Nam Định: Những kết quả đạt được sau một năm thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
TCCS - Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18-6-2021 về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Sau một năm thực hiện, tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả nổi bật.
Mục tiêu then chốt của Nghị quyết là xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa. Đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường nông thôn được phát triển theo hướng “xanh - sạch”; hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, duy trì kết quả phổ cập giáo dục hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; xã hội dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa.
Sau một năm, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, song tỉnh Nam Định vẫn đạt được những kết quả đáng khen ngợi trên mọi phương diện. Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 106 xã, thị trấn (chiếm 52% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết tháng 7-2022, có 65 xã, thị trấn đủ điều kiện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Một số huyện có kết quả nổi bật về số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, như huyện Hải Hậu (100% số xã), huyện Nghĩa Hưng (71% số xã), huyện Vụ Bản (56% số xã), huyện Trực Ninh (48% số xã).
Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai, thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 212 sản phẩm 3 sao và 39 sản phẩm 4 sao; có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH thuỷ sản Lenger Việt Nam, thành phố Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 (của Công ty TNHH Toản Xuân, huyện Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Đến nay, số cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 525 đơn vị, tổng số vốn đăng ký là 5.477,6 tỷ đồng, đã thực hiện 4.026,2 tỷ đồng; tổng số lao động trong các cụm công nghiệp khoảng 23.000 lao động. Tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề nông thôn và doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng các vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 142 làng nghề nông thôn, trong đó có 80 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn đọng một số hạn chế. Mặc dù phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phát triển mạnh song còn chưa đồng đều giữa các địa phương, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm. Trên địa bàn tỉnh chưa có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả thực hiện một số tiêu chí nông thôn nâng cao, kiểu mẫu chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí bảo vệ môi trường, tiêu chí sản xuất, thu nhập. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến quá tải và không bảo đảm vệ sinh trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch tập trung tại một số địa phương còn chậm. Kết quả huy động kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở một số địa phương còn hạn chế.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Nam Định cần tập trung thực hiện đồng bộ hơn nữa các nhiệm vụ sau trong thời gian tới:
Một là, tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định bảo đảm kết nối phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với đô thị hoá, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng. Củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, như giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường,... Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu “đô thị mới” ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng,...
Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung phát triển mạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán lẻ.
Bốn là, quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn. Quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Thực hiện tốt công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các vùng nuôi trồng thủy sản. Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch. Kết hợp chặt chẽ giữa việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với việc phát động thường xuyên, liên tục phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”. Nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư làm tốt công tác bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn.
Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội. Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, các chính sách về việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Sáu là, thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Xây dựng các mô hình thôn, xóm thông minh, xã thông minh.
Bảy là, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn bình yên, đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật để người dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.
Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới  (18/07/2022)
Huyện Ba Chẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022  (20/06/2022)
Thành phố Cần Thơ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị  (12/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay