TCCSĐT - Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre. Quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre xác định cần nỗ lực cao độ để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là tạo ổn định phát triển cho những năm tới.

Tăng trưởng nhưng nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực I chỉ đạt 4.713,7 tỷ đồng, giảm 7,22% so cùng kỳ. Trong đó nông nghiệp đạt 3.287 tỷ đồng, giảm 11,34%; thủy sản ước đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 3,91%. Giá trị tăng thêm khu vực II đạt 2.427,9 tỷ đồng, tăng 11,14% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp đạt 1.871,4 tỷ đồng, tăng 10,13%, xây dựng đạt 556,5 tỷ đồng, tăng 14,68%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.631 tỷ đồng, tăng 11,1%; trong đó tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp FDI 14,8%, doanh nghiệp trong nước 8,4%. Cũng so với cùng kỳ, Giá trị tăng thêm khu vực III đạt 5.560 tỷ đồng, tăng 8,87%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 15.896,5 tỷ đồng, tăng 11%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 332,3 triệu USD, tăng 11,1%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 143,06 triệu USD, tăng 13,5%.

Tổng thu ngân sách được 932,2 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ. Tỉnh điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, thực hiện cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết để hỗ trợ thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh,... nên tổng chi lên đến 2.871,7 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chi cho đầu tư phát triển là 6.327 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước cũng đều được triển khai ưu tiên đặc biệt cho phòng, chống xâm nhập mặn. Cụ thể, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác cấp nước ngọt để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp; đã lắp đặt và cung cấp nước thêm cho khoảng 4.000 khách hàng mới, góp phần nâng tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch lên 42%.

Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.370,912 tỷ đồng; cấp mới 2 giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI có vốn đăng ký 15 triệu USD, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án FDI. Đến nay, toàn tỉnh có 142 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 14.820,7 tỷ đồng và 49 dự án FDI tổng vốn đăng ký 619,15 triệu USD. Thành công lớn trong thời gian qua về đầu tư là tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê khu công nghiệp Giao Long I và II lần lượt đạt tỷ lệ 95,5% và 94,11%, riêng khu công nghiệp An Hiệp lên đến 100%.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, yếu kém giảm; số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, đến cuối tháng 6-2016 toàn tỉnh có 167 trường đạt chuẩn quốc gia. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre, hiện đang trang bị cơ sở vật chất để sớm đi vào hoạt động.

Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn, bệnh truyền nhiễm do thiếu nước ngọt, hạn hán, xâm nhập mặn. Công tác thanh tra, kiểm tra hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm được tiến hành thường xuyên. Đến nay, 100% xã có bác sĩ, 87 xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; toàn tỉnh có 993.863 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 78,74% dân số, đạt 100,95% kế hoạch. Tỉnh mua và cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 103.304 người thuộc hộ nghèo, 43.408 người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo với tổng kinh phí trên 51,22 tỷ đồng; hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 12.583 người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí trên 1,9 tỷ đồng.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển rộng khắp, gắn với xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và xã nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 94,7% hộ gia đình văn hóa; 97,2% ấp/khu phố đạt chuẩn văn hóa; 98,98% ấp/khu phố đạt chuẩn văn hóa 3 năm liên tục; 100% xã, phường, thị trấn văn hóa; 878 “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” theo quy định mới; 10 xã văn hóa nông thôn mới.

Để tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, tỉnh đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 16.272 lượt người, tổ chức Ngày hội việc làm - xuất khẩu lao động năm 2016 có 1.388 lao động tham gia, 21 phiên giao dịch việc làm với 239 doanh nghiệp và 2.162 lượt lao động tham gia; giải quyết việc làm cho 11.429 lao động, tăng 27,5% so cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu lao động 312 người). Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 51% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 25,3%).

Tỉnh đã hoàn thành công tác tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; kết quả, toàn tỉnh có 44.575 hộ nghèo, 143.233 nhân khẩu, chiếm 12,01% và 16.297 hộ cận nghèo, 44.250 nhân khẩu, chiếm 4,39%.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ nhất, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân khu vực nông thôn do thiếu nước ngọt, đặc biệt là gây thiệt hại lớn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản, làm cho tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp - thủy sản giảm nhiều so cùng kỳ, kéo theo tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt thấp.

Thứ hai, hệ thống công trình thủy lợi chủ lực của tỉnh chưa được đầu tư khép kín, hệ thống đê bao cục bộ chưa hoàn chỉnh nên việc chủ động nguồn nước tưới tiêu còn khó khăn. Một số vùng cây ăn trái bị nhiễm mặn và gây ra hiện tượng rụng trái, chết cây, cần phải có thời gian dài để khắc phục.

Thứ ba, công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được chuẩn bị sớm nhưng dự báo chưa sát với tình hình, diễn biến hạn mặn xảy ra quá sớm và sâu nên một số địa phương và người dân còn chủ quan, chưa kịp thời ứng phó, gây tổn thất khá lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, việc triển khai các công trình đầu tư hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, một số chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện kế hoạch được giao; quá trình xác định danh mục, thủ tục đầu tư, phân bổ và trình thỏa thuận vốn theo Luật Đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chậm; các dự án khởi công mới của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vướng thủ tục đầu tư theo quy định mới về thỏa thuận nguồn vốn từng công trình nên chưa giải ngân được; nhiều dự án khởi công mới chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán để triển khai đấu thầu,... làm ảnh hưởng trực tiếp đến phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Quyết tâm vượt khó, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Dự báo, trong thời gian tới sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn do bị ảnh hưởng trong những tháng đầu năm sẽ làm giảm năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực của tỉnh; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ sẽ được duy trì và phát triển do ít bị tác động của hạn mặn. Quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra nên các ngành, các cấp cần tập trung quyết liệt cho công tác khắc phục thiệt hại đã xảy ra để phục hồi sản xuất; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra ngay từ đầu năm. Bên cạnh việc củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị; an toàn giao thông và trật tự xã hội, cả hệ thống chính trị tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong sản xuất nông - lâm - thủy sản và xây dựng nông thôn mới, tập trung sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản an toàn, hiệu quả nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng dương của khu vực I cho cả năm 2016; điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện nguồn nước; khuyến khích nông dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu hạn, mặn cao; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các xã triển khai xây dựng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhất là tập trung hỗ trợ các xã điểm hoàn thành các tiêu chí còn lại để cuối năm 2016 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhanh chóng khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhằm chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là cung cấp nguồn điện, nước ngọt phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; hoàn thiện các thủ tục đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận; tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên cho khu công nghiệp Giao Hòa; tiếp tục đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thương mại - dịch vụ: Tập trung thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng và nâng cấp chợ, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng mới các chợ, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản; triển khai thực hiện chương trình thương mại điện tử năm 2016; bảo đảm cung ứng nguồn tín dụng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục xem xét, miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ dân bị thiệt hại do xâm nhập mặn, tạo điều kiện để phôi phục và phát triển sản xuất, thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri; tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để sớm đàm phán, ký kết để triển khai dự án Quản lý nước của tỉnh (vốn JICA), dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre (vốn ODA Hàn Quốc), và phê duyệt đề xuất dự án đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng vay vốn WB - Tiểu dự án thành phố Bến Tre.

Đồng thời, đề nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn,...; bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 để sớm triển khai thực hiện dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án xây dựng cụm xử lý nước sạch và tuyến ống cấp nước Nhà máy nước Ba Lai (Bình Đại) theo hình thức BTO.

Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên theo quy định của pháp luật; tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; thông qua danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh năm 2017. Triển khai Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tại Bến Tre”; “xây dựng chiến lược điều phối và quản lý ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre”. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; cho chủ trương lập lại dự án bãi rác Phú Hưng; chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa nắng.

Bốn là, tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội; bảo đảm đời sống người dân. Sớm tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các địa phương trong thời điểm giao mùa, trong đó tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa; thực hiện tốt công tác phối hợp trong kiểm tra, thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai Quyết định ban hành Quy chế quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục công nhận, công nhận lại, xóa và thu hồi danh hiệu văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động. Tập trung giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, chú trọng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tập trung thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất tăng thu nhập, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2016 ít nhất 1,5%; tổ chức điều tra, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016. Tăng cường vận động xã hội hóa góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo. Hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp và đi vào hoạt động ổn định sau bầu cử; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 04-3-2016 của Tỉnh ủy, về việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2020; kế hoạch cải cách hành chính năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; triển khai các giải pháp để duy trì và nâng cao chỉ số PCI, PAPI, PAR. Thực hiện tốt công tác tiếp dân; và giải quyết nhanh các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra các vụ, việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ; hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tổ chức các lễ, đại lễ kỷ niệm. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.