Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm và những bước tiến vượt bậc
TCCS - Nhìn lại 10 năm triển khai Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg, ngày 10-7-2012 (Chiến lược phát triển), cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng với việc ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) đã kết nối hệ thống chính trị - xã hội thành một thể thống nhất cả về trí và lực tham gia công cuộc giảm nghèo, làm sâu sắc hơn hiệu quả một chính sách đặc thù phù hợp với cấu trúc chính trị Việt Nam.
Cầu nối hội tụ trí lực giảm nghèo bền vững
Chỉ trong vòng 10 năm, Chính phủ đã hai lần nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, cùng với đó là số hộ nghèo, cận nghèo tăng lên theo chuẩn mới mang đến áp lực lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong vấn đề cung ứng tín dụng. Nhận thức và dự báo được rõ những diễn tiến phát triển này, Ban điều hành Ngân hàng Chính sách xã hội luôn ý thức được việc huy động và tập trung được các nguồn tài chính là một trong những yếu tố quyết định đến việc thành bại trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội. Điểm thuận lợi lớn nhất trong giai đoạn này là Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo, quyết liệt chỉ đạo trong việc tập trung nguồn lực lớn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Minh chứng là năm 2017, năm đầu tiên Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tạo tiền đề cho Ngân hàng Chính sách xã hội tăng trưởng nguồn vốn ổn định, bền vững cũng như nâng cao năng lực tài chính. Nhìn lại cả giai đoạn 2011 - 2020, Ngân sách Nhà nước đã cấp 41.204,5 tỷ đồng, trong đó cấp bổ sung 8.270,5 tỷ đồng vốn điều lệ, 12.412 tỷ đồng để thực hiện tín các chương trình tín dụng chính sách...
Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào đời sống đã đưa nguồn vốn nhận ủy thác địa phương trở thành điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương kể từ khi thực hiện Chiến lược phát triển. Đến 30-11-2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.132 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện là 3.288 tỷ đồng), tăng 17.846 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng nhà nước tiếp tục duy trì 2% số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đưa nguồn vốn này tăng 6,4 lần so với trước thời điểm thực hiện Chiến lược, từ 12.821 tỷ đồng (năm 2010) lên 81.462 tỷ đồng (năm 2020).
Cũng trong thời kỳ này, bên cạnh việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung khai thác các nguồn vốn thị trường, đặc biệt là cho ra đời sản phẩm huy động tiền gửi dân cư tại các Điểm giao dịch xã.
Kết quả từ việc thực hiện theo đúng phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đã làm tăng quy mô tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng (ước đến thời điểm 31-12-2020) sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm.
Câu chuyện hội tụ nguồn lực không chỉ trên phương diện vốn mà quan trọng hơn là phương thức quản lý và truyền tải vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua. Dây chuyền quản lý và truyền tải vốn giờ không chỉ đặt lên vai các các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, mà có sự tận lực, tận tâm của chính quyền địa phương. Trong đó việc bổ sung chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện đã tạo sự chuyển biến tích cực và đồng đều trên các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đặc biệt của chính quyền cấp xã với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn từ năm 2014 với việc Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các tổ chức này ký kết lại đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà là: “Ngân hàng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm và vay vốn” chung tay giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác. Đến 30-11-2020, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý 224.344 tỷ đồng, chiếm 99,5%/tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với gần 173.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.426 điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ phủ rộng trên hầu hết các thôn, xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã giúp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Những thành quả này một lần nữa minh chứng tính hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Chính phủ, đã và đang phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam.
Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và hội nhập
Cũng chính từ sự “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, câu chuyện thực hiện Chiến lược của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ là những kế hoạch cứng mà được xây dựng chủ động và linh hoạt theo diễn tiến của nền kinh tế, yêu cầu giảm nghèo của quốc gia, đặc biệt là từ nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tốc độ hội nhập nhanh của nền kinh tế cùng yêu cầu giảm nghèo đa chiều, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành bài toán mà lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cân nhắc, để rồi từ đó hàng loạt các đề xuất chính sách tín dụng mới đã được Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ hoàn thiện chuỗi các chương trình tín dụng mang tính chất kết nối và hỗ trợ người nghèo trên từng nấc thang tiến tới giảm nghèo bền vững.
Kết quả là từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng mới để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển kinh tế. Từ những chính sách bổ trợ vào hệ thống chương trình giảm nghèo chung như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm cho đến các chính sách riêng cho từng đối tượng yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đồng bào thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long... Đặc biệt là các chương trình tín dụng cho vay để ứng phó với biển đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững như cho vay đối với người dân chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển... Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham mưu với các các bộ, ban ngành liên quan hệ thống lại các chương trình tín dụng tránh dàn trài, trùng lắp, nâng cao mức vay theo nhu cầu thực tế. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chủ động kịp thời sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách tín dụng mới, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời.
Song hành với việc mở rộng quy mô, Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng tập trung thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Từ việc chủ động cải thiện chất lượng nợ trong hoạt động hệ thống và trong từng mắt xích trong dây chuyền thực hiện và giám sát cho vay đến việc Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nam bộ, và các chi nhánh có chất lượng hoạt động thấp, chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc về tình hình thực hiện tín dụng chính sách, đề nghị tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với việc triển khai tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải pháp tăng cường cán bộ có kinh nghiệm năng lực từ Hội sở chính và các chi nhánh tham gia củng cố chất lượng cho các chi nhánh có chất lượng hoạt động yếu đã góp phần đưa tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển là dưới 3%/tổng dư nợ. Tại thời điểm 30-11-2020, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,7%/tổng dư nợ, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược phát triển đề ra.
Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mục tiêu Chiến lược phát triển; nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng ước đến thời điểm 31-12-2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó đối với dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ), tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết quả của tất cả những chuyển biến ấy đã khắc sâu vào bức tranh tín dụng chính sách với những gam màu ấm áp. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước với trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với doanh số cho vay lên tới 504.565 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% (năm 2020).
Hiệu ứng từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ hơn cùng với những trợ lực từ Nhà nước cũng như toàn thể hệ thống chính trị. Tuy nhiên, những thách thức mới đặt ra cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới đây khi chuẩn nghèo mới được ban hành cùng. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết xây dựng một chiến lược mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030, theo đó, yêu cầu nâng cao năng lực tài chính là một yếu tố có tính tiên quyết để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể làm tốt hơn nữa trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó trong bối cảnh mới. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của riêng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để giảm nghèo bền vững, cùng với đó là việc xây dựng chính sách kết hợp với phân bổ nguồn lực hợp lý để gia tăng hiệu quả trên từng chính sách. Với Ngân hàng Chính sách xã hội, câu chuyện củng cố phương thức quản lý vốn cũng là bài toán cần cân nhắc để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong tương lai./.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (20/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025  (16/08/2020)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội  (22/07/2020)
Tín dụng chính sách xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của giảm nghèo bền vững  (16/07/2020)
Động lực phát triển từ các phong trào thi đua của Agribank  (14/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay