Hà Giang: Tạo bước đột phá toàn diện về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công
TCCS - Với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công, Tỉnh ủy Hà Giang luôn quán triệt sâu sắc, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính công, nâng cao trách nhiệm giải trình, mở rộng sự tham gia của nhân dân… Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, những năm gần đây vị trí của tỉnh Hà Giang trên bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng lên vượt bậc. Tỉnh Hà Giang đang đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quản trị và hành chính công.
Quyết tâm chính trị và những thành tựu nổi bật
Nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 16-4-2016, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các ngành, các cấp trong toàn tỉnh. Với nhiều cố gắng, nỗ lực, ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, hạn chế, cùng với sự thường xuyên kiểm tra, đôn đốc của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; những năm gần đây, chất lượng quản trị và hành chính công của tỉnh Hà Giang đạt được những kết quả, thành tích nổi bật. Năm 2020, SIPAS của tỉnh Hà Giang tăng 10 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR INDEX tăng 20 bậc so với năm 2019, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố.
Từ khát vọng phát triển, tinh thần quyết tâm và những thành tích đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 24-8-2021, về “Đẩy mạnh cải cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025”. Với sự lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức…, chất lượng quản trị và hành chính công của tỉnh Hà Giang tăng lên đáng kể theo từng năm. Theo Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2021, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 10-5-2022, tỉnh Hà Giang đạt được kết quả khá toàn diện, xếp ở nhóm II và đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2020.
Có thể thấy, lần đầu tiên sau 11 năm xếp hạng ở nhóm IV và nhóm III, tỉnh Hà Giang đã vươn lên đứng vào nhóm II (nhóm trung bình cao) trong bảng xếp hạng PAPI của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt chú ý là 6/8 nội dung thành phần thuộc nhóm II có sự cải thiện đáng kể về vị trí, như tham gia của người dân ở cấp cơ sở xếp thứ 27/60; công khai, minh bạch xếp thứ 22/60; trách nhiệm giải trình với người dân xếp thứ 32/60; thủ tục hành chính công xếp thứ 24/60; quản trị môi trường xếp thứ 18/60; quản trị điện tử xếp thứ 23/60 và không có nội dung nào bị xếp hạng trong nhóm IV. Nhìn chung, các chỉ số thành phần của chỉ số PAPI của tỉnh Hà Giang đều tăng 7 bậc - 9 bậc. So với 14 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc, Hà Giang xếp thứ 6/14 tỉnh; xếp thứ 2/7 tỉnh biên giới phía Bắc. Đây là những kết quả, thành tích đáng khích lệ, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Tỉnh ủy Hà Giang về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công
Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2022 - 2025
Trên cơ sở sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định chủ đề hành động nhằm nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công của năm 2022 là: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Đổi mới - Hiệu quả”. Ngay từ đầu năm, các sở, ngành, địa phương đều nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành sớm nhất những mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình hành động mà tỉnh đã đề ra.
Thứ nhất, mở rộng sự tham gia của người dân ở cơ sở. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01-12-2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với lãi suất bằng 0% thông qua nguồn ngân sách của tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đồng thời công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay. Thực hiện nghiêm Quy chế về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Thứ hai, công khai minh bạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông trong việc công khai kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất; niêm yết công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã từng quý hoặc sáu tháng một lần trong thời gian ít nhất là 30 ngày.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính công. Thực hiện chuẩn hóa quy trình nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng. Nâng cao chất lượng hoạt động bộ phận một cửa ở các cấp; từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ phi địa giới hành chính và dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Thực hiện số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký kinh doanh, hộ tịch… Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 623/CT-UBND, ngày 31-3-2021, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ tư, quản trị môi trường hiệu quả. Phát huy vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tiến hành rà soát việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường tại các dự án đang hoạt động; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; khảo sát, nghiên cứu, xây dựng dự án bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.
Thứ năm, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Thực hiện nghiêm Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6-4-2022, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương về tuyển dụng công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ việc thi/xét tuyển công chức cấp xã và giáo viên tiểu học. Nâng cao chất lượng phục vụ tại các bệnh viện công lập. Xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tuyển dụng, giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ sáu, cung ứng, bảo đảm chất lượng dịch vụ công. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng của các trường tiểu học công lập; theo dõi, chấn chỉnh, xử lý đối với những giáo viên có biểu hiện ưu ái, thiên vị những học sinh tham gia các lớp học thêm do mình giảng dạy.
Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các lực lượng công an, quân đội trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, Tổ quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của tỉnh và của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, tỉnh Hà Giang đang tích cực phát huy những kết quả, thành tích đạt được, đồng thời triển khai thực hiện những phương pháp, mô hình mới trong việc nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Đẩy mạnh cải cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, như mở rộng giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính, dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao hiệu quả quản trị điện tử..., xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại và thân thiện với người dân.
Trên đà phát triển nhanh với nhiều kết quả, thành tích nổi bật, cùng với những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà các ngành, các cấp đang quyết tâm, cố gắng thực hiện, tỉnh Hà Giang chắc chắn sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng và có bước tiến vượt bậc về chỉ số PAPI, SIPAS và PAR INDEX năm 2022, cũng như trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo./.
Tỉnh Hà Giang phát huy hiệu quả vai trò công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới  (22/12/2022)
Tỉnh Hà Giang: Chương trình xã hội hóa xây nhà ở người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo vượt xa mong đợi  (21/12/2022)
Có một Hà Giang khác lạ  (03/12/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm