Những bước phát triển vượt bậc của Ngân hàng Chính sách xã hội
TCCS - Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang trong công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Với những kết quả, thành tích trong gần 20 năm qua, nhất là những thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện chiến lược phát triển của Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2020, cùng sự đoàn kết của trên 10.000 cán bộ, nhân viên và người lao động, dưới sự điều hành của Hội đồng quản trị và sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tự tin sẽ tiếp tục vững bước phát triển, đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với phần thưởng cao quý là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Cầu nối hội tụ các nguồn lực giảm nghèo bền vững
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ hai lần nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, cùng với đó là số hộ nghèo, cận nghèo tăng lên theo chuẩn mới đã gây áp lực lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong vấn đề cung ứng tín dụng. Nhận thức và dự báo được rõ những diễn biến này, Ban Điều hành Ngân hàng Chính sách xã hội xác định, việc huy động và tập trung được các nguồn tài chính là một trong những yếu tố quyết định đến việc thành, bại trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội.
Điểm thuận lợi lớn nhất trong giai đoạn này là Đảng, Quốc hội và Chính phủ dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo, quyết liệt chỉ đạo trong việc tập trung nguồn lực lớn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Minh chứng rõ là, năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội lần đầu được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tạo tiền đề cho tăng trưởng nguồn vốn ổn định, bền vững, cũng như nâng cao năng lực tài chính. Nhìn lại cả giai đoạn 2011 - 2020, ngân sách nhà nước cấp 41.204,5 tỷ đồng, trong đó cấp bổ sung 8.270,5 tỷ đồng vốn điều lệ, 12.412 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách...
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào đời sống đã đưa nguồn vốn nhận ủy thác địa phương trở thành điểm sáng nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, kể từ khi thực hiện Chiến lược. Đến hết năm 2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.315 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng nhà nước tiếp tục duy trì 2% số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đưa nguồn vốn này tăng 6,4 lần so với trước thời điểm thực hiện Chiến lược, từ 12.821 tỷ đồng năm 2010 lên 81.462 tỷ đồng.
Cũng trong thời kỳ này, bên cạnh việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo qua tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường, đặc biệt là cho ra đời sản phẩm huy động tiền gửi dân cư tại các điểm giao dịch xã.
Kết quả từ việc thực hiện theo đúng phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đã làm tăng quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.661 tỷ đồng sau 10 năm thực hiện Chiến lược, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm.
Việc hội tụ được nguồn lực không chỉ trên phương diện vốn, mà quan trọng hơn là phương thức quản lý và truyền tải vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua. Dây chuyền quản lý và truyền tải vốn giờ không chỉ đặt lên vai các các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, mà có sự tận lực, tận tâm của chính quyền địa phương. Trong đó, việc bổ sung chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã vào ban đại diện đội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện đã tạo sự chuyển biến tích cực và đồng đều trên các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt của chính quyền cấp xã với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn từ năm 2014, với việc Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các tổ chức này ký kết lại, đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà là: “Ngân hàng - chính quyền - tổ chức chính trị - xã hội - tổ tiết kiệm và vay vốn” chung tay giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác. Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý 224.344 tỷ đồng, chiếm 99,5%/tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với gần 173.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.426 điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ, phủ rộng trên hầu hết các thôn, xã, phường, thị trấn trong toàn quốc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã giúp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả phương châm: “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Những thành quả này một lần nữa minh chứng tính hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Chính phủ, đã và đang phù hợp với đặc điểm chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững
Cũng chính từ sự “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, việc thực hiện Chiến lược của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ là những kế hoạch “cứng”, mà được xây dựng chủ động và linh hoạt theo diễn tiến của nền kinh tế, yêu cầu giảm nghèo của quốc gia, đặc biệt là từ nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tốc độ hội nhập nhanh của nền kinh tế cùng yêu cầu giảm nghèo đa chiều, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã trở thành bài toán mà lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trăn trở, để rồi từ đó quyết sách hàng loạt các chính sách tín dụng mới, đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành thực hiện, hoàn thiện chuỗi các chương trình tín dụng mang tính chất kết nối và hỗ trợ người nghèo trên từng nấc thang tiến tới giảm nghèo bền vững.
Kết quả là từ năm 2011 đến nay, Nhà nước ban hành nhiều chính sách tín dụng mới để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ những chính sách bổ trợ vào hệ thống chương trình giảm nghèo chung như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho đến các chính sách riêng cho từng đối tượng yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đồng bào thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chương trình tín dụng cho vay để ứng phó với biển đổi khí hậu như cho vay đối với người dân chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển... Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham mưu các bộ, ban, ngành liên quan hệ thống lại các chương trình tín dụng, tránh dàn trài, trùng lắp, nâng cao mức vay theo nhu cầu thực tế. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng mới, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời.
Song hành với việc mở rộng quy mô, Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng tập trung thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Từ việc chủ động cải thiện chất lượng nợ trong hoạt động hệ thống và trong từng mắt xích của dây chuyền thực hiện và giám sát cho vay, đến việc thành lập ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nam bộ và các chi nhánh có chất lượng hoạt động thấp, chủ động báo cáo cấp ủy chính quyền, các cơ quan liên quan về tình hình thực hiện tín dụng chính sách, đề nghị tăng cường sự quan tâm của các cấp, ngành đối với việc triển khai tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải pháp tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, năng lực từ Hội sở chính và các chi nhánh tham gia củng cố chất lượng cho các chi nhánh có chất lượng hoạt động yếu đã góp phần đưa tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược là dưới 3%/tổng dư nợ. Đến nay, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm khoảng dưới 1%/tổng dư nợ, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược đề ra.
Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mục tiêu của Chiến lược; nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.197 tỷ đồng tại ngày 31-12-2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó đối với dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ), tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), xuống dưới 3% (năm 2020).
Trước những thành tựu Ngân hàng Chính sách xã hội đạt được, đặc biệt trong những năm gần đây với việc đang cho vay gần 6,5 triệu hộ gia đình với mạng lưới rộng khắp từ Trung ương xuống cơ sở, tận cấp xã, ông Ketut Kusuma - Điều phối viên quốc gia về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Thông qua mạng lưới này, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam (MIX 2018). Có thể thấy, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện tại đã trở thành một tổ chức rất quan trọng với phạm vi hoạt động bao phủ khắp Việt Nam, đóng vai trò trọng yếu trong xây dựng tài chính toàn diện ở Việt Nam. Muốn thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam, không thể không có vai trò chủ chốt của Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ hơn, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, cũng như toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng đang đặt ra cho Ngân hàng Chính sách xã hội, khi tới đây chuẩn nghèo mới sẽ được ban hành, cùng với đó là những rủi ro khó lường khác đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng Chiến lược mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, yêu cầu nâng cao năng lực tài chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định để Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt hơn nữa trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, nhân dân tin tưởng, trong bối cảnh, điều kiện mới. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cùng hướng đích mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó việc củng cố, đổi mới phương thức quản lý vốn luôn có vai trò quyết định để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn sắp tới./.
Tập trung nguồn lực nhà nước thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (23/04/2021)
Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới  (22/12/2020)
Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm và những bước tiến vượt bậc  (02/12/2020)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm