Tăng cường vai trò và sự tham gia quản trị địa phương của người dân ở vùng Tây Nam Bộ

TS. NGUYỄN TRỌNG BÌNH - NGUYỄN THỊ NGỌC ANH
Học viện Chính trị khu vực IV
17:00, ngày 20-08-2022

TCCS - Một trong những đặc trưng của quản trị địa phương hiện đại là nhấn mạnh tính “mở” của chính quyền, tăng cường sự tham gia của người dân để giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương không chỉ nhằm thực hiện tốt phương châm “lấy nhân dân làm trung tâm” mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị của chính quyền địa phương của cả nước nói chung, vùng Tây Nam Bộ nói riêng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV_Ảnh: TTXVN

Một trong những điểm mới nổi bật trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự tham gia của nhân dân trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương. Nhất quán với quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(1), Đảng ta nhấn mạnh: "Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các hoạt động tự quản cộng đồng”(2). Chính vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm và thực hiện tốt.

Hình thức, ý nghĩa của việc người dân tham gia quản trị địa phương

Quản trị địa phương là thuật ngữ được sử dụng trên thế giới từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Nội hàm cốt lõi của quản trị địa phương là nhấn mạnh việc phát huy và tích hợp sức mạnh của nhiều chủ thể, mà chủ yếu là chính quyền, doanh nghiệp và xã hội (các đoàn thể xã hội và người dân) trong giải quyết các vấn đề xã hội và cung ứng dịch vụ công. Xét từ phương diện chủ thể quản trị, quản trị địa phương được cấu thành bởi các chủ thể chủ yếu sau: Một là, hệ thống tổ chức Đảng và chính quyền, lấy đội ngũ cán bộ, công chức làm đại diện và lấy cơ quan đảng, các cơ quan nhà nước ở địa phương làm cơ sở; hai là, hệ thống thị trường (doanh nghiệp), lấy đội ngũ doanh nhân làm đại diện và lấy tổ chức doanh nghiệp làm cơ sở; ba là, hệ thống xã hội lấy công dân làm đại diện và lấy tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp làm cơ sở(3).

Từ đó, có thể thấy, sự tham gia của xã hội, người dân là một trong những đặc trưng quan trọng của quản trị địa phương hiện đại. Đó là tất cả hành vi và hoạt động của người dân (gồm cá nhân và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội với tư cách các tổ chức đại diện của người dân) thông qua thể chế, cơ chế nhất định để gây ảnh hưởng đối với quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá, điều chỉnh chính sách công của chính quyền địa phương.

Về hình thức, tùy góc độ nghiên cứu mà một số tổ chức, nhà nghiên cứu đưa ra các hình thức tham gia khác nhau của người dân trong quản trị địa phương. Trong đó, có thể kể một số hình thức sau: Lấy đối thoại bình đẳng giữa chính quyền với người dân làm mục đích; nhằm tiếp nhận thông tin cho quá trình hoạch định chính sách, gồm: thăm dò ý kiến người dân, chính quyền tiếp xúc với đại diện của người dân, người dân chủ động tiếp xúc với chính quyền, trưng cầu ý kiến thông qua đại diện của người dân, qua mạng internet và chính quyền điện tử, công khai thông tin của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương và phản biện xã hội; nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của chính quyền, gồm: hội nghị công dân, tham vấn và lắng nghe ý kiến từ ủy ban tư vấn của công dân; phát triển năng lực tự quản gồm: sự giám sát của người dân và các tổ chức đại diện của người dân, nêu sáng kiến và phúc quyết, diễn đàn công dân, hợp tác giữa chính quyền địa phương với các tổ chức đại diện của người dân trong cung ứng dịch vụ công, hoạt động tình nguyện và tự quản của người dân ở cơ sở(4).

Về ý nghĩa, trên cơ sở kế thừa và phát triển các nghiên cứu có liên quan, có thể thấy, sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương một số ý nghĩa quan trọng góp phần: (i) Thực hiện quyền của mỗi công dân và phát triển năng lực của cá nhân; (ii) Giữ vững sự ổn định và phát triển xã hội, hạn chế hiện tượng khiếu nại, tố cáo, xung đột xã hội; (iii) Nâng cao tính đại diện và năng lực đáp ứng của chính quyền địa phương; (iv) Tăng cường niềm tin của người dân đối với chính quyền; (v) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; (vi) Nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi chính sách công; (vii) Nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ công; (viii) Xây dựng bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh…

Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) là chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Chỉ số PAPI dựa trên nhiều phương diện để đánh giá mức độ tham gia của người dân trong quản trị địa phương, như: (i) Tri thức hay sự hiểu biết của công dân về chính sách hiện hành, về vị trí lãnh đạo ở địa phương; (ii) Cơ hội tham gia của công dân vào tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ chức xã hội; tỷ lệ người dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lần gần nhất; (iii) Sự đánh giá của công dân về chất lượng bầu cử; (iv) Sự đóng góp tự nguyện và năng lực giám sát của công dân đối với những công trình công cộng ở xã, phường, thị trấn nơi họ sinh sống...

Các đại biểu biểu quyết về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2021 - 2026_Ảnh: TTXVN

Tuy các phương diện đánh giá sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương do PAPI thực hiện chưa thật sự toàn diện, song kết quả khảo sát của PAPI từ năm 2011 đến nay đã phần nào phản ánh thực trạng sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương trên phạm vi cả nước nói chung, ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng.

Thứ nhất, từ năm 2011 đến năm 2020, điểm số về sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ nhìn chung đều thấp hơn so với mức trung bình của cả nước.

Thứ hai, điểm số về sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương giai đoạn 2011 - 2020 chậm được cải thiện, thậm chí ngày càng giảm. Nếu năm 2011, điểm số về sự tham gia của người dân ở vùng Tây Nam Bộ là 5,18 điểm thì đến các năm 2018, 2019, 2020 số điểm tương ứng giảm còn 4,51; 4,51 và 4,12. 

Một nghiên cứu liên quan đến sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Nam Bộ cho thấy, trong số những người được hỏi, có 20% cho rằng họ có biết về quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã; có 7% biết về dự án xây dựng nông thôn mới; 5,3% có biết về dự toán và quyết toán các dự án xây dựng nông thôn mới; 48% cho rằng có cơ hội tham gia thảo luận đối với kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã; 42,7% cho biết đại diện hộ gia đình chưa được chính quyền mời tham dự các hội nghị để lắng nghe ý kiến của họ trong quá trình xây dựng nông thôn mới; có 65% cho rằng việc xác định thứ tự ưu tiên trong các dự án xây dựng nông thôn mới là do Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của huyện và xã quyết định…(6). Những hạn chế, bất cập về sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp phù hợp để cải thiện tình hình trong lĩnh vực này.

Giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ

Trong bối cảnh hiện nay, để giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, các địa phương vùng Tây Nam Bộ cần coi trọng việc chuyển đổi mô hình quản trị địa phương từ chỗ nhấn mạnh vai trò độc tôn của chính quyền trong quản lý xã hội sang nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác, phối hợp có hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và xã hội (các đoàn thể xã hội và người dân), trên cơ sở giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa chính quyền, thị trường (doanh nghiệp) và xã hội. Thời gian tới, để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ, cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt phương châm “Lấy nhân dân làm trung tâm” trong quản trị địa phương và đổi mới chính quyền theo mô hình chính quyền “mở”.  Một rào cản đối với sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ là một số cán bộ, công chức vẫn xem quản lý nhà nước, quản lý xã hội là việc của chính quyền, coi người dân là đối tượng quản lý hoặc là bên thụ hưởng dịch vụ công do chính quyền cung ứng. Vì vậy, để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương, cần thực hiện tốt phương châm "lấy nhân dân làm trung tâm"; coi trọng sự tham gia, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong quá trình hoạch định chính sách; coi trọng việc hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Thứ hai, tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của chính quyền. Về phương diện lý luận, công khai thông tin trong hoạt động của chính quyền là cơ sở và điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương. Chỉ khi người dân “biết”, họ mới có thể “bàn”, “quyết định”, từ đó “đánh giá”, “kiểm tra” và “giám sát”. Về mặt thực tiễn, một trong những yếu tố dẫn đến sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ còn chưa cao là do một số nơi chưa bảo đảm tốt công khai, minh bạch thông tin. Chỉ số PAPI trong các năm qua cho thấy, điểm trung bình chung về công khai, minh bạch thông tin của các địa phương trong vùng đều chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Vì vậy, để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương, chính quyền cần thực hiện tốt trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân, thông qua nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo tốt hơn “quyền được biết” của người dân.

Người dân tham gia bảo vệ hệ sinh thái vùng đất ngập mặn tại Kiên Giang (ảnh: Nguyễn Đoàn Kết)_ Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ ba, tăng cường giáo dục ý thức và trách nhiệm công dân. Xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, ý thức và trách nhiệm công dân là một điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương. Ý thức và trách nhiệm công dân thể hiện thông qua các phương diện như: Người dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; người dân tích cực thực hiện và vận dụng đúng các quyền của mình trong thực tế; người dân có năng lực nhất định để đánh giá một chính sách nào đó của chính quyền có phù hợp và thống nhất với pháp luật và lợi ích công hay không; người dân có tinh thần dũng cảm trong đấu tranh với các hành vi xâm hại lợi ích chính đáng của người khác, không đúng quy định pháp luật hay không… Khi ý thức và trách nhiệm công dân được nâng cao sẽ tạo nên sự tự giác của người dân trong cống hiến, đóng góp vào các vấn đề chung ở địa phương, qua đó phát huy năng lực tự chủ, tự quản của người dân trong quản trị địa phương. Điều đó đòi hỏi các thiết chế trong hệ thống chính trị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, nhất là tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân.

Thứ tư, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, coi trọng việc phát triển các tổ chức xã hội mang tính phục vụ công. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tính tự chủ của các đoàn thể nhân dân và sự phát triển của các tổ chức xã hội mang tính phục vụ công là một trong những điều kiện để tăng cường, nâng cao hiệu quả sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương. Có một thực tế phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay là, trong mối quan hệ với chính quyền, thì sức ảnh hưởng của cá nhân công dân còn yếu, ý kiến và tiếng nói của cá nhân công dân thường phân tán, hiệu quả không cao, nhất là ý kiến và tiếng nói của các nhóm yếu thế. Trong khi đó, khi ý kiến và tiếng nói của người dân được thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội mang tính phục vụ công được chính quyền coi trọng hơn, giúp người dân tăng khả năng tham gia vào quá trình quản trị địa phương. Mặt khác, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, không chỉ tư cách công dân và quyền công dân được bảo đảm thực hiện tốt mà các tổ chức này còn tạo điều kiện để mỗi người dân thực hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, khuyến khích, động viên, cổ vũ sự nhiệt tình tham gia của công dân vào quá trình quản trị địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay trong bối cảnh điểm số về sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ còn thấp là cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội mang tính phục vụ công; tăng cường sự kết nối giữa các tổ chức này với chính quyền trong quá trình quản trị địa phương.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản trị điện tử. Sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ thông tin mà điển hình là mạng internet đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chính quyền tạo thuận lợi cho người dân tham gia quản trị địa phương, thực hiện "dân chủ điện tử", "dân chủ từ cơ sở". Sự phát triển của công nghệ thông tin và tính hiệu quả của quản trị điện tử (chính quyền điện tử, chính quyền số) là điều kiện để người dân nêu sáng kiến chính sách, thảo luận chính sách, phản biện chính sách; đồng thời, tạo thuận lợi để người dân đánh giá, “chấm điểm” hoạt động của chính quyền, cũng như giám sát hoạt động của chính quyền. Trong những năm qua, các địa phương vùng Tây Nam Bộ tuy đã bước đầu coi trọng việc tăng cường xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nhưng nhìn chung, hiệu quả quản trị điện tử của các địa phương trong vùng vẫn còn thấp. Do đó, để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của chính quyền, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương, cần coi trọng việc nâng cao tính hiệu quả của quản trị điện tử.

Thứ sáu, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo đảm, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương. Để tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương, các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến trái chiều; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể để người dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân. Đồng thời, “cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”(7) và xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thật sự gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và thật sự có trách nhiệm với dân./.

------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.27-28, tr. 173-174
(3) Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Ngọc Anh: “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội trong quản trị địa phương hiện nay”, Tạp chí Mặt trận, số 8, 2018
(4) Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Ngọc Anh: “Sự tham gia của người dân trong quản lý công”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1(377), kỳ 1, tháng 1-2019
(5) Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF - CRT), Công ty Phân tích thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020, Hà Nội, Việt Nam
(6) Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Ngọc Anh: Sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 173