Cuộc vận động lớn và có ý nghĩa sâu rộng

Vũ Văn Phúc
14:37, ngày 13-06-2007

Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Nhằm làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thấm nhuần và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã có Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đạo đức mới, đạo đức cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng và cùng với Đảng dày công xây dựng, bồi đắp là đạo đức mang bản chất của giai cấp công nhân, kết hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Người vẫn thường nói, đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta là rất to lớn, khó khăn và nặng nề. Giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng vẻ vang, nhưng cũng không dễ dàng, mà đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của mỗi người, mỗi thế hệ và thậm chí nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Vì vậy, chăm lo xây dựng cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng của người cách mạng là đạo đức cách mạng phải trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội ta. Đạo đức cách mạng là những phẩm chất đòi hỏi con người cần phải có để tham gia có hiệu quả và cống hiến được nhiều nhất cho cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, cùng với việc giáo dục nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho mọi người.

Trong thời gian qua, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức... suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Điều đó đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có ý nghĩa hết sức đặc biệt.

Cuộc vận động nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội. Cần phải tuyên truyền, giáo dục, vận động gắn với kiểm tra, đôn đốc đấu tranh, phê bình để xây dựng cho được đạo đức cách mạng trong Đảng, trong xã hội theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người về phẩm chất đạo đức, lối sống. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp với cuộc vận động nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức, thấm nhuần sâu sắc những nội dung cơ bản của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, to lớn về ý thức rèn luyện, tu dưỡng và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức. Hình thành ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, thanh niên, học sinh... góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo hai nguy cơ lớn đối với Đảng đó là: sự sai lầm về đường lối của Đảng và sự suy thoái về tư tưởng đạo đức của đội ngũ cán bộ đảng viên. Chính vì vậy, cuộc vận động là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, xác định rõ nhiệm vụ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và cả xã hội, được tiến hành trong thời gian dài, có nội dung phong phú, cụ thể và thiết thực. Là một trong những biện pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X; là một trong những động lực chính trị quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của Đảng, của dân tộc, trước cục diện phát triển bền vững của đất nước. Để nội dung, tinh thần cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"đi vào từng việc làm cụ thể của mỗi tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân đòi hỏi các cấp ủy từ trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần có cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, cần bảo đảm thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

- Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cuộc vận động là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến từng người, từng tổ chức, gắn cuộc vận động với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X, các nghị quyết Hội nghị Trung ương và các phong trào thi đua yêu nước nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; cán bộ, đảng viên trong sáng về phẩm chất đạo đức, thực sự tiêu biểu và mẫu mực về lối sống; cần phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên nói "không với tiêu cực".

- Mỗi cấp ủy, mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của mình; cần gắn nội dung cuộc vận động với chương trình hành động cụ thể, thiết thực thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của từng địa phương, đơn vị; thực hiện tốt sự tự phê bình và phê bình.

- Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nghe giới thiệu 3 chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chuẩn bị dự thảo Đánh giá thực trạng tình hình đạo đức, lối sống trong chi bộ, cơ quan, đơn vị và dự thảo Tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình.

- Cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị phối hợp với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên...) tổ chức lấy ý kiến quần chúng góp ý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức, lối sống; tổng hợp, phân loại ý kiến của quần chúng để chi bộ, cơ quan, đơn vị thảo luận, liên hệ, tiếp thu.

- Chi bộ, cơ quan, đơn vị họp thảo luận thu hoạch và liên hệ của từng cá nhân; thảo luận về tình hình đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị, về ý kiến đóng góp của quần chúng và tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

- Tổng hợp ý kiến thảo luận, đề ra tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong chi bộ, cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức thông báo việc tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng; những tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cơ quan, đơn vị theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; động viên quần chúng thực hiện, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

- Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, công an tự viết bản "Thu hoạch, tự liên hệ và phương hướng phấn đấu rèn luyện của đảng viên, công chức", tham gia thảo luận, liên hệ tại chi bộ, cơ quan, đơn vị; đóng góp xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cơ quan, đơn vị.

- Tham gia hội nghị chi bộ, cơ quan, đơn vị thảo luận thu hoạch và tự liên hệ về đạo đức, lối sống. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của tập thể và quần chúng, đồng thời góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp và xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội không phải là đảng viên, công chức tham gia góp ý cho tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị, địa phương và tham gia giám sát các tổ chức, các cá nhân thực hiện; đồng thời tự mình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngày 17-4-2007, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương.

Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã kết luận về những nội dung cần thực hiện để đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian tới.

1 - Tại trung ương

- Ban Chỉ đạo Trung ương chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động, phải quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát các bước tiến hành cuộc vận động trong Đảng, hệ thống chính trị và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Từng thành viên Ban Chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm và đưa vào chương trình công tác của mình. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương một cách cụ thể, có định kỳ thời gian, chú trọng việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Cần có kế hoạch kiểm tra và xây dựng báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động trong năm 2007 trình Bộ Chính trị vào quý IV.

- Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng và thông qua Chương trình cuộc vận động trong toàn khóa đến năm 2011, xác định rõ mục đích, yêu cầu cần đạt được; trọng tâm, trọng điểm trong từng năm để cuộc vận động ngày càng có kết quả cụ thể, thiết thực và toàn diện, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội X, các Nghị quyết Trung ương và các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị - xã hội, ngành, địa phương đang thực hiện; với các ngày kỷ niệm lớn của Đảng và dân tộc. Hằng năm có tiến hành sơ kết, cuối khóa tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, phục vụ cho xây dựng văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

- Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn các bước tiếp theo. Sau đợt triển khai học tập đầu năm 2007, phải đưa các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hằng tháng của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nêu rõ những chuyển biến cụ thể đối với từng cá nhân và toàn đơn vị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về cuộc vận động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong toàn khóa về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cá nhân và tập thể gương mẫu học tập và làm theo tấm gương của Bác. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật mở đợt sáng tác (trong toàn khóa) những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh; xuất bản sách "người tốt, việc tốt".

- Về vấn đề khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giao Ban Tuyên giáo Trung ương làm đề án trình Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận, cho ý kiến.

2 - Với các ngành, địa phương

- Cấp ủy và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương cần xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ở ngành, địa phương. Đồng chí Bí thư cấp ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ngành, địa phương thành lập bộ phận thường trực và giúp việc tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả giúp tổ chức thực hiện cuộc vận động, bảo đảm chỉ đạo thường xuyên, liên tục và lâu dài; thực hiện đầy đủ và hiệu quả các bước tiến hành cuộc vận động.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan sớm xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giáo dục đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tất cả các cấp học, ngành học, phấn đấu đưa vào chương trình học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ngay từ năm học 2008 - 2009.

- Các ngành, địa phương căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức chung theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng dẫn địa phương, cơ sở xây dựng tiêu chí đạo đức phù hợp với ngành, địa phương mình. Tiêu chuẩn đạo đức phải cụ thể, thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức dễ đề ra chỉ tiêu phấn đấu, đạt được theo từng mốc thời gian, đồng thời để tổ chức và quần chúng dễ kiểm tra, giám sát.

- Các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện cuộc vận động đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm và tính chất của tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời động viên hội viên, đoàn viên tích cực tham gia đóng góp cho cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện cuộc vận động.

- Các ngành, địa phương cần quan tâm đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc triển khai các bước tiến hành cuộc vận động, biểu dương các nơi làm tốt, các điển hình tiên tiến, kịp thời uốn nắn các lệch lạc. Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đi sát cơ sở, đưa tin kịp thời về cuộc vận động ở các ngành, địa phương; phát hiện và tuyên truyền các điển hình tiên tiến ở địa phương và cơ sở.

Cuộc vận động phải nhằm đạt tới kết quả chủ yếu sau:

1 - Hình thành phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng và sôi nổi trong toàn xã hội góp phần định hướng dư luận xã hội lành mạnh, tôn vinh người tốt, việc tốt thông qua việc tổ chức học tập, lấy ý kiến quần chúng, tự phê bình và phê bình của tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức hằng năm.

2 - Thông qua cuộc vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về đạo đức, lối sống trong toàn xã hội góp phần vào:

- Việc phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ, cương vị chức trách được giao, gắn với việc triển khai các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương ba về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí" góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

- Tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong toàn bộ tổ chức cơ sở đảng, trong từng đảng viên trong việc nỗ lực phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn và phát huy bản chất người chiến sĩ cộng sản cách mạng, thực hiện tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và góp phần đẩy lùi các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực.