TCCS - Thời gian qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn lực tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Người dân phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum làm thủ tục nhận tiền vay vốn tín dụng chính sách_ Ảnh:  TTXVN

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 9.680,49 km2. Dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 569 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số khoảng 313.406 người (chiếm tỷ lệ 55,1% tổng dân số) với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê).

Xác định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao

Tính đến nay, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 9,9 tỷ đồng, chiếm 0,31% tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn là 7,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,25%. Một số đơn vị có chất lượng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, như các huyện Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Glei,… Để có kết quả này, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kom Tum thường xuyên theo dõi, nắm bắt để hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có 102 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn hoạt động ổn định, thuận lợi cho người dân đến giao dịch và hiệu quả trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng.

Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách tỉnh triển khai thực hiện các nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với Ngân hàng Chính sách tỉnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ ủy thác là 3.195 tỷ đồng, với 65.776 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, Hội Phụ nữ là 1.210 tỷ đồng, Hội Nông dân là 907 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh là 429 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên là 649 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tiếp tục kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn với 102 điểm giao dịch xã để duy trì hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng Ngân hàng Chính sách tỉnh Kon Tum chủ động triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương, tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung thu hồi nợ quá hạn, xử lý hiệu quả nợ tồn động, tập trung mọi người vay ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời như cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Điểm tựa vững chắc cho người nghèo

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002, của Chính phủ, về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đồng hành cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trên địa bàn tỉnh, xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp từ tỉnh đến tận thôn, tổ dân phố; với 102 điểm giao dịch, 1.674 tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã và đang triển khai 17 chương trình với tổng dư nợ đạt 3.545,4 tỷ đồng (tăng 47,9%), 67.920 hộ còn dư nợ (tương đương 47,3% tổng số hộ dân toàn tỉnh), tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 23,4%/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 376.321 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nâng cấp 119.528 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 56.508 lượt hộ tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm cho 34.862 lao động; 20.548 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 10.488 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; 512 lao động thuộc các gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng 490 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ; giúp hơn 78.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và góp phần xây dựng 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới;... 

Chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi - “tín dụng đen” và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn. Cùng với đó, thông qua hoạt động tín dụng chính sách cũng góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng chính sách tác động tích cực đến đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Gia đình chị Y Kum (thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đã thoát nghèo năm 2017 nhờ vay vốn tín dụng chính sách để trồng cà phê_Ảnh: TTXVN

Góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”

Triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND, ngày 10-02-2020, phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ mới thoát nghèo, gặp khó khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng cần khắc phục ngay; để kinh doanh, buôn bán nhỏ, có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do chính đáng, hợp pháp. Nguồn vốn cho vay từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; lãi suất cho vay là 7,92%/năm (0,66%/tháng); thời hạn giải ngân trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm người có nhu cầu vay đăng ký và lập hồ sơ tại thôn trưởng hoặc tổ tiết kiệm và vay vốn...

Đây là chính sách đặc thù riêng của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát sinh trong cuộc sống của các đối tượng yếu thế, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; qua đó, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.

Thứ nhất, huy động, tăng cường các nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là đẩy mạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án để triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gắn với bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện quản lý, giám sát và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho người dân nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung nguồn lực tín dụng đầu tư giải quyết một số vấn đề về thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ năm, cần chú trọng tăng mức vay, tăng thời hạn cho vay các nguồn vốn tín dụng; tập trung vào các ngành, nghề trọng yếu để định hướng việc làm ăn, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ; khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.

Cùng với đó, cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất của đội ngũ cán bộ đoàn, hội cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn./.