Quân khu Thủ đô bao gồm Thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và quân sự của cả nước. Nơi đây tập trung một số lượng lớn đối tượng chính sách, nhất là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và những người có công với đất nước. Vì vậy, việc thực hiện chính sách xã hội nói chung và chính sách hậu phương quân đội nói riêng ở đây rất quan trọng. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện công tác hậu phương quân đội đạt hiệu quả cao.

Thủ đô Hà Nội vừa là chiến trường trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ và cũng là hậu phương lớn của cả nước đã sẵn sàng cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường. Hàng vạn thanh niên Thủ đô đã tham gia chiến đấu trực tiếp ở tiền tuyến. Những năm tháng chống Mỹ, quân và dân Thủ đô đã thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cùng cả nước lập nên những chiến công lẫy lừng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Để thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, góp phần tạo sự an tâm, đồng thuận trong xã hội để phát triển kinh tế và xây dựng lực lượng vũ trang, Quân khu xác định và quyết tâm triển khai những công việc quan trọng và cụ thể sau:

1. Xác minh và đề nghị công nhận liệt sĩ chưa được giải quyết

Nhìn chung, trong các cuộc chiến tranh, những người phục vụ trong các lực lượng vũ trang đã anh dũng hy sinh, hay bị thương đều được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ghi công xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh và được giải quyết quyền lợi một cách chu đáo. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh đặc thù trong chiến tranh, nên trên địa bàn Quân khu vẫn còn rất nhiều trường hợp quân nhân mất tích và bị thương chưa được giải quyết kịp thời quyền lợi, chế độ. Những trường hợp này tập trung chủ yếu vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Điều này đã làm nhiều người băn khoăn, trong đó không chỉ có cán bộ lãnh đạo mà cả nhân dân, cũng như cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang cả nước và Quân khu. Do đó, cùng với nhiều ban, ngành có liên quan, Quân khu đã xây dựng quyết tâm cao để nhanh chóng giải quyết dứt điểm công việc này.

Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25-11-1998 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối kết hợp chặt chẽ về pháp lý, phù hợp với thực tế của các đơn vị, địa phương, giải quyết theo một quy trình thống nhất, có đủ chứng cứ theo quy định cho từng đối tượng cụ thể; đồng thời, tích cực tuyên truyền, bồi dưỡng, hướng dẫn, phổ biến đến cán bộ các cấp và nhân dân các địa phương, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vấn đề này. Đến nay, toàn Quân khu đã giải quyết được một số lượng lớn đối tượng quân nhân chưa được hưởng chính sách; đã đề nghị và được Bộ Quốc phòng, Chính phủ xác nhận gần 1.000 quân nhân là liệt sĩ, giải quyết quyền lợi do thương tật cho trên 1.000 quân nhân. Những việc làm đầy cố gắng này đã đem lại niềm an ủi lớn cho các gia đình quân nhân bị thiệt thòi trong chiến tranh và thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và chế độ ta đối với những người có công với đất nước.

2. Đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho cá nhân, tập thể

Trong hơn nửa thế kỷ qua, đất nước ta đã trải qua các cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, đầy hy sinh thử thách. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại: giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc chiến tranh đó, những người có cống hiến xương, máu cho độc lập dân tộc đã được Nhà nước và Bộ Quốc phòng tặng các danh hiệu cao quý. Nhưng do nhiều khó khăn khách quan, nên việc truy tặng, khen thưởng đối với các tập thể và các cá nhân đã tham gia chiến đấu trong các thời kỳ chưa được giải quyết trọn vẹn; còn có những trường hợp chưa được khen thưởng, hoặc khen thưởng chưa thỏa đáng. Đây là điều rất đáng quan tâm cần tiếp tục giải quyết. Chúng ta không thể bỏ sót công ơn của những người có công với nước, nhất là, khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện thì truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, tính ưu việt của chế độ ta, nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc càng phải được giữ gìn, phát huy.

Phải vượt mọi khó khăn để giải quyết thật tốt những tồn đọng về chính sách đối với những người có công với quyết tâm cao nhất. Đó là tư tưởng chỉ đạo của Quân khu để thực hiện chính sách hậu phương quân đội hiện nay cũng như về sau. Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 18-3-1994 của Ban Bí thư, Bộ Tư lệnh Quân khu đã xem xét và đề nghị Bộ Quốc phòng, Nhà nước truy tặng và cấp đổi hàng ngàn huân, huy chương các loại. Đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 199 tập thể, 77 cá nhân.

3. Giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến

Căn cứ vào Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chế độ đối với quân nhân, công nhân quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên, giải ngũ, thôi việc từ 3-12-1960 trở về trước, chưa được hưởng các chế độ, Quân khu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 47. Ban này đã chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo địa phương; tổ chức quán triệt, phổ biến nghiệp vụ, tuyên truyền chế độ chính sách sâu rộng, làm điểm rút kinh nghiệm; sơ, tổng kết từng giai đoạn kịp thời; nhân rộng điển hình; giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh. Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 47 ở địa phương thực hiện xét duyệt công khai, niêm yết danh sách và công bố kết quả xét duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng phương châm “công bằng, minh bạch, công khai, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực”. Sau 3 năm triển khai, các địa phương đã đề nghị Bộ Quốc phòng chi trả chế độ cho 11.504 đối tượng, với tổng số tiền là trên 24 tỉ đồng. Trong số 11.504 đối tượng được xét duyệt trên, không có bất cứ trường hợp nào sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực.

4. Phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Có thể nói, chính sách hậu phương quân đội là một việc làm thường xuyên và có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc trên địa bàn cả nước cũng như ở địa bàn Quân khu. Trong những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, các chính sách xã hội nói chung, chính sách đối với người có công nói riêng của Nhà nước ta đã có bước phát triển mới, đáp ứng được yêu cầu xã hội trước mắt, góp phần tạo động lực mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Địa bàn quản lý của Quân khu Thủ đô có khoảng trên 30 vạn hộ chính sách, có gần 40.000 đồng chí cán bộ quân đội nghỉ hưu. Những năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu đã tích cực tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xây nhà tình nghĩa”… Cụ thể: đã xây mới và sửa chữa trên 100 ngôi nhà cho các đối tượng như: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ có khó khăn, thương binh nặng với giá trị hàng trăm triệu đồng. Việc quyên góp, ủng hộ các gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng, các gia đình bị thiên tai, địch họa… đã trở thành nội dung của phong trào thi đua ở Quân khu. Mặc dù đời sống của cán bộ, chiến sỹ Quân khu Thủ đô chưa cao, nhưng họ vẫn tham gia nhiệt tình phong trào này. Nhân dịp các ngày lễ lớn hằng năm, họ thường xuyên tổ chức các đoàn cán bộ đi thăm hỏi, động viên, tặng quà, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn. Những việc làm đầy ý nghĩa đó là biểu hiện sinh động nhất nét đẹp truyền thống của quân đội ta.

5. Giáo dục tư tưởng và tạo việc làm cho quân nhân khi hết nghĩa vụ

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác hậu phương quân đội mà Quân khu rất quan tâm là làm sao để cán bộ, chiến sỹ trong Quân khu yên tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình khó khăn và phức tạp như hiện nay. Đó là, tổ chức giáo dục cho họ có kiến thức, có trình độ lý luận, có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng. Đó là, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của họ; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với quân nhân tại ngũ và gia đình, thân nhân của họ. Những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thực hiện đúng chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ; giải quyết tốt các chính sách bảo hiểm xã hội như: trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, chế độ tử tuất cho cán bộ, chiến sỹ và công nhân viên quốc phòng của Quân khu.

Đối với những người đã hết thời hạn phục vụ trong lực lượng vũ trang, nhiều người được Quân khu giới thiệu vào học nghề tại Trường dạy nghề số 10 của Quân khu hoặc các trường dạy nghề khác theo nguyện vọng. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần khắc phục tình trạng: sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều người trong độ tuổi lao động không có tay nghề nên không tìm được việc làm. Giải quyết tốt những khó khăn trên, Quân khu đã tạo được khí thế yên tâm, phấn khởi cho thanh niên hăng hái, tự nguyện nhập ngũ và hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự trong thời gian quân ngũ.

Đối với gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được ưu tiên thực hiện các chính sách, như: nhà ở, đất ở phù hợp với quỹ nhà, quỹ đất của Quân khu; thực hiện chế độ bảo hiểm y tế theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính phủ. Các chính sách đó đã và đang đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ từng bước tạo lập, ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần động viên các đối tượng tại ngũ yên tâm phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang Quân khu.

Có thể khẳng định, mặc dù còn có nhiều khó khăn, còn những thiếu sót, khuyết điểm; nhưng, về cơ bản, công tác hậu phương quân đội ở Quân khu Thủ đô đã được thực hiện tốt và có nhiều tiến bộ.

Trong tình hình mới, việc chăm lo thực hiện chu đáo các chế độ, chính sách đối với những người, những gia đình có công với nước, quân nhân, công nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang Quân khu và giải quyết nhanh gọn, khẩn trương những tồn đọng trong chế độ, chính sách sau các cuộc chiến tranh đã trở thành yêu cầu chính trị - xã hội hết sức cấp bách, không những góp phần giáo dục ý thức xây dựng quân đội vững mạnh mà còn có ý nghĩa ổn định tình hình hậu phương quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng về lâu dài.

*

* *

Từ thực tiễn chỉ đạo việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội trong những năm qua ở Quân khu Thủ đô, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, chỉ huy các cấp; xác định chủ trương, giải pháp triển khai phù hợp, nhằm tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Hai là: Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, vai trò tham mưu, chủ động đề xuất của cơ quan quân sự, có cơ chế và tổ chức phối hợp chặt chẽ; tổ chức và bảo đảm đủ lực lượng, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm chính sách ở các cấp.

Ba là: Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chế độ chính sách, thông qua hệ thống các tổ chức và phương tiện thông tin đại chúng tiến hành tuyên truyền tích cực với nhiều hình thức.

Bốn là: Triển khai thực hiện các chính sách, chế độ đồng bộ, thống nhất từ Quân khu đến các cơ sở; duy trì và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện các chính sách chính xác, công bằng, gắn với kiểm tra, giám sát; chú trọng sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.