TCCSĐT - Ngày 30-11-2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam”.
Thị trường quyền sử dụng đất có vai trò rất quan trọng bởi thông qua đó các nhu cầu của cả người mua và người bán đều được tối ưu hóa. Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp hiện nay đang có sự thay đổi mạnh, chuyển từ hộ tiểu điền sang đại điền, doanh nghiệp; tích tụ và tập trung ruộng đất. Trên cơ sở đó, quan điểm và định hướng của Đảng và Nhà nước đã và đang có sự thay đổi, thúc đẩy, điều chỉnh chính sách phát triển thị trường, thông qua cơ chế thị trường để huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực đất đai.

Điều này thể hiện qua các Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương "Về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03-6-2017 "Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Việc nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Với mục tiêu tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về đất đai, Hội thảo đã tập trung trao đổi về các vấn đề lý luận về phát triển thị trường quyền sử dụng đất; phân tích thực trạng và xác định rõ một số bất cập trong chính sách đất đai đang ảnh hưởng đến thị trường quyền sử dụng đất ở Việt Nam, từ đó đề xuất hướng điều chỉnh một số nội dung trong chính sách đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn tới.

Một số bất cập cơ bản tồn tại trong chính sách đất đai ảnh hưởng đến thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là:

Một là
, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang quá chi tiết đến từng nhóm đất nhỏ; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá phức tạp, dẫn đến hạn chế sự linh hoạt điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, khó phát huy tính năng, vai trò của từng loại đất; cung và cầu bị chia cắt theo vùng…

Hai là
, hình thức “Giao đất không thu tiền” chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, chưa tạo sự bình đẳng trên thị trường và một phần làm cho việc sử dụng đất chưa hiệu quả.

Ba là
, việc quy định phải đăng ký quyền sử dụng đất sau những biến động về đất và chủ sử dụng đất, trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn từ cả hai phía nên tỷ lệ mảnh đất chưa có giấy chứng nhận còn cao.

Xuất phát từ thực tế như trên, Hội thảo kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong chính sách đất đai như sau:

Thứ nhất, nhằm tăng tính linh hoạt cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên quy hoạch theo hai nhóm: Quy hoạch cứng (Nhà nước đưa ra những vùng và những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng) và Quy hoạch mềm (Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường).

Thứ hai, tiếp tục thực hiện thu thuế sử dụng đất nông nghiệp sau năm 2020, khi thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết 55/2010/QH12 hết hạn. Nên có chế tài đủ mạnh để kiểm soát vấn đề bỏ ruộng; đánh giá, xây dựng lộ trình từng bước chuyển hình thức giao đất không thu tiền sang hình thức cho thuê đất. Bên cạnh đó cần xây dựng chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho nhóm những hộ chính sách và hộ nghèo.

Thứ ba, có chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất cấp huyện để làm đầu mối cho người mua và người bán quyền sử dụng đất gặp nhau. Bảo đảm nguồn kinh phí, kết hợp với xã hội hóa để nâng cấp hệ thống thông tin; tăng chi ngân sách để đầu tư thêm máy, thiết bị nhằm đẩy nhanh tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có biện pháp tuyên truyền và hình thức xử lý những hộ gia đình sau không đăng ký lại quyền sử dụng đất khi có biến động về đất…

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như: không nên quy định thời hạn sử dụng đất; từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài, đồng nhất với loại hình đất khác. Nên điều chỉnh hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất. Nên sửa đổi chính sách để các tổ chức kinh tế, hộ gia đình hay cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…/.