TCCS -  Với quy mô 90 trường học, trên 47.000 học sinh và hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình xác định, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng nhằm triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Hội nghị báo cáo kết quả chuyển đổi số tỉnh Thái Bình quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II-2022 _ Ảnh: thaibinh.gov.vn

Biến chuyển đổi số thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh 

Chuyển đổi số là một nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cơ hội bứt phá phát triển nhanh và bền vững, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành, địa phương. Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Trong đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh được đầu tư, hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ các cấp chính quyền và nhân dân. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và ký số văn bản điện tử được thực hiện tốt. 100% khu dân cư được phủ sóng di động băng thông rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin số. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc khai, nộp thuế điện tử và giao dịch thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ tự động hóa sản xuất và quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo đột phá về tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số không chỉ từng bước thay đổi về tư duy, cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình và toàn xã hội, mà chuyển đổi số còn hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Việc triển khai chuyển đổi số đã huy động tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc xây dựng, phát triển các nền tảng công nghệ số và nguồn nhân lực chất lượng cao; thay đổi cơ bản về nhận thức cộng đồng, đổi mới tư duy và hành động, tinh thần quyết tâm, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ số; có lộ trình phù hợp, gắn liền với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và điều kiện thực tế, đẩy mạnh chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực có điều kiện, ưu thế phát triển, tạo được kết quả rõ rệt để phát huy, lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển trong toàn xã hội.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các trường học _ Ảnh: quynhphu.thaibinh.gov.vn

Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay

Đối với ngành giáo dục của tỉnh Thái Bình, thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4023/BGDĐT-GDTX ngày 24-8-2022 về Hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022, từ ngày 1-10 đến ngày 7-10-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Thái Bình đã khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022 cấp tỉnh với với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID -19” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Mục tiêu của việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022 cấp tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19. 

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động sâu sắc đến con người.

Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trước hết là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được triển khai. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học, chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình phòng chống dịch, bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên các môn học đã chú trọng đến các nội dung cốt lõi để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp hoặc phối hợp giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến bảo đảm linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả. Đồng thời quan tâm hướng dẫn học sinh tự học, rèn luyện cho học sinh tự học ở nhà, học trực tuyến; tích cực đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá học sinh. Linh hoạt tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến kết hợp giữa kiểm tra trực tuyến và trực tiếp.

Đến nay, 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% các cơ quan quản lý giáo dục; các trường tiểu học và trung học cơ sở đã triển khai công tác dạy, học trực tuyến. Nhiều giáo viên đã ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học. 

Việc chuyển đổi số hiệu quả còn thể hiện ở khâu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và lý nhà nước về giáo dục. Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, dạy và học năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo. 

Các giải pháp trong triển khai bảo đảm kế hoạch quản lý tổng thể, đồng bộ xuyên suốt trong các cấp học, ngành học trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ và cung cấp hệ thống cho cơ quan quản lý giáo dục, bao gồm: các cấp học, ngành học hướng tới phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá trong ngành và có thể kết nối với sơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị khác - khi được phép kết nối.

Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Đào tạo huyện Quỳnh Phụ còn đạt được những kết quả khả quan trong việc tổ chức triển khai công tác báo cáo, thống kê giáo dục; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và làm công tác thống kê trong ngành. Bảo đảm các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo; Triển khai tốt các hệ thống thông tin do Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý, chỉ đạo, điều hành. 

Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Quỳnh Côi trong tiết học thông minh _ Ảnh: quynhphu.thaibinh.gov.vn

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục của tỉnh 

Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, cụ thể: một số đồng chí lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 ở một số sở, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện báo cáo trên hệ thống báo cáo của tỉnh chưa được thực hiện triệt để. 

Từ khó khăn thực tế, thời gian tới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, không bỏ lỡ cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngành giáo dục - đào tạo huyện Quỳnh Phụ tích cực triển khai một số giải pháp chính để khắc phục.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Cụ thể tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm để thông suốt về tư tưởng, tạo quyết tâm thực hiện chuyển đổi số với các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp học, ngành học và cán bộ quản lý giáo dục. 

Hai là, tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo cũng là một trong những giải pháp được Ngành Giáo dục Quỳnh Phụ triển khai. 

Ba là, Phòng Giáo dục và Đào huyện Quỳnh Phụ tiếp tục thúc đẩy phát triển chương trình, học liệu số. Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị, học liệu số. Phát triển năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, lấy chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường để huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Tích cực trao đổi, học tập chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục với các huyện, thành phố. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Bốn là, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh để điều chỉnh cho phù hợp. 

Năm là, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phát triển hệ thống trường học điện tử, hoàn thiện đề án và tổ chức thí điểm mô hình trường học thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kho học liệu số của ngành để phát triển hệ thống giáo dục thông minh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện Quỳnh Phụ trong giai đoạn mới./.