Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững
TCCS - Trong 20 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần quan trọng để tỉnh Ninh Thuận tạo ra một bước đột phá lớn, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chú trọng giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số thoát ngèo
Hiện nay, toàn tỉnh Ninh thuận có 170.566 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 23% dân số của tỉnh, tập trung ở 28 xã, 8 thôn thuộc địa bàn 7 huyện, thành phố. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn và có sự chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng, thành thị, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Với chủ trương chú trọng giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trong thời gian qua phát huy được hiệu quả rõ rệt, giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống. Đây được xem là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tạo lập niềm tin vững chắc, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Với mục tiêu từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ đồng bào, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc triển khai các nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% số các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ chế và chính sách cho vay, thủ tục, quy trình, hồ sơ được rút ngắn, bảo đảm cho các hộ được tiếp cận nhanh chóng vốn vay. Cùng với đó, việc đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền giúp cho người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho các chương trình cho vay diễn ra thuận lợi.
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù đối với vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại các vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh đạt 1.445,12 tỷ đồng, với 36.298 hộ đang sử dụng vốn vay. Bên cạnh việc chuyển tải kịp thời vốn đến người dân, các hệ thống ngân hàng chính sách xã hội còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp củng cố hoạt động ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở những vùng có đồng bào bào dân tộc thiểu số sinh sống; định hướng sử dụng vốn đầu tư khai thác vào những tiềm năng, thế mạnh từng vùng, thúc đẩy kinh tế nông hộ phát triển, tạo việc làm, ổn định đời sống, đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh.
Chung tay truyền tải vốn tín dụng chính sách
Điểm nổi bật trong thực hiện Nghị định số 78 trong những năm qua ở tỉnh Ninh Thuận là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tinh thần nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh trong việc triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi đến với người dân. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc có ý nghĩa rất lớn, giúp NHCSXH tại địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.
Với quyết tâm huy động nguồn lực tài chính cùng công tác bảo đảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận các nguồn vốn từ Trung ương chuyển về, từ ngân sách địa phương chuyển sang và huy động theo hình thức tiền gửi của các tổ chức, doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm của nhân dân. Nếu như ở thời điểm mới đi vào hoạt động nhận bàn giao 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, với tổng dư nợ chỉ gần 80 tỷ đồng thì đến nay chi nhánh đã mở rộng triển khai cho vay thêm 18 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đến 31-7-2022, đạt trên 2.801 tỷ đồng, với 76.019 khách hàng còn dư nợ; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 2.730 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập; thành lập 1.590 tổ tiết kiệm và vay vốn; 65 điểm giao dịch/65 xã, phường, thị trấn hoạt động giao dịch với khách hàng. Tỷ lệ giao dịch thu nợ gốc đạt gần 87%; giao dịch thu lãi đạt hơn 98%.
Hiệu quả của hoạt động huy động nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đã khẳng định, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, giao các nguồn vốn có nguồn từ ngân sách nhà nước về một đầu mối là NHCSXH để quản lý sử dụng thống nhất, đồng thời cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 qua 20 năm đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp trên 63,2 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 26 nghìn lao động; trên 66,1 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa trên 80 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; trên 8 nghìn hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở. Cùng với tập trung huy động nguồn vốn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn ưu đãi thông qua mạng lưới 65 điểm giao dịch xã và 1.580 tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp các thôn, bản. Cùng việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành những “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong tạo cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn bảo đảm công khai, dân chủ.
Nổi bật trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Ninh Thuận thể hiện rõ về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH đạt 69,4 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng so với năm 2020 đã được chi nhánh chuyển tải nhanh chóng, an toàn về tận xã, phường, đến đúng đối tượng thụ hưởng, để các hộ khó khăn kịp thời đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, muôi trồng đánh bắt hải sản. Cùng với đó, những cán bộ tín dụng chính sách ở tỉnh Ninh Thuận thường xuyên bám thôn, bản, sát dân, triển khai đầy đủ các chính sách về tín dụng ưu đãi, như nâng mức vay, kéo dài hạn vay đối với hộ nghèo, hộ tái nghèo hay ưu tiên về lãi suất vay đối với các gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh cho vay kịp thời người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động theo nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trụ cột của xóa đói, giảm nghèo bền vững
Từ tăng trưởng dư nợ và khơi thông dòng chảy nguồn vốn tín dụng của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận mà người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện chủ động khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, đạt kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Thuận giữa năm 2021 còn 5,33%, giảm 9,6% so với cuối năm 2016. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Cảnh thiếu ăn, đốt rừng làm nương rẫy những năm trước của đồng bào dân tộc thiểu đã không còn; nhiều gia đình người Raglai, Cơ Ho, Chăm đã có hàng tấn lương thực dự trữ, cả đàn gia súc béo, khỏe trong chuồng. Như Tà Dương là thôn thuộc diện khó khăn của xã Phước Thái (huyện Ninh Phước); toàn thôn hiện có 151 hộ, chủ yếu là dân tộc Raglai sinh sống, kinh tế chủ yếu của bà con phụ thuộc vào sản xuất lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng vốn vay ưu đãi đến các hộ dân trong thôn, đời sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Hay như xã Phước Tân, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bác Ái để tận dụng lợi thế đất đai, khai hoang phục hóa nương đồi, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Qua thực tiễn tại tỉnh Ninh Thuận có thể khẳng định, Nghị định số 78 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách, huy động, tập trung nguồn lực vào việc thực hiện tốt chương trình, mục tiêu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách. Thành tựu của tín dụng chính sách chặng đường 20 năm qua của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo. Điều đó đã chứng minh được tính thực tiễn của chính sách, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
Thành phố Hà Nội phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội  (09/12/2022)
Người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách  (09/12/2022)
Tỉnh Kon Tom: Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới  (08/12/2022)
Huyện đảo Lý Sơn - 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội  (08/12/2022)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm