Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Chiến thắng và con đường chông gai phía trước
TCCSĐT - Trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron đã có bước đi “táo bạo” sau khi bước vào Điện Élysée khi chỉ định ông Edouard Philippe, một nhân vật ngoài đảng của tổng thống làm Thủ tướng. Điều này thể hiện quyết tâm hiện thực hóa lời hứa của ông về “hòa giải” một nước Pháp đang bị chia rẽ nặng nề.
Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: theatlantic.com
Xóa bỏ “lối mòn” trong phương thức lãnh đạo cũ
Trong chiến dịch vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 07-5-2017, ông E. Macron đã từng cam kết danh sách nội các do ông đề xuất sẽ giảm xuống còn 15 bộ trưởng, trong đó một nửa là nữ và bao gồm cả những nhân vật không hoạt động chính trị. Như vậy, với công bố của Điện Élysée ngày 17-5, danh sách được bổ nhiệm lần này gồm: Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm, Jean-Yves Le Drian thuộc đảng Xã hội được chỉ định làm Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng châu Âu. Thị trưởng thành phố Lyon, ông Gerard Collomb làm Bộ trưởng Nội vụ. Nhân vật có chủ trương ôn hòa, bà Sylvie Goulard làm Bộ trưởng Quốc phòng; Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, thuộc đảng Bảo thủ làm Bộ trưởng Kinh tế; ông Francois Bayrou làm Bộ trưởng Tư pháp, bà Annick Girardin thuộc đảng Xã hội là Bộ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ hải ngoại; Chuyên gia môi trường, ông Nicolas Hulot làm Bộ trưởng Chuyển giao Sinh thái và ông Christophe Castaner thuộc đảng Xã hội làm người phát ngôn chính phủ.
Ở tuổi 39, ông E. Macron đã đi vào lịch sử nước Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Élysée. Gánh trên vai trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước, ông E. Macron được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” để vực dậy một nước Pháp chia rẽ sâu sắc và đang vật lộn với những khó khăn kinh tế lẫn những thách thức an ninh chính trị. Trong bài diễn văn tại lễ nhậm chức ngày 14-5 tại Điện Élysée ở thủ đô Paris, tân Tổng thống E. Macron nhấn mạnh, nước Pháp đã chọn “hy vọng”. Vì vậy, việc đầu tiên mà tân Tổng thống Pháp thực hiện là ngay lập tức chỉ định nội các mới với việc lựa chọn ông Edouard Philippe làm Thủ tướng, người đứng đầu điện Matignon đảm nhiệm điều hành chính phủ cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội. Quyết định này nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về các ý định của tân Tổng thống E. Macron khi cam kết chọn một chính khách có kinh nghiệm làm việc với Quốc hội và có ảnh hưởng lớn. Với việc bổ nhiệm một nhân vật thân cận của cựu Thủ tướng Alain Juppé - một thành viên đáng chú ý của phe cánh hữu, ông E. Macron đang chứng tỏ bản lĩnh và hiện thực hóa lời hứa của ông về “hòa giải” một nước Pháp đang bị chia rẽ nặng nề. Đây cũng là bước đi “táo bạo” của ông E. Macron nhằm thu hút sự ủng hộ của các lãnh đạo bảo thủ dành cho phong trào Nền Cộng hòa tiến bước (REM) của mình trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 6 tới.
Theo giới phân tích, Tổng thống đắc cử E. Macron sẽ còn phải đối mặt với không ít thách thức từ căng thẳng nảy sinh xung quanh ý định “vẽ lại bản đồ chính trị nước Pháp”. Ngay chính đồng minh chủ chốt và là người đã kêu gọi dồn phiếu cho ông E. Macron trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống vừa qua - ông F. Bayrou, ban đầu cũng đã tỏ ra bất bình với tân Tổng thống E. Macron trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện quan trọng sắp tới. Trả lời phỏng vấn Tạp chí L'Obs ngày 12-5, khi nhận định về danh sách giới thiệu hơn 400 ứng cử viên sẽ đại diện cho phong trào REM của ông E. Macron tham gia cuộc bầu cử tới, ông F. Bayrou cho đây là “chiến dịch đại tái chế đảng Xã hội”. Ông bày tỏ thất vọng vì các ứng cử viên trong danh sách này chỉ đại diện cho 35 khu vực bầu cử, thay vì 120 khu vực như ông mong đợi. Tuy nhiên, sau đó ông F. Bayrou đã đạt được một dự thảo thỏa thuận “bền vững và cân bằng” với REM liên quan đến danh sách trên.
Ngoài sự phản đối của ông F. Bayrou, REM còn buộc phải sửa lại danh sách này sau khi khoảng 10 người tuyên bố không có ý định ủng hộ đảng này hoặc chưa bao giờ đệ đơn xin làm ứng cử viên của đảng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (NF) F. Philippot cho rằng, ông E. Macron “thiếu chuyên nghiệp” trong việc này.
Ông E. Macron được xem là một chính trị gia có quan điểm chính trị trung dung. Đáng chú ý, ông E. Macron cũng chưa từng là thành viên của 2 đảng truyền thống tại Pháp là đảng Xã hội và đảng “Những người Cộng hòa”. Ông E. Macron từng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp trong giai đoạn 2014 - 2016, trước khi từ chức để chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Điện Élysée. Chỉ mới 6 tháng trước, người dân Pháp còn không bao giờ nghĩ rằng ông E. Macron có thể bước vào vòng đua cuối cùng của cuộc đua tranh cử tổng thống Pháp trong khi không có sự hỗ trợ của một trong hai đảng chính trị lớn. Điều này cho thấy, chiến thắng của ông E. Macron là một chiến thắng đầy vất vả và vinh quang. Vấn đề được đặt ra bây giờ là liệu ông có được Quốc hội hậu thuẫn hay không khi mà phong trào REM của ông khó có thể giành được đa số trong Quốc hội.
Nhiệm vụ của tân Tổng thống E. Macron là phải tìm kiếm những gương mặt tài năng trong đảng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp tới, với mục tiêu có được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Pháp nhằm tạo thuận lợi cho các chính sách mới được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt khó khăn bởi khi bước vào cuộc đua giành ghế tổng thống, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế không có đảng lâu năm nào hậu thuẫn, trong lúc đảng REM của ông vẫn còn non trẻ và không có nền tảng vững chắc. Trong trường hợp hai lực lượng chính trị chính là đảng Xã hội cánh tả và đảng “Những người Cộng hòa” cánh hữu giành ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới, ông E. Macron sẽ phải thỏa hiệp để bảo đảm việc điều hành quốc gia được suôn sẻ, nếu không muốn bị “trói tay” trong các vấn đề đối nội. Do đó, ông E. Macron phải nỗ lực thu hẹp những bất đồng và tìm một giải pháp “sống chung” hợp lý nhất, qua đó chứng tỏ ông có thể đứng đầu một chính phủ “liên minh quyết tâm”, chấp nhận cả những khác biệt về mặt chính trị, để cùng tiến tới một mục đích chung như ông từng tuyên bố.
Cam kết khôi phục lòng tin của người dân
Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống, nhà lãnh đạo E. Macron tuyên bố ưu tiên lớn nhất của ông là lấy lại lòng tin của người dân. Ông nói: “Tôi sẽ thuyết phục người dân rằng sức mạnh của nước Pháp không suy yếu, mà chúng ta đang ở trong buổi bình binh của thời kỳ phục hưng bởi vì chúng ta có đầy đủ mọi năng lượng để đứng vào hàng ngũ những cường quốc lớn của thế kỷ XXI”.
Cùng với việc thu hẹp bất đồng truyền thống giữa các đảng chính trị, ông E. Macron cần tìm giải pháp nhằm hàn gắn một đất nước vốn đang chia rẽ sâu sắc. Pháp đang có nhiều hố sâu ngăn cách nội bộ khi không chỉ giới tinh hoa chính trị mà các nhóm dân cư đều đang xung đột với nhau, trong đó nổi lên là bất đồng giữa một bên ủng hộ hội nhập với một bên là những người muốn quay lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, sự giận dữ của người dân trước những vấn đề trong xã hội ngày càng rõ nét và họ ngày càng mất niềm tin vào giới chính trị. Chưa kể, dù thất bại trước ông E. Macron, việc một ứng cử viên cực hữu như bà Le Pen có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo người lao động để lọt vào vòng 2 cũng đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội. Khôi phục lòng tin của người dân đối với các thể chế hiện hành cũng như các tư tưởng chính trị chủ lưu là điều không hề đơn giản đối với ông E. Macron.
Một nền kinh tế trì trệ hiện nay cũng là bài toán khó đối với tân Tổng thống E. Macron khi nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu nhiều năm luôn tăng trưởng ảm đạm, thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10%. Con số này cao hơn cả mức trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức và Anh. Trong khi đó, nợ chính phủ đã lên tới gần mức 90%, tăng từ mức 58% tại thời điểm 10 năm trước, cùng với tăng trưởng được dự báo ở mức yếu nhất trong EU, sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng đối với tài chính công trong tương lai. Do vậy, tân Tổng thống E. Macron sẽ phải hiện thực hóa đề xuất thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm cải cách thị trường lao động theo hướng linh hoạt hơn, cũng như hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội cho dù có thể vấp phải sự phản kháng gay gắt. Tập trung vào các biện pháp xây dựng nền kinh tế Pháp, ông E. Macron hướng tới giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống còn 25%, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp. Ông chủ trương thúc đẩy quyền cũng như phúc lợi dành cho người lao động, dỡ bỏ các loại thuế phí đối với những người hưởng lương tối thiểu và dự kiến giảm hàng nghìn việc làm trong khối công chức nhà nước.
Ngoài ra, ông E. Macron sẽ phải tính đến kế hoạch đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm, đồng thời đầu tư trực tiếp 5 tỷ euro vào lĩnh vực nông nghiệp và cắt giảm 60 tỷ euro thâm hụt ngân sách như đã hứa. Bên cạnh đó là sự quan tâm cho vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học, trong đó chủ trương tuyển thêm 4.000 - 5.000 giáo viên mới và tăng trợ cấp cho các giáo viên giảng dạy ở các khu vực ưu tiên.
Liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố, một trong những vấn đề nan giải nhất đối với nước Pháp, vấn đề an ninh quốc gia sẽ là một thách thức “không hề nhỏ” đối với ông E. Macron. Trong hai năm qua, quốc gia này đã sống trong nỗi ám ảnh thường trực của hàng loạt vụ tấn công đẫm máu, như các vụ khủng bố ở các thành phố Paris, Nice, làm dấy lên tâm lý bất an và lo sợ trong xã hội. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang đặc biệt chia rẽ và dễ bị tổn thương, các đối tượng khủng bố luôn tìm cách phá hủy sự gắn kết dân tộc bằng cách làm trầm trọng thêm sự căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo và bộ phận người dân còn lại. Mặt khác, nguy cơ những công dân nhiễm tư tưởng cực đoan tìm cách thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Pháp cũng đang ngày càng gia tăng. Trước mối nguy cơ luôn đe dọa tới cuộc sống người dân và an ninh quốc gia, trong chiến dịch tranh cử, ông E. Macron đề xuất tăng cường thêm 10.000 nhân viên cảnh sát và hiến binh, bổ sung 15.000 chỗ giam giữ tội phạm trong các nhà tù. Ông E. Macron cũng cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, lập một quỹ tài trợ nghiên cứu trang bị quốc phòng chung cho cả châu Âu nhằm tăng cường liên kết trong EU.
Người dân Pháp cũng chờ đợi cách thức ông E. Macron đem lại các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Pháp, đặc biệt liên quan đến vai trò quan trọng của nước này trong EU. Chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông E. Macron đã khiến EU “quẳng được gánh lo” bởi sự lựa chọn của người dân Pháp có thể coi là “lời tuyên cáo” mạnh mẽ cho làn sóng hoành hành của chủ nghĩa dân túy cực đoan và chống toàn cầu hóa ở châu Âu. Ngay khi nhậm chức, ông E. Macron nhấn mạnh thế giới và châu Âu đang cần nước Pháp hơn bao giờ hết; đồng thời cam kết sẽ nỗ lực để xây dựng một EU hiệu quả hơn, dân chủ hơn, mang nhiều tính chính trị hơn vì EU chính là phương tiện giúp cho nước Pháp trở nên hùng mạnh.
Thời gian qua, so với nước láng giềng Đức, vai trò của Pháp bị nhìn nhận có phần lép vế hơn trong EU, một phần do sự bất cân xứng kinh tế giữa hai nước không ngừng tăng lên trong 10 năm qua. Từng là một trong những nước sáng lập EU, có ảnh hưởng lớn trong các cuộc thảo luận và được các đối tác trông chờ, ông E. Macron mong muốn Pháp tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong EU, kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, ủng hộ hội nhập kinh tế, thương mại tự do và toàn cầu hóa. Và một động thái được cho là hợp thời cuộc của tân Tổng thống Pháp E. Macron, đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Đức ngày 15-5, với mong muốn tăng cường mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu EU. Dư luận đều chờ đợi sự phối hợp Pháp - Đức dưới thời ông E. Macron sẽ khác gì so với thời cựu Tổng thống F. Hollande. Tân Tổng thống E. Macron đã chọn Đức là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Theo các nhà phân tích, đúng như những gì thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, ông E. Macron tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của EU, theo cách mà EU sẽ thúc đẩy nước Pháp và ngược lại nước Pháp cũng thúc đẩy châu Âu. Đúng như lời phát biểu trong lễ nhậm chức ngày 14-5, ông E. Macron một lần nữa nhấn mạnh, với tư cách là Tổng thống Pháp, ông muốn con tàu châu Âu hiện nay và trong tương lai có thể tiến lên.
Bằng sự năng động, nhiệt huyết và khẩu hiệu “Thay đổi”, ông E. Macron đã bước đầu chinh phục được cử tri trong cuộc đua khốc liệt vào Điện Élysée. Trên chặng đường còn nhiều chông gai sắp tới, tân Tổng thống E. Macron sẽ phải chứng minh nhiều hơn nữa với người dân Pháp rằng, họ có thể đặt lòng tin vào sự lựa chọn vị tổng thống của mình./.
Phát triển cây xóa đói, giảm nghèo ở Phú Yên  (18/05/2017)
Phát triển cây xóa đói, giảm nghèo ở Phú Yên  (18/05/2017)
Chủ tịch nước dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho các cụm công trình trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng  (17/05/2017)
Bắt đầu Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC  (17/05/2017)
Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp  (17/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên