Sự kết hợp giữa hai tinh hoa trà Việt

Nguyễn Thúy Quỳnh
17:29, ngày 26-05-2024

TCCS - Ngày 24-5-2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Lễ hội “Sâm và hương dược liệu quốc tế 2024”, trong đó trà là đường dẫn, được xem là “vua” của các loài thảo mộc, là hương dược liệu quốc gia, quốc tế.  Lễ hội có sự tham dự hàng trăm doanh nghiệp, thương hiệu đến từ gần 40 quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu dự Lễ hội “Sâm và hương dược liệu quốc tế 2024”_Ảnh: Phương Nguyên

Văn hóa trà như dòng chảy xuyên suốt từ ngàn xưa đến nay và thấm đẫm vào cuộc sống, tâm hồn người Việt. Trà đã được bắt nguồn và gắn liền đời sống trong hành trình 5.000 năm lịch sử. Văn hóa trà Việt chính là đại diện sống động nhất về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với người Việt, trà là quốc ẩm. Trong khi đó, sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo Việt. Sự kết hợp tài tình giữa hai tinh hoa này tạo nên bản giao hưởng của hương, sắc, vị, dược.

Trà Việt trên phương diện sức khỏe 

Trên thế giới cũng như tại khu vực châu Á, tại Việt Nam, trà được biết đến như loại thức uống phổ biến từ ngàn đời nay. Trước khi người Việt xem trà là loại thức uống thường nhật thì trà được biết đến là một loại thảo mộc có dược tính cao, tốt cho sức khỏe. Việt Nam có rất nhiều vùng nguyên liệu trà quý, như trà cổ thụ dãy Hoàng Liên Sơn, trà Ô Long Bảo Lộc, Lâm Đồng… được xem như thủ phủ trà của Việt Nam. Cùng với đó, nhân sâm vùng núi Ngọc Linh được xem là một trong những nhân sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, có tác dụng chống stress, kích thích hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ gan.

Không gian trưng bày sản phẩm của thương hiệu Đôi Dép_Ảnh: Phương Nguyên

Tại sự kiện Lễ hội “Sâm và hương dược liệu Quốc tế 2024”, thương hiệu Đôi Dép đã phát triển thành công sản phẩm trà kết hợp giữa danh trà thượng hạng với sâm Ngọc Linh vùng Tu Mơ Rông. Sự kết hợp này dựa trên nền tảng y học cổ truyền, trong đó, quân dược là sản phẩm trà từ nguyên liệu Ôlong được tuyển chọn kỹ càng tại vùng đất King Lộ nổi tiếng thuộc tỉnh Lâm Đồng mang tên Đại Hoàng Bào. Phẩm trà sau chế biến sẽ có màu vàng óng ánh như chiếc áo long bào của vua, lá trà lại xanh mướt như còn tươi nguyên trên cành. Hương, vị của trà hòa quện mạnh mẽ. Thần dược là tinh chất bột làm từ củ sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi. Nguyên liệu chọn làm sâm phải đạt chuẩn mực rất cao và sâm thuộc vùng Tu mơ Rông. Sâm Ngọc Linh khi hòa quện với trà Hoàng Bào phải tương hỗ nhau, không được lấn át hương, sắc, vị, hình của trà. Để trợ giúp cho sự kết hợp giữa quân dược trà và thần dược sâm, nghệ nhân Đôi Dép đã sử dụng tá dược làm từ lá của sâm. Đặc biệt chất kết dính các nguyên liệu này là sứ dược được lấy từ củ, rễ sâm và một số nguyên liệu đặc biệt. Tất cả nguyên liệu từ quân - thần – tá - sứ hoà trộn với nhau tạo thành thức uống đạt độ vi tế cao trong thưởng lãm, là thức uống tốt cho ngũ tạng và tốt cho sức khỏe.

Trà trên phương diện văn hóa

Trên phương diện văn hóa phổ biến trà, Việt Nam khởi nguyên việc ẩm trà từ sự mộc mạc, chân phương của người dân vùng nông thôn và phát triển sâu rộng đến các tầng lớp khác với nhiều kiểu thức ẩm trà phong phú. Điều đó minh chứng nguồn gốc trà, chính là người bạn, người đồng hành xuyên suốt chiều dài lịch sử của cư dân nông nghiệp Việt cổ. Nền văn minh lúa nước của người Việt xem gạo là quốc thực thì trà chính là quốc ẩm.

Nguyên liệu trà được tuyển lựa kỹ lưỡng từ những lá trà ngon nhất vụ xuân_Ảnh: Phương Nguyên

Trà càng đặc biệt hơn với những tinh hoa và mở ra nền minh triết của con người. Trà có thể gọi là “Quốc Ẩm Việt”. Tại lễ hội Đền Hùng, bên cạnh nghi lễ dâng cúng sản vật, con cháu người Việt dâng lên vua Hùng “Quốc Ẩm Việt Trà”, với Tổ Ân Di Diệp trà là loại trà được làm để cúng Quốc Tổ. Nguyên liệu trà được tuyển lựa kỹ lưỡng từ những lá trà ngon nhất vụ xuân tại vùng trà King Lộ nổi tiếng thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tổ Ân Di Diệp được làm với số lượng rất hạn chế để dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3. Trà sau dâng cúng lễ sẽ gửi tặng lại cho trà hữu thọ lộc Tổ khi có dịp đến tế lễ Giỗ Quốc Tổ hằng năm tại Đền Hùng - Lâm Đồng.

Tại sự kiện lễ hội “Sâm và hương dược liệu Quốc tế 2024”, thương hiệu Đôi Dép ra mắt Ngũ Thức Đài, là mô hình không gian văn hóa thưởng trà độc đáo kết hợp thưởng lãm âm nhạc dân tộc cung đình đặc sắc. Không gian thưởng trà kết nối các trà hữu theo năm thức uống trà của người Việt: Mộc Thức, Văn Thức, Ngự thức, Tĩnh thức, Thư Thức. Tại đây, mọi người thưởng thức các danh trà ngon của Đôi Dép với nhiều loại thuộc 5 dòng trà nổi tiếng: Lục trà, Hồng trà, Hoàng trà, Bạch trà, Hắc trà.

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội “Sâm và hương dược liệu quốc tế 2024”_Ảnh: Phương Nguyên

Trà trên phương diện kinh tế

Trà được xem như “vàng xanh” của thế giới. Thương hiệu Đôi Dép đã và đang phát triển văn hóa trà, ngành kinh tế trà ngày càng hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể là, Thương hiệu Đôi Dép đưa thương hiệu, văn hóa, sản phẩm trà Việt Nam giới thiệu tại Tea Expo - Trung Quốc, đồng thời tham gia Worl Tea Expo tại Mỹ, hợp tác chiến lược cùng Food Force - Tập đoàn Morisho - Nhật Bản./.