Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị
TCCS - Là một trong những vùng chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, một trong những yêu cầu đặt ra đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phải đổi mới mô hình phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp để hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Để đạt yêu cầu đó đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo ra động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển.
Thể chế, chính sách liên kết vùng và những kết quả bước đầu
Liên kết vùng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Liên kết vùng giúp tăng cường, nâng cao lợi thế và năng lực cạnh tranh của vùng; mở rộng không gian phát triển để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế; tạo điều kiện phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn phát triển mới, để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, yêu cầu đặt ra là phải “Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và hình thành thể chế điều phối phát triển kinh tế theo vùng. Các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng các đề án, thoả thuận phối hợp, liên kết phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp ban hành và thực hiện chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh”(1). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng… Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh; quan tâm hơn đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(2). Riêng với vùng ĐBSCL, với những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, môi trường, trong giai đoạn phát triển mới, để bảo đảm cho vùng phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là phải “tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng”(3).
Từ những định hướng, chỉ đạo mang tầm chiến lược của Đảng về liên kết vùng, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã quan tâm chỉ đạo, từng bước thể chế hóa thông qua nhiều chủ trương, chính sách về liên kết vùng, giúp các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách nhất quán với các mục tiêu, mục đích liên kết vùng mà Trung ương đã đề ra(4). Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” quy định cụ thể 3 lĩnh vực liên kết là: liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực của vùng, liên kết trong phát triển hạ tầng thuỷ lợi, liên kết phát triển hạ tầng giao thông và 4 hoạt động liên kết trong các lĩnh vực: lập quy hoạch, kế hoạch; phát triển sản xuất; đầu tư kết cấu hạ tầng và thiết lập hệ thống thông tin vùng. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã định hình 8 trung tâm đầu mối phát triển kinh tế cho 13 tỉnh, thành phố trong vùng, mỗi trung tâm đầu mối được xác định là trục kết nối và liên kết giữa các địa phương và liên kết giữa các ngành. Đây là điều kiện để xây dựng quy hoạch các tỉnh, thành phố, quy hoạch đô thị trên phạm vi vùng bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ giữa các quy hoạch; đồng thời, tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, bảo đảm điều phối liên kết phát triển vùng chặt chẽ, hiệu quả.
Trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, vùng ĐBSCL đã hình thành một số tổ chức có vai trò, chức năng điều phối vùng, như Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã phối hợp ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, chương trình để thực thi các định hướng, giải pháp liên kết vùng ĐBSCL, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển nhiều mô hình liên kết vùng, liên kết tiểu vùng phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy chưa có những sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện về hiệu quả của các mô hình liên kết vùng, liên kết tiểu vùng ở ĐBSCL, nhưng nhìn chung, các mô hình này khá đa dạng, gợi mở nhiều hướng tiếp cận mới về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL.
Toàn vùng đã có 2 mô hình liên kết vùng theo các chương trình của Chính phủ là: 1. Vùng liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL (gồm 13 tỉnh, thành phố trong vùng), 2. Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ). Ngoài ra, còn có các tiểu vùng liên kết và nhóm liên kết tự nguyện dựa trên nhu cầu, lợi ích chung của các tỉnh, thành phố trong vùng, như: Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (Hậu Giang - An Giang - Kiên Giang - Cần Thơ); Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp); Tiểu vùng bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng - Hậu Giang - Kiên Giang - Bạc Liêu - Cà Mau - Cần Thơ); Tiểu vùng Tây Sông Hậu (Sóc Trăng - Hậu Giang - Kiên Giang - Bạc Liêu); Tiểu vùng Duyên hải phía Đông (Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh). “Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo điều kiện thúc đẩy các sáng kiến liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Năm 2018, các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ ký kết “Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” trên 11 lĩnh vực; các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh đã kết nối để phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An đã thỏa thuận một số nội dung liên kết phát triển vùng Đồng Tháp Mười; các tỉnh, thành phố gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp liên kết, hợp tác với mô hình ABCD Mekong…
Kết quả khảo sát bước đầu từ những mô hình liên kết vùng và liên kết tiểu vùng nêu trên cho thấy, thành tựu nổi bật của liên kết vùng ở ĐBSCL trong những năm gần đây là tính chất liên kết giữa các tỉnh, thành ngày càng tích cực hơn, nội dung liên kết ngày càng mở rộng, số lượng thỏa thuận liên kết ngày càng tăng. Các lĩnh vực liên kết được mở rộng, như: phối hợp trong giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, giao thông, cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải nguy hại, đào tạo nghề, ứng phó với biến đổi khí hậu,… Trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tăng cường liên kết theo quy mô tiểu vùng và triển khai thực hiện quy hoạch về quy mô sản xuất, tổ chức chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phối hợp nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, hợp tác xây dựng các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi. Gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về lượng du khách ở từng tỉnh, thành phố. Từ hiệu quả liên kết bước đầu ở một số lĩnh vực kinh tế, nên những năm gần đây, số lượng các thỏa thuận liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng có xu hướng gia tăng. Cụ thể là, sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách về liên kết vùng, đặc biệt là chính sách “hỗ trợ tài chính cho các dự án liên vùng”, đến nay, một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã chủ động đề xuất 226 dự án liên kết vùng.
Nhận diện những vướng mắc
Những chuyển biến và kết quả trong liên kết vùng ở vùng ĐBSCL có nguyên nhân quan trọng từ những nỗ lực cải thiện thể chế, chính sách liên kết vùng. Nhiều chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về liên kết vùng từng bước được hoàn thiện, cụ thể hóa, tạo ra khung khổ pháp lý quan trọng để thực thi các chương trình, kế hoạch liên kết vùng ở ĐBSCL. Tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung, mức độ liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn chưa cao, mới dừng lại ở những nội dung liên kết đơn giản, chưa có tính chiến lược, lâu dài. Trong đó, nổi lên một số điểm hạn chế như những vướng mắc đối với tiến trình liên kết vùng:
Nội dung liên kết giữa các địa phương thường rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, chưa làm rõ trọng tâm, trọng điểm liên kết. Bên cạnh đó, do bộ máy, cơ chế, chính sách, nguồn lực chưa phù hợp, còn hạn chế nên hiệu quả liên kết chưa cao. Các hình thức liên kết vùng ở ĐBSCL chủ yếu vẫn là liên kết trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai. Liên kết về thể chế, chính sách còn mờ nhạt.
Tuy đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, nhưng nhiều nội dung liên kết vẫn còn nằm trên các văn bản hợp tác, chưa được triển khai trên thực tế hoặc nếu được triển khai thì còn hạn chế, chưa rõ kết quả cụ thể. Nhiều thỏa thuận hợp tác chưa có sự phân công cụ thể, chưa tính hết những tác động của yếu tố thị trường và hiệu quả chung từ hợp tác, dẫn tới tình trạng đầu tư trùng lặp, gây lãng phí, giảm sức cạnh tranh của từng địa phương và của cả vùng.
Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” xác định ưu tiên liên kết trong phát triển sản xuất và đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, hoạt động liên kết phát triển sản xuất cũng chỉ trong phạm vi hẹp, mang tính đơn lẻ; còn liên kết trong xây dựng kết cấu hạ tầng có tính liên địa phương gần như bị bỏ ngỏ; vì thế, tiến độ liên kết vùng ở ĐBSCL vẫn diễn ra chậm.
Doanh nghiệp, một chủ thể quan trọng trong phát triển kinh tế và liên kết vùng, chưa có nhiều động lực để tham gia liên kết. Thời gian qua, trong nhiều hội nghị, thỏa thuận về liên kết vùng ở ĐBSCL, vai trò của doanh nghiệp chưa được đề cao. Phần lớn các doanh nghiệp chưa sử dụng chung được các dịch vụ, các cơ sở đào tạo nghề, các sản phẩm theo phạm vi vùng mà vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi địa giới tỉnh, thành phố; vẫn còn tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu vùng, thiếu liên kết, chia sẻ thông tin phục vụ lợi ích chung của các doanh nghiệp trong vùng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc này. Trong đó, đáng quan tâm là những nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách về liên kết vùng:
Thứ nhất, quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về liên kết vùng gặp nhiều khó khăn do nhiều quy định chưa đề cập cụ thể về phương thức và cơ chế liên kết vùng, chưa xác định rõ việc triển khai thực hiện các nội dung liên kết theo quy trình nào, cách thức thực hiện ra sao. Vùng ĐBSCL có Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội áp dụng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg, nhưng do Quy chế này còn nhiều nội dung chung chung nên một số chính sách được kỳ vọng góp phần thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL khó triển khai được trên thực tế.
Thứ hai, đến nay, chưa có một văn bản luật về liên kết vùng, hay một nghị định cụ thể hóa nội hàm “thúc đẩy liên kết vùng”, dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực tế. Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận hợp tác, khung hợp tác liên kết vùng, tiểu vùng chưa đề cập tới hoặc chỉ đề cập chung chung các nội dung, như: các điều kiện thi hành, nguồn lực để thực hiện, các giải pháp triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ thể/cơ quan có liên quan, mốc thời gian và lộ trình thực hiện,… Vì thế, việc triển khai hoạt động phối hợp, liên kết vùng gặp nhiều khó khăn, ách tắc.
Thứ ba, thiếu khung thể chế quản trị vùng trong khi phân cấp đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến liên kết vùng. Phân cấp chưa rõ làm cản trở tính lan tỏa phát triển của các đô thị trung tâm như là cực tăng trưởng của vùng; địa phương được phân cấp đầu tư, song lại không chủ động liên kết đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng mà chủ yếu vẫn dựa vào chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ; phân cấp nhưng thiếu các cơ chế phối hợp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương khiến việc triển khai các chương trình, kế hoạch liên kết vùng gặp nhiều trở ngại.
Thứ tư, Luật Ngân sách xác định chỉ có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nên chưa rõ nguồn lực tài chính để chủ động đầu tư cho vùng. Trong khi đó, các quy định về “chia sẻ” ngân sách nhà nước cho các dự án có tính chất liên vùng, khu vực chưa rõ ràng. Các dự án này chỉ thuộc nhiệm vụ chi của các cơ quan trung ương nên đã dẫn đến nhiều bất cập. Cụ thể như, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn kéo dài đối với bài toán xử lý rác và chất thải rắn. Đây là lĩnh vực khó thu hút đầu tư, trong khi nguồn lực địa phương hạn hẹp nhưng lại không thể phối hợp liên tỉnh để giải quyết.
Thứ năm, một số địa phương chưa quan tâm triển khai thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thiếu tính chủ động và công cụ để triển khai quy hoạch vùng, nhất là khâu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương phù hợp với quy hoạch vùng. Do vậy, quy hoạch vùng chưa trở thành công cụ nền tảng thúc đẩy sự liên kết tự giác giữa các địa phương.
Thứ sáu, thiếu thiết chế, thiếu bộ máy tổ chức có tính đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích liên kết vùng. Trên phạm vi cả nước, các vùng kinh tế - xã hội đã có chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể, phát triển các ngành, lĩnh vực nhưng phân cấp hành chính ở nước ta hiện nay, theo quy định pháp luật, chưa có cấp vùng. Vì thế, về mặt pháp lý, khó theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực thi quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng, các chương trình, dự án có tính liên kết vùng.
Giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị) đã nêu tầm nhìn đến năm 2045: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá và con người Nam Bộ”. Một trong những giải pháp đầu tiên được nêu trong Nghị quyết là: “Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế, chính sách triển khai; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020 - 2025”.
Ngày 21-4-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP “Về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội”. Nghị quyết đề ra 5 quan điểm để hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội trên cả nước trong thời gian tới:
Thứ nhất, thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung ương.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước.
Thứ ba, xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng.
Thứ tư, thể chế liên kết vùng cần bảo đảm sự vận hành đồng bộ, nhất quán, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chính sách vùng.
Thứ năm, thể chế liên kết vùng cần được hoàn thiện theo lộ trình, nhất quán với yêu cầu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tránh phát sinh thủ tục và cấp trung gian.
Đây là định hướng để các bộ, ngành, các địa phương tăng cường phối hợp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng. Theo đó, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau để sớm hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Một là, các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL tăng cường phối hợp trong việc ban hành các chủ trương, chính sách để thể chế hóa, đưa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chú trọng các giải pháp huy động nguồn lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới sáng tạo để tăng cường liên kết vùng; quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Trung ương. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp rà soát các quy hoạch liên quan để điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Quy hoạch 2017.
Hai là, cần xây dựng và ban hành Luật về liên kết vùng với các nội dung chủ yếu như: Phương thức liên kết; nội dung liên kết; cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của tổ chức điều phối vùng; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; cơ chế phân chia lợi ích và xác định trách nhiệm với rủi ro; trình tự, thủ tục thực hiện liên kết… Trên cơ sở đó, có các quy định về cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng đối với các dự án liên kết vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án liên kết vùng.
Ba là, chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng ĐBSCL để tăng cường khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin, tạo thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin để các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng dễ dàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động liên kết để thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng, lợi ích của liên kết vùng cũng như những hệ lụy do thiếu sự liên kết hợp tác đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của vùng, của địa phương.
Bốn là, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL, tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng; phương án huy động nguồn lực, phương án phân bổ vốn đầu tư đối với vùng ĐBSCL; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đối với các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng ĐBSCL; huy động các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế khác cho hoạt động liên kết vùng…
Năm là, đầu tư nâng cấp, tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành trung ương đang hoạt động ở vùng ĐBSCL để các cơ sở này có đủ năng lực, điều kiện giải quyết các vấn đề cấp thiết của vùng. Các bộ, ngành, địa phương tham gia Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng, từ đó kịp thời đề ra giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Sáu là, nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển vùng ĐBSCL để huy động các nguồn tài chính đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, quan trọng có tính chất lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng, hướng đến sự phát triển bền vững của vùng. Quỹ có thể được hình thành từ nhiều nguồn như: ngân sách trung ương, ngân sách của các địa phương, sự tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,… Việc sử dụng Quỹ phải dựa trên cơ chế vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các địa phương thông qua việc đề xuất các chương trình, dự án có tính kết nối vùng. Trên cơ sở đó, những chương trình, dự án có tính khả thi sẽ được ưu tiên lựa chọn để triển khai thực hiện nhanh, góp phần gia tăng nguồn lực phát triển cho vùng và các địa phương có liên quan.
Bảy là, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chủ động đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch liên kết vùng đã ký kết. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương triển khai thực hiện tốt quy hoạch các tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn kết với Quy hoạch vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm, có tính đột phá, nâng cao tính thực chất và hiệu quả của liên kết vùng ĐBSCL./.
----------------------
(1) Nghị quyết số 05/NQ-TW, ngày 1-11-2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 251 - 252
(3) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(4) Như: Quyết định số 245/QĐ-TTg, ngày 12-2-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 2220/QĐ-TTg, ngày 17-11-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 64/QĐ-TTg, ngày 18-1-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về thành lập Tổ Chỉ đạo liên ngành về liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long để giám sát việc thực hiện các hoạt động thí điểm liên kết vùng đến năm 2020”; Quyết định số 625/QĐ-TTg, ngày 05-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Bộ tiêu chí xác định dự án liên kết đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”; Quyết định số 825/QĐ-TTg, ngày 12-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025”; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 974/QĐ-TTg, ngày 19-8-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long”
Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ  (15/09/2024)
Khai thác, phát huy giá trị yếu tố rừng và biển trong đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay  (18/01/2024)
Thúc đẩy liên kết kinh tế trong quy hoạch phát triển vùng  (15/11/2023)
Thể chế liên kết vùng: Những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục  (04/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay