết tại Cuba, bao gồm cả quá trình Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội hiện tại, sẽ do nhân dân Cuba quyết định một cách tự chủ.
Những phản ứng trên được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Mỹ D. Trump khi tới thăm thành phố Miami ở tiểu bang Florida với tuyên bố bãi bỏ “chính sách một chiều” với Cuba từ thời cựu Tổng thống B. Obama và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Ông D. Trump nói rằng, chính người dân Cuba, chứ không phải quân đội Cuba và các công ty trực thuộc, mới là đối tượng xứng đáng được hưởng những lợi ích từ việc Washington tăng cường quan hệ với La Habana. Trên tinh thần đó, Mỹ quyết định thay đổi những chính sách với Cuba từ thời chính quyền tiền nhiệm, theo đó siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyên đi thăm thân.
Nhà Trắng cũng đã công bố văn bản Chỉ đạo Chính sách của Tổng thống gồm 5 điểm, trong đó nhấn mạnh Chính phủ Mỹ quyết định điều chỉnh chính sách với Cuba “vì lợi ích then chốt của an ninh quốc gia và bày tỏ sự đoàn kết với người dân Cuba”. Tổng thống D. Trump hối thúc Chính phủ Cuba thực thi “các bước cải cách cụ thể” trước khi cải thiện hơn nữa quan hệ song phương, đồng thời khẳng định mọi thay đổi trong quan hệ giữa Washington và La Habana sẽ phụ thuộc vào những tiến triển thật sự trong quá trình đáp ứng các tiêu chí này.
Ngày 17-6, truyền thông Cuba đã chỉ trích chính sách mới của Tổng thống Mỹ D. Trump vừa công bố đối với nước này là “đáng tiếc” và “lỗi thời”. Nhật báo Juventud Rebelde lớn thứ 2 ở Cuba đăng tải bài viết có đoạn cho rằng, Tổng thống D. Trump “ít quan tâm” đến việc đa số người dân Mỹ, hay người dân trên thế giới, nghĩ gì khi có nhiều cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế, ủng hộ Washington cải thiện quan hệ với La Habana.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Cuba nhận định, Tổng thống D. Trump đã “đi lùi một bước" trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba khi đưa ra một lập trường "đơn phương và mang tính can thiệp”. Theo hãng trên, các biện pháp mà chính phủ của Tổng thống D. Trump vừa công bố là quan điểm chống Cuba “lỗi thời”.
Nhìn vào chặng đường phát triển của quan hệ Mỹ - Cuba 3 năm qua, động thái mới của chính quyền Trump rõ ràng là một bước thụt lùi đáng tiếc. Sau tuyên bố lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ B. Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 17-12-2014, Washington đã thực thi một loạt biện pháp nhằm tiến tới dỡ bỏ những hạn chế đối với “đảo quốc tự do”, trong đó phải kể đến việc chính thức mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước, nới lỏng hạn chế về đi lại và thương mại giữa hai bên.
Theo số liệu thống kê chính thức, chỉ 1 năm sau ngày hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng đột biến. Washington và La Habana cũng đã ký tới 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải, viễn thông và nông nghiệp…Việc điểu chỉnh chính sách với La Habana giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chính sách mới của Nhà Trắng sẽ dựng lên nhiều rào cản không nhỏ đối với quan hệ song phương trong thời gian tới.
Nhiều tiếng nói phản đối chính sách mới của Mỹ chống Cuba
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump công bố chính sách mới đối với Cuba, trong đó đảo ngược một phần các biện pháp nới lỏng cấm vận của người tiền nhiệm B. Obama, dư luận tại khu vực Mỹ Latinh, châu Mỹ và ngay trong nước Mỹ đã phản đối mạnh mẽ động thái này.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã phản đối quyết định của Tổng thống D. Trump, tố cáo đây là hành vi “gây hấn” và “dọa nạt” của người đứng đầu Nhà Trắng. Ông N. Maduro kêu gọi người dân toàn thế giới lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với Cuba và khẳng định quốc đảo Caribe không bao giờ bị cô lập.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Venezuela D. Rodríguez cũng bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba anh em và kêu gọi tình đoàn kết cũng như tinh thần đầu tranh của các dân tộc tại Mỹ Latinh. Bà nhấn mạnh Cuba và Venezuela sẽ tiếp tục đồng hành trong các tổ chức hội nhập khu vực như Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC).
Chia sẻ quan điểm trên, Tổng thống Bolivia E. Morales cũng bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Cuba trên tài khoản Twitter của mình, đồng thời cáo buộc chính quyền Mỹ lạm dụng quyền lực đế quốc, phớt lờ yêu cầu dỡ bỏ cấm vận chống La Habana của cả thế giới. Trong khi đó, thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mexico gửi đi “lời kêu gọi bác ái để chính phủ hai nước thông qua đối thoại tìm kiếm những đồng thuận và giải quyết những khác biệt, trong khuôn khổ tôn trọng lẫn nhau và công nhận chủ quyền của cả hai quốc gia”.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Ottawa, Thủ tướng Canada J. Trudeau khẳng định mối quan hệ tôn trọng và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Canada song bày tỏ sự không đồng tình với chính sách chống Cuba của chính quyền Washington. Ông J. Trudeau cam kết Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Cuba trong các lĩnh vực du lịch và đầu tư, và trong các nỗ lực tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước.
Ngay trong nước Mỹ, nhiều tổ chức và chính trị gia cũng đã lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống D. Trump. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế M. Brilliant tái khẳng định cam kết của tổ chức này đấu tranh xóa bỏ các “chính sách lỗi thời” đã và đang “cản trở quá trình phát triển của nhân dân Mỹ và nhân dân Cuba”. Hai Thượng nghị sĩ bang Arkansas J. Boozman và Jerry Moran đều lấy làm tiếc trước quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng và cho rằng chính sách vừa tuyên bố không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, nền kinh tế Mỹ hay người dân Cuba, và làm cộng đồng nông nghiệp Mỹ xa rời một thị trường tự nhiên và gần gũi. Trong khi đó, thượng nghị sĩ bang Virginia và cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark R.Warner nhận định rằng, quyết định đảo ngược tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba gửi đi một thông điệp sai lầm với thế giới về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Tương tự, Thượng nghị sĩ bang Arizona J. Flake khẳng định bất cứ chính sách nào giảm thiểu cơ hội của công dân Mỹ được tự do đi lại tới Cuba không thể là điều tốt hơn cho cả người dân Mỹ lẫn Cuba, đồng thời hối thúc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật do ông đệ trình nhằm dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại tới “hòn đảo tự do”./.
Tổng thống Nga cảnh báo hậu quả từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ  (17/06/2017)
Nga - Trung Quốc tăng hợp tác dọc khu vực sông Trường Giang, Volga  (17/06/2017)
Cải tạo, tu sửa 32 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị  (17/06/2017)
Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Cuba thăm và làm việc tại Bến Tre  (17/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay