TCCS - Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước nói chung, ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy một cách sinh động. Sự vào cuộc quyết liệt, ứng phó linh hoạt của chính quyền và cả hệ thống chính trị; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sẻ chia của cộng đồng xã hội... là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp ngăn chặn dịch bệnh, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại phát triển mạnh mẽ hơn trong trạng thái “bình thường mới”.

Tinh thần tự lực, tự cường với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi động viên, tặng quà cho các cháu có cha, mẹ mất do COVID-19 ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: sggp.org.vn

Vào những tháng cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, khi sự lây nhiễm rộng khắp, sức tàn phá ghê gớm ở các nước lân cận và trên thế giới. Tại Việt Nam, ngày 23-1-2020, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất hiện ca nhiễm COVID-19 bởi những người đến từ vùng dịch trên thế giới. Trước tình hình đó, trong các cuộc họp chuyên đề, họp khẩn, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn dành thời gian phân tích, nhận định về dịch bệnh COVID-19 và cho rằng nguy cơ xâm nhập vào Thành phố là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào; đồng thời, bàn giải pháp để ngăn chặn và dập dịch. Đặc biệt, giữa lúc tình hình đại dịch trong nước có diễn biến phức tạp, ngay lập tức, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc chống dịch COVID -19. Đáp lại Lời kêu gọi đó, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống đại dịch chưa có sự chuẩn bị tốt. Đối diện với những khó khăn, thách thức đó, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được thể hiện. Thành phố luôn theo dõi diễn biến của dịch bệnh trên thế giới, trong nước, các địa phương lân cận và phân tích mặt mạnh, mặt yếu của mình để xây dựng kịch bản, đưa ra phương án phòng, chống dịch với nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” được thực hiện một cách triệt để. Với nhận định phương án hữu hiệu trước mắt vẫn là ý thức của người dân, vì nếu chỉ một người thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh có thể tạo nên nguy hiểm cho những người xung quanh, dẫn đến hậu quả khó lường, vì vậy, Thành phố đã tổ chức các đợt tuyên truyền rộng rãi nhằm phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch” để mọi người luôn tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.

Những tháng giữa năm 2020, trong bối cảnh nguy cơ xâm nhập, lây lan của dịch bệnh ngày càng tăng, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần, cường độ cao hơn. Theo đó, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, mỗi sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng phương án để từng tập thể, cá nhân tự chịu trách nhiệm, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Các đồng chí lãnh đạo Thành phố thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương, đến từng chốt kiểm dịch, khu cách ly tập trung để thăm hỏi, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, với ngành y tế, suốt hơn hai năm qua là chặng đường gian nan, vất vả ở tuyến đầu, bởi luôn phải đối diện trực tiếp với dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, các “chiến sĩ áo trắng” trong toàn Thành phố vẫn âm thầm cống hiến, hy sinh với trách nhiệm cao nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Để thực hiện nhiệm vụ, họ đã gác lại việc gia đình, đi vào tâm dịch, trải qua những ngày tháng khắc nghiệt, làm việc ngày đêm, kiên cường chiến đấu.

Với sự chủ động, tinh thần tự lực, tự cường và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên dù trải qua ba lần dịch bùng phát, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công khi hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn; đặc biệt, đến cuối năm 2020, Thành phố vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt chưa có trường hợp tử vong nào. Điểm đáng ghi nhận, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nhưng Thành phố vẫn thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố trong các tháng đầu năm 2021 liên tục tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đồng lòng, chung sức qua đại dịch

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng động viên lực lượng quân y lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống đại dịch COVID-19_Ảnh: TTXVN

Vào cuối tháng 4-2021, làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát; khác với ba lần trước đó, đợt dịch này với biến thể mới nguy hiểm hơn rất nhiều đã làm cho tình hình trở nên khó lường khi dịch bệnh xuất hiện cùng lúc ở nhiều địa phương trong cả nước. Với tinh thần đoàn kết hướng về tâm dịch, các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh đã cử nhiều đội phản ứng nhanh đến các địa phương, như Bắc Giang, Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang... để cùng hỗ trợ các đồng nghiệp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là các bệnh nhân nặng.

Cũng trong thời gian này, diễn biến dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trở nên phức tạp hơn, khi có nhiều ca bệnh xuất hiện ở các chợ đầu mối, khu vực sản xuất, len lỏi vào các bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi có hàng loạt ca F0 ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Nếu tính đến ngày 31-5-2021, sau gần một tháng khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Thành phố mới có khoảng vài trăm ca, thì vào giữa tháng 7-2021 đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn, các điểm phong tỏa tăng rất nhanh chỉ trong vòng chưa đến hai tuần từ 1.280 lên 3.057 điểm (đến ngày 11-8-2021, toàn Thành phố có hơn 5.286 điểm phong tỏa); các ca bệnh tăng lên mỗi ngày đến chóng mặt, thường xuyên ghi nhận ở mức bốn con số. Trước tình hình đó, sau nhiều lần họp bàn đánh giá tình hình thực tế, Thành phố phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn là chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích lâu dài, liên tục gia tăng thêm thời gian giãn cách xã hội để truy vết, kiềm chế sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Cũng từ đó, đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân càng thêm khó khăn; nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa, sản xuất đình trệ, công nhân lao động lâm vào cảnh thất nghiệp; người lao động tự do, người nghèo... không có thu nhập, trong khi nguy cơ lây nhiễm dịch luôn tiềm ẩn. Sau hơn bốn tháng thực hiện các giải pháp chống dịch với sự hỗ trợ của Trung ương và sự chung sức, đồng lòng của các tỉnh, thành phố, cùng nhân dân khắp mọi miền đất nước, cũng là khoảng thời gian Thành phố phải mang trong mình nhiều vết thương do đại dịch COVID-19 gây ra; đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Trong suốt chuỗi ngày đối diện với mối hiểm nguy do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sự đồng cảm, chia sẻ trong mỗi con người lại được tỏa sáng và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những giá trị tốt đẹp ấy như những “kháng thể tinh thần” trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng giúp ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Những nghĩa cử cao đẹp, việc làm thiết thực thể hiện qua tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng hình ảnh hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang nỗ lực vượt qua mọi gian khó, vất vả, hy sinh những lợi ích riêng tư của mình, xung phong canh trực ngày đêm tại các vị trí cắm chốt, khu vực cách ly. Ở tuyến đầu, đội ngũ y, bác sĩ trong toàn Thành phố tiếp tục được huy động và ngày đêm âm thầm căng mình chống dịch, chủ động có nhiều sáng kiến trong điều trị, tạo ra những điều kỳ diệu để đem lại nụ cười hạnh phúc cho nhiều ca bệnh lâm vào tình trạng "thập tử nhất sinh". Trong cộng đồng xã hội xuất hiện những mô hình, cách làm hay rất ý nghĩa, như: cây ATM gạo, ATM ô-xy, ATM khẩu trang, gian hàng 0 đồng, đi chợ thay, bếp cơm từ thiện, chia nhau những bó rau trái ớt, nhà trọ miễn phí, phong trào “mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”,... được kích hoạt trên diện rộng nhằm lan tỏa tình yêu thương với đồng bào ruột thịt. Ngoài sự ủng hộ về vật chất, cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố còn bảo đảm đơn hàng xuất khẩu và sản phẩm phục vụ thị trường nội địa trong thời gian giãn cách xã hội; nhiều doanh nghiệp thể hiện sự chủ động, quyết tâm với phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm một phần thu nhập cho người lao động.

Trong lúc Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa bàn “nóng” nhất và đang tập trung cao độ để phòng, chống đại dịch, thì tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” lại được biểu thị vô cùng sinh động. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, trong thời gian từ đầu tháng 7-2021 đến nay, có hàng chục ngàn cán bộ, y, bác sĩ giàu kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm khắp cả nước, tình nguyện lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh để “chia lửa” với đồng nghiệp, hỗ trợ xét nghiệm tầm soát, tiêm chủng, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến với mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu suất điều trị, giành lại mạng sống cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Cùng với việc ưu tiên nguồn vắc-xin cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, mỗi người dân trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài và nhiều doanh nhân cùng đồng lòng góp sức người, sức của, tùy theo khả năng của mỗi người với sự đau đáu hướng về đồng bào của mình trong vùng dịch đang bị phong tỏa, cách ly y tế... Hay những khoản quyên góp vô cùng xúc động, nhân văn từ tấm lòng của các em bé, cụ già... trên cả nước có chung suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”... Những hành động đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết và quyết tâm cao trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và phạm vi cả nước nói chung.

Nhằm góp phần giảm bớt áp lực cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt lên kế hoạch để tổ chức đón người dân, nhất là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trở về quê hương; có nhiều “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xe khách cho người dân trở về một cách an toàn nhất. Để tránh tình huống người dân trở về quê mang tính tự phát, không an toàn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố “mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ”... Những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn đó càng cho xã hội thấy rõ và tin tưởng hơn về vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo, điều hành đất nước; tạo động lực để người dân cả nước cùng đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Xứng danh thành phố nghĩa tình

Mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” tại Nhà Văn hoá Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh viên gặp khó khăn do đại dịch COVID-19_Ảnh: TTXVN

Sau hơn 45 năm vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại([1]), đến nay, Thành phố mang tên Bác đã trở thành đô thị lớn nhất cả nước theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó, phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh được hun đúc, kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã kết tinh qua nhiều thế hệ. Vì thế, trong quá trình xây dựng, phát triển, Thành phố luôn quan tâm chăm lo cải thiện đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và trở thành nơi khởi xướng, thực hiện tốt các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; “xây dựng nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”; “xóa đói giảm nghèo”; “xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư”; “bảo trợ bệnh nhân nghèo”; “nụ cười cho trẻ thơ”; phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng,… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội rộng lớn, tính nhân văn cao cả, sức lan tỏa mạnh, thể hiện sinh động bản chất và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thành phố cùng cả nước đang xây dựng.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có rất đông lực lượng lao động ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đang sinh sống, làm việc; có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thành phố. Thế nhưng, trong bối cảnh trải qua hơn bốn tháng giãn cách xã hội, đại dịch COVID-19 đã làm sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập khiến cuộc sống nhiều người dân, nhất là những người lao động tự do rất khó khăn.

Thấu hiểu với những khó khăn người dân gặp phải trong thời gian Thành phố siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, để chia sẻ và thể hiện trách nhiệm của mình, chỉ trong tháng 7-2021, Thành phố đã thực hiện gói hỗ trợ lần một và chi hơn 514 tỷ đồng hỗ trợ người dân từ nguồn ngân sách; cùng với đó, sự chung sức từ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự tương trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài để chăm lo cho người dân với tổng kinh phí hơn 2.220 tỷ đồng. Từ ngày 6-8 đến ngày 10-8-2021, Thành phố tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần thứ hai với quy mô khoảng 900 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 334.200 lao động tự do, 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa. Vào đầu tháng 10-2021, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định triển khai gói hỗ trợ đợt ba, với kinh phí hơn 7.347 tỷ đồng cho năm nhóm đối tượng, khoảng 7,3 triệu người.

Hiện nay, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch; nỗ lực phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội. Nhìn lại những giai đoạn vô cùng khó khăn, căng thẳng phòng, chống đại dịch COVID-19, càng trân quý và thấy rõ thêm sức mạnh những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những giá trị truyền thống cao đẹp đó là tài sản tinh thần vô giá tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh “vì cả nước”, “cùng cả nước”, vì hạnh phúc của nhân dân,... để mãi tự hào và xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”([2]).

---------------------------------

(1) Ngày 2-7-1976, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký quyết định về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh - theo tên của Bác Hồ.
(2) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.