Trung với nước, hiếu với dân

Đặng Mai Ninh
10:59, ngày 12-06-2007

Trong kho tàng đạo đức Hồ Chí Minh, yêu nước, thương dân là một giá trị tinh thần to lớn, một phẩm chất đặc biệt nổi bật.

Kể từ lúc còn là người dân xứ thuộc địa ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập, trong con người Hồ Chí Minh luôn luôn thường trực bốn chữ “Yêu nước, thương dân”. Vì yêu nước, thương dân tha thiết mà ngay từ những ngày đầu tiên hoạt động trên đất Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Yêu nước, thương dân đối với Người, lúc bấy giờ là đấu tranh cho nước nhà độc lập, tự do, dân ta được giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Vì yêu nước, thương dân mà những bài báo của Nguyễn Ái Quốc thời đó đã có sức mạnh to lớn, không chỉ là những bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa mà còn là lời kêu gọi hùng hồn các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh cho độc lập và quyền sống của mình. Vì yêu nước, thương dân mà trong quá trình tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, tiến lên nắm bắt những tư tưởng lớn của thời đại, bắt gặp chủ nghĩa xã hội và gắn kết chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường xán lạn cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, đồng thời làm cho tư tưởng đạo đức yêu nước, thương dân càng thêm sâu sắc và phong phú hơn.

Trong đạo đức Hồ Chí Minh, không có sự cắt rời nào giữa hai loại tình cảm yêu nước và thương dân, hay yêu Tổ quốc và yêu đồng bào. Bởi Tổ quốc và nhân dân (hay dân tộc) là một. Không có Tổ quốc nào không có nhân dân. Cũng không có nhân dân nào không có Tổ quốc của mình. Tổ quốc có độc lập thì nhân dân mới có tự do, hạnh phúc. Nhân dân có tự do, hạnh phúc thì độc lập của Tổ quốc mới vững bền. Điều đó đã được biểu thị rõ ràng trong quốc hiệu và tiêu ngữ của Tổ quốc ta: “Việt Nam dân chủ cộng hòa” nay là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Với tiêu ngữ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có câu nói nổi tiếng mà ngày nay và mai sau còn vang vọng mãi: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1).

Yêu nước, thương dân không phải là phẩm chất riêng có trong đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng như vậy, các khái niệm và phạm trù đạo đức về nhân, nghĩa, trí, dũng, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, về lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, về lòng nhân ái và khoan dung,... mà chúng ta từng đề cập trong đạo đức Hồ Chí Minh, đều là những giá trị đạo đức đã có trong nền văn hóa phương Đông từ hàng nghìn năm nay, trong Nho giáo và trong các đạo giáo khác,... Qua các thời đại lịch sử, các giá trị ấy đã trở thành tài sản chung của nhân loại, nhưng nội dung đã có nhiều thay đổi.

Ông cha ta, qua nhiều triều đại phong kiến nối tiếp, nhờ tiếp thu có chọn lọc và phát huy các giá trị đạo đức ấy, kết hợp chặt chẽ với truyền thống dân tộc mà đã góp phần tạo nên nhiều thời kỳ thịnh trị. Trong tư tưởng đạo đức của mình, Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều khái niệm và phạm trù đạo đức từng quen thuộc với dân tộc Việt Nam từ lâu đời, nhưng biết chắt lọc tinh hoa, đồng thời gạt bỏ những gì hạn chế và đã lỗi thời, đưa vào đấy những nhân tố tích cực, những nội dung mới, bổ sung những khái niệm và phạm trù đạo đức của thời đại mới. Chính vì vậy mà những giá trị đạo đức ấy đã hòa nhập với những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, tạo nên một nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng - làm cho mỗi người Việt Nam đều cảm thấy gần gũi và dễ tiếp thu.

Vào thời kỳ đất nước đã giành lại được độc lập, tự do, nhân dân trở thành người chủ của đất nước, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì đối với cán bộ, đảng viên, yêu nước, thương dân cũng có sự phát triển mới về chất. Từ yêu thương trở thành trung, hiếu - trung với nước, hiếu với dân. Trước kia, theo quan niệm cũ, trung là trung quân, là trung thành với vua; trung thành với vua cũng có nghĩa là trung thành với nước, vì vua với nước là một, vua là nước, nước là của vua. Vua xử quan chết, quan không chết là không trung. Còn hiếu thì chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình, là con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Ngày nay, theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thì trung phải là trung với nước, hiếu phải là hiếu với dân. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước, trung thành với lợi ích tối cao của Tổ quốc. Nước ở đây là nước của dân, còn dân lại là chủ nhân của đất nước. Bác Hồ nói:

“Nước ta là nước dân chủ,

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

...

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).

Như vậy, nước không đồng nhất với người đứng đầu đất nước, mặc dù người đứng đầu ấy là do dân bầu ra, và là một nhân vật tiêu biểu. Dân không phải là người để nhà cầm quyền sai khiến và chỉ bảo mà là người chủ của đất nước, tức là người trực tiếp hay gián tiếp bầu ra các cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo của các cấp để thay mặt mình quản lý công việc chung, đồng thời chịu sự kiểm tra và giám sát của mình. Cán bộ, đảng viên phải là “người đầy tớ” của nhân dân, tức là người phục vụ nhân dân, tuyệt đối không phải là “quan nhân dân để đè đầu cưỡi cổ nhân dân”. Tư tưởng “hiếu với dân” không còn dừng lại ở chỗ thương dân với tính chất là đối tượng cần phải dạy bảo, dẫn dắt, ban ơn mà là đối tượng phải phục vụ hết lòng. Bác nói: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(3). So với trước, quan niệm về nước và về dân trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã hoàn toàn đổi khác.

Với tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên phải suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Bác nói “điều chủ chốt nhất” của đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, là “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, là trung với nước, hiếu với dân, hơn nữa là “tận trung, tận hiếu” thì mới xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bản thân Bác Hồ là một tấm gương trong suốt về trọn đời vì nước, vì dân.

Tháng 8-1950, trong thư gửi họ Nguyễn Sinh, khi cụ Nguyễn Sinh Khiêm qua đời, Bác viết:

“Nghe tin Anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”(4).

Năm 1969, trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(5).

Sự thật là, với tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người, di sản vô giá mà Người để lại cho muôn đời con cháu, Bác Hồ vẫn đang và sẽ tiếp tục là người phục vụ đắc lực nhất cho Tổ quốc, cho cách mạng và cho nhân dân.



(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, t4, tr161
(
2) Hồ Chí Minh: Sđd, t5, tr 698
(3)
Hồ Chí Minh: Sđd, t6, tr 88
(4) Sđd, t6, tr 114
(5) Sđd, t12, tr 512