Xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS – Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới
Lý tưởng và mục tiêu nhân văn cao cả suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu ở thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đã sớm xác định phải phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Người không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của xây dựng nông thôn mới, mà còn vạch ra mục tiêu, nội dung, biện pháp xây dựng nông thôn. Những quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Trước hết, xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”(1) và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cho nhân dân lao động có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới sạch đẹp còn góp phần bảo vệ môi trường, làm giàu sinh thái, tái tạo và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên: “Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì… Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Tết trồng cây, làm cho việc trồng cây lan tỏa rộng khắp, coi đó là “một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”, “một việc quan trọng chuẩn bị cho công việc xây dựng nông thôn mới nay mai”(3).
Nông thôn mới góp phần phát triển quan hệ cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nông thôn là nơi lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, văn hóa lễ hội đều gắn liền với nông nghiệp, đời sống nông thôn; bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn là cốt lõi của văn hóa dân tộc. Nông thôn không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn là nơi lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa lên tầm cao mới, là động lực của sự phát triển đất nước.
Về nội dung xây dựng nông thôn mới: Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, con người. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước mới ra đời, nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ chế độ mới, bắt tay vào tiến hành cải tạo xã hội nông thôn với nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún và nghèo nàn. Một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này đối với Chính phủ mới là xây dựng đời sống mới, trong đó có nông thôn mới phát triển, sạch đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với bảo vệ môi trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân(4).
Thứ nhất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn là phát triển giao thông (làm đường), xây dựng nhà ở, phát triển thủy lợi với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: “Đắp đường lớn là do Trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt”(5); “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng”(6); “Làm thủy lợi thì phải khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời. Làm thủy lợi cần phải kết hợp công trình lớn với công trình vừa và công trình nhỏ; cần phải kết hợp việc giữ nước với việc dẫn nước và việc tháo nước(7); “Làm đại thủy lợi thì nhà nước phải xuất tiền, nhân dân phải xuất sức. Trung thủy lợi thì nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiểu thủy lợi thì do nhân dân làm”(8)…
Thứ hai, xây dựng văn hóa mới, lối sống mới ở nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa mới và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. “Phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”; “phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ””(9)… Trong làng là những gia đình văn hóa: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt việc xây dựng gia đình trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn, đặt nhiệm vụ xây dựng nông thôn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong gia đình, thực hiện đời sống mới về quan hệ thì trên thuận, dưới hòa, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; từ ăn mặc, đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nền nếp; giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong xã hội nông thôn Việt Nam: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”(11); “Kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công nông, thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”(12). Chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng chính là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên”(13). Trong Di chúc, Người mong muốn: “Miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(14).
Trong xây dựng nông thôn mới, mỗi nhân tố cá nhân con người, nhà, làng, nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu biết cách phát huy các nhân tố cùng vận động và phát triển theo chiều hướng tích cực thì kết quả rất tốt đẹp: “Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”(15).
Về biện pháp xây dựng nông thôn mới, muốn xây dựng thành công nông thôn mới, cần tuyên truyền, vận động, giải thích: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích… Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó”(16).
Trong tổ chức thực hiện, cần tuân thủ nguyên tắc kế thừa những truyền thống tốt đẹp, chỉ loại bỏ những yếu tố không phù hợp, duy trì, bổ sung và phát triển những yếu tố tiến bộ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”(17).
Trong xây dựng nông thôn mới, cần phát huy vai trò của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở nông thôn, nhất là vai trò của chi bộ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”; “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”; “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương”(18). Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhưng nhân dân là chủ, nên: “Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của mình. Các cơ quan nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, phát huy nhiều hơn nữa tác dụng của ngành mình trong sản xuất nông nghiệp. Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã, giúp đỡ các hợp tác xã tiến bộ. Nhưng cán bộ tỉnh, huyện không thể đi khắp được. Cho nên cái gốc trong việc lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ đảng ở cơ sở. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”(19).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới là công việc của toàn dân nên thành viên ban vận động đến từ đại diện của các đảng phái, các đoàn thể, Người cử các vị trong Mặt trận Việt Minh tham gia vào Ban Trung ương vận động đời sống mới. Bên cạnh chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến vai trò của các tổ chức chính trị của nông dân, như Nông hội (Hội Nông dân ngày nay), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ: “Nông hội có trách nhiệm chính đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất. Đoàn thanh niên có nhiệm vụ xung phong thúc đẩy phong trào. Phụ nữ cần phải phát huy lực lượng của mình để sản xuất nhiều, sản xuất tốt. Các ngành đều phải có kế hoạch phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”(20).
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(21). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung nêu gương từ ý thức đến hành động: “Phải nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ của xã viên. Phải phát huy tác dụng của phụ nữ. Tất cả đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong công tác. Các chi ủy, các ban chấp hành chi đoàn phải gồm những đảng viên, đoàn viên ưu tú, có tư tưởng tốt, công tác tích cực, kiên quyết chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ. Phải có kinh nghiệm sản xuất, phải học cho biết kỹ thuật nông nghiệp, phải lãnh đạo tốt các ban quản trị hợp tác xã và các đội sản xuất”(22).
Xây dựng các phong trào thi đua, gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc phát động thi đua làm động lực xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ: “Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác”(23). Trong kháng chiến chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người dành nhiều thời gian xuống cơ sở, đến thăm các địa phương, đơn vị, nhà máy, trường học, chủ trương phát động những phong trào thi đua rộng khắp cả nước: Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Ba cải tiến, Năm tốt, các phong trào “Ba xây, ba chống”, “Cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp”, “Đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hóa miền núi”… và có những hình thức khen thưởng phù hợp để động viên, khuyến khích nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nông thôn mới hiện nay
Các quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn Việt Nam đã trở thành định hướng quan trọng để Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua các giai đoạn lịch sử, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn trong nông nghiệp, nông thôn.
Dân số nước ta hiện nay tập trung hơn 65% ở địa bàn nông thôn, đời sống người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Nông thôn ổn định và phát triển thì mới đóng góp chung vào sự ổn định và phát triển của cả nước. Để giải quyết hiệu quả vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo chủ trương của Đảng, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, “Về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2022” hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, thực hành đời sống mới, cần, kiệm, liêm, chính, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần người nông dân một cách toàn diện, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, nhằm công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tăng cường, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân cải thiện rõ rệt. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế… Những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”(24).
Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao”(25).
Trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu: “Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”(26), Đảng ta đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, gồm: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn(27).
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh của đất nước ta đang gặt hái nhiều kết quả quan trọng, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu, thực sự mang lại cuộc sống vật chất, tinh thần ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
----------------------------
(1), (9), (15), (16), (17), (21), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 113, 119, 117, 125 - 126, 112 - 113, 126, 119
(2), (3), (10), (12), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 300, 536, 300, 416
(4) Trong bộn bề công việc khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh 44/SL ngày 4-3-1946 về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng Đời sống mới”. Ngày 3-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương ra đời. Ngày 20-3-1947, Người cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới”, những tư tưởng trong tác phẩm là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay.
(5), (6), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 165, 446, 28
(7), (8), (13), (19), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, 199, 198, 164, 221 - 222, 222
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 56
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 214
(24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 61 - 62
(25), (26), (27) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 90, 97, 99-118
Gỡ điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội  (27/10/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm