TCCS - Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều ngành nghề truyền thống, như ẩm thực, làng nghề thủ công mỹ nghệ… Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, “Về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó xác định ưu tiên đầu tư cho làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực… của Hà Nội là nhiệm vụ cần thiết, gắn các ngành nghề này với phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng nghề trong cả nước, trong số đó có những làng nghề hơn 1.000 năm tuổi, gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Làng nghề Hà Nội trải rộng từ thành thị đến nông thôn với hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi, là nơi hội tụ, nuôi dưỡng và thúc đẩy du lịch, đưa ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Các làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội như lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), làng nón Chuông (huyện Thanh Oai), làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất),… Mạng lưới làng nghề hằng năm mang lại doanh thu không nhỏ cho Hà Nội, hiện có khoảng 100 làng nghề đạt thu nhập 10 đến 20 tỷ/năm, gần 70 làng nghề đạt doanh thu từ 20 tỷ - 50 tỷ/năm, khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ/năm.

Một trong những làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội là làng gốm Bát Tràng, không chỉ là nơi sản xuất ra những sản phẩm gốm tinh xảo, đẹp mắt, làm quà tặng hoặc đồ lưu niệm mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội đều không thể bỏ qua địa điểm này. Trong bối cảnh nền công nghiệp văn hóa phát triển, gốm sứ Bát Tràng cũng theo xu hướng phát triển đi mọi nơi trong nước cũng như trên thế giới, làng gốm đã chọn cách vừa sản xuất gốm sứ vừa mở cửa đón khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ truyền thống của dân tộc. Đến đây, khách du lịch sẽ được tự tay làm các đồ gốm sứ dưới sự hướng dẫn của chủ xưởng, làm xong sẽ được đưa vào nung và được mang về làm kỷ niệm, đây cũng là cách tạo hứng thú cho khách khi đến thăm quan làng gốm. Chợ gốm Bát Tràng còn là nơi trưng bày các sản phẩm của làng, tại đây khách du lịch vừa tham quan, mua sắm, vừa thỏa sức chụp ảnh kỷ niệm, tạo điều kiện cho các dịch vụ ăn uống, cho thuê phụ kiện, chụp ảnh… phát triển theo. Hiện nay, tại xã Bát Tràng có Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt với diện tích 3.300m2, trưng bày gia phả nghề của 19 dòng họ nghề  gốc Bát Tràng để giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống của thành phố, qua đó giới thiệu và quảng bá cho du lịch thủ đô.

Làng Chuông (huyện Thanh Oai), chuyên làm nón lá với tuổi đời hàng trăm năm. Du khách trong nước và quốc tế đến làng Chuông để khám phá về nghề làm nón, không những được chiêm ngưỡng các công đoạn làm nón mà còn được trực tiếp học hỏi về cách làm nón, đem lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

 Cách Hà Nội hơn 10km là làng nghề có hơn 1.000 năm tuổi, đó là làng lụa Vạn Phúc, hay còn gọi là lụa Hà Đông (quận Hà Đông), một trong những nơi dệt lụa tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam. Hằng năm vào ngày 8-11 đến 17-11 âm lịch làng đều tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá cho làng nghề, đây là dịp cho du khách trong nước và quốc tế được biết và hiểu về nét đẹp, cũng như lịch sử văn hóa của làng nghề. Làng nghề Vạn Phúc dệt từ 2.500 - 3.000m2 vải/năm, chiếm 63% doanh thu của cả làng nghề, đạt khoảng 23 tỷ đồng.

Một trong những tiềm năng nữa của thành phố Hà Nội là ẩm thực, đây là niềm tự hào của người thủ đô và là điều hấp dẫn đối với bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Hà Nội. Ẩm thực Hà Nội thường chỉ là những món ăn dân dã, thường ngày, từ những món quà vặt đến bữa cơm, bữa cỗ, nhưng với sự thanh lịch, tao nhã trong lối sống nên ẩm thực cũng theo phong cách đó, nó chứa đựng chiều dài văn hóa, sự tinh hoa của đất kinh kỳ.

Thành phố Hà Nội đang đưa ẩm thực thành bước đột phá, tạo dấu ấn đặc biệt đậm chất Hà thành, thu hút khách du lịch đến với thủ đô, biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Ẩm thực Hà Nội nổi danh với bánh cuốn Thanh Trì, cốm Làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bún Thang, bún chả Hàng Mành, bánh tôm Hồ Tây, ô mai Hàng Đường, kem Tràng Tiền, cà phê trứng, phở, bánh cuốn chả,… các món ăn đều được lựa chọn kỹ càng từ chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến. Ẩm thực Hà Nội là tinh hoa của ẩm thực trong cả nước, có sự đa dạng, phong phú của văn hóa ẩm thực, đây chính là điều thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội.

Hà Nội không chỉ là điểm hấp dẫn của khách du lịch mà còn là nơi dừng chân của các chính khách quốc tế. Năm 2000, trong chuyến thăm Hà Nội, gia đình Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến thưởng thức món phở Cồ, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama và siêu đầu bếp Anthoni Bourdain đã đến thưởng thức món bún chả Hà Nội, và qua đây các món ăn dân dã của Hà Nội đã được toàn thế giới biết đến, phát triển ẩm thực là cách quảng bá nhanh nhất hình ảnh của một đất nước và một nền văn hóa.

Năm 2021, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội, đã thu hút khoảng 60.000 lượt khách tham gia, trong đó khu vực giới thiệu ẩm thực Hà Nội được rất nhiều du khách đến trải nghiệm, đông nhất là phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, bún thang… Ngày 6 - 6 -2023 sự kiện MICHELIN GUIDE CEREMONY được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của gần 4.000 quan khách, đại biểu, đầu bếp nổi tiếng trong nước và quốc tế. Thành phố Hà Nội có 48 đại diện tham gia, trong đó có 13 nhà hàng được giải hàng ăn ngon và có giá phải chăng, 32 nhà hàng thuộc danh sách tuyển chọn và 1 giải thưởng MECHLIN dành cho đầu bếp trẻ xuất sắc đến từ nhà hàng Gia Hà Nội.

Thành phố Hà Nội còn có lợi thế phát triển các tuyến phố đi bộ như phố Trịnh Công Sơn, khu phố cổ Hà Nội… thành khu phố ẩm thực đêm, du khách đến đây ngoài thưởng thức hương vị các món ngon còn được giao lưu, tận hưởng không khí đêm của phố cổ Hà Nội. Nhờ hoạt động ẩm thực đêm du khách sẽ lưu lại Hà Nội lâu hơn, các dịch vụ đi kèm cũng được phát triển và đây cũng là điểm đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND, về việc tổ chức “Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội 2023’’, chủ đề chính là “Tinh hoa ẩm thực Việt”, diễn ra từ ngày 29-9-2023  đến ngày 1-10-2023. Đây là cơ hội cho các đơn vị, nghệ nhân, làng nghề ẩm thực Hà Nội quảng bá, giới thiệu ẩm thực truyền thống và hiện đại đến du khách trong nước cũng như bạn bè thế giới. Hoạt động này đã góp phần kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến thủ đô.

Giải pháp cho làng nghề, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực Hà Nội trong thời gian tới

Trong thời gian qua, làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của Hà Nội có nhiều đóng góp cho phát triển của thủ đô nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khiến cho những ngành này chưa phát huy hết các  tiềm năng sẵn có. Có thể thấy, làng nghề thủ công mỹ nghệ đang đứng trước những thách thức, cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nhập khẩu có giá thành thấp. Bên cạnh đó là thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, ngày nay khoa học công nghệ phát triển vượt bậc nên cần lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn sâu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, khả năng tiếp cận thị trường còn thụ động, thiết kế sản phẩm thiếu sự độc đáo, chưa tạo được dấu ấn riêng biệt, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa. 

Vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu cũng gây khó khăn cho các làng nghề, nguyên liệu thì thiếu mà giá thành lại cao, như làng nghề mây tre đan ở Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) trước đây nguồn nguyên liệu dễ dàng mua trong nước nhưng nay phải nhập khẩu từ Campuchia, Lào… chi phí bị đẩy lên cao mà còn không chủ động được nguồn nguyên liệu, và còn nhiều làng nghề khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Thêm nữa, các làng nghề có tiềm năng về du lịch chưa được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng như hạn chế về mặt bằng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi để xe, nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông, đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch…, các cơ sở sản xuất vẫn ở tình trạng quy mô nhỏ lẻ, chưa được thành phố quan tâm đến việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, hình ảnh của nghề và làng nghề. Mối liên kết giữa làng nghề có tiềm năng du lịch và các doanh nghiệp lữ hành còn yếu, sự thiếu liên kết này đang cản trở sự phát triển các làng nghề thủ công.

Cùng với những khó khăn trong làng nghề, thủ công mỹ nghệ, lĩnh vực ẩm thực cũng chưa tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất kinh kỳ, việc phát triển ẩm thực chưa được đầu tư bài bản mà thường là tự phát, Hà Nội có rất nhiều lợi thế về phát triển phố đi bộ đêm kết hợp ẩm thực, nhưng hình thức này cũng chưa được đầu tư, phát huy một cách có quy mô.

Hiện nay, để tạo đà cho thủ công mỹ nghệ và làng nghề phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều giải pháp như, chú trọng khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như làng nghề truyền thống để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế, xúc tiến đầu tư, phát huy thế mạnh đặc sắc của từng địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh quảng bá giá trị nghề thủ công truyền thống thông qua các hoạt động giao lưu, kết nối, như lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội… bảo đảm công tác quy hoạch, bảo tồn làng nghề, bảo đảm nghề truyền thống phát triển bền vững. Trong thời gian tới, nghề thủ công truyền thống, làng nghề rất cần sự vào cuộc, kết nối của các nhà thiết kế, quảng cáo, các nhà đầu tư, đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều mang nét riêng biệt của từng địa phương. Nâng tầm cho sản phẩm thủ công bằng cách chú trọng thiết kế mẫu mã, tăng cường truyền thông, marketing…

Để các làng nghề, thủ công mỹ nghệ phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức kết nối với các tỉnh, thành phố để có nguồn nguyên liệu chất lượng, giá thành ổn định, giúp cho các doanh nghiệp tránh được tình trạng do thiếu nguyên liệu mà không thể nhận những hợp đồng với số lượng hàng lớn. Thành phố cần có sự quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân đang làm nghề, có kế hoạch bồi dưỡng cho nguồn nhân lực kế cận để tiếp tục giữ gìn và kế tiếp nghề truyền thống của ông cha. Có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển du lịch tại các địa phương có làng nghề, hướng dẫn, tổ chức xây dựng các “tour” du lịch, các hình thức trải nghiệm, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…

Bên cạnh đó, cần hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm tính cách riêng của Hà Nội, thu hút khách du lịch đến với thủ đô, thành phố đã và đang đưa ra nhiều giải pháp như nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, phát triển phố ẩm thực đêm, làng nghề ẩm thực…, để khách du lịch có thể tự do khám phá và trải nghiệm các món ăn của Hà Nội, Sở Du lịch thành phố sẽ triển khai xây dựng bản đồ Food tour (du lịch ẩm thực)./.