Từ kinh nghiệm thế giới đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở thành phố Cần Thơ hiện nay
TCCS - Những năm gần đây, để hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu từ mô hình kinh tế tuyến tính, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, thành phố Cần Thơ đã và đang thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là thành phố cần quan tâm tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn, từ đó kiến tạo, xây dựng khung pháp lý, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn sát hợp với thực tế của thành phố.
Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hằng năm có khoảng 1/3 sản lượng nông sản của thế giới mất đi hoặc trở thành rác thải, gây lãng phí, tiêu tốn trung bình 260 nghìn USD/người/năm… Nếu chúng ta không có những giải pháp tiết kiệm trong sử dụng cũng như tái sử dụng tài nguyên thì trong tương lai không xa, Trái đất sẽ trở thành một bãi rác khổng lồ. Với quyết tâm bảo vệ sự tồn vong của nhân loại, thời gian qua, một số nước đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn như: Trung Quốc, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, Pháp, Ca-na-đa, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan,…
Kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”. Dựa trên nguyên tắc này, các sản phẩm tạo ra dễ dàng được tái sử dụng; có sự đa dạng và quan hệ tương hỗ giữa các doanh nghiệp, nhà nước và người dân; sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và tiến tới việc tạo ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu sinh học. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện thành công một số mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ sở quan trọng cho Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, học tập, ứng dụng để xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Điển hình, phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua việc bảo vệ môi trường như ở Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Thụy Điển.
Chính phủ Ma-lai-xi-a lập kế hoạch sản xuất và tiêu thụ bền vững cho giai đoạn 2016 - 2030. Theo đó, tất cả các chất thải được quản lý toàn diện với cách tiếp cận mở rộng về vòng đời chứ không đơn thuần là xử lý chất thải (thải ra không sử dụng nữa), hướng đến mục tiêu không còn chôn lấp chất thải.
Xin-ga-po đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng từ năm 1979. Hiện nay, quốc gia này đã xây dựng được 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác mỗi ngày. Công nghệ này được giải thích ngắn gọn là “nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát tuốc-bin và tạo ra điện. Khói từ quá trình này sẽ được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài” (1). Với 10% rác thải “cứng đầu” còn lại, Xin-ga-po đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác, 20 năm sau (tính từ năm 1995) Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Xin-ga-po nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.
Theo một hướng đi khác, ở Hàn Quốc, Chính phủ đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Hiện nay, ở Hàn Quốc có tới 95% chất thải thực phẩm được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng (2). Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức “cộng sinh”.
Ở Thụy Điển, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã chú trọng thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải (khí các-bon, chất thải nhựa…), ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý phát triển kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.
Năm 2008, Trung Quốc thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2017, Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn được Trung Quốc ban hành với việc mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nguyên liệu có khả năng tái tạo. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ xác định quan niệm phát triển đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Các hành động của Chính phủ trên thực tế đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế). Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất phế thải.
Cần Thơ học được gì từ kinh nghiệm các nước trong xây dựng kinh tế tuần hoàn? Đây cũng là câu hỏi chung trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ở phạm vi thành phố Cần Thơ, từ thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia đã nghiên cứu, bước đầu có thể tham khảo, vận dụng một số kinh nghiệm sau: Thứ nhất, phải huy động được sự tham gia xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn của toàn xã hội (từ nhà nước đến doanh nghiệp và người dân); Thứ hai, phải có lộ trình cũng như hành lang pháp lý rõ ràng trong phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, phải xây dựng cho được mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và chiều rộng, với việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên nhiên liệu, đi cùng với việc áp dụng khoa học - công nghệ sạch. Đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề xử lý và tái chế rác thải, tái tạo nguyên, nhiên liệu mới để tiếp tục tái sử dụng.
Phát triển kinh tế tuần hoàn ở thành phố Cần Thơ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 ước tính 7,53%/năm; mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo chiều rộng đã có sự chuyển dịch sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, hình thành những động lực tăng trưởng mới, mô hình mới. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tính đến năm 2020 đạt 97,2 triệu đồng, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phát triển đa dạng, ổn định; hệ thống dịch vụ vận tải phát triển đồng đều cả đường bộ, đường thủy và hàng không, tạo điều kiện thuận lợi kết nối dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa với các địa phương trong và ngoài nước, tăng sức hút đầu tư. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ với 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thành công 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hỗ trợ ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc...(3)
Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ - Cantho Startup Ecosystem và Mạng lưới Vườn ươm khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... Trước sức ép về dân số, vấn đề môi trường, nguồn tài nguyên..., thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên thì việc xây dựng và thực hiện nền kinh tế tuần hoàn ở thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem là một hướng đi đúng, hiệu quả.
Trên địa bàn thành phố, bước đầu đã hình thành một số mô hình kinh tế tuần hoàn như: Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mô hình “Khu công nghiệp sinh thái”; mô hình du lịch nông nghiệp… Đây được xem là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố Cần Thơ.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là chú trọng học tập kinh nghiệm từ việc vận dụng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất những quyết sách mang tính chiến lược, gắn với điều kiện, bối cảnh đặc thù của Cần Thơ để phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tiến hành thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân, hướng đến tiêu dùng “xanh”, thân thiện mới môi trường (trước mắt, dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường như túi ni-lon tự phân hủy thay cho túi ni-lon sản xuất từ nhựa).
Thứ hai, xây dựng hành lang pháp lý trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, với lộ trình cụ thể như Trung Quốc đã xây dựng. Ở phạm vi một địa phương, có thể đi từ chính quyền thành phố, từ đó định hướng phát triển bắt buộc cho các doanh nghiệp và thay đổi dần ý thức người dân trong phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc trong tái sử dụng rác thải thực phẩm. Những sản phẩm thải loại từ nông nghiệp (gốc rạ cây lúa, gốc cây hoa màu, rau, củ, quả sau thu hoạch,…) có thể dùng để tái sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn trong chăn nuôi. Hiện nay, những loại sản phẩm thải loại này người dân thường bỏ đi, không tái sử dụng vì có suy nghĩ không dùng được nữa. Áp dụng kinh nghiệm của Thụy Điển “thay đổi tư duy tiêu dùng, ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”. Thống nhất nhận thức phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn thành phố; áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong phát triển kinh tế; xây dựng nền tảng kinh tế tuần hoàn trong các ngành kinh tế thải loại ra môi trường nhiều chất thải (như ngành thực phẩm, ngành nhựa, ngành xây dựng, ngành chế tạo…). Đồng thời, đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái chế. Học tập kinh nghiệm của Xin-ga-po trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ biến rác thải thành năng lượng. Tận dụng lợi thế đi sau, đón đầu các công nghệ mới, hiện đại để ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…
Trên cơ sở các kinh nghiệm một số quốc gia đã, đang thực hiện hiệu quả, cùng với việc xây dựng thể chế pháp lý cần thiết và xác định rõ quan điểm, mục tiêu, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, doanh nghiệp chính là động lực trung tâm thực hiện, thành phố Cần Thơ có đủ điều kiện đi tiên phong và cùng với một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn./.
-------------
(1) “Xử lý rác ở Singapore: 90% rác biến thành điện, 10% trở thành đảo du lịch”, https://moitruong.com.vn/phat-trien-ben-vung/bao-ve-moi-truong/xu-ly-rac-o-singapore-90-rac-bien-thanh-dien-10-tro-thanh-dao-du-lich-20320.htm
(2) Minh Nguyệt: “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua Luật Bảo vệ môi trường”, https://www.thiennhien.net/2019/10/25/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-thong-qua-luat-bao-ve-moi-truong
(3) Thành ủy Cần Thơ: Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cần Thơ, 2020, tr. 2-4
Tỉnh Phú Yên gắn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững  (15/12/2020)
Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam  (30/11/2020)
Xây dựng hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cho lao động nông thôn di cư hòa nhập xã hội thành thị, chuyển đổi nghề nghiệp ổn định và bền vững  (20/11/2020)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm