Đổi mới phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Từ thực tiễn tỉnh Bình Dương

TRẦN VĂN NAM
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
11:25, ngày 01-08-2019

Bình dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập từ ngày 1-1-1997. Hơn 22 năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Dương luôn quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh; một trong những tỉnh, thành phố phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước. Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn Đảng bộ, trong đó nổi bật là vai trò quyết đoán, năng động, sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương)_Nguồn: baobinhduong.vn)

Việc thực hiện vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo các vấn đề kinh tế

Trên cơ sở quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng và Hiến pháp về Đảng lãnh đạo và cầm quyền; xuất phát từ thực tiễn tỉnh Bình Dương, dựa trên các quy chế, quy định, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình theo thẩm quyền, trách nhiệm, trong đó có lãnh đạo vấn đề phát triển kinh tế.

Trước hết, căn cứ Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng, ban hành Quy chế làm việc để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong đó, xác định tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc hoạt động cơ bản, xuyên suốt; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; quy định rõ mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và phối hợp công tác; bảo đảm phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 10-QĐi/TW,
ngày 12-12-2018, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, càng có căn cứ vững chắc cho tăng cường và đổi mới lãnh đạo vấn đề kinh tế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trên cơ sở Quy chế làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định các vấn đề kinh tế của Ban Thường vụ được thể hiện cụ thể như:

Thứ nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Đại hội Đảng bộ tỉnh và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hằng năm liên quan đến lĩnh vực kinh tế thành các chương trình, kế hoạch, đề án hành động cụ thể; trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tại địa phương, tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quy hoạch phát triển kinh tế của cả nước và của vùng, của khu vực, bảo đảm sự phát triển kinh tế của tỉnh theo đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo các vấn đề kinh tế theo trách nhiệm, quyền hạn được thể hiện trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, những công việc trọng tâm, chủ trương, định hướng lớn, quan trọng của địa phương về phát triển kinh tế đều được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng trong tỉnh, vùng liên huyện, quy hoạch phát triển ngành gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm; các dự án kinh tế có liên quan đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử - văn hóa quan trọng cấp tỉnh và cấp quốc gia; các dự án phát triển kinh tế có quy mô lớn...

Thực tiễn những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét thông qua và quyết định chủ trương nhiều dự án kinh tế có quy mô lớn, ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đối với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh từ công tác quy hoạch đến việc giao đất và quản lý, sử dụng đất, thực hiện dự án Khu liên hợp công nghiệp và dịch vụ đô thị Bình Dương (quy mô 4.196ha); dự án Khu liên hợp công nghiệp và dịch vụ An Tây (quy mô 1.300ha); dự án xây dựng Khu đô thị mới - thành phố mới Bình Dương (1.000ha) và trung tâm hành chính tập trung; nhiều công trình, dự án về giao thông huyết mạch của tỉnh... Trên cơ sở chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế, quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, đất đai ngày càng có giá trị và yêu cầu của việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động đề xuất cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo quyết định các dự án về phát triển kinh tế, trên cơ sở có định lượng cụ thể hơn về quy mô dự án và sự ảnh hưởng đến người dân cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của tỉnh. Cụ thể, ở khu vực phía Bắc của tỉnh, những dự án, công trình có quy mô từ 100ha đến 200ha, hoặc di dời, tái định cư từ 500 đến 1.000 người dân; ở khu vực phía Nam của tỉnh, những dự án, công trình có quy mô từ 30ha đến 50ha, hoặc di dời, tái định cư từ 500 đến 1.000 người dân, đều phảiđược thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện. Đối với các dự án có quy mô lớn hơn và mức độ ảnh hưởng đến người dân cao hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định.

Thứ ba, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các vấn đề, các dự án phát triển kinh tế đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành quyết định chủ trương, thông qua các kênh, như hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo hoạt động quản lý, điều hành thường xuyên của Ủy ban nhân dân tỉnh và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; việc lãnh đạo hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; lãnh đạo hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị  - xã hội. Từ các kênh này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, các vấn đề về kinh tế đã đề ra, đồng thời làm cơ sở để Ban Thường vụ rà soát, kịp thời điều chỉnh chủ trương, biện pháp lãnh đạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ tư, vai trò, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là quyết định chủ trương về các vấn đề lớn, các dự án kinh tế lớn theo ủy quyền của cấp ủy; trên cơ sở đó thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, có phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân ủy viên Ban Thường vụ chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo các vấn đề phù hợp với ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm chung đối với các vấn đề lớn theo thẩm quyền, nhưng không đi sâu vào công việc cụ thể và luôn tôn trọng tính độc lập của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành; không khuôn mẫu, nguyên tắc và tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong điều hành thực hiện của chính quyền, cơ sở.

Thứ năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng có sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, mạnh dạn đột phá, dám làm và dám chịu trách nhiệm, trong đó có những vấn đề mới chưa có tiền lệ. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, tập trung lãnh đạo huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ đắc lực quá trình công nghiệp hóa, trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tạo lực, kết nối, làm động lực cho sự phát triển. Từ năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương quy hoạch xây dựng, mở rộng quốc lộ 13 lên 6 làn xe và giao Tổng Công ty Becamex IDC - trực thuộc tỉnh thực hiện theo phương thức BOT. Đây là một trong những con đường được xây dựng theo hình thức BOT đầu tiên trong cả nước, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong những năm qua.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên phát triển mạnh về công nghiệp để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư hình thành và phát triển các khu công nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trở thành điểm nhấn kinh tế quan trọng và là bài học kinh nghiệm về phát triển công nghiệp cho nhiều địa phương trong cả nước.

Trong thu hút đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây là chủ trương xuyên suốt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các nhiệm kỳ, tạo điều kiện thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Đến nay, Bình Dương là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư gần 33 tỷ USD. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo thu hút đầu tư, quan điểm, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế, tập trung vào chất lượng thu hút đầu tư. Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, với những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Do vậy, mặc dù số lượng vốn thu hút đầu tư vào tỉnh có chững lại so với các giai đoạn trước đây, tuy nhiên về lâu dài sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Cùng với việc phải bảo đảm yếu tố môi trường trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; phát triển kinh tế luôn hướng đến lợi ích của người dân, coi trọng lợi ích của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Để phát triển bền vững trong tương lai, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư thực hiện xây dựng và nâng cấp đô thị, gắn với định hướng xây dựng thành phố thông minh. Bình Dương đã hợp tác với thành phố En-hô-ven của Hà Lan để triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh, đến nay đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt, Bình Dương là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thành phố thông minh thế giới và được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Đây là một định hướng chiến lược rất quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và quyết định các vấn đề kinh tế một cách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, vừa bảo đảm không buông lỏng vai trò lãnh đạo, vừa không bao biện, làm thay, can thiệp quá sâu hay cản trở sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền; từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để huy động và khai thác tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kinh tế, thúc đẩy kinh tế của tỉnh liên tục phát triển. Với sự năng động, nhạy bén trong lãnh đạo của cấp ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và là một trong những tỉnh, thành phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước.

Những hạn chế, bất cập

Thực tiễn tại Bình Dương cho thấy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo các vấn đề kinh tế. Cụ thể là:

Thứ nhất,trong giải quyết một số vấn đề, dự án cụ thể về kinh tế, việc xác định trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đôi lúc còn chưa được phân định rõ (trong những nhiệm kỳ trước, việc xác định thường mang tính chất ‘‘định tính’’, tức là những dự án kinh tế lớn, quan trọng, thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ. Đến nhiệm kỳ này, tỉnh đã phân định rõ hơn về quy mô, mức độ ảnh hưởng đến người dân của dự án kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mức ‘‘định lượng’’ mang tính chủ quan, chưa phải là một sự đánh giá, phân tích, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn một cách bài bản). Mặt khác, giới hạn của Ban Thường vụ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cũng chưa thật sự được xác định rõ, cụ thể là những vấn đề, dự án sau khi Ban Thường vụ đã quyết định chủ trương thì sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoặc can thiệp đến đâu, đến giới hạn nào, phần còn lại thuộc về trách nhiệm và thẩm quyền quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ hai,cơ chế ‘‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành’’ được thực hiện thông suốt, nhưng trong thực tế giải quyết nhiều vấn đề, đôi lúc chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền chưa được (hoặc rất khó) phân định rõ, dẫn đến có những vấn đề Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo khá cụ thể, trong khi đó có những vấn đề lại thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo. Ngược lại, đôi lúc có những việc Ủy ban nhân dân tỉnh thiếu mạnh dạn, hoặc trông chờ, ỷ lại vào Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, thường là những vấn đề Ủy ban nhân dân tỉnh không quyết định được hoặc không mạnh dạn quyết định thì xin ý kiến chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (trong đó có những việc thuộc thẩm quyền của mình), dẫn đến tình trạng cấp ủy chỉ đạo quá cụ thể công việc của chính quyền.

Thứ ba,việc lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế thông qua tổ chức đảng còn hạn chế. Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền thông qua Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng này vẫn chưa được xác định rõ ràng, cụ thể nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm, vai trò của tổ chức đảng ở đây còn mờ nhạt, nên hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế thông qua các tổ chức đảng này còn hạn chế.

Thứ tư, việc theo dõi, đôn đốc, phản hồi về kết quả thực hiện các quyết định của Ban Thường vụ về kinh tế thông qua tổ chức đảng và đảng viên, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra đảng và thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn quá trình lãnh đạo các vấn đề kinh tế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại địa phương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phân định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ trong việc quyết định các vấn đề kinh tế, thể hiện cụ thể qua Quy chế làm việc và các quy định của cấp ủy, làm cơ sở bảo đảm thực hiện đúng nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy, phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý, điều hành của Nhà nước về kinh tế. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, phải phát huy sự quyết đoán, năng động và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là yếu tố quan trọng trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nên kết quả và hiệu quả khác nhau ở từng địa phương.

Hai là, xác định trọng tâm trong lãnh đạo quyết định các vấn đề kinh tế. Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng không ôm đồm hay bao biện làm thay; không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc vai trò, chức năng của chính quyền, mà tập trung trí tuệ hoạch định những vấn đề có tầm chiến lược, xây dựng chủ trương, định hướng cho sự phát triển; đồng thời, tùy theo tình hình mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm mà tập trung cho vấn đề trọng yếu, vừa cơ bản, vừa đột phá, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong lãnh đạo và quyết định các vấn đề kinh tế phải hết sức chú trọng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đặc biệt, phải luôn coi trọng lợi ích của người dân, bảo đảm cho người dân được thụ hưởng một cách đầy đủ nhất những thành quả do phát triển kinh tế mang lại.

Ba là,phải sử dụng tốt “cánh tay nối dài” của Ban Thường vụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các vấn đề kinh tế, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định về kinh tế, thông qua vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và đảng viên, thông qua việc kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra đảng và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm bảo đảm các quyết định về kinh tế của cấp ủy được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh, uốn nắn, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện của chính quyền ./.