Bảo vệ môi trường - một trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để phát triển bền vững
TCCS - Bảo vệ môi trường là một vấn đề hết sức nan giải đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Người ta phải lo miếng ăn trước khi lo chuyện giữ sạch, làm sạch. Các doanh nghiệp, vì thế cũng thường nghĩ tới việc làm thế nào để có thể thu được lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà quay lưng lại với môi trường, họ sẽ tự đào thải mình.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Theo thống kê mới nhất, trong số hơn 100 khu công nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang và sẽ tổ chức nhiều đoàn thanh tra đi khắp các địa phương, lập “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, có khả năng bị đóng cửa, trong đó sẽ đặc biệt chú ý đến các điểm nóng về môi trường hiện nay, như sông Thị Vải, lưu vực Sông Nhuệ, Sông Đáy.... Như vậy, có nghĩa là 80% các khu công nghiệp hiện vẫn đang nằm ngoài tầm quản lý chặt chẽ về môi trường!
Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ cần có những sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, mà còn phải thân thiện với môi trường. Đây là quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống. Đã là quy luật, người ta không thể đi chệch ra ngoài quỹ đạo đó. Doanh nghiệp phải gắn mình vào một yêu cầu bắt buộc: đó là trách nhiệm đối với môi trường sống, với cộng đồng, để tồn tại và phát triển.
Không ít nhà doanh nghiệp vẫn cho rằng, đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải, bảo vệ môi trường là rất tốn kém nên chưa cần thiết quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sống trong quá trình sản xuất, kể cả những sản phẩm được làm ra tiềm ẩn những yếu tố gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; hay còn gọi là những sản phẩm “bẩn”, thực phẩm “bẩn”. Thật ra, nhiều chuyên gia từng cho rằng, bảo vệ môi trường không cần phải tiêu tốn nhiều tiền, nếu người quản lý có tầm nhìn xa và biết phương pháp làm, cách làm hợp lý. Giáo sư Sác-lơ Pi-ơ-sân, Đại học Giôn Hôp-kin (Mỹ), từ những năm 80 của thế kỷ trước đã từng cảnh báo Thái Lan là, tăng trưởng thật của quốc gia này có thể đạt 0, nếu không kịp thời xử lý các vấn đề môi trường của họ. Bởi càng để lâu càng tốn kém. Một số báo cáo gần đây, đã ước tính tại Trung Quốc, phải chi đến 10% GDP mỗi năm để làm sạch, hồi phục lại môi trường và để chi trả các dịch vụ y tế cho các nạn nhân của ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, hàng loạt các trường hợp, nhà doanh nghiệp, vì lợi nhuận trước mắt đã tự cho mình cái quyền dẫm đạp lên môi trường sống của hàng nghìn, hàng vạn hộ dân sinh sống quanh khu vực nhà máy, xí nghiệp, khi họ công khai hay lén lút, xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra các sông ngòi, gây thiệt hại không gì bù đắp nổi cho sức khỏe, cuộc sống của người dân. Các “sự cố” kinh hoàng của các công ty Vedan (Đồng Nai), Hyundai - Vinashin (Khánh Hòa), Miwon (Phú Thọ), Tung Kuang (Hải Dương), và gần đây nhất đang gây bức xúc, công phẫn trong dư luận là sự việc xả thải chưa qua xử lý của Công ty Đường Quảng Ngãi, một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đã làm cá chết nổi trắng trên sông Trà Khúc - một con sông quan trọng của miền Trung. Lấy ví dụ về trường hợp của Vedan trước đó, theo kết quả khảo sát và điều tra của Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì: khu vực sông Thị Vải, còn được gọi là “dòng sông chết”. Tại đây, nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối suốt ngày đêm, cả khi thủy triều lên và xuống. Các chuyên gia cho biết, giá trị DO (chỉ số ô-xy hòa tan) ở đây thường xuyên dưới 0,5 mg/l, có nơi chỉ 0,04 mg/l. Với giá trị DO gần như bằng 0 như vậy, các loài sinh vật hầu như không còn khả năng sinh sống, các nhà khoa học đã gọi đoạn sông này là “đặc sệt sự chết”!
Một vài đơn cử như vậy, để thấy rằng, môi trường sống quan hệ với sự sống và đời sống của con người như thế nào. Đó là chưa nói đến, việc xử lý những vi phạm như thế còn rất nhiều khó khăn do tính bất cập về pháp luật bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Một số quan điểm về tội phạm môi trường còn chưa rõ ràng, gây không ít khó khăn cho người thừa hành công vụ trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm về môi trường. Vedan là một trong số các ví dụ điển hình. GS,TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp của Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, từng bức xúc: “Thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả mà cha anh chúng ngày nay đã để lại, vì chính sách bảo vệ môi trường đã không tương xứng, hài hòa với các chính sách phát triển kinh tế xã hội hiện tại”.
Để hài hòa hai lợi ích...
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, đã từng cảnh báo: “Nếu không giải quyết được vấn đề môi trường thì cũng không thể giải quyết được vấn đề phát triển trong hội nhập. Càng ô nhiễm môi trường thì chất lượng cuộc sống càng bị ảnh hưởng. Thách thức với chúng ta hiện nay là làm sao hài hòa được giữa lợi ích phát triển kinh tế với việc phải đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường. Bởi một trong những tiêu chí hội nhập quốc tế là phải giải quyết tốt vấn đề môi trường”.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian vừa qua, con người đã quá chú trọng đến việc thu hút đầu tư, chạy theo lợi nhuận trước mắt và những lợi ích cục bộ mà quên rằng, chính con người đã can thiệp quá sâu vào môi trường thiên nhiên, môi trường sống của mình, bởi vậy đã phải trả một cái giá quá đắt. Đó là: rừng trống đồi trọc, sạt lở đồi, núi, đất; xâm ngập mặn, ô nhiễm nguồn nước; lũ lụt gia tăng... Trên thực tế, nếu chỉ đặt vấn đề bảo vệ môi trường với doanh nghiệp, hoặc với một vài cơ quan quản lý nhà nước khi nào quyền lợi của xã hội bị xâm phạm, sẽ không có giá trị tích cực giải quyết vấn đề tận gốc. Song trước hết, nhà doanh nghiệp luôn và cần phải thấy được trách nhiệm của mình trước xã hội và đối với môi trường mình đang sống.
Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc) đã hỗ trợ và tài trợ cho Việt Nam việc quảng bá và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn (Cleaner Technology), với đối tượng chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên tắc chủ yếu ở đây không phải chỉ lo xử lý chất thải, mà là giảm nguồn thải qua các cách tái sử dụng, tái chế, và ngăn chặn nguồn thải. Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ, sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Sản xuất sạch hơn không giống như việc xử lý cuối đường ống. Các hệ thống xử lý cuối đường ống làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi; vì vậy luôn làm tăng chi phí sản xuất. Ngược lại, sản xuất sạch hơn mang lại các lợi ích kinh tế đồng thời với giảm tải lượng ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn cũng là một bước hữu ích cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường theo Hệ thống tiêu chuẩn ISO 14000 (ISO 14001, ISO 14004, ISO 14020s, 14040s,..).
Bảo vệ môi trường không nhất thiết làm tăng giá thành sản phẩm và làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, như nhiều nhà doanh nghiệp vẫn nghĩ. Hai lợi ích này không hẳn đối chọi nhau mà trái lại còn bổ trợ cho nhau. Tại nhiều quốc gia phát triển, các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường ISO 14000, GAP, HACCP,... mặc dù có thể có giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng do người dân có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường.
Có một thực tế nữa là, đã từng có một số nhà máy, xí nghiệp ra đời trước khi có chủ trương quy hoạch. Nhà đầu tư thường chủ động chọn những địa điểm, vị trí “đắc địa” để xây dựng trước, sau đó hợp pháp hóa các thủ tục và tiến hành sản xuất kinh doanh. Điều này đã dẫn đến nhiều cơ sở xây dựng, nhà máy, xí nghiệp đan xen trong các khu dân cư, các đơn vị hành chính, hay trên một đoạn sông. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là một hệ lụy tất yếu của tình trạng trên. Đó là chưa kể, ngoài việc phân bố sản xuất không đồng đều, quá tải môi trường, đa số mặt bằng chỉ vừa đủ cho bố trí máy móc, thiết bị và các công đoạn sản xuất, hậu cần và trụ sở văn phòng, thiếu đất cho xây dựng hệ thống xử lý chất thải dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả việc di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành cũng tốn kém không ít cho doanh nghiệp. Vấn đề môi trường sẽ không được giải quyết nghiêm túc và triệt để, nếu chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cùng với các hình thức xử phạt còn nhẹ tay. Mặt khác, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam chưa thực sự có tính ngăn chặn và răn đe cao, nhiều doanh nghiệp, vì thế vẫn có thể lách luật được.
Và để làm giảm tác động của ô nhiễm:
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp có thể có hai lựa chọn:
- Đẩy mạnh công tác xử lý đầu ra.
- Kiểm soát thật tốt khâu đầu vào cũng như quá trình sản xuất để giảm thiểu tối đa chất thải.
Thông thường 2 cách này được phối kết với nhau, song do vấn đề môi trường chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đang còn rất yếu kém, cả mặt chuyên môn lẫn quản lý. Thực tế, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý môi trường ISO 14.000 thấy rằng, họ có thể không cần đầu tư quá nhiều vào khâu xử lý, mà chuyển trọng tâm sang quản lý thật tốt các quá trình mà có khả năng rủi ro cao về môi trường cũng như có nguồn thải cao. Việc quản lý như thế sẽ phân loại ngay từ đầu nguồn chất thải, tạo cơ hội cho việc tái chế chất thải, đồng thời giảm lượng chất thải sau sản xuất (rất khó tái chế), làm tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp./.
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 131 (3-9-2010)  (07/09/2010)
Sông Nhuệ - sông Đáy đang ở... “đáy” của sự sống?  (07/09/2010)
Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước vượt khó, tạo thế chủ động trong chiến lược phát triển thị trường  (07/09/2010)
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến  (07/09/2010)
Giải pháp thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam  (07/09/2010)
Giải pháp thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam  (07/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay