Đồng Tháp chọn 3 chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
TCCSĐT - Năm 2016, Đồng Tháp phát triển kinh tế - xã hội về cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng cũng còn nhiều tồn tại cần được khắc phục để phấn đấu trở thành tỉnh khá. Bước sang năm 2017, Đồng Tháp sẽ tập trung nhiều nguồn lực để duy trì, phát triển trở thành một trong những tỉnh hàng đầu về năng lực cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả chủ yếu đạt được trong năm 2016
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức toàn tỉnh đã nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, đạt mức tăng trưởng GRDP là 6,38%, tính theo giá trị được 44.918 tỷ đồng, tăng 2.693 tỷ đồng so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 34,8 triệu đồng/người, tương đương 1.568 USD.
Các địa phương thực hiện tổ chức lại sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ, củng cố phát triển, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện tốt chuỗi giá trị. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật triển khai có hiệu quả cùng với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng nông sản. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được tăng cường, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng ngành ở mức 3,33%, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mô hình tương trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ thoát nghèo hình thành và nhân rộng. Đặc biệt, mô hình Hội quán đã tập hợp được những người dân cùng “sát cánh” bên nhau bàn chuyện liên kết phát triển sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và chung tay giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường nông thôn trên tinh thần tự nguyện, hợp tác.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,39% so cùng kỳ. Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp được chú trọng, đã thu hút 11 dự án đầu tư mới, có thêm 5 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 2 doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 11,69% so với năm 2015. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được thực hiện gắn với các lễ hội, sự kiện, liên kết xây dựng các tour du lịch, phát triển thêm một số điểm du lịch mới… Năm 2016, tỉnh thu hút 2,5 triệu lượt du khách, tăng 10% so với cùng kỳ, mang về doanh thu ngành 480 tỷ đồng, vượt 6,66% kế hoạch năm.
Công tác quản lý, điều hành ngân sách bảo đảm theo dự toán. Thu ngân sách đạt 4.990 tỷ đồng, tăng 3,33% so với dự toán năm, trong đó thu nội địa 4.900 tỷ đồng, vượt 8,03%.
Hoạt động tín dụng phát triển, tổng vốn huy động trong năm đạt 102,99% kế hoạch; tổng dư nợ cho vay đạt 98,79% kế hoạch năm, trong đó nợ xấu chỉ chiếm 1,19% tổng dư nợ.
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh... Nhờ đó, đã thu hút nhiều dự án đầu tư, chỉ riêng 9 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.145 tỷ đồng và có đến 418 doanh nghiệp thành lập mới trong năm với tổng vốn đăng ký 2.488 tỷ đồng.
Về văn hóa - xã hội, môi trường, ngành giáo dục - đào tạo thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, đã nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên đến 195 trường, tỉnh cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Ngành y tế được đầu tư cơ sở vật chất đáng kể, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, nhiều kỹ thuật mới được triển khai áp dụng ở tuyến tỉnh và huyện. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đạt kết quả thiết thực, chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng về lượng, trong năm đã đưa 1.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Công tác an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ và kịp thời, được cộng đồng xã hội hưởng ứng tích cực.
Công tác cải cách hành chính được kiên trì thực hiện, nhiều mô hình hay, việc làm tốt được nhân rộng. Điển hình như ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính, nhiều phần mềm được xây dựng và ứng dụng vào công tác quản lý; các cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối; thiết lập kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Hành chính công.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới được giữ vững, công tác đối ngoại được củng cố và mở rộng, nhất là quan hệ hợp tác với các tỉnh thuộc Vương quốc Cam-pu-chia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Còn những hạn chế, khó khăn
Thứ nhất, trong phát triển kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chiếm tỷ lệ thấp so sản lượng toàn tỉnh, diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP còn thấp, việc khai thác giá trị nhãn hiệu nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Các mô hình sản xuất hiệu quả chậm được nhân rộng. Hiệu quả kinh tế hợp tác chưa cao, tính bền vững trong liên kết sản xuất của hợp tác xã còn yếu kém. Sản xuất công nghiệp chủ yếu dựa vào ngành chế biến nông sản, khi thị trường xuất khẩu gặp bất lợi thì giá trị sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chất lượng phục vụ, trang thiết bị của một số nhà hàng, khách sạn chưa xứng tầm với đánh giá, xếp hạng của Tổng cục Du lịch.
Thứ hai, văn hóa - xã hội dù chú trọng tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa đúng mức. Quy mô, trang thiết bị trường lớp ngành học mầm non chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa thật sự bền vững. Cơ sở vật chất y tế chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn diễn ra.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa ngành với ngành, giữa cấp trên với cấp dưới từng lúc chưa thật sự chặt chẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn hạn chế; một số nội dung, công việc vướng mắc tại cơ sở chậm được phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ kịp thời.
Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
Trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2016 và khả năng huy động nguồn lực năm 2017, Đảng bộ, chính quyền Đồng Tháp đề ra mục tiêu cơ bản thực hiện trong năm 2017: Tăng trưởng kinh tế với mức 7,5%; GRDP bình quân đầu người là 37,8 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 16.316 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng 3 chương trình trọng tâm: (1) Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao; (2) Thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi sự lập nghiệp rộng khắp trong quần chúng nhân dân và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; (3) Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với công tác tạo việc làm, xuất khẩu lao động và giảm nghèo bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, kết hợp thúc đẩy công nghiệp chế biến. Tập trung phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến gắn với củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, bảo đảm mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhân rộng mô hình Hội quán, để liên kết sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi theo Đề án liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Dự án phát triển nông nghiệp bền vững. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chính sách thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó hỗ trợ ít nhất cho 9 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Hai là, tăng cường huy động xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở pháp lý về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các họat động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường. Ngoài ra, nghiên cứu mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các lĩnh vực cung cấp dịch vụ có điều kiện kêu gọi đầu tư và nhu cầu của xã hội ngày càng phát triển như hạ tầng giao thông, bảo trợ xã hội, cấp thoát nước, chợ, vận tải công cộng,...
Vốn đầu tư công được ưu tiên tập trung cho các công trình trọng điểm, nhất là các công trình giao thông kết nối để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch.
Ba là, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng và nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo dựng hình ảnh địa phương trong môi trường cạnh tranh và hội nhập. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới công tác quản lý về du lịch; phát triển dịch vụ du lịch theo hướng nâng cao sự hài lòng và tạo ấn tượng cho du khách. Xây dựng hạ tầng giao thông liên kết các tuyến, điểm du lịch; Đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch; đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, chú trọng nội dung đào tạo gắn kết với thực tế tại địa phương. Tổ chức Tuần lễ du lịch của tỉnh và xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào khai thác sản phẩm du lịch trải nghiệm tại thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh. Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ. Ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch.
Bốn là, tạo lập môi trường khởi nghiệp thuận lợi, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển dịch vụ. Triển khai thực hiện Kế hoạch Khởi nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thúc đẩy sự tham gia đầu tư, kiến tạo, hỗ trợ của các doanh nghiệp, với ý tưởng khởi nghiệp khả thi, để cùng hợp tác chia sẻ lợi ích. Phát huy, nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục thực hiện chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính quyền tạo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, tạo điều kiện phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Duy trì, phát triển sản phẩm công nghiệp gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu (lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả). Đầu tư phát triển hạ tầng và đổi mới phương thức quản lý ở các khu, cụm công nghiệp.
Duy trì chỉ số PCI của tỉnh đứng trong tốp 5 của cả nước; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để đưa hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước. Định kỳ hằng tháng tổ chức các phiên chợ nông nghiệp Xanh, tạo sự gắn kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn tiếp cận với người tiêu dùng. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp được tuyển chọn vào vòng chung kết Cuộc thi “Dự án Khởi Nghiệp” lần thứ 2 được triển khai và nhân rộng.
Năm là, bảo đảm và phát triển hài hòa các mục tiêu xã hội, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đầy đủ hệ thống an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát huy hiệu quả các mô hình người dân tự hỗ trợ thoát nghèo. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bảo đảm mục tiêu đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017. Xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư cơ sở trường mầm non. Tăng cường xã hội hóa trong cung ứng nước sạch, thu gom rác.
Tăng cường công tác y tế dự phòng, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng đến công bằng trong tiếp cận sử dụng và cung cấp các dịch vụ y tế. Sử dụng hiệu quả trạm y tế xã; sắp xếp tinh gọn mạng lưới khám chữa bệnh; phát triển hệ thống y tế theo hướng tăng cường xã hội hóa; giảm quá tải bệnh viện. Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.
Sáu là, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện dân chủ, hướng tới công bằng xã hội. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa điện tử và một cửa liên thông. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đổi mới về tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chuyển thành công ty cổ phần hoặc xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công. Khuyến khích thành lập các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Bảy là, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới và tăng cường đối ngoại. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các mô hình phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm khu vực biên giới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiềm chế tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống thiên tai. Duy trì mối hợp tác tốt đẹp với các tỉnh thuộc Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hợp tác trao đổi thông tin với các tỉnh, vùng, các quốc gia có quan tâm đầu tư tại Đồng Tháp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,… Tăng cường ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân./.
Sẽ thanh tra việc bồi thường thiệt hại môi trường biển tại miền Trung  (08/03/2017)
Thứ trưởng Ngoại giao Việt - Trung họp trao đổi vấn đề biên giới  (08/03/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư  (08/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay