TCCS - Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc luôn là động lực và sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bản lĩnh, ý chí và truyền thống đó tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, phòng, chống đại dịch COVID-19 nói riêng thời gian qua, tạo niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, chung lòng thực hiện thành công các mục tiêu để hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”.

Sức sống của bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc là những yếu tố phổ quát, đặc trưng nhất hình thành nền văn hóa Việt Nam với những giá trị mang đậm tinh thần nhân văn. Bản lĩnh, ý chí và truyền thống đó được thể hiện ngay từ những ngày đầu ông cha ta lập quốc và không ngừng được hun đúc, phát triển cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong tiến trình hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bản lĩnh, ý chí, những truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn người Việt Nam, tạo nên sức mạnh nội sinh, nguồn dộng lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón nhận ủng hộ của nhân dân tại lễ ra mắt Quỹ vaccine COVID-19_Nguồn: vnexpress.net

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống, bản lĩnh, ý chí của dân tộc ta không ngừng tỏa sáng và nâng lên tầm cao mới. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đó là bản lĩnh, ý chí của dân tộc nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đánh thắng mọi đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh nhất thế giới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thu non sông về một mối, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ vững chắc nền độc lập và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tiến trình đổi mới đất nước hơn 35 năm qua, Đảng ta đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chú trọng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, phát huy tối đa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD; sức khỏe người dân được cải thiện với tuổi thọ trung bình trong giai đoạn 1990 - 2019 tăng từ 70,5 tuổi lên 75,4 tuổi(1). Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo(2).

Những thành công đó là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả của sự hòa quyện giữa “ý Đảng và lòng dân”; là sự kết tinh và phát huy những giá trị cao đẹp của bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; tiếp tục tạo nên động lực và sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin tiến lên dưới ngọn cờ Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát huy, tỏa sáng bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc trong phòng, chống dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã lan rộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trở thành thảm họa đối với nhân loại trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Ở nước ta, trong giai đoạn đầu của làn sóng dịch COVID -19, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam trở thành “điểm sáng” của thế giới trong phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, do diễn biến phức tạp từ biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, dịch đã bùng phát mạnh mẽ và lan rộng ở các địa phương trong nước. Cả nước lại phải bước vào “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách. Một lần nữa, bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta lại được phát huy và tỏa sáng qua mỗi người dân Việt Nam, giúp chúng ta từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch và phục hồi kinh tế. Bản lĩnh, ý chí và truyền thống đó được thể hiện rõ nét qua những biểu hiện sau:

Thứ nhất, quyết liệt, thần tốc, kịp thời, sáng tạo, không chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Ngay trong những ngày đầu dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận định, dự báo nguy cơ và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trung ương Đảng, Chính phủ đã linh hoạt điều chỉnh các chủ trương, chính sách, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội để thích ứng với tác động của đại dịch mà trọng tâm là vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” và bảo đảm an sinh xã hội, Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến để tiếp cận nguồn vắc-xin phòng dịch bệnh COVID-19 nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất(3). Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương làm việc không mệt mỏi, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống dịch; ân cần thăm hỏi người dân tại các khu cách ly, cơ sở điều trị, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch… đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để cổ vũ ý chí, nghị lực cho toàn dân, toàn quân trong công tác phòng, chống dịch.

Thứ hai, những đóng góp, hy sinh, nỗ lực quên mình của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Từ khi làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bùng phát, hình ảnh về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gợi cho chúng ta nhớ lại những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang," "Năm xung phong"… của những năm tháng kháng chiến cứu nước hào hùng. Giờ đây, truyền thống đó lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn qua hình ảnh các “cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc, thậm chí nhiều anh chị em không có cơ hội gặp được người thân lần cuối do đang phải thực hiện nhiệm vụ. Những “anh Bộ đội Cụ Hồ”, những “chiến sĩ công an nhân dân” không sợ hy sinh gian khổ, nhiều tháng không về nhà do phải canh gác nơi biên giới, phục vụ, chăm lo, hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch… Những cán bộ ở cơ sở vất vả ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, điều tra dịch tễ và truy vết. Những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài. Những tình nguyện viên bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, xung phong đến nơi nguy hiểm hỗ trợ cộng đồng…”(4). Tất cả những hình ảnh đó là minh chứng sinh động về sự hy sinh, lòng dũng cảm của lực lượng tuyến đầu. Với họ, “vì nhân dân phục vụ” là đạo lý và mệnh lệnh cao nhất trong những ngày đại dịch bùng phát.

Thứ ba, lan tỏa nhiều mô hình chống dịch hiệu quả, những câu chuyện cảm động về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Khi dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và diễn biến vô cùng phức tạp, cả nước, từng địa phương, mỗi người dân luôn mong muốn được chia sẻ, chung tay cùng chống dịch. Nhiều tỉnh, thành phố vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “vùng xanh”, phát triển kinh tế, vừa tích cực vận động quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm để hỗ trợ, sẻ chia với đồng bào vùng dịch. Hình ảnh các đoàn xe nối đuôi nhau chở đội ngũ y, bác sĩ và hàng cứu trợ như tái hiện khí thế “ra trận” của những năm tháng kháng chiến hào hùng. Tình nghĩa đồng bào trong hoạn nạn được biểu hiện rõ nét và cảm động qua những cân gạo, bó rau, quả bí của các cụ già, tiền tiết kiệm của các em nhỏ, đến những bữa ăn từ thiện, chuyến xe miễn phí, “gian hàng 0 đồng” từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức… Không chỉ có sự trợ giúp về vật chất, bên cạnh đó còn có hàng trăm bài thơ, ca khúc, tác phẩm nghệ thuật động viên tinh thần đồng bào, lực lượng tuyến đầu để cổ vũ, truyền lửa, ngợi ca và nhân lên truyền thống, bản lĩnh, ý chí đoàn kết của dân tộc ta để giúp mọi người vững tin vượt qua đại dịch.

Siêu thị mini 0 đồng - mô hình hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19_Nguồn: hanoimoi.vn

Một số vấn đề rút ra

Thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta thời gian qua đã một lần nữa tỏa sáng về bản lĩnh, ý chí và truyền thống dân tộc Việt Nam, qua đó, có thể rút ra được một số vấn đề sau:

Một là, bản lĩnh, ý chí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy và tỏa sáng trong phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định sức mạnh nội sinh to lớn, động lực quan trọng của những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; văn hóa phải được đặt ngang bằng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Hai là, thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID -19 thời gian qua là sự khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã và đang nỗ lực xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, luôn lấy “dân làm gốc”, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của các chiến lược, mục tiêu phát triển. Việc thực hiện kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho người dân trước tác động của đại dịch; cố gắng bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho người dân ở các khu cách ly tập trung; tận tình chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ở các cơ sở điều trị…, là minh chứng sống động về những giá trị nhân văn tốt đẹp đã và đang được thực hiện ở đất nước ta. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, coi sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong mọi quyết sách để phát triển bền vững đất nước. Điều đó thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, nhân dân ta đang xây dựng.

Ba là, trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp, góp phần nhân lên sức mạnh của dân tộc, vấn đề có tính nguyên tắc là cần thực hiện “xây” đi đôi với “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp, cái đúng đẩy lùi cái xấu, cái chưa đúng. Cần động viên và phát huy tính chủ động, tích cực trong mỗi người dân để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, sát với thực tiễn địa phương; phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp với các cấp ủy, chính quyền để đạt kết quả cao nhất;... Đồng thời cương quyết chống lại những tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, sự ích kỷ, cơ hội, chạy theo lợi ích cá nhân… Đặc biệt, cần chủ động nhận diện, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những khó khăn do dịch bệnh để xuyên tạc, phủ nhận thành tích chống dịch của chúng ta.

Bốn là, sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng các hình thức đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín đất nước./.

----------------------

(1) Quỳnh Dương: “Việt Nam - nhiều thành tựu trên con đường phát triển”, Báo Hà Nội Mới, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1030773/viet-nam---nhieu-thanh-tuu-tren-con-duong-phat-trien, ngày 30-04-2022
(2) Bùi Sỹ Lợi: “Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825072/giam-ngheo-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx#:~:text=Trong%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%202016%20%2D%202020,v%E1%BB%81%20gi%E1%BA%A3m%20ngh%C3%A8o(1), ngày 6-3-2022
(3) Đài Truyền hình Việt Nam: “Ngoại giao vaccine chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, https://vtv.vn/chinh-tri/ngoai-giao-vaccine-cua-viet-nam-dang-di-dung-huong-20211001214845077.htm, ngày 2-10-2021
(4) Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: “Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19”, https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/thu-tuong-pham-minh-chinh-gui-thu-ong-vien-cac-luc-luong-tuyen-au-phong-chong-dich-covid-19, ngày 2-8-2021