Tỉnh Thái Bình bứt phá nhanh để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế
TCCS - Là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình nổi tiếng là một trong những vựa lúa lớn nhất cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2022, nhất là những tháng đầu năm 2022 khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kinh tế cả nước nói chung và kinh tế tỉnh Thái Bình nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt, hiệu quả, tỉnh Thái Bình đã từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để tỉnh bứt phá hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.
Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình
Về phát triển thủy sản
Thái Bình có diện tích 1.542,24km² chiếm 0,5% diện tích đất đai cả nước, có hệ thống sông biển khép kín tạo nên thế mạnh tiềm năng về nguồn thủy hải sản. Với bờ biển chạy dài trên 50km cùng 4 con sông lớn chảy qua (sông Hóa ở phía Bắc và Đông Bắc, sông Luộc ở phía Bắc và Tây Bắc, hạ lưu sông Hồng và sông Trà Lý ở phía Tây và Nam) và đổ ra biển ở 5 cửa Văn Úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân đã hình thành 3 thủy vực khác nhau, trong đó 17km² vùng nước mặn chủ yếu dành cho hoạt động khai thác các loại hải sản như cá trích, cá đé, tôm he…, vùng nước lợ có khoảng 20.705ha hiện đang được khai thác để nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, ngao, vọp, rau câu…, vùng đất ngập mặn và các cồn cát ven biển như cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen lại rất thích hợp trồng tập trung các loại cây sú, vẹt, bần. Bên cạnh đó, vùng nước ngọt với tổng diện tích 9.526ha cùng hệ thống kênh mương ao hồ rộng khắp đã tạo điều kiện phát triển nuôi trồng các loại thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm 2022 của toàn tỉnh ước đạt 229,2 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng khai thác 10 tháng năm 2022 ước đạt 83,1 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; bao gồm, cá đạt 55,4 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 26 nghìn tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Cùng với đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 10 tháng năm 2022 ước đạt 146 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 36,8 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 104,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ.
Về phát triển nông nghiệp
Do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và các sông khác, đất đai Thái Bình rất phì nhiêu và màu mỡ. Trên tổng diện tích 153.596ha đất tự nhiên đã có 94.187ha diện tích đất gieo cấy hằng năm. Nơi đây hầu hết đất đai đã được cải tạo để có thể cấy trồng 3 - 4 vụ/năm và với hệ thống công trình tưới tiêu rất thuận lợi đã góp phần làm nên những cánh đồng 14 - 15 tấn/ha. Các loại cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả nhiệt đới, cây cảnh và hoa cũng rất thích hợp trên vùng đất này. Sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào thu hoạch các cây trồng vụ mùa và gieo trồng cây vụ đông bảo đảm đúng khung thời vụ; chăn nuôi trâu, bò, gia cầm nhìn chung ổn định; chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng quy mô đàn lợn do chi phí thức ăn chăn nuôi khá cao.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2022 của tỉnh Thái Bình đạt 91.462 ha, giảm 941 ha (-1,02%) so với vụ mùa năm 2021 do chuyển đổi mục đích sử dụng từ cấy lúa sang trồng cây hằng năm khác, chuyển sang đất phi nông nghiệp như làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển sang trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, số lượng chăn nuôi trâu bò và gia cầm của tỉnh ổn định và phát triển tốt. Tính chung 10 tháng năm 2022, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng của tỉnh ước đạt 8.491 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 727 tấn, tăng 2%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.764 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Hoạt động phát triển đàn lợn trong thời gian qua cũng đã có tín hiệu tốt. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2022 ước đạt 135,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh phát triển tương đối tốt do người chăn nuôi chuẩn phục vụ cho các nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2022 ước đạt 55,1 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 44,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng trứng gia cầm đạt 273,1 triệu quả, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, 10 tháng đầu năm 2022, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, chương trình thắp sáng đường quê. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt trên 72.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng ước đạt 120,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt trên 54% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ. Các hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Tổng thu ngân sách 10 tháng toàn tỉnh ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng, đạt 123,8% dự toán, tăng 37% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa thực hiện hơn 8.900 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện trên 12.000 tỷ đồng, đạt 79% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ.
Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới, đã tổ chức được nhiều hoạt động và hội nghị quan trọng tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chỉ đạo quyết liệt. Trong 10 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 88 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng; ký bản ghi nhớ hợp tác đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình với tổng số vốn trên 800 triệu USD.
Phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế tỉnh Thái Bình
Dự báo tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh Thái Bình tiếp tục có những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức mới. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cùng với tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng. Xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành tất yếu. Đảng, Nhà nước chủ trương phát huy nội lực, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tuy đã chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu tư, làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và hạn chế thị trường tiêu thụ, và nguy cơ mất việc làm của người dân, dẫn đến xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, hiện đại. Nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, thời tiết bất thường, thiên tai và dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số yếu tổ bất ổn.
Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, phát triển công nghiệp được xem là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế.
Thứ nhất, một trong những nhiệm vụ quan trọng những tháng cuối năm được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện quyết liệt đó là công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nhận định công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên ngay từ đầu năm thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, các phường, xã triển khai thực hiện quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Tập trung rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khích lệ, động viên kịp thời các doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các hoạt của cấp ủy, chính quyền, mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống của người dân; khơi dậy khát vọng bứt phá vươn lên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh phát triển.
Thứ ba, tỉnh cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích liên kết đa chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Các cấp chính quyền cần làm tốt công tác quy hoạch, xác định rõ những sản phẩm, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, phát triển các mô hình sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022, nhiệm vụ đặt ra cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cùng quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Thái Bình sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 toàn tỉnh đã đề ra./.
Xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà: Khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông  (29/10/2022)
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực: Triển vọng đối với chính trị và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (29/10/2022)
Thành phố Thái Bình: Chung tay lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh  (28/10/2022)
Tỉnh Thái Bình tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn  (27/10/2022)
Huyện Cô Tô tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững  (26/10/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp