Bài 3: Xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

TCCS - Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố Hà Nội có tư duy, khát vọng đổi mới, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, thời gian qua, công tác cán bộ được Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn.

Đổi mới công tác cán bộ theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Thành ủy Hà Nội sớm ban hành, triển khai Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy về công tác cán bộ, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, ứng phó có hiệu quả với những tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Các khâu của công tác cán bộ được đổi mới theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn hơn; qua đó, tạo chuyển biến tích cực về năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp. Thành phố Hà Nội đã tập trung rà soát, ban hành đồng bộ 15 quy chế, quy định về công tác cán bộ; thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương và không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ; ban hành Quy định số 07-QĐ/TU, thực hiện rà soát, thông báo 199 trường hợp để xem xét, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ. Đến nay, thành phố có 28/30 bí thư quận, huyện, thị ủy và 12/30 chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã không phải người địa phương; hơn 30% bí thư cấp ủy, 20% chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không phải người địa phương

Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước; đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thành phố giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố... Thành ủy Hà Nội sớm ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Báo Hà Nội mới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; triển khai thi tuyển 7 chức danh tại 3 đơn vị làm điểm là Ban Tổ chức Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; khối chính quyền thi tuyển 76 chức danh tại 46 đơn vị. Tính đến ngày 20-3-2023, thành phố đã hoàn thành thi tuyển 67/76 chức danh (đạt 88%) với 198 ứng viên dự thi; có 65 chức danh có người trúng tuyển. Ngày 16-5-2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2755/QĐ-UBND, “Về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục và mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố”, bảo đảm việc tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.

Các kết luận, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, như Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị,“Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” cũng được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả và tiến hành sơ kết, tổng kết, qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Thành ủy sớm ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ đối với các đồng chíThành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Cán bộ chủ chốt thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng được kiện toàn sau bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 và khi có sự thay đổi. Quy trình công tác nhân sự thường xuyên được thực hiện nghiêm túc, có nền nếp. Chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ, thành phố đã quyết định phân công, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với 489 đồng chí.

Công tác đánh giá cán bộ của thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thành phố trong thực thi nhiệm vụ. Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU, 28-10-2021, “Về việc ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị” vàQuyết định số 3251-QĐ/TU, ngày 16-8-2022, “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội theo Quyết định số 1841-QĐ/TU, ngày 28/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy”; qua đó, duy trì tốt việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trên hệ thống phần mềm từ ngày 1-1-2021. Hiện nay, toàn thành phố có 175.219 tài khoản dùng trên phần mềm đánh giá; tỷ lệ đánh giá hằng tháng trên phần mềm đạt 97,39%. Công tác đánh giá cán bộ hằng năm được duy trì thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 8-11-2017, của Thành ủy Hà Nội, về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý.

Để hoàn thành sớm và có chất lượng công tác xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 ở cả 3 cấp bảo đảm tiến độ, đúng theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác quy hoạch cán bộ”, Thành ủy Hà Nội ban hành và quán triệt thực hiện có hiệu quảcác văn bản: Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 14-3-2022, Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 23-3-2022, Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 12-9-2022 và Hướng dẫn số 07-HD/BTCTU. Qua đó, số lượng và chất lượng cán bộ quy hoạch được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định cũng được thành phố chủ động triển khai nghiêm túc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Để lãnh đạo thực hiện công tác này, Thành ủy Hà Nội ban hành nhiều văn bản như:Đề án số 19-ĐA/TU, về đào tạo, bồi dưỡng trung hạn, ngắn hạn tại nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy định số 3543-QĐ/TU, về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị; Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 16-8-2021, về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; Kế hoạch số 46-KH/TU, ngày 29-10-2021, về đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2022 - 2025 và các kế hoạch hằng năm. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phù hợp với quan điểm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thời gian qua, thành phố đã cử 1.033 đồng chí đi học các lớp hoàn chỉnh và cao cấp lý luận chính trị; tổ chức 67 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 4.904 học viên. Quan tâm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt cấp thành phố, cấp cơ sở, cán bộ quy hoạch, tổ chức thành công 3 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 706 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo Quy định số 164-QĐ/TW; 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho 573/579 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 cho 91 đồng chí; đang triển khai 5 lớp bồi dưỡng cho 579 phó bí thư thường trực đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Quán triệt, triển khai nghiêm túc Quy định số 58-QĐ/TW,ngày 3-5-2007, của Bộ Chính trị, “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW, ngày 5-8-2022, của Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, giải quyết đơn, thư có liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo đảmthẩm định, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, khách quan, đúng quy định.

Việc bảo đảm các chế độ, chính sách đối với cán bộ được thành phố triển khai nghiêm túc. Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 16-ĐA/TU, ngày 22-8-2022, về tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố năm 2022; Đề án số 18-ĐA/TU, ngày 29-9-2022, về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách cán bộ đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giai đoạn 2022-2026; Quyết định số 3616-QĐ/TU, ngày 29-9-2022, ban hành Quy định về một số chế độ chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đang cư trú và hưởng chế độ, chính sách trên địa bàn thành phố; Hướng dẫn số 10-HD/BTCTU, ngày 28-10-2022, về quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhất là cán bộ không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới; quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ nhân dịp lễ, tết; quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp, chuyển xếp ngạch lương, phê duyệt nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ bảo đảm đúng quy định. Tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ và nghỉ điều dưỡng đối với cán bộ hằng năm; tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đối với cán bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố Hà Nội đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thành phố tập trung làm tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Quy định số 07-QĐ/TU và Kế hoạch số 56-KH/TU của Thành ủy Hà Nội, về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ. Hoàn thành và tổ chức triển khai Đề án về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, Đề án bố trí cán bộ trẻ ở các sở, ban, ngành về tăng cường cho các quận, huyện, thị xã.

Thứ hai, cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị. Đồng thời, khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm và thực hiện bố trí công tác cán bộ sau khi bị kỷ luật; kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ. Tổ chức thí điểm các chủ trương theo chỉ đạo của Trung ương.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành của thành phố. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; duy trì nghiêm túc việc đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị của thành phố trên hệ thống phần mềm; hoàn thành tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ định kỳ hằng năm theo quy định. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh. Chăm lo thực hiện chính sách cán bộ. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và xử lý kịp thời vấn đề chính trị hiện nay. Nghiêm túc thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh sai phạm trong công tác cán bộ./.

(Còn nữa)