Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, tấm gương đạo đức sáng ngời

GS, TS Lê Hữu Nghĩa
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
16:16, ngày 22-07-2024

Tôi có vinh dự được quen biết anh Nguyễn Phú Trọng khá sớm, từ khi học nghiên cứu sinh khoá III (1973 - 1975) tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc - nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (anh Trọng học nghiên cứu sinh kinh tế chính trị, còn tôi học nghiên cứu sinh triết học). Sau này, anh Trọng và tôi đều đi học ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) theo chế độ thực tập sinh, có viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Do kết hợp được đào tạo bài bản về lý luận chính trị với rèn luyện thực tiễn, trải nghiệm qua công tác lãnh đạo, quản lý thông qua nhiều chức vụ cao cấp khác nhau mà anh Trọng đảm nhiệm nhiều trọng trách (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam 3 nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản…) nên đã rèn luyện anh Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lý luận xuất sắc của Đảng và Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, mẫu mực, có tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là có tư duy lý luận sắc sảo.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 Hội đồng Lý luận Trung ương_Ảnh: TTXVN

Một nét nổi bật trong hoạt động lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là rất coi trọng vai trò của công tác lý luận, của nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ là Ủy viên Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác lý luận của Đảng. Đồng chí đã từng phụ trách hoặc trực tiếp làm người đứng đầu hai cơ quan lý luận lớn của Đảng là Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản. Là người đã có nhiều năm công tác ở Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản nên tôi biết rất rõ sự quan tâm sâu sát của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với hai cơ quan này. Đồng chí thường xuyên thăm hỏi, theo dõi tình hình hoạt động, những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của hai cơ quan, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Khi cần, Đồng chí cho gọi trực tiếp tôi lên báo cáo, khi tôi làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản hoặc khi tôi làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Tôi nhớ trước đây, có thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, vừa làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, mặc dù công việc rất nhiều, rất bận rộn, nhưng Đồng chí vẫn thu xếp, dành thời gian để làm việc ở Hội đồng Lý luận Trung ương. Đồng chí quy định hằng tuần vào 8 giờ sáng thứ tư phải họp Thường trực Hội đồng để rà soát công việc, bàn phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Đồng chí chủ trương, khoảng 3 tháng một lần sẽ làm việc với Hội đồng để nghe phản ánh tình hình và kết quả hoạt động; cùng dự, có đại diện lãnh đạo của một số Ban (Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương), Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài chính để cùng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng hoạt động và phát huy vai trò của mình. Trước đây, cũng có ý kiến đề nghị xem lại sự tồn tại của Hội đồng Lý luận Trung ương có cần thiết hay không, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiên quyết phản đối ý kiến đó. Đồng chí khẳng định, Hội đồng Lý luận Trung ương là tổ chức do Bộ Chính trị lập ra nhằm phục vụ cho sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng. Thực tế hoạt động mấy chục năm qua cho thấy, Hội đồng đã phát huy rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình phục vụ cho công tác lãnh đạo của Đảng, nghiên cứu, đề xuất những luận cứ lý luận đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch và trực tiếp tham gia đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai, trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Hội đồng Lý luận Trung ương thường được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của các đợt tổng kết lý luận - thực tiễn lớn của Đảng, như tổng kết 20 năm đổi mới, 30 năm đổi mới, 40 năm đổi mới. Hội đồng góp phần to lớn vào việc chuẩn bị Văn kiện các kỳ đại hội của Đảng, chuẩn bị dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tham gia đối thoại với những người có ý kiến khác hoặc trái với quan điểm của Đảng; soạn thảo các tác phẩm lý luận để phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quan điểm, đường lối của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường đọc các ấn phẩm của Hội đồng, hoan nghênh và cho ý kiến nhận xét, góp ý cho chúng tôi về những ấn phẩm của Hội đồng.

Tạp chí Cộng sản là nơi đồng chí Nguyễn Phú Trọng gắn bó rất nhiều năm vì đã từng công tác từ biên tập viên, phó trưởng ban, trưởng ban, Ủy viên Ban Biên tập, rồi lên Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập. Trưởng thành, phát triển từ Tạp chí, Đồng chí thường xuyên thăm, làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí, cho những ý kiến góp ý về công tác của Tạp chí để làm sao nâng cao hơn nữa chất lượng của Tạp chí. Đồng chí thường xuyên viết bài cho Tạp chí, nhất là những bài “đinh chốt”, phản ánh những quan điểm lớn của Đảng, những vấn đề quan trọng trong đường lối của Đảng. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đồng chí có bài viết quan trọng “Vì sao Liên Xô sụp đổ”, phân tích một cách thuyết phục nguyên nhân của sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết, góp phần vào công tác tư tưởng - lý luận của Đảng, củng cố niềm tin cho cán bộ và nhân dân ta vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô tan rã, có ý kiến đề nghị cần đổi tên “Tạp chí Cộng sản” thành “Tạp chí Học tập” (lấy lại tên cũ), nhưng Đồng chí không tán thành và đề nghị Tạp chí vẫn giữ lại tên “Tạp chí Cộng sản”. Điều đó thể hiện sự kiên định với lý tưởng cộng sản, dù thời cuộc có thay đổi.    

Là người thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như là nguyên tắc tối cao của lý luận cách mạng; nguyên tắc cao nhất trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng chí rất coi trọng việc tổng kết thực tiễn, để qua đó phát triển lý luận. Trong những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe giảm sút và bận trăm công, nghìn việc, nhưng Đồng chí vẫn dành nhiều thời gian, công sức để viết các tác phẩm lớn về lý luận, như lý luận về văn hóa, về xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về đối ngoại, ngoại giao; về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tác phẩm này là sự tổng kết sâu sắc, toàn diện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, dựa trên thực tiễn 40 năm đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước cũng như khái quát kinh nghiệm quốc tế về chủ nghĩa xã hội trong sự so sánh với chủ nghĩa tư bản để làm nổi bật lên những đặc trưng khác biệt của chủ nghĩa xã hội, làm rõ những ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đã được cải cách, đổi mới. Những tác phẩm lý luận của Đồng chí đã đóng góp vào kho tàng lý luận của Đảng, bổ sung cho lý luận về đường lối đổi mới từ thực tiễn Việt Nam.

GS, TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản_Ảnh: Tư liệu

Qua nhiều năm làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tôi nhận thấy Đồng chí có năng khiếu đặc biệt trong việc tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thường phân công đồng chí Nguyễn Phú Trọng chủ trì nhiều cuộc tổng kết, soạn thảo Cương lĩnh, ví dụ như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), xây dựng dự thảo các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc, nhất là Báo cáo chính trị của Đại hội. Tôi có vinh dự được làm việc nhiều lần với đồng chí Nguyễn Phú Trọng để xây dựng các văn kiện (chẳng hạn, xây dựng Báo cáo Tổng kết 20 năm đổi mới, tôi được giao làm Tổ trưởng Tổ Biên tập hoặc xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tôi được phân công làm Thường trực Tổ Biên tập chuyên trách). Khi gặp những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tôi đăng ký gặp Tổng Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng chí Tổng Bí thư dặn tôi, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, mình phải để cho anh em tự do trao đổi, thảo luận trong quá trình còn suy nghĩ, tìm tòi, chưa nên chốt cứng ngay vội; chỉ những vấn đề nào đã rõ, đã chín thì mới chốt. Qua đó, tôi đã học được rất nhiều cách làm việc dân chủ, khoa học của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí nói, nên học tập cách làm văn kiện của đồng chí Đào Duy Tùng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa VII).

Được Trung ương phân công vào Ban chỉ đạo Tổng kết 20 năm đổi mới, trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ Biên tập, tôi đã tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đi xuống một số địa phương để tổng kết thực tiễn (ví dụ, như đến các huyện Thọ Xuân, Nga Sơn… của tỉnh Thanh Hóa hoặc đến các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang…). Khi xuống các địa phương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm việc với các cán bộ chủ chốt, mà còn trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với bà con nhân dân để qua đó, hiểu sâu thêm tâm tư, tình cảm, đời sống của nhân dân. Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng toát lên con người sống điềm đạm, hiền hòa, giản dị, chân thành, khiêm tốn, liêm khiết, gần gũi với nhân dân, không quan cách, nhưng rất kiên quyết, triệt để trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bởi vậy, Đồng chí được nhân dân kính trọng, tin yêu, quý mến, ngưỡng mộ gọi Ông là “Người đốt lò vĩ đại”. Tôi tiếp xúc nhiều với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nhưng chưa bao giờ thấy Đồng chí nổi nóng, cáu giận với ai. Điều đó cũng thể hiện phần nào nhân cách lớn của người cộng sản và nhân cách đó lan tỏa sang cả gia đình, vợ con Đồng chí.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là một tổn thất to lớn đối với Đảng và nhân dân ta. Đảng ta mất đi một nhà lãnh đạo xuất sắc, tài đức vẹn toàn. Chúng tôi mất đi người Anh Cả nhân hậu, chí tình, người đồng chí gương mẫu, chu toàn.

Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí và nguyện mãi mãi noi gương, đi theo con đường cách mạng của Đồng chí./.