Thành phố Hà Nội - Khai thác tiềm lực để phát triển bền vững trong điều kiện mới
TCCS - Hà Nội - Thủ đô của cả nước, trong quá trình phát triển luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngày 6-1-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những văn bản quan trọng định hướng dài hạn cho sự phát triển của Thủ đô.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, trong đó đặt mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.
Những thành tựu quan trọng
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; thu hút đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài; đấu thầu; đăng ký kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân.
Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở, sự nỗ lực của nhân dân và cộng đồng, kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015 - 2019 đạt được những kết quả tích cực:
Một là, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2018 tăng trung bình 7,19%; ước thực hiện năm 2019 tăng 7,43% và năm 2020 dự báo đạt 7,53%, trung bình giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,31%, đạt mục tiêu đề ra là 7,3% - 7,8%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, GRDP năm 2018 (giá hiện hành) đạt 920.272 tỷ đồng; GRDP/người đạt 117,2 triệu đồng, tương đương 5.134 USD. Năm 2018, Hà Nội đóng góp 21,88% trong tăng trưởng GDP cả nước (tương đương 1,55% tăng trưởng), 19% tổng thu ngân sách và 5,68% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cơ cấu ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng các nhóm ngành phi nông nghiệp luôn ở mức cao trong nền kinh tế. Nếu như năm 2015, tỷ trọng các ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp tương ứng là 64,8%, 21,9% và 2,2%, thì đến năm 2018, tỷ trọng tương ứng là 64% (giảm 0,7 điểm %), 22,6% (tăng 1,4 điểm %) và 1,9% (giảm 0,3 điểm %).
Hai là, mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2018, đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt 51,9% (giai đoạn trước 2011 - 2015 là 31,2%), đóng góp của vốn là 44,6% và của lao động là 3,6%. Năng suất lao động tăng theo các năm, năm 2018 đạt 233,3 triệu đồng/lao động. Bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,3% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 5,4% - 5,9%), cao hơn so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (5,2%) và cùng kỳ cả nước (5,7%).
Ba là, huy động được nguồn vốn tương đối lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2018 đạt 927,88 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 36,4% GRDP (cách tính mới). Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện 5 năm (2016 - 2020) đạt từ 1.715 - 1.724 nghìn tỷ đồng (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 1.700 - 1.750 nghìn tỷ đồng). Đầu tư xã hội đã dịch chuyển rõ nét và mạnh mẽ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước. Cơ cấu vốn đầu tư công thay đổi theo đúng chủ trương tái cơ cấu đầu tư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2018, thành phố ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Ngày 8-7-2019, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, thông qua chủ trương ban hành Đề án và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025. Thực hiện 100% đăng ký kinh doanh qua mạng. Trong ba năm (2016 - 2018), có 72.944 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ đăng ký khoảng 726.020 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân dần trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế: hiện nay chiếm 38,99% GRDP (năm 2015 chiếm 37,5%).
Các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được thực hiện đồng bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 15 bậc từ vị trí thứ 24 năm 2015 lên vị trí thứ 9 năm 2018, lần đầu tiên lọt tốp 10 tỉnh, thành phố được đánh giá có chất lượng điều hành tốt nhất (tăng 42 bậc từ vị trí 51 năm 2012).
Bốn là, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông đô thị. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ. Các công trình hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng 0,3% đất đô thị mỗi năm giai đoạn 2016 - 2018: năm 2015 đạt 8,65% và năm 2018 đạt 9,38%, dự kiến đạt khoảng 12% đất đô thị đến năm 2020. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang được xây dựng tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn, nhất là địa bàn mở rộng. Tập trung huy động vốn từ các nguồn trong và ngoài ngân sách đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn huy động đến nay là 43.418 tỷ đồng. Thành phố có 6 huyện được công nhận “huyện nông thôn mới”, dự kiến đến năm 2020, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm là, các công trình văn hóa, trường học, trung tâm y tế, bệnh viện được quan tâm đầu tư. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; có 143 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn, 2.330 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố và 1.689 điểm sinh hoạt cộng đồng. Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất cả nước với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới - Hoàng thành Thăng Long, 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, 13 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp Quốc gia và 1.264 di tích cấp tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2016 - 2018 có 319 di tích được tu bổ, tôn tạo. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị trường học được chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại (giai đoạn 2016 - 2018 có thêm 270 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 66,2% - về đích sớm 2 năm mục tiêu cả nhiệm kỳ). Đầu tư theo chuẩn quốc gia trạm y tế xã, phường, thị trấn, đến nay đạt tỷ lệ 100%. Thành phố nâng cấp các bệnh viện (như Đức Giang, Xanh-pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội) đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Sáu là, nhiều dự án, nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ môi trường quan trọng được triển khai: Đầu tư nạo vét, cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các công trình tiêu thoát nước; điều tra, khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại các cơ sở khu, cụm công nghiệp; di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Triển khai đầu tư 12/17 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch...
Những thách thức, khó khăn cần giải quyết
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tuy đạt mục tiêu nhưng chưa tạo ra đột phá, chưa phát huy tốt những thuận lợi và cơ hội của Thủ đô. Chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu. Mô hình tăng trưởng của thành phố vẫn chưa rõ ràng, tăng trưởng vẫn thiên về thâm dụng nguồn vốn đầu tư (yếu tố vốn vẫn chiếm tới 44,6% trong tăng trưởng của giai đoạn), trong khi hiệu quả sử dụng vốn hạn chế (hệ số ICOR còn cao, ở mức 4,73 so với 4,23 của cả nước).
Thứ hai, huy động vốn đầu tư xã hội còn khó khăn. Nguồn lực cho phát triển chưa được khai thác và tận dụng triệt để. Chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm; việc phát triển 5 đô thị vệ tinh còn chậm, chưa hình thành được các đô thị, vùng chức năng gắn với vùng cảnh quan/di tích tập trung (Ba Vì, Suối Hai, Hương Sơn, Cổ Loa...).
Thứ ba, nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng khung: Giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân còn hạn chế.
Thứ tư, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng quá tải; ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ năm, môi trường ngày càng bị ô nhiễm; úng, ngập vẫn diễn ra và ngày càng thường xuyên hơn; ô nhiễm môi trường nước, không khí ở mức cao; môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm, nhất là ở một số sông, hồ, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chợ nông thôn,...
Thứ sáu, tiềm năng và lợi thế của khu vực Hà Nội mở rộng chưa được khai thác một cách hiệu quả, nhất là tài nguyên về đất đai.
Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1- Tiếp tục phát triển mạnh không gian kinh tế, coi đây là ưu tiên hàng đầu để tạo tiềm lực phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.
Triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, các quy hoạch phân khu đã cơ bản hoàn thành, là cơ sở để triển khai các dự án và thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, thành phố cần tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất Hà Nội mở rộng, phát triển đô thị gắn với không gian kinh tế; triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh phân kỳ thực hiện theo tiến độ, trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của 2 - 3 đô thị có tiềm năng (đô thị Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên) để vừa tạo ra đơn vị ở cho người dân, góp phần giải tỏa cho đô thị trung tâm, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vừa thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mô hình tăng trưởng thời gian tới vẫn cần dựa vào mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, thu hút đầu tư xây dựng và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, kết hợp hài hòa, hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu nhằm bảo đảm khả năng huy động tối đa nguồn lực và nâng cao hiệu quả, hiệu suất và năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện đại hóa các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Tập trung thu hút đầu tư, xây dựng đô thị Hòa Lạc gắn với phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin; đô thị Sóc Sơn gắn với sản xuất công nghiệp sạch, các ngành công nghiệp không tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường; đô thị Phú Xuyên gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ;... Ngoài ra, cần quy hoạch sử dụng đất các huyện ngoại thành ổn định gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, phát triển tổng thể đô thị và khai thác tối đa các lợi thế của Thủ đô nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất: nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị sinh thái có giá trị gia tăng cao, đạt yêu cầu “hiệu quả - chất lượng - sạch”, theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch và khu công nghiệp. Kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng và tạo dựng thương hiệu du lịch của Thủ đô gắn kết chặt chẽ với các sản phẩm du lịch trong vùng và trên cả nước.
2- Thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Đối với vốn đầu tư từ ngân sách, bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải. Đối với nguồn vốn trong nước ngoài ngân sách, tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại; du lịch, khách sạn; nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc gia cầm và chế biến nông sản; công viên cây xanh; khu vui chơi giải trí; cấp nước sạch; bến bãi đỗ xe; nhà ở và kinh doanh bất động sản khác; xã hội hóa y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nghĩa trang. Khuyến khích đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) đối với các dự án giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường dân sinh. Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): thu hút các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia; khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, ngân hàng... Ưu tiên thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia thuộc tốp 500 hàng đầu; chỉ áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI có chuyển giao công nghệ.
3- Phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, xây dựng đô thị thông minh, vùng nông thôn bền vững. Đầu tư phát triển hạ tầng (phần cứng và phần mềm) thông minh, phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng chính quyền điện tử (quản trị thông minh). Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sau khi được thông qua. Xây dựng, quản lý và phát triển các đô thị, nhất là đô thị vệ tinh, đồng bộ, hiện đại bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tuổi thọ, kỹ thuật, thẩm mỹ và quản trị thông minh. Nghiên cứu, áp dụng mô hình “thành phố trong thành phố” đối với các đô thị vệ tinh. Xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo đảm môi trường bền vững.
4- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, góp phần ổn định an ninh chính trị quốc gia và kinh tế vĩ mô cả nước. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, du lịch,... trong vùng và cả nước gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng./.
Bước chuyển mạnh trong nỗ lực giảm nghèo  (31/12/2019)
Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2020  (31/12/2019)
Thêm “cánh tay nối dài” tăng cường hiệu quả quản lý trật tự xây dựng và quản lý đô thị  (30/12/2019)
Tăng thu nhân sách hiệu quả nhờ cải cách thủ tục hành chính thuế  (29/12/2019)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch 2019  (29/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên