TCCS - Quảng Ninh xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể và trung tâm trong quá trình phát triển.

Mô hình trồng ớt sừng xanh Hàn Quốc của người dân xã Bình Khê cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty TNHH MTV F-ONE GLOBAL FOODS (phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)_Ảnh: baoquangninh.vn

Xây dựng hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu... 

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh đã quan tâm và dành nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trên cơ sở này, việc củng cố kiến thức, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân về ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vận động, hướng dẫn nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong 10 năm trở lại đây, đã có trên 200 nhiệm vụ khoa học - công nghệ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai, hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức với sự tham gia của nông dân trong tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều kiến thức, kỹ thuật canh tác và mô hình sản xuất mới được bà con nông dân áp dụng hiệu quả, như: Ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan (Trung Quốc), trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử, gà Tiên Yên, dong riềng, chè, lúa chất chất lượng cao; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm, công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên, công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp, công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán... 

Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Điển hình như tại huyện Hải Hà, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trong đó, huyện hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... Nhờ những chủ trương, chính sách thay đổi trong cách trồng, chế biến cây chè, các hộ dân trồng chè được tham gia tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng và năng suất, chất lượng cây trồng, vì thế tăng cả về sản lượng và giá thành. Qua đó, tạo ra giá trị bền vững cho vùng chè và kinh tế ổn định cho người trồng.

Thực tế những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đã không còn xa lạ với bà con nông dân trong tỉnh. Từ những vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động; sản xuất theo chuỗi liên kết là những thành công bước đầu của người nông dân khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm OCOP. Hiện nay những mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cũng được người nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai như: Nuôi bò lai sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; trồng cây giổi lấy hạt bằng cây ghép tại Ba Chẽ; phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên; trồng rau thuỷ canh... Thông qua việc chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 1.070ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn. Đến nay toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao.

Triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục bám sát Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, nội dung xây dựng kế hoạch tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nghiêm túc và có đánh giá hằng năm. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh sẽ tập trung phát triển đối với lĩnh vực có dư địa tăng trưởng như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các mô hình nuôi biển bền vững, nuôi tôm siêu thâm canh 3 vụ, gắn với chế biến sâu, xây dựng và phát triển thương hiệu hải sản Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái... Tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, rà soát diện tích 3 loại rừng, hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, hạn chế trồng keo, bạch đàn, băm dăm, bán thô. Tỉnh cũng phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên... coi trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghiệp chế biến nông sản, các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, đa dạng theo chuỗi sản phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước, du lịch và xuất khẩu.

Song song đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, trong đó sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên nông dân phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia; hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia... Cùng với việc chuyển đổi sản xuất theo thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường cũng như ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những bước đi, cách làm hiệu quả, nông nghiệp Quảng Ninh đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn văn minh, hiện đại đồng bộ với tăng trưởng xanh, phát triển đô thị, công nghiệp dịch vụ./.