Tỉnh Bình Dương: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững
TCCS - Bình Dương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế ngày càng giảm. Tuy nhiên, Bình Dương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tiếp tục giữ vững tăng trưởng ngành nông nghiệp. Phương châm “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững” trong giai đoạn 2016 - 2020 là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 388/KH-UBND, ngày 12-2-2014, về việc thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đồng thời, cụ thể hóa các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sát thực tiễn, tạo đòn bẩy giúp nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương được thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các nhóm tiêu chí về nông thôn mới. Đây là hướng đi đúng, không chỉ giúp các xã thay đổi diện mạo mà còn đưa quá trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn.
Cơ cấu lại gắn với phát triển đô thị bền vững: Thời gian qua, tỉnh Bình Dương tăng cường các giải pháp xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp; nâng cao đời sống nhân dân. Trong các giải pháp thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan tiến hành đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa, từng bước ổn định đời sống người dân và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 4 dự án trong Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 3265/QĐ-UBND, ngày 25-11-2016, của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện tốt công tác trồng cây phân tán và tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” góp phần nâng tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 57,5%, tạo mảng xanh đô thị, xây dựng cảnh quan môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đến cuối năm 2020, diện tích nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh là 158ha, tăng 21% so với năm 2016, với các loại cây trồng có giá trị kinh tế, như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh,...
Cơ cấu lại gắn với xây dựng nông thôn mới: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất; định hướng cho người sản xuất thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đối với vùng nông nghiệp truyền thống các huyện phía bắc của tỉnh, tập trung cơ cấu lại các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng chuyên canh gắn với đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho đối tượng cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế trong sản xuất, như cây có múi, cây chuối, dưa lưới... nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị trên đơn vị sản xuất. Xây dựng vùng cây chủ lực, tập trung đầu tư về khoa học, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, hình thành chuỗi sản phẩm có giá trị để tạo sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, như MM Mega Market, Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte,... nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế (Trong đó: Năng suất cam bình quân từ 30 - 40 tấn/ha; bưởi da xanh 20 - 25 tấn/ha, dưa lưới năng suất bình quân khoảng 35 - 40 tấn/ha/vụ, chuối già hương năng suất khoảng 50 - 60 tấn/ha/năm).
Đến nay, tỉnh Bình Dương có trên 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ với nhiều loại cây trồng (250ha cây có múi, 25,5ha cây rau và 258ha cây ăn quả khác); diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt là 5.403ha tăng gấp 2,4 lần so với năm 2016 (Trong đó: cây có múi 3.783ha, tăng gần gấp 2 lần; cây chuối 1.061ha, tăng hơn 4 lần; cây dưa lưới 63ha, tăng 59ha). Hiện nay, các doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh đang có kế hoạch chuyển đổi sản xuất ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.790ha.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định với 145 trang trại (tăng khoảng 30% so với năm 2016) đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,7 triệu con (tăng 61% so với năm 2016); chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 176 trang trại (tăng 57% so với năm 2016) với tổng đàn 548 nghìn con (tăng khoảng 36% so với năm 2016); chăn nuôi vịt thịt có 13 trại với số lượng 178 nghìn con; chăn nuôi bò sữa có 02 trang trại với quy mô đang nuôi 880 con.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (17,6ha); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (78,5ha) và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư (471,81ha).
Kinh tế tập thể có số lượng 60 hợp tác xã (HTX) với 886 thành viên (tăng 40 HTX và 567 thành viên so với năm 2016), HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ trong nông nghiệp. Hợp tác xã phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, các địa phương đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững, như liên kết thu mua tiêu thụ gia súc, gia cầm giữa các trang trại với Công ty TNHH San Hà, Công ty CJ Vina, Công ty CP Việt Nam…
Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, tạo bước đi bền vững cho phát triển nông nghiệp. Đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất. Đến nay, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đơn vị cấp huyện (Dầu Tiếng, Tân Uyên và Bên Cát) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 huyện còn lại (Phú Giáo, Bàu Bàng, Băc Tân Uyên) đã gửi hồ sơ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xã Thanh An (Dầu Tiếng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sáu xã đã thẩm tra trình ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025:
- Triển khai hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các chương trình, dự án trọng tâm của ngành; các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai các chính sách; huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự... Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai có hiệu quả Đề án số 1166/QĐ-UBND ngày 29-4-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường; ký kết hợp tác nông nghiệp với các địa phương trong vùng để tạo mối liên kết phát triển bền vững, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản./.
Đảng bộ xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn làm tốt công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (11/10/2022)
Huyện Tiên Yên: Tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (28/09/2022)
Thành phố Cẩm Phả nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (18/09/2022)
Thành phố Uông Bí chung tay xây dựng nông thôn mới  (07/09/2022)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm