Tỉnh Bến Tre với Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”
TCCS - Với phương châm “Năng động - Đổi mới - Sáng tạo” cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sau 3 năm triển khai, Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp khá hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Một số kết quả bước đầu khả quan
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” (Chương trình) với mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nhân nhằm giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình, Tỉnh ủy thành lập Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp gồm một số ban giúp việc, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan Thường trực, giúp Hội đồng thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Chương trình. Với mong muốn Chương trình nhanh chóng đi vào thực chất, hiệu quả, tỉnh đã tổ chức ngày hội “Bến Tre - Đồng khởi khởi nghiệp”, cùng 6 diễn đàn khởi nghiệp cấp tỉnh và 4 diễn đàn khởi nghiệp cấp vùng. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Đào tạo, nâng cao năng lực cho cá nhân khởi nghiệp và cán bộ làm công tác khởi nghiệp: Đã tổ chức 687 lớp bồi dưỡng cho 36.807 học viên tham dự; cử cán bộ tham gia 10 lớp đào tạo về khởi nghiệp, xây dựng, quản lý mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp”, “Không gian làm việc chung”... để trang bị những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã...; ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (tỉnh tổ chức thành công 2 cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, 7 cuộc thi cấp huyện); từ đó, tìm ra nhân tố tích cực tiếp tục bồi dưỡng, giới thiệu tham dự các cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức... Kết quả, Tỉnh Bến Tre đạt 1 giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia, 1 giải nhất và 1 giải nhì cuộc thi do BSA tổ chức; các dự án sau khi đạt giải được bồi dưỡng, ươm tạo và phát triển thành các dự án khởi nghiệp tiêu biểu, bước đầu kinh doanh ổn định, có chiều hướng phát triển tốt.
Chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp: Đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho hơn 1.780 lượt doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, tiếp nhận 980 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và hỗ trợ cho 369 ý tưởng, dự án đạt; trong đó, có 221 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 1.761 tỷ đồng vốn cho 1.554 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông qua các diễn đàn đối thoại doanh nghiệp như “Bàn tròn khởi nghiệp”, “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán cà phê khởi nghiệp”..., Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp. Các hoạt động ươm tạo, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp... được thực hiện liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức, địa phương(1) để hỗ trợ cho khởi nghiệp đạt nhiều kết quả, góp phần định hình hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã được đào tạo, tập huấn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy đã có 95 hợp tác xã, 605 tổ hợp tác được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã và tổ hợp tác của toàn tỉnh lên 136 hợp tác xã và 1.218 tổ hợp tác; nâng cao năng lực hoạt động cho 16 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp...
Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh phối hợp với Ban Hỗ trợ sinh kế (thuộc Hội đồng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp) tổ chức triển khai Đề án đa dạng sinh kế, giảm nghèo bền vững đến tất cả các huyện. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,08% (giảm 6,03% so với năm 2015). Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn lồng ghép khác cũng giải ngân hỗ trợ cho 44.612 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất và 9.294 lượt hộ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí thực hiện trên 1.544 tỷ đồng, mức vay bình quân gần 30 triệu đồng/hộ. Qua đó, tạo việc làm mới cho 59.861 lao động (làm việc trong tỉnh 35.826 người, ngoài tỉnh 21.591 người và 2.444 người đi làm việc ở nước ngoài).
Phải khẳng định rằng, nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động khởi nghiệp nên hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh của Bến Tre được cải thiện nhanh chóng. Chỉ số PCI năm 2016 xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố được nâng lên hạng 5 vào năm 2017 và hạng 4 năm 2018; tương tự, chỉ số PAPI xếp hạng 6/63 năm 2016 nâng lên hạng 2 năm 2017 và đạt hạng nhất trong năm 2018. Kể từ khi thực hiện Chương trình đến ngày 12-4-2019 đã có 1.602 doanh nghiệp cùng với 1.288 đơn vị trực thuộc và 15.039 hộ kinh doanh thành lập mới. Như vậy, toàn tỉnh đã có 4.263 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (3.343 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 30.431,4 tỷ đồng) và 45.953 hộ kinh doanh.
Còn đó những hạn chế
Thứ nhất, công tác vận động, tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình ở một số địa phương chưa thường xuyên, đơn điệu, chủ yếu được lồng ghép vào các hoạt động đoàn thể. Nội dung tuyên truyền mang tính chung chung nên nhân dân chưa thấu hiểu Chương trình, chưa hun đúc cao độ được tinh thần khởi nghiệp. Công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên loại hình doanh nghiệp gần đây có dấu hiệu chựng lại. Còn nhiều hộ, doanh nghiệp dễ nản chí khi được yêu cầu hoàn thiện thủ tục hành chính để hỗ trợ khởi nghiệp, một số dự án khởi nghiệp chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng, còn trông chờ vào sự làm thay của các đơn vị hỗ trợ.
Thứ hai, hoạt động của các ban thuộc Hội đồng tư vấn và phát triển doanh nghiệp chưa đều tay nên hiệu quả mang lại cho người dân, doanh nghiệp chưa cao. Tổ xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp cấp huyện ít hỗ trợ cho cấp xã; công tác hỗ trợ khởi nghiệp thường chỉ tập trung vào cơ quan thường trực dẫn đến cấp xã nắm không rõ các quy định, chính sách, làm cho công tác triển khai hỗ trợ khởi nghiệp gặp khó khăn ở cơ sở.
Thứ ba, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp của tỉnh mới hình thành, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động. Đội ngũ chuyên gia, cố vấn thường tập trung vào một số doanh nghiệp có nhiệt huyết để hỗ trợ phần các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp còn e dè, thụ động, chưa chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cố vấn khởi nghiệp.
Thứ tư, nguồn vốn đầu tư cho Quỹ Đầu tư khởi nghiệp hạn hẹp, chưa có quy chế cụ thể trong phối hợp hỗ trợ. Bản thân Quỹ chưa kịp thời thông tin, phản hồi các vướng mắc đến các dự án, doanh nghiệp tiếp cận Quỹ nên nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp muốn thực hiện khởi nghiệp khá lúng túng, do dự, thiếu vốn.
Thứ năm, nhiều hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước, xã hội để thoát nghèo, chưa chủ động vươn lên khởi nghiệp. Một số hộ tham gia Đề án giảm nghèo nhưng không có kế hoạch cụ thể, mục đích đầu tư không rõ ràng nên chưa phát huy tốt hiệu quả của Đề án.
Nguyên nhân của những hạn chế trên xét từ phía chính quyền do: Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh cũng như sự quyết liệt, sáng tạo trong công tác vận động hộ cá thể đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp; năng lực của cán bộ làm công tác khởi nghiệp vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Về phía người dân, còn nhiều chủ dự án khởi nghiệp chưa quyết tâm theo đuổi đam mê, ý tưởng khởi nghiệp đến cùng nên đã quan tâm, đầu tư không đúng mức đối với sản phẩm khởi nghiệp và chưa tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng thương trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...
Bài học kinh nghiệm
Có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở mới có thể kịp thời thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình.
Tích cực huy động các nguồn lực cùng tham gia thực hiện Chương trình. Những đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp làm khung định hướng gắn với đồng hành, tích cực tham gia của cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu, tiên phong).
Phải có cách làm mới, linh hoạt trong xử lý các vấn đề mới nhằm tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển; cùng với tích cực, kiên trì, sáng tạo trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là các cơ quan đầu mối trong việc đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, tạo động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và cơ quan hành chính nhà nước thực hiện “cải cách hành chính” để tạo môi trường tốt cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công theo hướng sáng tạo để tiếp tục có mô hình mới hơn, phù hợp hơn với thực tế từng địa phương về khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo; tạo tư duy mới trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với phương châm “Đi học nghề - Về làm chủ”.
Hun đúc tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo và làm giàu
Phát huy những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, tiếp tục triển khai Chương trình, xác định khởi nghiệp là “cứu cánh” cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho hộ gia đình, Bến Tre cần năng động hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển Chương trình sang giai đoạn mới thực hiện khởi nghiệp “trí tuệ” và “công nghệ”. Cụ thể:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông khởi nghiệp, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần khởi nghiệp của các tầng lớp nhân dân, để chuyển “tinh thần” khởi nghiệp trở thành “khát vọng” giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, người khá hơn vươn lên làm giàu cho cá nhân, quê hương. Từng bước nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục khởi nghiệp, chú trọng giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành ý thức, tinh thần, khát khao khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hai là, đổi mới phương thức hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình ở ngành, địa phương mình phụ trách. Quan tâm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ngay từ khi mới có ý tưởng hình thành. Kiện toàn Hội đồng khởi nghiệp và phát hiện doanh nghiệp, sắp xếp lại các đầu mối trực thuộc Hội đồng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường hỗ trợ hoạt động cho cấp huyện, xã.
Ba là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, đạo đức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi tư duy “quản lý” sang “phục vụ, hỗ trợ”. Củng cố và nâng chất hoạt động Quỹ Đầu tư khởi nghiệp của tỉnh; quan tâm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, dự án đổi mới sáng tạo và dự án du lịch; thực hiện tốt công tác kết nối, bảo lãnh cho dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các nhà đầu tư...
Bốn là, khẩn trương thành lập, vận hành có hiệu quả các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Nghiên cứu, ban hành những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp mới, nhất là các dự án ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển...
Năm là, tập trung triển khai Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững có hiệu quả. Quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp; tích cực vận động chuyển hộ kinh doanh đủ điều kiện lên doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, thực hiện gắn kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chú trọng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc; đa dạng hóa hoạt động của hợp tác xã theo hướng dịch vụ.
Sáu là, xây dựng bộ tiêu chí và gắn nhãn hiệu sản phẩm “Đồng khởi khởi nghiệp” đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình. Mở rộng thị trường cho các sản phẩm khởi nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ như Đề án mỗi xã một sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại, các phiên chợ khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.../.
------------------------------
(1) Liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), liên kết với trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triền nông thôn II, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, VCCI Cần Thơ, Mạng lưới khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Chi nhánh công ty cổ phần Tập đoàn Đại Sứ Trẻ (Yeahl Group) tại Bến Tre đang từng bước trở thành địa chỉ quen thuộc của cộng đồng khởi nghiệp...
Ninh Thuận đổi mới tư duy, tập trung đầu tư để kinh tế biển trở thành động lực cho phát triển  (31/12/2019)
Giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh  (29/12/2019)
Trà Vinh phát triển kinh tế biển trước thách thức biến đổi khí hậu  (28/12/2019)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển