TCCSĐT - Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản", Festival Huế lần thứ X - 2018 là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Từng bước hình thành thương hiệu Festival Huế

Phát huy những kết quả của Festival Việt - Pháp năm 1992, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn, chất lượng cao. Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa Thông tin, Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Tháng 10-1998, Chính phủ đã có quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000.

Festival Huế 2000 là một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn kết việc mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế, xây dựng Huế từng bước trở thành thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2000 diễn ra trong 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Từ đó đến nay, đều đặn hai năm một lần, mỗi lần là một chủ đề độc đáo và đa dạng, các kỳ Festival Huế thu hút ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch, đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, từng bước xây dựng Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam. Festival Huế đã trở thành một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, giới thiệu được những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, của Huế và nhiều quốc gia trên thế giới, tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế du lịch và văn hóa phát triển, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam. Cung cách tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, khẳng định thương hiệu Festival Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh của cố đô Huế, thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2018: Nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật có chất lượng

Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản", Festival Huế lần thứ X diễn ra từ ngày 27-4 đến 02-5-2018. Festival Huế lần này là sự kế thừa và khẳng định những thành công của các kỳ Festival trước đây; là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 6 ngày đêm diễn ra tại Festival Huế 2018.

Văn Hiến Kinh Kỳ là điểm nhấn, chương trình “đinh” của Festival Huế 2018. Đây là một show diễn nghệ thuật tổng hợp do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện; kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác. Trong đó, một câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX được kể chủ yếu bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế, làm nổi bật các chủ đề: Công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc. Văn hiến Kinh Kỳ xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Với thời lượng 80 phút, kịch bản chương trình được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 12 hồi gắn với các chủ đề, nội dung cụ thể.

Có chủ đề “Nguồn cội”, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại Công viên Phu Văn Lâu. “Nguồn cội” giới thiệu đến khán giả là quê hương, thân phận, tình yêu với phố, ru, ca khúc Da vàng, nhạc thiếu nhi, trường ca với 13 đoản khúc.

Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương” là chương trình nghệ thuật đầu tiên trong suốt 10 kỳ Festival được thực hiện trên một sân khấu chìm trên sông Hương. Âm vọng sông Hương như bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế.

Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” là chương trình nghệ thuật âm nhạc và múa Phật giáo với chủ đề “Tỏa sáng niềm tin”. Chương trình có sự kết hợp các nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương, cầu quốc thái dân an.

Lễ Khai mạc tại Quảng trường Ngọ Môn, Lễ Tế Giao tại Đàn Nam Giao, Yến tiệc Hoàng Cung tại Duyệt Thị Đường, Đại Nội, Lễ hội Đường phố “Sắc màu văn hóa”, Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và Lễ Bế mạc tại Quảng trường Ngọ Môn cũng sẽ được tổ chức hoành tráng, trang trọng và thấm đượm các sắc màu nghệ thuật.

Xã hội hóa để tăng nguồn lực tổ chức Festival Huế 2018

Tổ chức Festival năm nay, Thừa Thiên - Huế đặc biệt chú trọng, khuyến khích công tác xã hội hóa để tăng nguồn lực cho tổ chức lễ hội, đồng thời, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký kết với 5 nhà tài trợ chính cho Festival Huế 2018 gồm: Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (tài trợ Vàng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Carlsberg Việt Nam, Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế, Vietnam Airlines và Công ty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, với tổng mức tài trợ trên 21,3 tỷ đồng. Có một số đơn vị lần đầu hợp tác, tài trợ cho các hoạt động của Festival Huế như: Vingroup, Vinamilk... Lần đầu đến với Festival Huế 2018, ông Kajiwwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, Festival Huế là sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của quốc tế. Không chỉ đồng hành cùng Festival Huế 2018, thời gian qua, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam có nhiều nỗ lực để duy trì những giá trị ẩm thực truyền thống bằng việc kết hợp hương vị Việt Nam với công nghệ Nhật Bản; đồng thời phát huy, nâng cao nguồn nguyên liệu trong nước để bạn bè quốc tế có thể tiếp cận nhiều hơn với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc trưng của Việt Nam. Trong khuôn khổ Festival Huế, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Carlsberg Việt Nam tổ chức Lễ hội bia Huế bằng hình thức xã hội hóa, quy tụ những loại bia nổi tiếng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, lễ hội còn mang đến hàng loạt chương trình giải trí thú vị, tạo thêm không gian thu hút khách đến Huế.

Điểm mới trong công tác xã hóa Festival Huế năm nay là ngoài những tài trợ chung, nhiều đơn vị còn nhận tài trợ riêng cho từng chương trình nghệ thuật. Cụ thể, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn được gia đình cố nhạc sĩ tài trợ toàn bộ kinh phí tổ chức, Ban Tổ chức Festival Huế 2018 chỉ hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ... Tại Festival Huế 2018, giá trị văn hóa của Phật giáo cũng được tôn vinh qua chương trình "Tỏa sáng niềm tin". Với lịch sử lâu đời của một Trung tâm Phật giáo cả nước, Huế hiện vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa Phật giáo cần được bảo tồn và phát huy. Tại Festival Huế năm nay, chương trình lễ hội của Phật giáo "Tỏa sáng niềm tin"được tổ chức trong công viên cầu Dã Viên, ven sông Hương. Trong chương trình, có khoảng 30.000 ngọn hoa đăng được thả xuống dòng Hương Giang. Nghi lễ truyền đăng và thả hoa đăng trên sông Hương diễn ra theo nghi thức truyền thống của Phật giáo. Đặc biệt, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng, trên tay mỗi người sẽ cầm một cây đèn hoa đăng và sẽ truyền ngọn đèn cho tất cả mọi người và thả trên dòng sông Hương để cầu nguyện cho đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình. Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới; trong đó, tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn sẽ mang tới cho du khách trong nước và quốc tế những khám phá và trải nghiệm thú vị, đặc sắc.../.