TCCSĐT - Từ ngày 28 đến ngày 29-3, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 28 của Liên đoàn Arab (AL) đã diễn ra tại Biển Chết (Jordan), với sự tham dự của 18 nhà lãnh đạo Liên đoàn Arab, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres và Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura.

Liên đoàn Arab đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực

 
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Arab chia rẽ trong nhiều vấn đề khu vực, Hội nghị là dịp để các nước Arab thúc đẩy sự đoàn kết nội khối với mục tiêu chung sức giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Vượt qua những bất đồng, các nhà lãnh đạo Arab ra Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đối với nhiều vấn đề trong khu vực. Theo đó, kêu gọi các thành viên chung sức giải quyết các cuộc khủng khoảng trong khu vực, trong đó có cuộc chiến tranh ở Syria và Yemen, cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Về cuộc khủng hoảng Yemen, Tuyên bố nêu rõ cần phải được giải quyết theo Sáng kiến do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất, Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các kết quả cuộc đối thoại Yemen. Hội nghị kêu gọi tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân tại Yemen. Giới lãnh đạo Arab cũng khẳng định ủng hộ liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp giúp khôi phục chính quyền hợp pháp của Yemen.

Về cuộc chiến Syria, các nhà lãnh đạo AL tuyên bố một giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất cho vấn đề Syria và kêu gọi các quốc gia tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Syria hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn. Liên quan đến cuộc xung đột Libya, lãnh đạo các nước AL bác bỏ bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài tại nước này, cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya cần phải dựa trên cơ sở thỏa thuận hòa giải dân tộc mà các bên đã đạt được tại thành phố Skhirat của Marocco hồi cuối năm 2015.

Cho dù đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề, song bất đồng lớn nhất giữa các nước Arab là vai trò của Iran trong khu vực, bởi nước này được cho là đồng minh của Syria và Iraq cũng như phong trào Hezbollah chi phối Lebanon. Thời gian qua, Iran và Saudi Arabia đã ủng hộ hai phe đối địch trong các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen, cũng như trong các cuộc xung đột chính trị và phe phái âm ỉ tại Bahrain và Lebanon. Vì vậy, nhấn mạnh đoàn kết là nền móng an ninh quốc gia của thế giới Arab, Tuyên bố chung đã bác bỏ mọi sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước Arab và kêu gọi nước này ngừng kích động chủ nghĩa bè phái trong khu vực.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, mâu thuẫn chính trị ở Trung Đông đã kích động căng thẳng giáo phái giữa hai dòng Hồi giáo chính là Sunni và Shi’ite và làm gia tăng tình trạng bạo lực. Phát biểu trong một cuộc họp với những người đồng cấp trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Jordan Safadi nói: “Chúng ta đang gặp gỡ trong một kỷ nguyên đầy khó khăn của thế giới Arab, vốn bị chi phối với các cuộc khủng hoảng và xung đột đang tước đi sự ổn định và an ninh mà chúng ta cần để duy trì các quyền của người dân”. Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra lạc quan hơn về tình hình khu vực, khi mối quan hệ giữa Saudi Arabia, quốc gia giàu có nhất trong thế giới Arab, và Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, dần có chuyển biến tốt. Hai nước này từng là đồng minh thân cận trong nhiều thập niên trước khi làn sóng bạo lực Trung Đông - Bắc Phi nổ ra năm 2011. Sau đó quan hệ hai nước đã gặp nhiều biến cố, mà gần đây là khác biệt về cách tiếp cận với cuộc chiến ở Syria và việc phân định biên giới trên biển.

Với những kết quả đã đạt được tại Hội nghị, các nhà bình luận khu vực nhận định, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Liên đoàn Arab lần thứ 28 với sự tham dự của lãnh đạo đa số các quốc gia thành viên, sẽ giúp mở ra cơ hội hợp tác, phát triển mới giữa các nước Arab vì lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh khu vực.

Anh - EU chính thức bắt đầu “cuộc chia tay” lịch sử

 
 Anh tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Ảnh: vtv.vn

Ngày 29-3, trước Quốc hội Anh, Thủ tướng T. May đã tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên EU của nước Anh. Thủ tướng T. May nhấn mạnh đây là quyết định “không thể thoái lui”, đã đến lúc người Anh phải thể hiện sự đoàn kết để bảo đảm đạt được một thỏa thuận đưa Anh rời EU theo đúng nguyện vọng của đa số người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 6-2016.

Mặc dù chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Sau khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, Thủ tướng Anh sẽ công bố chi tiết các kế hoạch đối với “Dự luật Hủy bỏ lớn” cho nước Anh thời hậu Brexit, đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên trong lộ trình rời khỏi EU của nước Anh. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất đối với ngành tư pháp Anh trong vài thập niên gần đây. “Dự luật Hủy bỏ lớn” đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình đưa Anh trở lại “là một quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Một trong những lý do mà những người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit đó là vì họ muốn luật pháp nước Anh không phải ban hành từ trụ sở của EU tại Brussels mà từ Nghị viện Anh tại Westminster. Theo dự luật này, Anh sẽ rút khỏi Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu và sẽ gắn kết những phần nội dung phù hợp của luật EU vào luật của Anh. Chính phủ Anh sẽ bắt đầu chỉnh sửa hoặc rút bỏ những luật mà nước Anh không muốn. Hàng nghìn quy định của EU sẽ được tiếp tục áp dụng tại Anh, nhưng không nằm trong luật của Anh. Những điều khoản mới sẽ không có hiệu lực cho đến khi Anh hoàn tất việc rút khỏi EU.

Theo giới phân tích, những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả hai bên bởi đó là thời gian để xác lập những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán. Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp với nhau. Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý “các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự” trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể là Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU. Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng quan hệ đối tác mới Anh-EU cần có thời gian và các thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông Barnier yêu cầu trong thời kỳ này, những biện pháp được áp dụng sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp của EU và Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) nghĩa là Anh sẽ vẫn phải tuân theo luật pháp EU và chịu quyền phán quyết của ECJ.

Trong khi đó, chính quyền Anh lại muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc chia tay” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai, trong đó một hiệp định thương mại tự do “tham vọng và can đảm” của Thủ tướng T. May là mục tiêu chủ chốt của London. Quan điểm rõ ràng của Thủ tướng T. May là “không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi”. Phía Anh muốn bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán vào tháng 3-2019, chứ không phải đợi đến khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi.

Trước các cuộc đàm phán mang tính quyết định vận mệnh, Anh và EU đều muốn thế hiện thái độ cứng rắn, nhưng trong thâm tâm hai bên đều hiểu rõ họ có quá nhiều quyền lợi chung, nếu tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc thì cả hai đều thua thiệt. Hai năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và EU để có thể gây dựng được mối quan hệ đối tác mới và mấu chốt quan trọng của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại hay không. Các nhà phân tích cho rằng đến cuối tháng 4 tới, khi EU đưa ra những thứ tự ưu tiên và vạch ra những “ranh giới đỏ” trong tiến trình đàm phán, cũng sẽ báo hiệu tính phức tạp, cam go của tiến trình này.

Với việc Thủ tướng T. May chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chọn rời khỏi EU, tạo ra cơn chấn động lớn nhất trong lịch sử liên minh này kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Thúc đẩy sự phát triển cân bằng của toàn cầu hóa kinh tế

 
 Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2017. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2017 diễn ra tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cuối tháng 3-2017 đã ra Tuyên bố về thúc đẩy Toàn cầu hóa kinh tế, với 6 đề xướng về toàn cầu hóa, thương mại xuyên biên giới, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, sáng tạo công nghệ và thúc đẩy sự phát triển cân bằng.

Với chủ đề “Tương lai của toàn cầu hóa và thương mại tự do”, Diễn đàn BFA 2017 xoay quanh 4 chủ đề chính gồm: Toàn cầu hóa (tập trung vào “Một vành đai, một con đường”, hợp tác khu vực châu Á, vòng đàm phán Doha, xây dựng lại chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương); Tăng trưởng (Giới hạn của chính sách tiền tệ, đầu tư xuyên biên giới, tinh thần người thợ, phục hồi đầu tư nhân dân…); Cải cách (Cải cách kết cấu cung cầu, cải cách thị trường lao động, cải cách y tế, cải cách cơ chế đất đai, cải cách thương mại, Cách mạng công nghiệp lần tư…); Kinh tế mới (Thiết kế công nghiệp, kinh tế chia sẻ, sáng tạo thung lũng Silicon, khởi nghiệp và nguồn vốn, khoa học - công nghệ trong lĩnh vực tài chính…).

Bốn chủ đề chính của BFA 2017 đã thể hiện rõ nhận thức của các nhà lãnh đạo châu Á trong bối cảnh đàm phán về thương mại toàn cầu bị đình trệ, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt từ các nước phát triển ngày một gia tăng. Cùng với đó, chủ nghĩa dân túy, quay lưng với liên kết khu vực và hợp tác kinh tế có xu hướng trở thành một trào lưu ở châu Âu và Mỹ.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã ra Tuyên bố BFA 2017 về thúc đẩy Toàn cầu hóa kinh tế. Theo đó, Diễn đàn đưa ra 6 đề xướng gồm: Thứ nhất, Chính phủ các nước cần coi toàn cầu hóa kinh tế là lực lượng tích cực, cần thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác để cải cách và hoàn thiện trật tự kinh tế quốc tế cũng như hệ thống xử lý vấn đề toàn cầu dựa trên nguyên tắc bảo đảm công bằng về nghĩa vụ, quyền lợi và chủ quyền kinh tế. Chính phủ các nước cần cùng áp dụng chính sách tương ứng để bảo đảm gia tăng phạm vi lợi ích do toàn cầu hóa kinh tế mang lại. Thứ hai, thương mại xuyên biên giới và tự do hóa đầu tư là động lực của sự phát triển bền vững của thế giới. Chính phủ các nước cần chung sức phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cùng kiên trì và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tự do hóa đầu tư thương mại, đồng thời không ngừng cải cách và hoàn thiện cơ chế đầu tư thương mại đa phương, nhằm bảo đảm sự thịnh vượng chung của toàn thế giới. Thứ ba, các tổ chức quốc tế, khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… cần chung tay giải quyết vấn đề phân tách hóa trong sắp xếp thương mại tự do, cần bàn thảo, xây dựng cơ chế thương mại song phương cũng như đa phương rộng mở, bao dung và công bằng, hợp lý hơn. Thứ tư, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) bên cạnh việc tăng cường cải cách chính mình cần đẩy mạnh, hoàn thiện việc quản lý, giám sát tài chính, qua đó phát huy vai trò của việc luân chuyển nguồn vốn xuyên quốc gia đối với tăng trưởng kinh tế, nhằm phòng ngừa hiệu quả và giảm nhẹ tác động tiêu cực của dòng vốn lưu động kiếm lời và sự đầu cơ đối với các thực thể kinh tế. Thứ năm, sáng tạo công nghệ và sự luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin có lợi cho việc rút ngắn khoảng cách Nam - Bắc (bán cầu), khoảng cách giàu - nghèo. Các nước cần triển khai một cách linh hoạt, đa dạng phương thức hợp tác công tư, qua đó tích cực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ, hỗ trợ tiến trình luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin, nhằm mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, khu vực, mọi tầng lớp, mọi nhóm đối tượng. Thứ sáu, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng của toàn cầu hóa kinh tế, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương như Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), APEC, chính phủ các nước có liên quan, các tổ chức tư nhân có liên quan cần ủng hộ và tham gia xây dựng cơ chế hợp tác đa phương rộng mở, nhằm cùng thúc đẩy sự kết nối của hạ tầng giao thông, sự kết nối về mặt cơ chế, cũng như sự kết nối về giao lưu dân gian.

Với việc đưa ra Tuyên bố BFA 2017 về thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, Diễn đàn đã khẳng định hướng đi không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, cũng như sự gắn kết giữa xu hướng này với tương lai phát triển và thịnh vượng của châu Á nói riêng, cũng như của thế giới nói chung.

Nga - NATO đạt bước tiến mới trong đối thoại

 
 Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: TTXVN

Ngày 30-3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo NATO và Nga đã đạt được bước tiến mới trong đối thoại thông qua việc trao đổi thông tin về tình hình lực lượng quân sự được triển khai ở Đông Âu. Phát biểu này được đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ Hội đồng Nga - NATO tại trụ sở tổ chức này ở Brussels (Bỉ).

Ông Jens Stoltenberg cho biết, đại sứ các nước đồng minh và người đồng cấp Nga đã đề cập chủ yếu đến các hoạt động quân sự tại Đông Âu với mong muốn tạo sự minh bạch và giảm thiểu các nguy cơ xảy ra xung đột. Từ tháng 12 vừa qua, quan hệ Nga - NATO đã bước đầu được cải thiện và đến nay hai bên đã đạt được một bước tiến mới thông qua việc trao đổi thông tin về các hoạt động quân sự của nhau tại khu vực này. Phía NATO đã trình bày báo cáo về bốn tiểu đoàn chiến đấu được triển khai tại các nước vùng Baltic và Ba Lan, còn Nga cũng đưa ra một báo cáo về ba sư đoàn mới được triển khai tại Quân khu miền Tây nước này. Tổng thư ký NATO mong muốn hai bên tiếp tục có những báo cáo tương tự trong tương lai và khẳng định ủng hộ việc tăng cường các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký NATO thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông J. Stoltenberg đánh giá tình trạng an ninh tại đây vẫn rất đáng lo ngại và các bên vẫn chưa tuân thủ lệnh ngừng bắn. NATO cũng yêu cầu được cung cấp một đường tiếp cận toàn diện cho các quan sát viên quốc tế và nhấn mạnh phải rút các vũ khí hạng nặng khỏi nước này.

Một ngày sau cuộc tham vấn, trên diễn ra một ngày trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng 28 nước NATO tại Brussels. Hội nghị này trước đó dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 4 song đã được đẩy sớm lên vào ngày 31-3 để Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể tham dự.

Hội đồng Nga - NATO là cơ chế đối thoại được thành lập từ năm 2002, nhóm họp thường xuyên đến năm 2014, thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và sau đó là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm). Từ tháng 4-2014, NATO đã ngừng mọi hợp tác dân sự cũng như quân sự với Nga. Hội đồng Nga - NATO cuối cùng cũng được tái khởi động cách đây một năm, từ đó đến nay đã diễn ra bốn lần họp chung giữa hai bên./.