TCCSĐT - Ngày 17-6, thay mặt lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã gặp mặt, chúc mừng đại diện các cơ quan Thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017).

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao vai trò các cơ quan Thông tấn báo chí với sự nghiệp phát triển Thủ đô. Trong tiến trình phát triển của Thủ đô, mỗi bước đi, thành quả của Hà Nội đều nhận được sự quan tâm, phản ánh kịp thời và khá toàn diện của các cơ quan báo chí. Báo chí đã góp phần rất quan trọng tạo nên hình ảnh một Thủ đô năng động, với quyết tâm cao vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tập trung mọi nguồn lực để đổi mới, phát triển.

Thời gian qua, kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển toàn diện; 6 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của thành phố ước đạt trên 100.000 tỷ đồng, đạt ước 50,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt tốp cao nhất nước tại hội nghị do Bộ Tài chính tổ chức vừa qua. Ngay đầu năm 2017, Hà Nội đã tập trung cải cách hành chính, ban hành kế hoạch về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Đặc biệt, thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Hà Nội cũng đã xây dựng phần mềm với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước ở cả 3 cấp; rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, thành công của Hà Nội nhờ sự nỗ lực của đảng bộ và nhân dân thành phố, trong đó có sự đóng góp, vào cuộc của nhân dân, sự đồng thuận, đi cùng của các cơ quan báo chí. Thời gian tới, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn các cơ quan Thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội tiếp tục bám sát, phản ánh kịp thời các hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế của Thủ đô; nêu được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp để lãnh đạo thành phố Hà Nội có chỉ đạo, quản lý, điều hành kịp thời và toàn diện các mặt của đời sống xã hội.

Tại buổi gặp mặt, một số nhà báo cho rằng, thời gian qua Hà Nội đã kịp thời cung cấp thông tin những vấn đề “nóng” trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, Hà Nội cần “cởi mở” thông tin nhiều hơn nữa, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đang bùng nổ. Nếu làm được như vậy, các cơ quan Thông tấn báo chí sẽ có thông tin chính xác, kịp thời, khách quan để tuyên truyền đúng và trúng, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

* Ngày 16-6, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải thưởng Báo chí Hội Nhà báo tỉnh năm 2016.

Thời gian qua, báo chí Hưng Yên đã không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ những người làm báo luôn có ý thức trau dồi nghiệp vụ, đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên của Đài phát thanh truyền hình tỉnh và huyện; hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia các hoạt động do Hội nhà báo khu vực và Trung ương tổ chức; thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên có sai phạm…

* Ngày 17-6, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh trao giải cho 77 tác phẩm báo chí chất lượng cao, trong đó có 10 giải Nhất, 23 giải Nhì, 21 giải Ba và 23 giải Khuyến khích.

Tham dự giải năm nay có 140 tác phẩm dự thi ở 11 cụm thể loại, thuộc 5 loại hình: Báo in, báo hình, báo phát thanh, báo mạng điện tử, ảnh báo chí. Theo đánh giá của Ban tổ chức, so với các mùa giải năm trước, chất lượng các tác phẩm báo chí tham dự giải năm nay khá tốt; có nhiều tác phẩm của phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Quảng Ninh gửi tham dự giải. Các tác phẩm phản ánh khá đầy đủ, sinh động các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa… của tỉnh diễn ra trong năm 2016, có tác động xã hội lớn, được nhiều người quan tâm.

Thông qua báo chí, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó tập hợp được sức mạnh, nguồn lực và sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện. Các cơ quan báo chí cũng kịp thời phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tích cực tham gia chống tiêu cực... góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tỉnh.

* Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu đã trao Giải báo chí tỉnh Bạc Liêu lần thứ XX và Giải ảnh Bạc Liêu - Cà Mau lần thứ V năm 2017. Ban tổ chức đã trao giải A ở thể loại báo in cho tác giả Minh Đạt - Khả Trâm (Báo Bạc Liêu), với tác phẩm “Khát vọng tôm sạch”. Giải A ở thể loại truyền hình cho nhóm tác giả Tuấn Kiệt - Thanh Thế - Xuân Tuấn - Anh Tuấn (Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu), với tác phẩm “Sống cùng chim muông”. Thế loại ảnh thời sự, Ban tổ chức trao giải A cho tác giả Phan Thanh Cường (Bạc Liêu), với tác phẩm “Biến đổi khí hậu - hiểm họa khó lường”. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao các giải B, giải C và giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả tham dự giải lần này.

Theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, tất cả các tác phẩm dự thi năm nay đa phần đều đạt yêu cầu về nội và đúng thể lệ quy định. Chất lượng tác phẩm, hình thức thể hiện khá hơn trước, nêu nhiều điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các tác phẩm đều bám vào nội dung chủ đề cuộc thi; phản ánh những sự kiện, thời sự, người thật, việc thật và những hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội đã và đang được dư luận quan tâm như đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống; các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

* Ngày 17-6, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Trao giải báo chí Thân Nhân Trung năm 2017. Gần 200 nhà báo, phóng viên, cộng tác viên tham dự buổi lễ.

Trải qua các vòng chấm thi, Hội đồng giải báo chí Thân Nhân Trung đã lựa chọn được 30 tác phẩm báo chí xuất sắc, bao gồm các thể loại phóng sự, điều tra, phản ánh, người tốt việc tốt…vào vòng chung kết. Trong đó, Ban tổ chức trao 2 giải A, 6 giải B, 8 giải C và 14 giải khuyến khích cho các tác phẩm báo chí. Các tác phẩm báo chí đoạt giải đã phản ánh chân thực, khách quan, sinh động các vấn đề, sự kiện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo hiệu ứng tốt trong dự luận, được khán giả đồng tình, hưởng ứng. Nhân dịp này, 5 hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; 2 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vì có thành tích trong sự nghiệp báo chí.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thế Dũng khẳng định: Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, báo chí Bắc Giang đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Bắc Giang luôn bám sát địa bàn, phản ánh kịp thời, chính xác các sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, những điển hình tiên tiến, phong trào thi đua, lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn mong muốn thời gian tới các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước và tỉnh Bắc Giang cho mọi người dân cùng hiểu; đổi mới cách đưa tin hội nghị bằng cách tìm các vấn đề phân tích và đi sâu; phản ánh các điển hình tiên tiến một cách chân thực, xúc động tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần phản ánh các vấn đề bức xúc trong xã hội một cách văn minh, khách quan, đầy đủ thông tin từ nhiều phía. Bên cạnh đó, báo chí tỉnh nhà cần tăng cường các bài bình luận sâu sắc về tình hìn kinh tế, chính trị, văn hóa cả trong nước và quốc tế.

* Cùng ngày, Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ trao giải báo chí tỉnh lần thứ VII- năm 2017 và gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Giải báo chí tỉnh Phú Thọ lần thứ VII đã thu hút 131 tác phẩm thuộc các loại hình báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử của trên 200 tác giả, nhóm tác giả từ các cơ quan báo chí của tỉnh; Báo Quân khu 2, các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị trong tỉnh. Nhìn chung, chất lượng các tác phẩm dự giải đồng đều hơn năm trước, nội dung các tác phẩm đã mang tính khái quát cao, bám sát những vấn đề dư luận đang quan tâm như xây dựng Đảng, môi trường, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Từ 131 tác phẩm, Hội đồng chung khảo đã chọn 52 tác phẩm của 121 tác giả và nhóm tác giải đạt điểm cao để xếp giải, trong đó có 2 giải A, 11 giải B, 17 giải C và 22 giải khuyến khích…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đề nghị Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong tình hình mới; tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, chú trọng nâng cao chất lượng tin, bài, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiếp cận thông tin đa chiều. Bên cạnh những bài phản ánh tích cực, cần đi sâu khai thác các đề tài, những tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc mặt trái của xã hội để phản ánh kịp thời, giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương chấn chỉnh, khắc phục…Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí” cho 12 cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí và Bằng khen cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội./.