Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Quảng Bình - Những kinh nghiệm bước đầu
TCCSĐT - Để góp phần nhận thức và vận dụng quan điểm của Đại hội XII của Đảng về công tác tôn giáo, từ tổng kết thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Quảng Bình, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bước đầu.
Quảng Bình có 2 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là Công giáo và Phật giáo. Công giáo ở Quảng Bình có trên 101.000 tín đồ, chiếm 12% dân số toàn tỉnh, phân bố trên 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, 69 xã, phường, với 89 cơ sở thờ tự. Toàn tỉnh có 2 hạt, 32 xứ, 94 họ, 34 chức sắc Công giáo (33 linh mục và 1 bề trên Cộng đoàn), 682 chức việc. Phật giáo ở Quảng Bình có trên 3.100 tín đồ, sống rải rác trên địa bàn 29 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố, sinh hoạt trong 8 cơ sở thờ tự, với 21 chức sắc (trong đó có 1 nhà tu hành), 40 chức việc. So với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tôn giáo ở đây không nhiều, có tính “thuần hậu” hơn, tuy mới xuất hiện 2 tà đạo là “Tam giáo Tuyên Dương” có khoảng 45 người tin theo và “Chân Không” có 10 người tin theo(1), nhưng hiện đã không còn hoạt động chính thức.
Trong những năm gần đây, hoạt động của Công giáo và Phật giáo ở Quảng Bình có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tiến bộ: mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường, phần lớn các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử tuân thủ pháp luật, pháp lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với nhân dân trong tỉnh hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời - đẹp đạo”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,… Hầu hết các hoạt động tôn giáo, như tổ chức các lễ chầu lược, lễ quan thầy, các hoạt động mục vụ,… đều diễn ra theo kế hoạch đã đăng ký với chính quyền cơ sở. Các linh mục, nhà tu hành có thái độ cởi mở, hòa nhã, đồng thuận và hợp tác khá tốt với các cấp, các ngành ở địa phương trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến tôn giáo.
Tuy vậy, do một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, cũng như âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà có lúc đã làm cho tình hình tôn giáo ở Quảng Bình vốn bình thường trở nên phức tạp hơn. Từ thực tiễn quản lý nhà nước về tôn giáo và tình hình hoạt động tôn giáo ở Quảng Bình, một số kinh nghiệm bước đầu có thể rút ra là:
Thứ nhất, khắc phục những hạn chế, bất cập trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bổ sung những vấn đề mới nảy sinh, sớm ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở Quảng Bình, nhìn chung, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định về tín ngưỡng, tôn giáo đã đi vào cuộc sống, được các tín đồ tôn giáo đón nhận một cách tích cực, chân thành và là công cụ tốt cho việc quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp; Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã bổ sung, phát triển nhiều điều khoản mới liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, phải nâng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhanh chóng ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quản lý nhà nước về tôn giáo của cả nước nói chung và ở Quảng Bình nói riêng đang chờ đợi giải pháp mang tầm vĩ mô này, và nó được xem như “thanh bảo kiếm” trong quản lý nhà nước về tôn giáo.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Nội dung tuyên truyền trước mắt là tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8-11-2012, của Chính phủ và những điểm mới của Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiệu quả tuyên truyền là phải biến nhận thức thành tự ý thức ở mọi người, phải tạo thành thói quen tích cực sống, làm việc và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Thực tế ở Quảng Bình cho thấy vì sao chuẩn mực đạo lý bị đảo ngược ở một số chức sắc, linh mục, nhà tu hành ở giáo xứ Gia Hưng - Bố Trạch, giáo xứ Đá Nện - Tuyên Hóa,… những ai làm trái pháp luật thì họ nêu gương, những người phản dân, hại nước dưới con mắt họ là những “anh hùng”? Có lẽ, ngoài âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, thủ đoạn đội lốt tôn giáo của một số phần tử cơ hội chính trị nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta, nguyên nhân còn là do phương pháp tuyên truyền của chúng ta hiện nay chưa hiệu quả, thiết thực, “phát chưa động”, “tuyên chưa rõ”, “truyền chưa tới nơi, tới chốn”. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, trong công tác tuyên truyền, vận động, cần chú ý đến các phương châm như “Trăm nghe không bằng một thấy”, “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, “Tốt đời mới đẹp đạo”, “ Kính Chúa phải yêu nước, yêu nước mới là kính Chúa”, “Nói thì phải làm”,… Đối với những người chống phá cách mạng, lầm đường lạc lối, phải thực hiện đồng bộ các phương pháp, phương châm: “Đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, “Thuyết giáo đi đôi với cải giáo”, “Mưa lâu thấm dần”,…
Phương thức tuyên truyền cũng phải đa dạng, thông qua nhiều hình thức, như tổ chức học tập, quán triệt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình nghệ thuật, các phong trào, các tấm gương người tốt, việc tốt. Mặt khác, phải gắn chặt với việc giữ gìn, phát huy những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, như tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng, thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước,... Đây là cơ sở để kết hợp hài hòa giữa cái đúng, cái tốt, cái đẹp của tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của dân tộc, cũng là cơ sở để đấu tranh chống lại các tà đạo phản văn hóa, phi nhân tính, mê tín dị đoan.
Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp ở Quảng Bình đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tôn giáo. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn tỉnh, trong đó có các vùng của đồng bào theo đạo; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, kế hoạch hóa gia đình, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo đạo; lôi cuốn đồng bào có đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời - đẹp đạo”, như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Xứ họ đạo tiên tiến”, “Làng giáo dân sản xuất giỏi”,… Từ các phong trào ấy, những mô hình tiên tiến đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về tôn giáo nói riêng vào cuộc sống.
Thứ ba, nâng cao tính thiết thực của sự phối, kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định trong quản lý nhà nước về tôn giáo.
Sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải dựa trên cơ sở “Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”; “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước”; “Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” ; “Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo”; “Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định” (2). Đây vừa là nguyên tắc, vừa là quy định về trách nhiệm, sự phối hợp đồng bộ, hợp lý trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tránh sự chồng chéo, đổ lỗi cho nhau, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…
Kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này ở Quảng Bình cho thấy, tuy đã có Nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh của Nhà nước, Nghị định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương, địa phương, các ngành, các cơ quan hữu quan khá rõ, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn thì nhiều lúc sự phối hợp lại không đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo.
Sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương, của cấp ủy và chính quyền các cấp, của các ban, các ngành có liên quan, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, định hướng hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội của tôn giáo, giải quyết khiếu kiện liên quan đến tôn giáo cũng như các vấn đề về hội đoàn tôn giáo.
Thứ tư, củng cố, sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy và tổ chức quản lý công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo.
Theo tinh thần Nghị quyết số 25 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp của tất cả các tỉnh, thành phố đã được thành lập, do đồng chí Phó Bí thư thường trực cấp ủy ở mỗi cấp làm trưởng ban, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Ban Dân vận các cấp. Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục kiện toàn phòng, ban chuyên môn và bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo; các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc theo dõi công tác tôn giáo phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng đơn vị trong tình mới.
Từ năm 2004, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình được thành lập, là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo. Ở cấp huyện, tùy theo tình hình thực tế, đã thành lập phòng chuyên trách làm công tác tôn giáo (huyện Quảng Trạch thành lập Phòng Tôn giáo; huyện Bố Trạch thành lập Phòng Dân tộc - Tôn giáo; huyện Tuyên Hóa thành lập Phòng Tôn giáo - Dân tộc). Từ năm 2008, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, để tinh gọn biên chế, Ban Tôn giáo tỉnh được sáp nhập vào Sở Nội vụ, với chức năng, nhiệm vụ mới là giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, đa số cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều đạt trình độ đại học, trong đó phần lớn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, có kinh nghiệm làm công tác tôn giáo từ 3 năm đến 10 năm, được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, huyện ngày càng trở nên chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo trong toàn tỉnh. Tuy vậy, việc sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy làm công tác tôn giáo các cấp cũng bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Đối với cấp tỉnh, tuy tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo tương đối ổn định, nhưng do là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, nên trong những việc cần có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, nếu thông qua nhiều nấc trung gian sẽ rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất trực tiếp. Việc tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền ở huyện, thị xã, thành phố lại càng khó khăn hơn vì thiếu cán bộ có kinh nghiệm làm công tác tôn giáo, lại không có cán bộ chuyên trách. Ở xã, phường, thị trấn không có cán bộ chuyên trách nên có nơi, thậm chí cán bộ làm thống kê kiêm luôn công tác tôn giáo.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, thiết nghĩ cần phải ổn định bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo, trở về với thể chế quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 25, Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo. Theo đó, ở phường, xã phải có cán bộ chuyên trách về tôn giáo và có cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ này, như phụ cấp, chế độ đặc thù giống một số ngành khác. Lựa chọn những cán bộ thật sự am hiểu về tôn giáo, có năng lực quản lý nhà nước về tôn giáo, có đạo đức trong sáng và yêu thương đồng bào theo đạo, ưu tiên cán bộ là người theo đạo; đồng thời, tăng cường kinh phí để thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ này. Đây là kinh nghiệm thiết thực từ thực tế công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Quảng Bình.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo.
Trong gần 10 năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo ở tỉnh Quảng Bình có nhiều tiến bộ so với trước đây. Từ năm 2003 đến nay, các cấp chính quyền trong tỉnh đã tiếp nhận 13 hồ sơ khiếu kiện, khiếu nại, phản ánh của các tổ chức tôn giáo; qua thanh tra, kiểm tra, đã giải quyết tốt 12 trường hợp, đang xem xét giải quyết một trường hợp còn lại. Trong 2 năm 2014 và 2015, không có trường hợp khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp cũng như tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài như trước.
Bên cạnh việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tỉnh còn cũng chú trọng xử lý vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền sai sự thật, lôi kéo giáo dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật, như đấu tranh với các linh mục Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Minh Dương về hành vi kích động giáo dân xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,... Kinh nghiệm ở Quảng Bình cho thấy, để làm tốt những việc này, phải phát huy được tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, cô lập những đối tượng chủ mưu, nguy hiểm; phải gần gũi, lắng nghe ý kiến giáo dân; việc xét xử phải rõ ràng, minh bạch, công tâm, và khi được sự đồng thuận của đa số giáo dân thì phải giải quyết một cách triệt để, dứt điểm, kịp thời, không khoan nhượng, không để kéo dài.
Thứ sáu, đổi mới quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo.
Những năm gần đây, xu thế hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo phổ biến là: đa dạng hóa, thế tục hóa, dân tộc hóa, toàn cầu hóa. Thực ra, với xu thế này, nếu như “thuần đạo” thì chẳng có điều gì phải lo ngại, song, các thế lực thù địch thường lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây rối, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; một số chức sắc, linh mục, nhà tu hành đội lốt tôn giáo tăng cường truyền đạo trái phép, phát triển tín đồ chống đối, xuyên tạc trắng trợn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, vu khống chính quyền,… làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, việc quản lý nhà nước về tôn giáo vừa bảo đảm đúng với đường lối đối ngoại, quan điểm, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, vừa thỏa mãn được nhu cầu văn hóa tâm linh chân chính của đồng bào theo đạo, quả là một vấn đề không đơn giản. Điều này đòi hỏi phải có phương pháp, biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng vùng, từng địa phương. Sử dụng “sức mạnh cứng” là biện pháp cần thiết đối với những đối tượng đầu sỏ, các thế lực ngoan cố, hiếu chiến, nguy hiểm, song không phải là biện pháp duy nhất, mà còn phải biết sử dụng “sức mạnh mềm” trong quản lý nhà nước về tôn giáo. Ở khía cạnh này, đã có nhiều biện pháp cụ thể được tỉnh Quảng Bình áp dụng, như tổ chức thăm viếng, tiếp xúc, đối thoại với đồng bào theo đạo, các đoàn khách tôn giáo quốc tế, các chức sắc tôn giáo ở địa phương,… Bên cạnh đó, thiết nghĩ, cần phải biết sử dụng lực lượng cốt cán, cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên là những tín đồ tôn giáo, các linh mục, các nhà tu hành yêu nước, tiến bộ, có uy tín và có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để cảm hóa, giáo dục những người vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, công tác tôn giáo, về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo./.
-------------------------------------------
(1) Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo
(2) Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
(3) Ban Tôn giáo Quảng Bình: Báo cáo tổng kết công tác tôn giáo năm 2014
Phát biểu của đồng chí Vũ Văn Phúc Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2016)  (05/08/2016)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời một số vấn đề dư luận quan tâm  (04/08/2016)
Dư địa hợp tác Việt Nam - Lào còn rất lớn  (04/08/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri Cần Thơ  (04/08/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tái cơ cấu thì không ngại va chạm”  (04/08/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay