Vùng Tây Nam Bộ qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”

Nguyễn Hoàng Hành - Nguyễn Thanh Sơn
Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc - Tạp chí Cộng sản
12:19, ngày 14-10-2023

TCCS - Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… đối với vùng dân tộc và miền núi, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm, chúc tết và tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tại chùa Monivongsa Bopharam, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau_Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

Chuyển biến trên nhiều lĩnh vực     

Từ khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong các nhiệm kỳ, giai đoạn, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương về công tác dân tộc. Các chủ trương này đều thống nhất ở nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, sự đúng đắn, phù hợp từ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện đã tạo nên những thành tựu, chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng dân tộc và miền núi trên cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nói riêng.

 Vùng Tây Nam Bộ với dân số gần 20 triệu người là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 92,42%; dân tộc Khmer: 6,6%; dân tộc Hoa: 0,87%, dân tộc Chăm: 0,08%(1) và một số dân tộc thiểu số khác. Trong tiến trình phát triển, đồng bào dân tộc Khmer cùng với cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất này đã cùng nhau khai phá, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, chính trị, xã hội, tạo nên mối quan hệ gắn bó trên tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào dân tộc Khmer đã đoàn kết với đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm,... đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng(2); hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng đã vào cuộc, dành nhiều nguồn lực giúp đỡ, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn; vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;... Trước tình hình đó, ngày 10-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, “Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới” (Chỉ thị số 19-CT/TW).

Chỉ thị số 19-CT/TW đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm(3), thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt và phù hợp với thực tiễn trong các chủ trương, định hướng của Đảng về thực thi công tác dân tộc và tăng cường đại đoàn kết dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, hầu hết các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 19-CT/TW vào nội dung nghị quyết đại hội đảng bộ các địa phương nhiệm kỳ 2020 - 2025; lồng ghép trong các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư trong giai đoạn 5 năm và hằng năm; phân công cụ thể trách nhiệm các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân các địa phương trong việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong Chỉ thị số 19-CT/TW và các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đến nay, công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền đầu tư nhiều nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, cơ cấu kinh tế vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ chuyển dịch và phát triển đúng hướng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Các chương trình an sinh xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển, đa dạng các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, bảo tồn và phát huy, nhất là văn hoá lễ hội của đồng bào; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành thương hiệu(4). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh hiện đại.

Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm thực hiện tốt; đặc biệt, các chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên và chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi mẫu giáo đạt trên 98%, tiểu học: 95,5%, trung học cơ sở: 71,1% và trung học phổ thông: 38,4%.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm thực hiện tốt. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở, nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đã tăng cường đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, đặc biệt là công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19.

 Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị, các cấp ủy tăng cường chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ đảng viên người dân tộc Khmer trong tổng số đảng viên của đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã ngày càng tăng; tỷ lệ cán bộ người dân tộc Khmer tham gia ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy, giữ các chức danh chủ chốt ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer cơ bản hợp lý.

Công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được chú trọng. Tính đến cuối năm 2021, trong số 1.871 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 1.600 người là người dân tộc Khmer. Đây là lực lượng quần chúng có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; đồng thời, người có uy tín là “kênh” quan trọng để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước, là “cầu nối” gắn kết “ý Đảng với lòng dân”.

Nhận diện hạn chế và bài học kinh nghiệm

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; góp phần tạo bước phát triển cho cả vùng và đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW cũng bộc lộ một số hạn chế, cần sớm được khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế ở vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa được đầu tư khai thác; tập quán sản xuất canh tác nhìn chung còn lạc hậu; một số nơi, hiệu quả thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị sản xuất thấp, thiếu tính ổn định, bị tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển xâm nhập, ô nhiễm môi trường. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế ở nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer còn thấp. Nhận thức của một số cán bộ về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện. Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ người dân tộc Khmer chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng tranh chấp đất đai có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp; còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định.

Từ những kết quả và hạn chế qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng về nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới; bám sát những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư để đề ra biện pháp tăng cường quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ và quyết liệt; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Thứ hai, xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng của đội ngũ đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu; công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành. Đây là yếu tố mang tính quyết định để phát huy sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, từ đó khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của đồng bào dân tộc Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm,… trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phải gần dân, sát dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân, sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình và kịp thời đề ra giải pháp để giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bức xúc ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, năng lực chuyên môn và kiến thức thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân tộc; phát huy dân chủ, ý thức tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer và các dân tộc anh em trên địa bàn.

Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Tạo bước phát triển mới trong công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

Để phát triển bền vững, toàn diện vùng dân tộc và miền núi cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, Đảng ta xác định chủ trương, đường lối về công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (5); “Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(6). Trên cơ sở đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc, nhất là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới“; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về "Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc"; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Hai là, các địa phương vùng Tây Nam Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”. Đồng thời, rà soát, xây dựng và ban hành các chính sách trên các lĩnh vực theo đúng mục tiêu kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Ba là, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, vùng biên giới Tây Nam; kịp thời đánh giá thực trạng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tôn giáo, tranh chấp đất đai, an ninh, trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường,… để kịp thời  giải quyết những vấn đề phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Đồng thời, vận động đồng bào dân tộc Khmer chủ động, tích cực tham gia “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phát triển kinh tế, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa ban dân tộc với các sở, ban, ngành, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer bằng nhiều hình thức và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ, tương ứng với vị trí việc làm trong hệ thống chính trị các cấp để góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong tình hình mới.

Năm là, chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer; phát huy ý chí tự lực tự cường, nhân rộng các tấm gương vượt khó, nỗ lực phấn đấu thoát nghèo vươn lên khá giàu của đồng bào, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chú trọng phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và người có uy tín; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Khmer và đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nam Bộ.

Sáu là, tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ thực thi công tác dân tộc, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo về chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ta về yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, về lịch sử vùng đất Nam Bộ; vạch trần những luận điệu vu cáo, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; giúp đồng bào dân tộc Khmer nhận diện rõ và đấu tranh phản bác các âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch./.

----------------------------

(1) Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020
(2) Như: Chỉ thị số 117-CT/TƯ, ngày 29-9-1981, của Ban Bí thư Trung ương,“Về công tác đối với đồng bào Khơ-me”; Chỉ thị số 122-CT, ngày 12-5-1982, của Hội đồng Bộ trưởng “Về công tác đối với đồng bào Khơ-me”; Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18-4-1991, của Ban Bí thư, “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me”; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”
(3) Sáu nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chỉ thị số 19-CT/TW là: 1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer; 2. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện đề án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã biên giới, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. 3. Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia vùng đồng bào Khmer; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; 4. Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào Khmer; phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, ban quản lý chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đối với công tác vận động đồng bào; 5. Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer; chú trọng phát triển Đảng, đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc Khmer; chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người uy tín, sư sãi tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer và các chức sắc tôn giáo; 6. Tích cực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện có liên quan đến yếu tố chùa chiền, tôn giáo ở địa phương, không để phát sinh những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động Khmer Cam-pu-chia Crôm
(4) Như: Lễ hội Đua Ghe ngo ở Sóc Trăng; Lễ hội Đua Bò Bảy Núi ở An Giang, Lễ hội Ook om bok ở Trà Vinh
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170 -171
(6) Nguyễn Phú Trọng: “Nâng cao chất lượng chính sách xã hội; xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà xứng tầm là nguyên khí quốc gia; thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngay 8-10-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/trung-uong-thong-nhat-ban-hanh-cac-nghi-quyet-va-quyet-nghi-mot-so-noi-dung-quan-trong-khac-gop-phan-tao-ra-khi-the-moi-xung-luc-moi-cho-su-nghiep-doi