Là tỉnh ở Bắc Trung Bộ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình có vị trí chiến lược trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, có truyền thống cách mạng lâu đời, tiềm năng lao động dồi dào và một ý chí vươn lên mạnh mẽ. Thực hiện Nghị Quyết Đại hội X của đảng, Quảng Bình đã kịp thời đề ra những nhiệm vụ và giải pháp mới nhằm tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hội nhập cùng cả nước thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, thu được những thành tựu đáng phấn khởi. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm được thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, so với tiềm năng của tỉnh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng và chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng, hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu. Tốc độ tăng trưởng GDP tuy đạt khá, nhưng giá trị tuyệt đối còn nhỏ bé; GDP bình quân đầu người đến năm 2005 chỉ bằng trên 60% so với mức trung bình cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhìn chung, Quảng Bình vẫn đang là một tỉnh nghèo.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát cho 5 năm 2006 - 2010 của Quảng Bình là: Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và vững chắc, đưa Quảng Bình ra khỏi trình trạng một tỉnh nghèo, phấn đấu đến năm 2010, cơ bản đạt trình độ phát triển ngang mức trung bình của cả nước. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ môi trường, cải thiện căn bản đời sống của nhân dân. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu chung là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, nhiệm kỳ 2006 - 2010, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu cụ thể sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 11% - 12%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20% - 21%/năm; giá trị khu vực dịch vụ tăng 11% - 12%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4% - 4,5%/năm; sản lượng lương thực đến năm 2010 đạt 25,5 - 26 vạn tấn.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2010 về nông, lâm, ngư nghiệp: 20%; công nghiệp - xây dựng: 40%; dịch vụ: 40%; kim ngạch xuất khẩu tăng 14% - 15%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16% - 17%/năm; đến năm 2010 đạt trên 1.000 tỉ đồng. GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt: 700 - 800 USD. Tỷ suất sinh giảm 0,4o/oo - 0,5o/oo/năm; giải quyết việc làm 2,4 - 2,5 vạn lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5% - 4%/năm; phấn đấu đến năm 2010: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 50% - 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học; 90% dân cư đô thị và 70% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ, 70% đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18% - 20%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải và trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội được xác định là:

1 - Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, đưa giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc theo phương pháp công nghiệp và phương thức trang trại, coi đây là giải pháp đột phá trong nông nghiệp, đưa tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2010 lên 40% - 42% trong cơ cấu giá trị nông nghiệp. Tiếp tục khai thác tiềm năng vùng gò đồi, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc tái sinh rừng; khai thác tiềm năng kinh tế biển, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu.

2 - Phát triển công nghiệp là hướng trọng tâm, trong đó công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản là quan trọng hàng đầu

Huy động tiềm lực của tất cả các thành phần kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu và quy mô để tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế về nguyên liệu, thị trường và khả năng cạnh tranh như sản xuất xi-măng, gạch tuynen, chế biến cao lanh tinh, gỗ, cao su, công nghiệp chế biến súc sản, đóng và sửa chữa tàu thuyền, xà lan. Phát huy hết công suất, khai thác có hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có. Xúc tiến đầu tư các dự án: mở rộng Nhà máy xi- măng sông Gianh, Nhà máy nước khoáng Bang giai đoạn 2; xây dựng thêm Nhà máy xi-măng Áng Sơn, xây dựng thêm 1 - 2 khu công nghiệp của tỉnh và một số cụm công nghiệp - làng nghề ở huyện, thành phố.

3 - Phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch

Đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, phát triển các trung tâm thương mại. Có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ, tham gia sản xuất, chế biến hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Kêu gọi đầu tư và thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả các khu, điểm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Bảo Ninh, Quang Phú, di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh, Bang, Vũng Chùa - Đảo Yến, Đá Nhảy, Bàu Sen, núi Thần Đinh,... Phát triển mạnh và hiện đại hóa các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học và công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khám chữa bệnh, phát triển một số loại hình dịch vụ mới có lợi thế của tỉnh như hàng không, vận tải biển, vận tải quá cảnh.

4 - Đẩy nhanh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng

Xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới, quốc lộ 12 A, tỉnh lộ 11, cầu Quảng Hải, cầu Kiến Giang, đường tránh Đồng Hới, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ 20, 10, 16. Phấn đấu đến năm 2010 bảo đảm 100% các xã có đường ô-tô về đến trung tâm. Tích cực thực hiện chương trình cứng hóa giao thông nông thôn. Đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi. Tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối điện đưa điện lưới đến các thôn bản của các xã miền núi, ven biển, các khu dân cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước Đồng Hới, Quy Đạt, các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư kiên cố hóa hệ thống trường, lớp. Nâng cấp Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới), các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực. Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố Đồng Hới, nâng cấp thị trấn Ba Đồn và xây dựng mới các thị trấn: Phong Nha, Tiến Hóa, các thị tứ: Roòn, Lý Hòa, Thanh Khê, Tân ấp, áng Sơn, Mỹ Đức, Thạch Bàn, Bãi Dinh.

5 - Tăng cường công tác tài chính - tín dụng

Khai thác các nguồn thu, củng cố và phát triển nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nộp thuế, hoàn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Điều hành, sử dụng ngân sách một cách chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, xã hội, quỹ tín dụng nhân dân. Vận dụng đúng đắn những chính sách, quy định của Nhà nước, của ngành ngân hàng vào thực tiễn địa phương, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn, thị trường vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

6 - Phát triển mạnh các thành phần kinh tế

Tạo môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch, phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp. Có cơ chế tạo động lực nâng cao khát vọng của người dân vươn lên làm giàu chính đáng cho mình và quê hương, đất nước. Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác đa dạng, tự nguyện, tương trợ lẫn nhau..., khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

7 - Tích cực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước

Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tập trung xây dựng, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đặc biệt, tạo lập môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn và minh bạch nhằm huy động mạnh mẽ nội lực trong nhân dân, các thành phần kinh tế, các nhà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án FDI tỉnh đã cấp phép đầu tư và giải ngân các dự án ODA hiện có.

8 - Tăng cường công tác quản lý tài nguyên - môi trường

Quản lý chặt chẽ đất đai, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác, tăng cường công tác giám sát môi trường, chủ động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các nhà máy và các cơ sở sản xuất, dịch vụ.

9 - Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục- đào tạo, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, ngành học theo chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, gắn phát triển giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo. Quan tâm phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển mạnh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống trường dạy nghề. Tập trung xây dựng trường Đại học Quảng Bình sớm trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá tri thức khoa học - công nghệ của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 40%, trong đó qua đào tạo nghề là 22%.

10 - Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ

Nắm bắt và vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học - công nghệ mới, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải thực sự phát huy tốt vai trò cung cấp luận cứ cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ về khoa học - công nghệ, từng bước tạo đột phá về năng suất, chất lượng trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế. Chú trọng đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, các công nghệ mới vào sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản.

11 - Phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục truyền thống. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa, góp phần xây dựng sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

12 - Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tiếp tục củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường cơ sở vật chất và nâng cấp các trạm y tế cơ sở, bệnh viện tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng, các phòng khám khu vực và các trung tâm y tế huyện. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, y đức của cán bộ, nhân viên ngành y tế. Thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác dân số - gia đình và chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ công tác thể dục - thể thao.

13 - Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách xã hội

Lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tạo thế phát triển lâu dài và bền vững cho đồng bào vùng đồi, núi, dân tộc thiểu số, các xã vùng khó khăn. Tập trung tạo sự chuyển biến cơ bản cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững. Phát triển thị trường lao động, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm. Tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ và lao động đa ngành nghề. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách...

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, 6 giải pháp lớn được đề ra là:

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch. 2 - Cải thiện một cách cơ bản môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất, huy động, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực, đảm bảo điều kiện để tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong tất cả các lĩnh vực mà trọng tâm là ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

- Phát huy dân chủ rộng rãi trong nhân dân, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền.

- Đổi mới công tác cán bộ.

Cùng với việc lãnh đạo thực hiện toàn diện các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Tỉnh ủy Quảng Bình đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã đề ra 8 chương trình trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá của giai đoạn 2006 - 2010 về phát triển kinh tế - xã hội là: Phát triển chăn nuôi; phát triển thủy sản; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; phát triển y tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực; xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Năm 2006 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, toàn đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục giành được những kết quả quan trọng: Tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế phát triển tương đối toàn diện và giành được những kết quả khá; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,3%; có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,3%, dịch vụ tăng 12,6%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có chuyển biến tích cực, một số công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo; dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá cao; văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Trường Đại học Quảng Bình đã được thành lập đang mở ra khả năng mới trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Việc thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm, giảm được 4,63% số hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 27,87%. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, bước đầu tạo được sự chuyển biến trên một số lĩnh vực so với nhiệm kỳ trước.

Những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh năm 2006, bước đầu đã ghi dấu ấn tốt đẹp của nhiệm kỳ mới, tạo ra tiền đề hết sức quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Năm 2007 là năm thứ hai của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, năm có vị trí quan trọng, quyết định bước phát triển cho cả nhiệm kỳ 5 năm, cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy Quảng Bình đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cao mang tính bứt phá cho lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đó, Tỉnh ủy Quảng Bình đã xác định chủ đề thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2007 là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; chủ đề công tác xây dựng Đảng của năm 2007 là: Tạo chuyển biến rõ rệt về công tác cán bộ, gắn với đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiệm vụ đang đặt ra cho toàn Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình hết sức nặng nề, chặng đường mới có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đầy khó khăn, thách thức. Tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi" và "Quảng Bình hai giỏi" trong thời kỳ mới, tăng cường đoàn kết, đổi mới toàn diện và sâu sắc, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, phấn đấu ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, cơ bản đạt trình độ phát triển ngang mức trung bình của cả nước vào năm 2010.

* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình