TCCS - Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Uông Bí tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Uông Bí cũng là địa phương có nhiều sáng tạo trong việc huy động các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Một góc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: quangninh.gov.vn

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thành phố Uông Bí triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 với xuất phát điểm có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác. Thành phố có 2 xã là Điền Công và Thượng Yên Công, mỗi xã đều có 9 chỉ tiêu, 24 tiêu chí tiệm cận với các quy định theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. 100% các đường trục chính, đường liên thôn, nội đồng đều được trải nhựa, bê-tông hóa, đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng, biển báo. Hai xã có 6/6 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Chỉ sau 4 năm, năm 2015, 2 xã Điền Công và Thượng Yên Công được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2017, Uông Bí tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ngày 17-10-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1414/QĐ-TTg công nhận thành phố Uông Bí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới cụ thể của 2 xã Điền Công và Thượng Yên Công đều được thẩm định, chấm điểm đạt và vượt quy định đề ra.

Để đạt được kết quả này, thành phố Uông Bí triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, ngoài việc áp dụng sớm và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thành phố Uông Bí còn sớm ban hành đồng bộ hệ thống hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ riêng phù hợp với thực tiễn. Cụ thể như Đề án phát triển nông thôn mới; các kế hoạch thực hiện, chính sách hỗ trợ về giao thông, xây dựng nhà ở, dồn điền đổi thửa, thu gom rác thải; hỗ trợ lãi vay phát triển sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... Nhờ đó, trên địa bàn 2 xã đã thực hiện 50 dự án, mô hình sản xuất với tổng trị giá 120 tỷ đồng, trong đó 29,7 tỷ đồng từ hỗ trợ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất của 2 xã hoạt động hiệu quả. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 42,3 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ nguyên vật liệu, chính quyền xã đảm nhiệm khâu khảo sát, thiết kế, người dân đóng vai trò giám sát. Chính vì vậy, các tuyến đường được hoàn thành chiếm tới 70% giá trị đầu tư từ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về công trình vệ sinh môi trường được thực hiện theo cách ưu tiên các hộ tiên phong, giảm dần mức hỗ trợ về sau, kiên quyết đối với các hộ thực hiện sau thời gian quy định hoặc không thực hiện. Vì vậy, tỷ lệ hộ dân sử dụng hầm bioga, có nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình chuồng trại phù hợp tiêu chuẩn... trên địa bàn xã Điền Công, Thượng Yên Công đạt trên 90%.

Tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn ở thành phố Uông Bí còn gặp nhiều hạn chế. Do đặc thù khu vực nông thôn của thành phố nằm trong vùng kinh tế tổng hợp, đa dạng ngành nghề, thu nhập theo hướng nông nghiệp còn thấp, nên người dân chưa thật sự tâm huyết với sản xuất nông nghiệp. Tình trạng lao động nông thôn đi làm thuê, chưa thực sự chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn còn xảy ra. Thành phố Uông Bí quán triệt và triển khai Chương trình nông thôn mới trong bối cảnh là địa phương phải tự cân đối các nguồn lực để đầu tư thực hiện các mục tiêu của chương trình trong điều kiện kinh tế - xã hội đang khó khăn. Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao còn ít, chưa phát triển thành vùng. Việc liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế…

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục và mức độ yêu cầu ngày càng cao hơn, thành phố Uông Bí sẽ tiếp tục đầu tư, thúc đẩy phát triển mọi mặt, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là đưa thu nhập của người dân chạm mốc 50 triệu đồng/người/năm. Cụ thể hóa của mục tiêu này là việc nhân rộng các mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; triển khai giai đoạn II chương trình OCOP... Trong bối cảnh xã Điền Công sẽ sáp nhập với phường Trưng Vương; xã Thượng Yên Công đặt mục tiêu lên phường, ngay từ bây giờ, Uông Bí xác định cần phát triển nông thôn mới gắn với đô thị hóa, ưu tiên phát triển các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương gắn với du lịch, dịch vụ. Từ nay đến cuối năm, thành phố Uông Bí sẽ tiếp tục chỉ đạo xã Thượng Yên Công thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 theo kế hoạch; phối hợp tuyên truyền, triển khai việc tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn để mỗi hộ dân, cá nhân, hộ gia đình phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới./.