Bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã ở Kon Tum: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
TCCS - Tỉnh Kon Tum là địa phương đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn triển khai thí điểm chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trong toàn tỉnh. Sau một thời gian thực hiện, chủ trương trên đã đem lại những kết quả tích cực, đồng thời cũng đặt ra một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Kon Tum là tỉnh miền núi, thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên với 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 xã, phường, thị trấn; trong đó có 13 xã biên giới, 45 xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT). Trong những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản ổn định, song các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc, tình hình tranh chấp, khiếu kiện về đất đai vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Cùng với đó, các vụ, việc vi phạm pháp luật hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm qua biên giới, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, một số băng nhóm liên quan hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen"... nổi lên thời gian gần đây đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của lực lượng công an trong phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá chính trị, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó yêu cầu quan trọng và hàng đầu đối với lực lượng công an các cấp là phải bám dân, bám địa bàn cơ sở để nắm dân, làm công tác vận động quần chúng, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng, bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên toàn tỉnh Kon Tum vừa là đòi hỏi, vừa là yêu cầu có tính cấp thiết ở địa bàn cơ sở.
Thực hiện Kế hoạch số 223-KH/BCA, ngày 12-10-2018, của Bộ Công an về “Thí điểm bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại tỉnh Kon Tum”, Đảng ủy Công an tỉnh Kon Tum ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUCA, ngày 18-10-2018, về “Thực hiện thí điểm bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Bước đầu triển khai chủ trương mới đã đặt ra những khó khăn, thách thức đối với Công an tỉnh Kon Tum. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố tích cực, khẩn trương quán triệt và phối hợp với Công an tỉnh triển khai chủ trương của Bộ Công an. Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là giải quyết chế độ, chính sách cho số công an xã bán chuyên trách và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện cho công an xã chính quy khi về công tác tại các xã. Đảng ủy Công an tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện chủ trương, trong đó, xác định rõ các bước đi, lộ trình bố trí, điều động công an chính quy về xã. Tính đến ngày 31-3-2021, Công an tỉnh Kon Tum điều động, bố trí 490 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 85/85 xã trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm tối thiểu mỗi xã có 5 công an chính quy, trong đó, trưởng công an xã 84 đồng chí, phó trưởng công an xã 93 đồng chí, công an viên 313 đồng chí.
Cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công an, nhưng chưa nắm đầy đủ kiến thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an xã. Để giải quyết vấn đề này, Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với Cục Đào tạo, Bộ Công an và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II tổ chức 4 lớp bồi dưỡng cho gần 500 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn dự kiến bố trí đảm nhiệm các chức danh công an xã, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ có thể tiếp cận, hiểu việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay khi xuống xã; phối hợp với Viễn thông Kon Tum (VNPT) tổ chức 4 lớp tập huấn cho 170 đồng chí công an xã chính quy về công tác bảo mật đường truyền và xác thực dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, công an các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho cán bộ, chiến sĩ công an xã, trang bị kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về ANTT ở cơ sở, truyền đạt kinh nghiệm công tác thực tế và các kỹ năng dân vận cần thiết; cấp phát sổ tay công tác và tài liệu nghiệp vụ khác cho lực lượng công an xã chính quy theo quy định.
Ngay từ những ngày đầu triển khai chủ trương của Bộ Công an, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã cũng như chủ động trong công tác cán bộ khi Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, căn cứ thực trạng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum ban hành quy định về tiêu chí lựa chọn, bố trí cán bộ đảm nhiệm các chức danh công an xã, trong đó, các chức danh trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải bảo đảm các tiêu chuẩn về lãnh đạo, chỉ huy cấp đội theo quy định của Bộ Công an. Số lượng mỗi xã bố trí từ 3 đến 5 đồng chí, trong đó, có đủ từ 3 đảng viên trở lên để thành lập chi bộ công an xã, đồng thời phân loại các xã (xã phức tạp về tình hình an ninh chính trị hay xã phức tạp về trật tự xã hội) để lựa chọn, bố trí cán bộ thích hợp cho từng địa bàn. Đến tháng 6-2021, có 85/85 xã thành lập chi bộ công an xã, 67/85 đồng chí trưởng công an xã được bầu vào ban chấp hành đảng bộ xã, trong đó, 61/67 đồng chí được bầu tham gia ban thường vụ đảng ủy xã. Nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ hoạt động của công an xã chính quy, trên cơ sở kinh phí do Bộ Công an cấp, Công an tỉnh Kon Tum đã trang bị, cấp kinh phí để chi đầy đủ chế độ, chính sách cho lực lượng công an xã theo quy định, gồm các danh mục quân trang, thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ theo tiêu chuẩn định mức.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Công an tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả công tác xây dựng công an xã chính quy trên địa bàn, biểu dương, nêu gương cán bộ công an xã điển hình với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó với quần chúng, có cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác bảo đảm ANTT, qua đó, tạo động lực thúc đẩy lực lượng công an chính quy tại các xã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ ngày 31-3-2020 đến nay, các đơn vị truyền thông Công an tỉnh Kon Tum thực hiện 5 phóng sự, 44 tin, bài liên quan đến hoạt động của lực lượng công an xã chính quy, đăng tải trên chuyên mục “An ninh Kon Tum” của Đài Phát thanh và Truyền hình Kon Tum và Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phim ký sự “Vì bình yên cuộc sống”, hoàn thành 3 phóng sự tài liệu chủ đề “Bài học từ Ia Chim”, “Về với buôn làng”, “Những thanh niên làng Điệp Lốk”… nhằm phản ánh, ghi nhận thành tích của công an xã chính quy về công tác tại các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Về công tác chuyên môn, các lực lượng chức năng Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố đã kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ giữ vững ổn định tình hình ANTT trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội,… Đến nay, các đơn vị công an xã chính quy đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm từng cán bộ, chiến sĩ phụ trách các thôn, làng, lĩnh vực…, đồng thời, mở các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định để phục vụ các mặt công tác của công an xã tại địa bàn cơ sở.
Sau gần 3 năm về công tác tại các xã, lực lượng công an xã chính quy tỉnh Kon Tum đã tổ chức gần 1.000 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các thôn, làng, trường học, nông trường, lâm trường..., với hơn 95.000 lượt người tham gia; tổ chức 1.825 đợt vận động, tiếp nhận, thu giữ 1.430 vũ khí, 52 vật liệu nổ và 78 công cụ hỗ trợ. Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, nắm hộ, nắm người với 7.410 lượt kiểm tra, triển khai 4.520 lượt tuần tra bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.045 trường hợp với số tiền 490 triệu đồng. Phối hợp với các đội nghiệp vụ thuộc công an các huyện, thành phố làm tốt công tác kiểm danh, kiểm diện; tiến hành 3.999 lượt gặp gỡ, giáo dục, gọi hỏi, răn đe 441 đối tượng thuộc diện quản lý; rà soát, thống kê được 441 đối tượng quản lý tại xã, 115 người nghiện có trong hồ sơ. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã chính quy đã tiếp nhận 397 tin báo, tố giác tội phạm, phát hiện, xử lý 431 vụ/433 đối tượng liên quan ANTT xảy ra trên địa bàn, trực tiếp giải quyết 254 vụ/406 đối tượng. Đặc biệt, trong “chiến dịch” thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an xã chính quy đã phối hợp làm tốt công tác bổ sung hồ sơ tàng thư hộ khẩu, thu thập, phúc tra phiếu thông tin dân cư, phục vụ tích cực, hiệu quả cấp căn cước công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Bộ Công an giao.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công an xã chính quy tỉnh Kon Tum tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch, tổ chức phát trên 5.000 khẩu trang miễn phí, tham gia bảo vệ an toàn các khu cách ly, chốt kiểm soát dịch, siết chặt quản lý cư trú với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”…, qua đó, tham mưu chính quyền xã có biện pháp giám sát, cách ly đối tượng theo quy định. Trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh với đợt lũ lịch sử năm 2020, cùng với cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh, lực lượng công an xã chính quy tại các khu vực bị ảnh hưởng đã tích cực tham gia sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, gia cố nhà cửa, cứu nạn, cứu hộ và tích cực giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Bên cạnh thực hiện tốt các mặt công tác chuyên môn và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, lực lượng công an xã chính quy duy trì nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về công an các huyện, thành phố; định kỳ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, lịch trực ban, tiếp công dân theo quy định. Ngoài ra, quan hệ phối hợp giữa công an xã chính quy với các đội nghiệp vụ thuộc công an các huyện, thành phố và công an xã bán chuyên trách từng bước được củng cố, thắt chặt. Các đội nghiệp vụ thường xuyên hướng dẫn các mặt công tác đối với công an xã; phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý, theo dõi các hệ loại đối tượng, trao đổi thông tin, xử lý vụ việc xảy ra tại cơ sở; số công an xã bán chuyên trách hiện đang tiếp tục công tác đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác bảo đảm ANTT, tích cực phối hợp với công an xã chính quy trong triển khai các mặt công tác công an tại cơ sở.
Có thể khẳng định, hiệu quả các mặt công tác công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở sau khi triển khai công an xã chính quy đã được nâng lên rõ rệt; đặc biệt, có những vụ, việc trước đây lực lượng công an xã bán chuyên trách không tự giải quyết được (phải chuyển công an huyện thụ lý giải quyết) thì nay lực lượng công an xã chính quy đã trực tiếp xử lý hoặc tham mưu giải quyết kịp thời, hiệu quả. Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, có sổ ghi chép. Những kết quả này đã tạo được lòng tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với công an xã chính quy, được chính quyền địa phương, các cấp, các ngành ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ lực lượng công an xã chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ; kịp thời cung cấp thông tin, tình hình phức tạp về ANTT và tương tác hiệu quả với lực lượng công an xã qua mạng xã hội (zalo, facebook), phục vụ tốt hơn công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT tại địa bàn tỉnh Kon Tum.
Một số khó khăn và giải pháp trong thời gian tới
Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu tích cực, song quá trình triển khai thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã ở tỉnh Kon Tum còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, điều kiện làm việc, sinh hoạt của công an xã chính quy về lâu dài tại đa số các địa phương vẫn chưa được bảo đảm, chưa có trụ sở làm việc độc lập, chưa có kho, nhà tạm giữ hành chính. Hiện chỉ có 16/85 xã được bố trí nơi làm việc, 69 xã bố trí nơi làm việc chung với trụ sở ủy ban nhân dân xã.
Thứ hai, nhiều xã địa bàn rộng, địa hình chia cắt gây khó khăn cho quá trình đi lại; một bộ phận công an viên thiếu nhiệt tình công tác, chưa chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng công an xã chính quy bám nắm địa bàn, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vấn đề phức tạp về ANTT nảy sinh; hiện số công an viên nghỉ việc tăng gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Mặt khác, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác công an của lực lượng công an xã chính quy thời gian gần đây khá nhiều, với chiến dịch thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, bảo vệ an ninh, an toàn đại hội đảng các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, phòng, chống dịch bệnh COVID-19…, trong khi số lượng cán bộ, chiến sĩ ở từng đơn vị còn hạn chế, dẫn đến có lúc, có nơi hiệu quả công tác bảo đảm ANTT đạt được là chưa cao.
Thứ ba, năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ của một số cán bộ, chiến sĩ công an chính quy còn yếu, dẫn đến việc tham mưu và xử lý vụ việc tại địa bàn cơ sở còn bị động, lúng túng, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả thấp, dẫn đến kết quả công tác chuyên môn ở một số đơn vị công an xã chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là phần việc mới được giao. Bên cạnh đó, đa số công an xã chính quy không biết tiếng dân tộc thiểu số và chưa hiểu sâu về phong tục, tập quán của người dân địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn, Công an tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy tinh thần tình nguyện của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh về nhận công tác tại công an các huyện, thành phố nhằm bảo đảm tỷ lệ biên chế giữa công an cấp tỉnh, công an cấp huyện và công an cấp xã. Tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo chủ trương, phương án đã đề ra.
Hai là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dạy tiếng dân tộc thiểu số, bảo đảm lực lượng công an xã chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát ý thức chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy chế làm việc, kỷ luật công tác của lực lượng công an xã chính quy. Phát huy vai trò của người đứng đầu các đơn vị công an xã chính quy, có cơ chế xử lý rõ ràng đối với cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Có chính sách quan tâm đãi ngộ, thăm hỏi, động viên đối với những đơn vị công an xã chính quy ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, hướng dẫn, đôn đốc lực lượng công an xã thực hiện tốt các mặt công tác chuyên môn, hỗ trợ kinh phí, cấp các loại biểu mẫu, cấp phát phương tiện, trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác tại các đơn vị công an xã chính quy. Kịp thời quan tâm biểu dương, khen thưởng, động viên đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt trong công tác; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, nhất là việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên quan tâm, động viên đối với lực lượng công an viên tại địa bàn các xã để phối hợp và hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho cán bộ công an chính quy trong công tác bảo đảm ANTT tại địa phương, góp phần xây dựng khu vực Bắc Tây Nguyên an toàn, vững mạnh ./.
Thủ đô Hà Nội: Nâng cao nhận thức về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới  (30/08/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội  (22/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển