Cộng đồng Pháp ngữ rất coi trọng vai trò và đóng góp của Việt Nam
Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn về chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Cuba từ ngày 15 đến 17-11 và dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 16 tại Madagascar từ 26 đến 27-11.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả chuyến thăm chính thức Cuba vừa qua của Chủ tịch nước Trần Đại Quang?
- Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 15 đến 17-11-2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Cuba tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ở mỗi nước (Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vào tháng 01-2016 và Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba tổ chức vào tháng 4-2016), thông qua đường lối chính sách, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới.
Cuba cũng là nước đầu tiên ở Tây Bán cầu mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm chính thức trên cương vị hiện nay, được lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và nhân dân Cuba đón tiếp hết sức trọng thị, ấm áp và nồng hậu. Điều này thể hiện truyền thống cũng như mong muốn và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro thiết lập, dẫn dắt và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, củng cố và phát triển trong gần 6 thập kỷ qua.
Trong bầu không khí đầy tình đồng chí anh em, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên, linh hoạt và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác như hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Ủy ban liên chính phủ, Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Quốc phòng, Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng Ngoại giao; tăng cường quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng và đối ngoại; ưu tiên đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết hiệp định thương mại mới nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư song phương; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, triển khai các dự án hợp tác và đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng, viễn thông, dầu khí; đồng thời, thúc đẩy hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch, đào tạo, giao thông-vận tải, tư pháp, tài chính-ngân hàng...
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó và đặc biệt tin cậy giữa Đảng và Nhà nước hai nước; đồng thời, tạo xung lực mới và mở ra triển vọng tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư song phương thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Cuba có môi trường đối ngoại thuận lợi và từng bước tháo gỡ khó khăn, thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng cởi mở.
- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật và ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra từ 26 đến 27-11-2016 tại Antananarivo, Madagascar?
- Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong không gian Pháp ngữ có nhiều diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng tăng.
Cộng đồng quốc tế đang bắt đầu triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được Liên hợp quốc thông qua năm 2015. Trong bối cảnh đó, kết quả nổi bật nhất của Hội nghị cấp cao lần này là việc các nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm cao sẽ tăng cường đoàn kết và hợp tác trong không gian Pháp ngữ và với các nước khác nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức nêu trên vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Thứ hai, với chủ đề “Tăng trưởng đồng đều và phát triển có trách nhiệm: những điều kiện bảo đảm ổn định trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ,” Hội nghị cấp cao đã thông qua Tuyên bố Antananarivo và 13 nghị quyết đề cập đến các vấn đề quan tâm hàng đầu của Cộng đồng Pháp ngữ và của cộng đồng quốc tế như ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng, xung đột và tranh chấp, chống khủng bố, bảo vệ đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, bảo đảm giáo dục có chất lượng, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.v.v. Đây sẽ là những định hướng lớn trong hợp tác Pháp ngữ thời gian tới.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ. Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Pháp ngữ, nơi đóng góp 13% GDP và 20% trao đổi thương mại toàn cầu; khẳng định quyết tâm đưa Cộng đồng Pháp ngữ trở thành không gian trao đổi, đoàn kết và hợp tác, vì lợi ích chung của các nước thành viên.
Thứ tư, Hội nghị đã kết nạp chính quyền New Caledonia (Pháp) làm thành viên liên kết, Argentina, Hàn Quốc và chính quyền Ontario (Canada) làm quan sát viên, nâng tổng số thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ từ 80 lên 84. Việc có thêm nhiều nước xin gia nhập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ chứng tỏ sức hút, uy tín và vị thế của tổ chức ngày càng tăng.
Với những kết quả đó, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 đã thành công tốt đẹp, khẳng định vai trò và vị thế của Cộng đồng Pháp ngữ là một diễn đàn đa phương quan trọng trên trường quốc tế.
- Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã có những đóng góp gì vào thành công của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16?
- Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Trước hết, cần khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ là bước triển khai chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương mà Đại hội Đảng XII đã đề ra. Do đó, Việt Nam đã cử đoàn cấp cao do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tham gia Hội nghị cấp cao lần này.
Cộng đồng Pháp ngữ cũng rất coi trọng vai trò và đóng góp của Việt Nam, do đó đã mời Chủ tịch nước ta là đại diện duy nhất đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại lễ khai mạc và trông đợi những đóng góp cụ thể của Việt Nam tại Hội nghị.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước ta đã nêu bật thông điệp cần “thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”; kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn; tham gia xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu; thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước cũng chia sẻ mô hình thành công của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nhiều nước thành viên Pháp ngữ đang gặp khó khăn, bất ổn và chậm phát triển.
Đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực và thực chất trên tất cả các vấn đề lớn của Pháp ngữ; đã gắn được những lợi ích sát sườn, thiết thân của Việt Nam với quan tâm chung của Cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Hội nghị cũng đã nêu vấn đề Biển Đông trong Văn kiện, bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Những đóng góp trên đã thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam. Trong trao đổi, tiếp xúc, các nước đều hoan nghênh Chủ tịch nước ta đã tham dự và bài phát biểu của Chủ tịch nước tại lễ khai mạc, đánh giá cao những đóng góp tích cực, thực chất của đoàn Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị.
- Bên lề Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có một loạt các hoạt động song phương với nước chủ nhà Madagascar và gặp gỡ trưởng đoàn các nước. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả các hoạt động trên?
- Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Nước chủ nhà Madagascar đã đón tiếp đoàn ta với mức độ nghi lễ của một chuyến thăm cấp Nhà nước. Thủ tướng Madagascar đã đón Chủ tịch nước ta tại sân bay và cử Bộ trưởng đặc trách nông nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước suốt chuyến thăm. Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã diễn ra tại Phủ Tổng thống.
Chủ tịch nước ta và Tổng thống Madagascar đã hội đàm và cùng chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về Hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam và Madagascar. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống bạn nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa lịch sử; khẳng định nếu như trước đây Việt Nam là tấm gương đấu tranh giải phóng dân tộc thì ngày nay lại là một hình mẫu phát triển kinh tế thành công.
Tổng thống Madagascar mong muốn phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Madagascar có nhu cầu như nông nghiệp, thương mại và đầu tư; cam kết tạo điều kiện để Tập đoàn viễn thông Viettel đầu tư vào Madagascar. Lãnh đạo hai nước nhất trí coi nông nghiệp là trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và cho rằng hai bộ Nông nghiệp cần tăng cường trao đổi để tìm biện pháp thiết thực thúc đẩy hợp tác. Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và trong Khối Pháp ngữ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã đến đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người ở trung tâm thủ đô Antananarivo. Đây là cụm di tích lớn nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại châu Phi, là biểu tượng của tình cảm kính trọng và mến yêu của người dân Madagascar đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước cũng đã có buổi gặp mặt thân mật và cảm động với Cộng đồng bà con gốc Việt tại Madagascar.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước đánh giá rất cao và trân trọng những tình cảm mà cộng đồng con cháu người Việt tại Madagascar, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn luôn hướng về quê hương đất nước; dặn dò bà con luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của Madagascar và luôn hướng về Tổ quốc.
Nhân dịp này, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Madagascar lần đầu tiên được tổ chức đã thành công vượt dự kiến với sự tham dự đông đảo của các bộ trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi, nghề cá, viễn thông, tài nguyên khoáng sản, xây dựng và cơ sở hạ tầng, thứ trưởng Ngoại giao, đại diện Quốc hội và hơn 200 doanh nghiệp Madagascar.
Ngay tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn các phòng thương mại Madagascar và Phòng Thương mại Madagascar-Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác 3 bên.
Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký Pháp ngữ và nguyên thủ, lãnh đạo nhiều nước thành viên nhằm trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư./.
Chủ tịch Quốc hội lên đường dự lễ tang lãnh tụ Cuba Fidel Castro  (28/11/2016)
Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI cả nước trong tháng 11 tăng 0,48%  (28/11/2016)
Đoàn Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội làm việc tại New Zealand  (28/11/2016)
Thị trường lúa gạo rơi vào tình trạng ảm đạm do cung lớn hơn cầu  (28/11/2016)
Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp các chuyến thăm và làm việc  (28/11/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên