Nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những yếu kém, bất cập của giáo dục dân tộc; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời đề ra các giải pháp để thống nhất hành động, tạo những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp phát triển Giáo dục Dân tộc giai đoạn 2008-2020. Ngày 18-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Giáo dục Dân tộc toàn quốc bằng cầu truyền hình với 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan hữu quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cả nước, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại điểm Hà Nội; Thứ trưởng Phạm Vũ Luận chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại điểm Đà Nẵng; Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại điểm Cần Thơ.

Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận 26 bản báo cáo tham luận đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến việc thực hiện chính sách giáo dục ở vùng dân tộc, các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, các mô hình điển hình trong phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc thời gian qua...; những khó khăn, phương hướng phát triển và các giải pháp của giáo dục dân tộc trong giai đoạn 2008-2020.

Hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú năm học 2006-2007, đã mở rộng tới 49 tỉnh, gồm 7 trường Trung ương với 10.772 học sinh, 47 trường tỉnh, 225 trường huyện và cụm xã với 85.744 học sinh.
1.
Các ý kiến tham luận khẳng định, Giáo dục Dân tộc là một bộ phận quan trọng của chiến lược giáo dục quốc dân, có vị trí chiến lược và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc miền núi. Sáu mươi năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc, giáo dục dân tộc đã đạt được những thành tích đáng tự hào, có bước vững chắc về mọi mặt. Thể hiện ở chỗ:

- Ở tất cả các bậc học, cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, quy mô mạng lưới trường lớp và chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống trường chuyên biệt(1) có sự phát triển mạnh về số lượng, chất lượng đạt hiệu quả xã hội tốt.

- Công tác quản lý chỉ đạo, nghiên cứu Giáo dục Dân tộc được triển khai theo hướng linh hoạt phù hợp với từng vùng đã thúc đẩy giáo dục dân tộc phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn cả về quy mô, mạng lưới, chất lượng và hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng dân tộc đã được triển khai với những hiệu quả bước đầu.

Nhân dân nhiều tỉnh đã hiến đất để xây trường học: Sóc Trăng: 29.570m2, Kiên Giang: 174,000m2, Bạc Liêu: 62.324m2. Các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO...; các tổ chức phi chính phủ như OXFAM, Liên minh các tổ chức hỗ trợ trẻ em đã tích cực hỗ trợ cho giáo dục vùng dân tộc, miền núi thông qua các dự án cụ thể về tăng cường năng lực dạy học của giáo viên, về giáo dục ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số và cộng đồng...

- Hệ thống chính sách hỗ trợ Giáo dục Dân tộc khá phong phú, tập trung vào 4 nhóm cơ bản: Chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống trường chuyên biệt; chính sách đãi ngộ cán bộ, giáo viên công tác, giảng dạy ở vùng dân tộc; giáo viên dạy lớp ghép, dạy tiếng dân tộc; chính sách hỗ trợ học bổng đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc; chính sách cử tuyển học sinh vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề...

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề cụ thể ở các địa phương như: Nội trú dân nuôi ở Hà Giang; Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Gia Lai; Công tác xã hội hóa giáo dục ở Lào Cai; Dạy tiếng, chữ Chăm ở Ninh Phước - Ninh Thuận; Vấn đề giáo dục đại học hệ cử tuyển và dự bị đại học; Chính sách ưu tiên, bình đẳng trong giáo dục đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; Vấn đề thực hiện chính sách giáo dục ở vùng dân tộc...

2. Về những yếu kém, bất cập của Giáo dục Dân tộc hiện nay, các đại biểu đã nêu lên thực trạng: tỷ lệ trẻ nhập học các cấp chưa cao, chất lượng hiệu quả giáo dục còn thấp, các hình thức giáo dục đặc thù chưa phát triển vững chắc, các trường chuyên biệt chậm được củng cố, chất lượng đào tạo chưa tương xứng với đầu tư của nhà nước, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn...

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc là việc nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc chưa cao; đời sống kinh tế của một bộ phận đồng bào dân tộc chưa ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do nghèo nên nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số phải tham gia lao động giúp gia đình, thời gian thực học của học sinh vùng cao, vùng xa đạt mức rất thấp, trung bình 2-3 giờ/ngày.

3. Bàn đến phương hướng, nhiệm vụ của Giáo dục Dân tộc giai đoạn 2008-2020, Hội nghị đã đề xuất 9 giải pháp lớn:

- Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc.

- Triển khai chương trình, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm nhận thức và điều kiện học tập của học sinh dân tộc.

- Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

- Tổ chức tốt các hình thức giáo dục nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, quan tâm đời sống của đội ngũ giáo viên ở các vùng dân tộc và miền núi.

- Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm nhu cầu dạy và học. Tăng tỷ lệ ngân sách cho giáo dục vùng dân tộc.

- Xây dựng và bổ sung chính sách.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý và nghiên cứu khoa học.

- Vận động sâu rộng toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc.

Tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh các quan điểm cơ bản về phát triển Giáo dục Dân tộc giai đoạn 2008-2020. Một là, phát triển Giáo dục Dân tộc cần quán triệt các căn cứ dựa trên tình hình kinh tế, xã hội của từng vùng miền và điều kiện học tập, trình độ dân trí của các dân tộc thiểu số. Hai là, Giáo dục Dân tộc là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng thời bảo đảm tính đặc thù trong phát triển giáo dục dân tộc. Ba là, giáo dục ở vùng dân tộc vừa bảo đảm đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời từng bước nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cho cộng đồng. Bốn là, phát triển Giáo dục Dân tộc trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước: Trung ương và địa phương cùng lo, nhà nước và nhân dân cùng làm, miền xuôi cùng góp phần phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc. Năm là, xây dựng mỗi cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc trở thành trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học của địa phương.
 

(1) Hệ thống trường chuyên biệt gồm: Trường phổ thông dân tộc nội trú; Trường dự bị đại học; Trường phổ thông có nội trú dân nuôi.