Tỉnh Đồng Tháp phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

TS. Đinh Văn Thụy - Phạm Ngọc Hòa
Học viện Chính trị khu vực IV - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp
16:01, ngày 30-06-2021

TCCS - Tỉnh Đồng Tháp xác định công tác dân vận là đi trước, mở đường, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế nhất định, cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được của công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong động viên các thanh niên lên đường nhập ngũ_Ảnh: TTXVN

Công tác dân vận có vai trò quan trọng, vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; củng cố, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1); cho nên, dân vận là vấn đề chiến lược của Đảng ta, là phương thức vận động, tồn tại và phát triển của Đảng ta.

Nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của công tác dân vận, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận, tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận, khơi gợi và định hướng mạnh mẽ tinh thần chăm chỉ - tự lực - hợp tác trong nhân dân, nhất là các mô hình tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận trong xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “ý Đảng” với “lòng dân”. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn, chuẩn hóa. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, thiết thực; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được chăm lo, bảo vệ; hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 100% cấp ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; trọng tâm là tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; chú trọng cải tiến chất lượng, đổi mới phương thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, các thành ủy, huyện ủy thường xuyên gặp gỡ từng đơn vị để đề xuất chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, kinh phí và công tác cán bộ. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tiêu biểu như: Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Hồng dự sinh hoạt chi đoàn, chi hội 2 lần/năm để nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo vướng mắc cho cơ sở; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh phân công cán bộ tham dự sinh hoạt chi hội,... Ngoài ra, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh chủ động đổi mới về phương thức nắm tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các nhóm zalo nội bộ, thực hiện đa dạng hóa, chuyển đổi phương thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm thích ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động được xác định rõ hơn về nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm, khắc phục dần biểu hiện hành chính trong hoạt động. Các mô hình, phong trào thi đua được phát huy, nhân rộng, xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên, hội viên; qua đó, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tạo sự đồng thuận cao, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đề án lớn của tỉnh và địa phương. Tỉnh ủy Đồng Tháp định hướng chủ trương, liên kết trách nhiệm trong hệ thống chính trị, nhằm tập hợp nhân dân tham gia các mô hình tự quản, liên kết ở cộng đồng dân cư, như mô hình hội quán, tổ tự quản nhân dân,... Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 100 hội quán, với gần 5.500 thành viên, 22 hợp tác xã được thành lập từ hội quán; 12.587 tổ nhân dân tự quản, với hơn 428.000 hộ thành viên(2). Công tác rà soát, quản lý, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng; việc nắm bắt và phản ánh tình hình của nhân dân được kịp thời; hoạt động giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có chuyển biến tích cực.

Dân chủ ở cơ sở được phát huy; đồng thời, các cấp ủy đều xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trên địa bàn, chú trọng cải tiến chất lượng, đổi mới phương thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có nhiều cấp ủy hướng tới việc thay đổi phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh bằng những công việc, sản phẩm cụ thể, thông qua cơ chế giao việc. Để tiếp tục đánh giá hiệu quả công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận sát với yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn địa phương; đổi mới rõ nét và khắc phục những hạn chế về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; mạnh dạn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến và đạt hiệu quả tích cực, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành tiêu chí đánh giá đối với ủy ban nhân dân cấp huyện và sở, ngành của tỉnh về công tác dân vận chính quyền, làm cơ sở đánh giá chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả rất đáng phấn khởi(3); tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Quy chế Dân chủ ở cơ sở được phát huy; nhiều chương trình, mô hình, cách làm mới được thực hiện và nhân rộng ra toàn tỉnh, như chương trình “Chính quyền đối thoại với nhân dân qua sóng phát thanh” của huyện Lai Vung, huyện Cao Lãnh; mô hình “Chính quyền thân thiện” của huyện Tân Hồng; mô hình “Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại nhà, giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính” của huyện Châu Thành; mô hình “Giải quyết thủ tục hành chính lưu động tại nhà dân” của huyện Hồng Ngự; mô hình “Thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua zalo” của thành phố Sa Đéc,…

Công tác dân vận của lực lượng vũ trang tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện tốt, như mô hình “Gia đình cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Tổ tự quản đường biên mốc giới”; “Hũ gạo tình thương”; “Trạm dừng chân nghĩa tình”; “Camera an ninh”, “Gắn biển số điện thoại”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”(4). Đặc biệt là mô hình “Tết Quân - Dân” có sự lan tỏa rộng khắp; hiệu quả hoạt động của mô hình đã đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ, tuần tra, kiểm soát tình hình nhân dân qua lại tại các điểm khu vực biên giới, duy trì các chốt trực, nhất là đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép, hỗ trợ người dân cách ly tập trung theo quy định, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác dân vận trong các tôn giáo được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh với các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ngày càng hài hòa, thân thiện. Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả trong công tác tôn giáo được phát huy, như mô hình “Câu lạc bộ tôn giáo tham gia vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Xóm đạo bình yên”…; qua đó, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các giáo lý, giáo luật. Các cơ quan nhà nước đã thực hiện tốt công tác tôn giáo, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những đề xuất, kiến nghị của các tổ chức tôn giáo.

Ủy ban nhân dân xã Tân Quy Tây phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Sa Đéc tổ chức vệ sinh môi trường thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới _ Ảnh: tanquytay.sadec.dongthap.gov.vn

Tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện phân công một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác dân vận cấp tỉnh; 12/12 đơn vị cấp huyện phân công đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy cấp huyện trực tiếp làm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; cấp xã phân công một đồng chí phó bí thư phụ trách công tác dân vận (trong đó có 68/143 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình phó bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã). Cách làm đó, một mặt, có nhiều cấp ủy, tổ chức đảng khắc phục được tình trạng bố trí cán bộ yếu về sức khỏe, kém uy tín, thậm chí bị kỷ luật làm công tác dân vận; mặt khác, đa số cán bộ khi được phân công làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đều phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tinh thần trách nhiệm và uy tín từng bước được nâng lên. Kết quả đó là sự cố gắng không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp cho công tác dân vận đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận chưa thật sự đầy đủ và toàn diện, chưa gắn nhận thức với hành động, còn xem nhẹ công tác dân vận. Công tác triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận ở một số nơi còn chậm, chưa cụ thể; việc bố trí cán bộ một số nơi còn chắp vá; vai trò tham mưu, đề xuất của ban dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh chưa kịp thời. Một số cấp ủy chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; chỉ đạo nắm bắt tình hình của nhân dân có nhiều việc chưa thật sự đầy đủ và kịp thời. Hiệu quả của công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở hiệu quả chưa cao. Đổi mới nội dung, phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân còn chậm; công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế so với yêu cầu; hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên ở cơ sở hiệu quả còn thấp; hoạt động của chi đoàn, chi hội chậm đổi mới(5),... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận.

Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới

Để thực hiện công tác dân vận đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác dân vận, để hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác dân vận, nhằm nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Định hướng chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận kịp thời, sát thực tế; sắp xếp, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín làm công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa, chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; quan tâm chỉ đạo công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân kịp thời, hiệu quả.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, nhằm hướng đến xây dựng ý thức, khơi dậy tinh thần “chăm chỉ - tự lực - hợp tác” trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua các mô hình, phong trào thi đua để tập hợp rộng rãi nhân dân tham gia vào các tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư; khơi dậy, mở rộng tính liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của nhân dân, khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, các mô hình, điển hình tiên tiến về công tác dân vận. Tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội, hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa mối quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, cùng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm là, tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho việc duy trì và nâng cao các chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chủ động, tích cực xây dựng chính quyền số,… Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tập trung xử lý dứt điểm những vụ, việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, các “điểm nóng” về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sáu là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận trong lực lượng vũ trang, thường xuyên phối hợp tổ chức, phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai,... Bảo vệ vững chắc tuyến biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình điển hình của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, an sinh xã hội, như “Câu lạc bộ tôn giáo tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, “Xóm đạo bình yên”…; đồng thời, tăng cường mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh với các tổ chức tôn giáo. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các tổ chức tôn giáo về hoạt động an sinh, từ thiện xã hội./.

----------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 234
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đồng Tháp, tháng 12-2020, tr. 57
(3) Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Đồng Tháp luôn đứng vị trí thứ 2 về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 13 năm liên tục nằm trong nhóm đầu cả nước
(4) Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay, tỉnh Đồng Tháp, ngày 6-5-2021, tr. 4
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, Sđd, tr. 59